Monday, 11 June 2012

TẠI SAO MỸ VẪN LƯỠNG LỰ UNCLOS ? (Vũ Thành Công - Nguyễn Thế Phương - Nguyễn Chính Tâm)




Vũ Thành Công - Nguyễn Thế Phương   (Thanh Niên Online)
05/06/2012 3:00

Sự chống đối quyết liệt từ phe bảo thủ khiến Washington vẫn chưa thể tham gia Công ước LHQ về luật Biển.

Ngày 23.5, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ khởi động phiên điều trần mới nhất về vấn đề liệu nước này có nên tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Vốn dĩ, UNCLOS được hình thành để tạo ra khuôn khổ pháp lý cần thiết cho các quốc gia nhằm ứng xử hiệu quả đối với nhiều vấn đề liên quan đến biển. Công ước này đồng thời cũng tạo ra rất nhiều cơ chế phục vụ cho việc giải quyết các tranh chấp và quản lý nguồn tài nguyên biển. Trong khi giới ngoại giao, quân sự và nhiều công ty lớn của Mỹ thúc giục quốc hội thông qua UNCLOS thì một số nhóm khác lại phản đối. Cụ thể hơn, lực lượng bảo thủ, vốn có xu hướng ủng hộ đường lối hoặc là thành viên đảng Cộng hòa, đã chống đối quyết liệt.
Những người bảo thủ ủng hộ các giá trị truyền thống, chính phủ gọn nhẹ, mức thuế thấp, giảm thiểu quy tắc ứng xử trong luật pháp và xã hội, hướng đến tự do kinh doanh. Về đối ngoại, họ ủng hộ việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ ra toàn cầu, xây dựng một nền quốc phòng mạnh mẽ với một lực lượng quân sự đông đảo cộng với chính sách đối ngoại cứng rắn. Có thể nhận ra rằng hầu hết các lập luận chống lại UNCLOS đều dựa trên những nền tảng tư tưởng như trên. Quan điểm của những người phản đối dựa trên cơ sở của những lập luận khá vững chắc mà đáng chú ý nhất là niềm tin vào sức mạnh nước Mỹ, mất tự do hàng hải, ảnh hưởng tới bảo mật quân sự và kinh tế.


Trong hai lần được trình trước quốc hội vào năm 1994 dưới thời Tổng thống Bill Clinton và năm 2007 dưới thời Tổng thống George W.Bush, UNCLOS đều bị ngăn chặn bởi những nhân vật bảo thủ có ảnh hưởng lớn. Vào phiên điều trần ngày 23.5, 2 nhân vật lên tiếng chống đối UNCLOS mạnh mẽ nhất là 2 thượng nghị sĩ Jim DeMint và James Inhofe cùng thuộc đảng Cộng hòa. Trong thượng viện Mỹ, đây là 2 nhân vật bảo thủ hàng đầu. Ngoài ra, một số chính trị gia và học giả khác có cùng quan điểm bảo thủ cũng cực lực phản đối UNCLOS.

