Ngọc Lan/Người Việt
Saturday,
September 15, 2012 5:08:55 PM
Hiện
thân của Lòng Yêu Thương
Giáo
dân: “Lòng mình báo hiếu với Ðức Hồng Y”
SANTA ANA (NV) - Hơn 500 giáo dân Công Giáo có
mặt tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana, chiều Thứ Sáu, tham dự lễ giỗ
lần thứ 10 cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
Thánh
lễ do Ðức Cha Mai Thanh Lương, giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, chủ tế cùng 10
linh mục trong và ngoài giáo phận.
Chương
trình thánh lễ được cử hành trang trọng với các nghi thức dâng hương, cung
nghinh Thánh giá, cùng các bài ca ngợi Thiên Chúa.
Tiếp
xúc với phóng viên Người Việt trước giờ cử hành thánh lễ kỷ niệm 10 năm ngày
mất của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Ðức Cha Mai Thanh Lương, giám mục phụ tá
Giáo Phận Orange, chủ tế, cho biết: “10 năm là mốc điểm đặc biệt, thêm nữa, từ
năm năm nay, cuộc vận động phong Á Thánh cho ngài đang diễn ra, chưa biết sẽ đi
đến đâu, nhưng thánh lễ hôm nay là biểu hiện cho việc cộng đồng người Việt quý
mến ngài, đặc biệt là những bạn bè đã làm việc cùng ngài.”
Chia
sẻ kỷ niệm về cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Ðức Cha Mai Thanh Lương kể: “Khi ngài
vừa ra khỏi tù, sang Roma năm 1993 dự khóa tĩnh tâm dành cho các linh mục trên
thế giới, tôi gặp ngài tại đó trong 4, 5 ngày. Lần đó ngài trao cho tôi cuốn
sách ngài viết trong tù, có tên ‘Con Ðường Hy Vọng’. Giờ cuốn sách này đã được
dịch ra nhiều thứ tiếng. Cuốn sách đó không chỉ có người Việt mà những người
ngoại quốc cũng thích. Khi tôi đi họp, gặp gỡ những giám mục khác, họ cũng hỏi
về ngài, bởi họ quý tư tưởng, niềm vui và hy vọng của ngài.”
Trong
phần giảng tại thánh lễ, Ðức Cha Mai Thanh Lương cũng nhắc lại những câu chuyện
được truyền khẩu liên quan đến đức hạnh của cố Hồng Y Thuận trong thời gian
ngài bị giam cầm 13 năm trong nhà tù Cộng Sản, từ sau năm 1975, cũng như nêu ra
những lý do tại sao ngài lại được Tòa Thánh vận động phong Á Thánh.
Không
còn chỗ ngồi trong thánh đường, ông Ngô
Ðình Thu, một giáo dân thuộc cộng đoàn Saint Barbara, đứng cầu nguyện suốt
một buổi phía bên ngoài một cách thành tâm.
Ông cho biết tâm
tình của mình khi đến tham gia thánh lễ: “Tham
dự thánh lễ giỗ của Ðức Hồng Y lần thứ 10 cũng là nhân ngày kính Thánh Giá,
ngày khổ nạn của Chúa Giê-su, những sự đau khổ của Ðức Hồng Y biểu hiện cho sự
đau khổ của Chúa Giê-su đã vượt qua để mang lại hoa trái hồng ân cho đất nước
Việt Nam.”
“Tôi cầu xin Ðức Mẹ
Maria thương cho đất nước Việt, ban cho đất nước Việt Nam một hồng y là thánh
để mang lại hoa trái hòa bình cho quê hương Việt Nam chúng ta.”
“Tôi có dịp gặp ngài
năm 2000 ở Missouri, tôi vẫn nhớ lời ngài kêu gọi chúng tôi: ‘Hãy vui lên, đừng
sợ, lúc nào cũng hãy luôn vui cười, nở một nụ cười trên môi vì hãy tin vào Ðức
Mẹ Maria và Ðức Chúa Giê-su sẽ mang lại cho dân tộc Việt Nam một ngày an bình
thịnh vượng, và nhất là cho tôn giáo được tự do trên quê hương.” Ông Thu kể.
Trong khi đó, bà
Phạm Thanh Tâm, giáo dân thuộc cộng đoàn Huntington Beach, là người theo làm
các công việc giúp Ðức Hồng Y từ lúc còn sống cho tới bây giờ, nói bằng sự xúc
động: “Mới đây mà thấm thoát 10 năm rồi. Tôi nhớ tới Ðức Hồng Y và cũng cảm
động khi thấy trời nóng như thế này mà có rất nhiều người tới đây tham dự thánh
lễ cầu nguyện cho ngài. Xin Chúa mau sớm cho ngài được phong chân phước, để mọi
người ai nấy cũng đều vui mừng cho giáo hội Việt Nam mình có một vị thánh để
con cháu giáo hội noi theo.”
Bà Tâm nhớ lại điều
xảy ra vào ngày mất của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận: “Trước khi mất, ngài có tặng tôi cuốn sách
‘Ðường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa’. Tự dưng ngày đó nghe tin ngài mất, tôi
gọi qua Roma thì Ðức Ông Hiền nói là ‘đừng khóc, đừng khóc, tiếp tục cầu
nguyện!’ Thế là tôi mở cuốn sách ngài tặng, trong đó có nói ‘Ðây là lời trăn
trối của Cha, các con hãy điền vào những thiếu sót’. Từ đó tôi tiếp tục dấn
thân làm hết sức mình cho Chúa, giống như lòng mình báo hiếu đối với Ðức Hồng Y
đã suốt cuộc đời hy sinh cho Chúa, cho giáo hội.”
