Tuesday, 4 September 2012

"ĐÀO TẬN GỐC" DI SÀN VĂN HÓA NGÀN NĂM (Bảo Nam)





Bảo Nam
Tác giả gửi đến DienDanCTM
16:04 - 04/09/2012

Ngày 2/9 tôi được bạn bè báo chí ở Hà Nội mời ra chơi. Qua bạn bè trò chuyện mới biết Hà Nội bây giờ có nhiều chuyện buồn hơn vui, trong đó có chuyện chùa Trăm gian vừa mới “trảm” xong. Tôi đề nghị “ muốn đi thắp hương” cho di sản ngàn năm này, anh C đồng ý ngay.

Chùa trăm gian, di sản độc đáo số một ở Hà Nội nói riêng có từ thời Lý Cao Tông (1185) đã bị đào tận gốc trốc tận rễ. Lý do, thời gian đã ngót ngàn năm, dột nát, hư hỏng. Những đường nét hoa văn độc đáo của các nghệ nhân từ xa xưa chạm khắc tỷ mỷ đi qua thăng trầm của lịch sử Việt Nam giờ đã được làm mới hoàn toàn. Nhìn vào anh bạn ví “Đây là bức ký họa vụng về của chùa Trăm gian đã quá cố”. Khó ai dám nghĩ đây là chùa Trăm gian. Với kiểu quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam hiện nay có ngày tất cả các di sản quí báu của quốc gia sẽ bị biến mất, mà đời con cháu cũng không tưởng ra được nữa.

Ở Anh để bảo vệ di tích cổ Longshw các nhà khoa học đã gắn chíp phát sóng siêu nhỏ vào hàng ngàn con kiến để biết đường đi của lũ phá hoại không thể xử lý bằng pháp luật này. Đây là loài kiến to, món ăn khoái khẩu của chúng là gỗ. Chúng kéo đàn kéo lũ đến các di tích, biệt thự để sinh sống và tồn tại bằng cách phá hủy các kiến trúc. Cứu các di tích ở nước Anh quả thật kỳ công, tốn kém, nhưngđó là sự thể hiện cao, dù tốn kém cũng phải làm, làm cả cho thế hệ con cháu mai sau chiêm ngưỡng.

Ở Việt Nam (Hà Nội) chuyện phá chùa Trăm gian gần ngàn năm tuổi, cũng như nhiều chùa chiền, di sản các nơi khác bị xâm hại, đến khi tất cả đều mới trăm phần trăm, các cơ quan quản lý mới vào cuộc. Ngôi chùa Trăm gian ở nơi dân cư đông đúc, cách trụ sở xã Tiên Phương chưa đến một cây số, cách UBND huyện Chương Mỹ, thủ đô Hà Nội 4 km. Cuộc tự phát, làm mới chùa Trăm gian đã có hàng trăm ngày, tiếng búa, cưa, máy và ngổn ngang vật liệu mà các cơ quan quản lý, chính quyền không biết !? Bây giờ thì chùa trăm gian niềm tự hào của nhân dân đã “mồ yên mả đẹp”.

Cũng nên nhắc lại một tý vì sao chùa Trăm gian phải chết? Chẳng cần đến kiến hay gắn chíp thì ai cũng biết, cũng thấy cột kèo phần nhiều đã bị mục rỗng, nhiều chổ bị sệ sập xuống, phải chống chèo. Lo ngại trước mọi thảm họa có thể giáng xuống du khách, các tăng ni, phật tử kêu gọi các nơi, tu góp tiền của để xây dựng.

Tuy nhiên lòng nhiệt tình của họ, cộng với sự chậm trễ, thờ ơ của các nhà chức trách đã thành kẻ phá hoại. Vì khách quan mà nói, mấy năm trước các nhà quản lý cũng đã lập dự án trùng tu, nhưng… để đó, nên các tăng ni phật tử không thể chờ thêm được nữa khi mùa mưa lũ đến.

Mới đây, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội trả lời báo chí về dự án trùng tu chùa trăm gian vì sao không thực hiện? “ Sau đó phải chấp hành cắt giảm đầu tư công”. Thật là quá lạ việc khẩn cứu di tích vật thể có một không hai đã ngàn năm tuổi đang ngàn cân treo đầu sợi tóc lại xếp đồng hạng với “đầu tư công”. Trong lúc đó các dự án làm đường mới cả trăm, ngàn tỷ, công trình văn hóa tân thời ngổn hàng núi tiền nhưng xây rồi bỏ hoang? đặt tên đường phố là Hoàng Sa, Trường Sa…lại được đưa lên bàn nghị sự bàn bạc sốt sắng nhất. Trong lúc đó chỉ cần một hạng mục nhỏ của một công trình, hoặc dự án nào đó sẽ thừa cứu di sản chùa Trăm Gian. Điều này các quan chức đều biết, nhưng biết vẫn không làm, hoặc để từ từ là chuyện bình thường ở thủ đô Hà Nội nói riêng.

Trở lại chuyện ở nước Anh, người ta huy động kiến gắn chíp siêu vi mới tìm ra kẻ phá hoại để khắc phục, bảo tồn các di tích, di sản. Còn ở Hà Nội nói riêng, ở Việt Nam nói chung không cần phải chíp, kiến mà tất cả phơi bày ai cũng thấy. Từ chuyện điện nước, xăng dầu lãi xuất, nợ xấu, bệnh viện, thi cử. Lớn hơn là chuyện các tập đoàn kinh tế liên tiếp thua lỗ, nạn tham nhũng, biển Đông…để dân tình bức xúc, và phải gánh mọi hậu quả, đó là chưa nói đến mọi hà hiếp của các công bộc ở các địa phương đối với dân.

Xin đơn cử một chuyện mới xẩy ra ở ngoại thành Hà Nội, hai công an bị bắt giam vì đánh chết người tại trụ sở. Ngẫm ra con người còn bị ứng xử tồi tệ như thế, huống gì những di sản! Người ta “trảm “ xong rồi hết cuộc họp này đến cuộc họp khác họp bàn phải xử lý hình sự kể phá hoại. Ai là kẻ phá hoại đây!? Tại cuộc họp ngày 19/7 có các ban ngành, gồm phó chủ tịch thành phố Hà Nội, giám đốc SởVHTT&DL ông Phạm Quang Long, phó chủ tịch huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông, chủ tịch xã Tiên Phương, Vũ Văn Doãn. Sau khi phân tích mổ xẻ,mỗi ông “quan” ít nhiều nhận trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, chịu trách nhiệm đến đâu, hình sự hay dân sự thì phải chờ kết luận cuối cùng của các đoàn thanh tra.

Xin“thắp nén hương” cho chùa Trăm gian đã có ngàn năm tuổi, mong “hương hồn Cụ” phù hộ, độ trì cho các di sản vật thể nói riêng còn sót lại khỏe mạnh, không bị nghịch tắc trực tiếp và dán tiếp “xử trảm".

Bảo Nam.






No comments:

Post a Comment

View My Stats