Lý lẽ của phe bảo thủ
Lập luận của phe chống đối hầu hết đều dựa vào những quy tắc của chủ nghĩa quốc gia bảo thủ. Theo thượng nghị sĩ DeMint, đại diện phe phản đối, Mỹ đã là một cường quốc biển, hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới và có quyền tự do hàng hải từ lâu đời. Tương tự, trang Heritage.org dẫn lời học giả Steven Groves thuộc Quỹ Heritage Foundation lập luận rằng Washington đang sở hữu “lực lượng hải quân tốt nhất mà thế giới từng chứng kiến”. Vì thế, ông Groves khẳng định Mỹ đủ sức đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển mà chẳng bị ràng buộc bởi bất cứ công ước, cơ quan hay tổ chức nào.
Theo chuyên trang quân sự Globalfirepower, chỉ tính riêng lực lượng tàu sân bay thì Mỹ có 11 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân và độ choán nước đều trên 90.000 tấn. Trong khi đó, 9 nước còn lại sở hữu tàu sân bay trên thế giới chỉ có tổng cộng 11 chiếc và tất cả đều có độ choán nước dưới 70.000 tấn. Ngoài ra, Mỹ có tổng cộng 2.384 tàu hải quân các loại và 18.234 máy bay, còn lực lượng hải quân thứ hai thế giới là Trung Quốc chỉ có 972 tàu hải quân và 5.176 máy bay, chưa kể mức độ hiện đại. Vì vậy, học giả Groves cho rằng nước Mỹ vẫn duy trì và bảo vệ được những lợi ích hàng hải từ trước khi UNCLOS ra đời nên Washington chẳng cần tham gia công ước này. Trang Heritage.org dẫn lời ông khẳng định quyền tự do hàng hải mà Mỹ có được là nhờ sự kết hợp giữa những nguyên tắc hợp pháp lâu đời và sự hiện diện liên tục của hải quân.
Thậm chí, phe phản đối còn cho rằng nước này sẽ tự hạn chế quyền tự do hàng hải nếu tham gia UNCLOS. Theo đó, Mỹ hiện nay có thể di chuyển đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới (trừ vùng nội thủy của các nước khác) và vẫn có “quyền đi lại không gây hại” ở vùng lãnh hải của bất cứ quốc gia nào. Thế nhưng, nếu tham gia UNCLOS, Washington sẽ phải xin phép để được đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EZZ) của các nước khác. Đây là việc mà một siêu cường như Mỹ khó có thể chấp nhận. Ngoài ra, điều này còn dẫn tới hậu quả Washington bị hạn chế khi duy trì lực lượng răn đe trên biển hay thực hiện biện pháp ngoại giao “đu đưa bên miệng hố chiến tranh” như từng điều tàu đến eo biển Hormuz hồi đầu năm 2012.
Hơn thế nữa, bảo mật quân sự của Mỹ cũng bị ảnh hưởng khi tham gia UNCLOS vì Washington phải chia sẻ thông tin tình báo, quân sự trên biển với Cơ quan Quản lý lòng biển quốc tế (ISA) nếu được yêu cầu. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ phải thông báo và xin phép ISA khi đi qua các eo biển quốc tế. Chỉ riêng việc một tổ chức không phải của Mỹ có quyền yêu cầu Mỹ báo cáo các thông tin hàng hải, quân sự đã là một sự “sỉ nhục”. Xa hơn, việc ISA có quyền cho phép và thu thuế với các doanh nghiệp Mỹ thực hiện những hoạt động trên biển cũng sẽ là điều không thể chấp nhận.
Vì thế, lập luận xuyên suốt của phe bảo thủ là nước mạnh thì không cần luật. Và theo họ, Mỹ thể hiện đầy đủ tiêu chí là nước mạnh nhất toàn cầu. (Còn tiếp)

Vũ Thành Công - Nguyễn Thế Phương
*
*

Nguyễn Chính Tâm   (Thanh Niên Online)
06/06/2012 3:10

Dù thiên thời và địa lợi đã có, nhưng Mỹ cần phải đạt được “nhân hòa” trong nội bộ nước này thì mới có thể tham gia UNCLOS.
Sau hai lần bị phủ quyết trước quốc hội vào năm 1994 và 1997, việc gia nhập Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 chưa bao giờ được nhiều thành phần tại Mỹ ủng hộ như hiện nay. Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cùng một số công ty lớn tại Mỹ đều đã lên tiếng hậu thuẫn. Đặc biệt, các công ty năng lượng Mỹ nhiệt tình ủng hộ Washington gia nhập UNCLOS. Tuy nhiên, nếu đặt góc nhìn về biển Đông, việc vượt sự ngăn cản của phe bảo thủ cần đảm bảo các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa.

Sợ sức mạnh
Xét tổng thể, bất cứ nước nào liên can đến lợi ích trên biển Đông - dù trực tiếp hay gián tiếp - đều xoay vòng giữa hai xu thế: sức mạnh và từ chối sức mạnh. Thông thường, các cường quốc có xu hướng ỷ vào sức mạnh. Ngược lại, các nước nhỏ ưu tiên viện dẫn nguyên tắc pháp lý quốc tế. Bất đối xứng về sức mạnh dẫn đến bất đối xứng về hành vi. Tuy vậy, những gì diễn ra trên biển Đông lại không hoàn toàn tuân theo nguyên tắc trên. Trỗi dậy nhưng chưa phải vô địch, Trung Quốc đã trải qua nhiều năm theo đuổi chính sách “ẩn mình chờ thời” do nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề ra.
Trong khi đó, mặc dù là cường quốc mạnh nhất nhì thế giới nhưng hiện tại đã qua thời Chiến tranh lạnh nên Mỹ cũng lựa chọn chính sách duy trì. Nhất là khi quyền lợi trực tiếp của Washington tại biển Đông không tập trung vào tranh chấp chủ quyền. Washington san sẻ quyền lợi tự do hàng hải, giữ trách nhiệm bảo vệ đồng minh nhằm tái khẳng định “trật tự Mỹ” tại châu Á - Thái Bình Dương, vốn được hình thành sau Thế chiến 2. Sự dính líu của Mỹ vào biển Đông vừa là định mệnh mà cũng vừa là lựa chọn bắt buộc.
Như vậy, cả hai đều mạnh nhưng cũng đều sợ sức mạnh. Trung Quốc có thời kỳ “trỗi dậy hòa bình” ngoạn mục trong hơn 1 thập niên qua kể từ năm 1997, nước này chấp nhận giới hạn sức mạnh và theo đuổi con đường “thể chế”. Biển Đông có thời gian tạm ổn định khi vòng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) bắt đầu và kết thúc bằng Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002.