“Xin tất cả các giáo
dân cùng tham gia cầu nguyện cho ngài để ngài được vinh hiển trên bàn thờ theo
Thánh ý Chúa.”
Bà Tâm kêu gọi.
Luật Sư Nguyễn Ðình
Khương,
chủ tịch Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam miền Tây Nam Hoa Kỳ, chia sẻ: “Tôi được gặp ngài nhiều lần, từ lúc còn ở
Việt Nam đến khi qua Mỹ. Ðức cố Hồng Y là một người hiền lành và qua bao nhiêu
lần được tiếp xúc với ngài, muốn xem ngài có một sự tức giận gì hay hằn thù gì
với những người từng giam giữ ngài không thì tuyệt đối không bao giờ thấy ngài
để lộ những gì như là ngài không hài lòng. Có lẽ ngài tha thứ cho tất cả. Ðó là
điểm rất đặc biệt ở ngài.”
Luật
Sư Khương cũng rất “hy vọng một ngày gần đây Ðức Hồng Y được phong Hiển Thánh”.
Sau
thánh lễ, mọi người đến nhà hàng Seafood Palace, Westminster, để dự buổi tiệc
gây quỹ vận động phong Chân Phước cho vị cố Hồng Y.
***
Hồng
Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh tại Phủ Cam, Huế ngày 17 tháng 4 năm 1928.
Ngài là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em. Thân phụ là ông Nguyễn Văn
Ấm, mẹ là bà Ngô Ðình Thị Hiệp, em ruột của Giám Mục Ngô Ðình Thục và Tổng
Thống Ngô Ðình Diệm.
Ngài
theo học tại Tiểu Chủng Viện An Ninh, Quảng Trị và Ðại Chủng Viện Kim Long,
Huế. Ngày 11 tháng 6 năm 1953, ngài được thụ phong linh mục và ngay sau đó được
bổ nhiệm làm cha phó xứ tại họ đạo Phanxicô.
Năm
1960, ngài được cử làm giám giốc (Bề trên) Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, Huế, sau
khi đậu bằng tiến sĩ giáo luật tại Ðại Học Urban, Roma. Từ năm 1963 đến năm
1967 ông còn đảm nhận chức vụ tổng đại diện Giáo Phận Huế.
Tháng
6 năm 1967, ngài được tấn phong giám mục tại Huế, và nhậm chức giám mục chính
tòa Giáo Phận Nha Trang.
Ngày
23 tháng 4 năm 1975, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm tổng giám mục hiệu tòa
Vadesi, tổng giám mục phó Tổng Giáo Phận Sài Gòn với quyền kế vị. Ngài đến Sài Gòn ngày 7 tháng 5
năm 1975 để nhận nhiệm vụ mới, nhưng không được chính quyền tạm thời lúc bấy
giờ chấp nhận. Ngài bị bắt bỏ tù 13 năm.
Ngài
đến Roma tháng 4, 1990 để điều trị bệnh, và trong thời gian này, nhà nước Việt
Nam tuyên bố không cho ngài trở lại Việt Nam nữa. Tại Roma, ngài được mời làm
thành viên Ủy Ban Quốc Tế về Di Trú và Di Dân.
Năm
1994, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm phó chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý
và Hòa Bình.
Năm
1998, ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa
Bình, thay thế Hồng Y Y. R. Etchegaray nghỉ hưu.
Ngày
21 tháng 1 năm 2001, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn ngài vào
Hồng Y Ðoàn, tước hiệu Hồng Y nhà thờ Santa Maria della Scala.
Thời
gian này, dư luận Công Giáo trên thế giới đặc biệt chú ý đến ngài. Trong số
phát hành ngày 21 tháng 2 năm 2001, nhật báo The Los Angeles Times có bài với
nhan đề “The Men Who Would Be Pope?” (Người có thể lên ngôi Giáo Hoàng?) đã dự
đoán danh sách 14 vị hồng y có nhiều khả năng kế vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,
trong đó có cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
Ngày
16 tháng 9 năm 2002, ngài qua đời tại Roma do bệnh ung thư ruột.
Ðức
Cha Mai Thanh Lương (giữa), giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, chủ tế cùng 10
linh mục trong và ngoài giáo phận tham dự thánh lễ giỗ 10 năm ngày mất của cố
Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Ngày
17 tháng 9 năm 2007, Giáo Hội Công Giáo Roma bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho
việc tuyên phong chân phước và phong thánh cho ngài. Ðây cũng là lần đầu tiên
có một người Việt Nam được khởi sự án phong chân phước mà không phải là Thánh
tử đạo.
Cố
Hồng Y Thuận đã viết nhiều tác phẩm rao giảng tín lý Công Giáo. Khi ở trong tù,
ngài viết lại những cảm nghiệm trong đời sống tâm linh ở mặt sau những tờ lịch
cũ.
Ngài
đã du hành tới nhiều quốc gia, giảng thuyết tín lý Công Giáo qua các trải
nghiệm của mình, đặc biệt sự lạc quan, yêu thương đồng loại ngay cả những ngày
tù tội. Một câu nói của ngài với những kẻ bỏ tù ngài được kể lại là: “Cho dù
các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Ki Tô đã dạy tôi phải
yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi
không đáng được gọi là Kitô hữu.”
____
Liên
lạc tác giả: Ngọc Lan Lanntn72@yahoo.com
No comments:
Post a Comment