Mỹ được công nhận là siêu cường lãnh đạo, không phải do sự vượt trội về số lượng khí tài trên biển mà còn nhờ vào nỗ lực xây dựng trật tự thế giới theo một khung hành động theo pháp lý. Thế nhưng, trong cuộc chiến Iraq, Mỹ đơn phương từ chối các thể chế do chính nước này đề ra. Vì vậy, phong trào phản kháng Mỹ dưới trào Tổng thống George W.Bush trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tương tự, Trung Quốc bị khủng hoảng về vị trí và hình ảnh “phát triển hài hòa” vì Bắc Kinh có những động thái hung hãn trên biển Đông. Theo đó, Mỹ lẫn Trung Quốc đều gặp chung một tình trạng: sự tràn thừa xu hướng sức mạnh.

Kiềng 3 chân
Sợ sức mạnh thì “thể chế” là giải pháp. Các cường quốc sẽ đạt được 3 điểm có lợi khi tự giới hạn hành động vào khuôn phép. Một là vẫn giữ được vị trí ưu tiên trong thể chế giúp đảm bảo quyền lợi tối thiểu trong trường hợp sức mạnh bị suy giảm. Hai là việc lạm dụng sức mạnh kéo theo nhiều tốn kém. Cuối cùng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch bao đời nay: “Danh có chính thì ngôn mới thuận”. Luật và thể chế giúp các nước lớn theo đuổi quyền lợi của mình bằng con đường chính danh thông qua những cam kết đồng thuận giữa các bên.
Đối với Washington, thời của “thể chế” trên biển Đông bắt đầu bằng việc định nghĩa lại lợi ích của Mỹ trên đại dương, cụ thể nhất qua việc phê chuẩn UNCLOS. Trong bối cảnh cắt giảm chi phí quân sự và tái bố trí lực lượng, công ước trên sẽ giúp Mỹ tạo nền tảng pháp lý vững chắc để thực thi chính sách “chuyển dịch trọng tâm chiến lược” sang châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, sự vượt trội về lực lượng quân sự và đồng minh của Mỹ tại khu vực này đều có xu hướng thay đổi khi Trung Quốc trỗi dậy. Vì thế, “liên minh pháp lý” đóng vai trò bàn đạp thứ ba của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Điều này giúp Mỹ tham gia trực tiếp hơn tại biển Đông và không bị định kiến lạm dụng sức mạnh. Nói như ông Panetta thì: “Mạnh vì chơi theo luật chứ không phải chống lại luật”. Nhờ đó, Mỹ có thể hiện diện và khẳng định vai trò một cách chính danh hơn, khác với hình ảnh một cường quốc đang trỗi dậy nhưng thiếu sự công nhận từ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến việc Mỹ tham gia UNCLOS lại phụ thuộc vào nội bộ nước này. Đặc biệt, đây là giai đoạn khá nhạy cảm khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào cuối năm nay. Hiện tại, những xu hướng chính trị cực tả hay cực hữu không thể nào vận động được hết đa số nên các ứng viên tổng thống Mỹ sẽ tìm cách dung hòa để mở rộng lực lượng ủng hộ. Giữa bối cảnh như thế, các đề tài gây tranh cãi như UNCLOS nhiều khả năng bị đem ra “đổi chác” trong quốc nội. Theo đó, rất khó để đoán định việc Mỹ có tham gia UNCLOS trong lần này hay không. Kết quả còn chờ vào yếu tố nhân hòa dù thiên thời và địa lợi đã có đủ.

Nguyễn Chính Tâm





No comments:

Post a Comment

View My Stats