Saturday, 2 June 2012

ẤN ĐỘ TÁI NGỘ MIẾN ĐIỆN (Hùng Tâm / Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, May 30, 2012 4:17:18 PM

LTS - Thời sự dồn dập hàng ngày trên cả địa cầu có thể giúp chúng ta biết được là chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hiểu được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau này sẽ ra sao... Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết mục và lưu trữ trên trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham khảo. Ðó là mục “Hồ Sơ Người-Việt,” xuất hiện Thứ Năm mỗi tuần, với nội dung trình bày khung cảnh khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một số dự báo về tương lai hầu độc giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả...

Hùng Tâm/Người Việt
-----------------------------------------

Sau “Hồ Sơ Người-Việt” kỳ trước về vị trí của Miến Ðiện (“Miến Ðiện và tương lai Ðông Nam Á”), tuần này, xin nói về nước láng giềng Ấn Ðộ trong quan hệ với quốc gia đang mở ra một thời đại mới.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (trái) và Tổng thống Miến Điện Thein Sein (Hình: STR/AFP/GettyImages)

Thời sự cho biết rằng Thủ Tướng Ấn Ðộ Manmohan Singh đã thăm Miến Ðiện từ 27 đến 29 tháng 5 với một phái đoàn kinh tế hùng hậu. Ông là thủ tướng Ấn đầu tiên đặt chân lên xứ Miến từ 25 năm qua. Hồ Sơ Người-Việt muốn đi xa hơn một tí để nói riêng về ông thủ tướng này.

Sau Thủ Tướng Jawaharlal Nehru, Manmohan Singh là người duy nhất làm thủ tướng Ấn lần thứ nhì sau một nhiệm kỳ 5 năm, từ 2004 đến 2009. Theo đảng Quốc Ðại (National Congress Party) từ đầu, ông cũng là người đầu tiên kéo đảng này ra khỏi xu hướng bao cấp truyền thống của tả phái Ấn Ðộ và nổi tiếng là tổng trưởng Tài Chánh có tài, một lãnh tụ có tinh thần thực tiễn.
Nhưng đáng chú ý nhất là ở cái họ Singh, đọc như chữ Xinh, và cái khăn vấn đầu để che mái tóc rất dài ở trong.

Ða văn, đa chủng và đa nguyên

Gốc tiếng Phạn, Singh có nghĩa là sư tử. Tên gọi như vậy xuất hiện khá lâu, từ thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch và phổ biến khắp vùng Nam Á qua đến Ðông Nam Á. Như Singapore là “Sư tử thành,” dân Sinhala hay người Sinhalese tại xứ Tích Lan nay gọi là Sri Lanka cũng do xuất xứ đó. Một loại bia nổi tiếng của Thái Lan là bia Singha.

Ðây cũng là tên quý phái của một cộng đồng sắc tộc nổi tiếng uyên bác, có lẽ đấy là lý do của sự phổ biến này từ đất Punjab của Ấn Ðộ ra khắp thế giới. Lấy chữ Singh làm họ là những người theo đạo Sikh (Sikhism), một tôn giáo khác với Ấn Giáo, Hồi Giáo hay Phật Giáo. Nét chung là họ không cắt mà vấn tóc, có tư tưởng cởi mở và quý trọng công lý, theo một tôn giáo độc thần, chỉ có một Thượng đế duy nhất.

Mấy chi tiết ngoài lề ấy cũng có nghĩa Manmohan Signh không thuộc sắc tộc Ấn Ðộ hoặc theo Ấn Ðộ Giáo.

Sinh năm 1932 tại vùng đất nay là Pakistan, mà ông vẫn lên tới vị trí chính trị cao nhất Ấn Ðộ với tư tưởng cải cách khác hẳn chủ trương cố hữu của cái đảng đã có thời coi xã hội chủ nghĩa là lý tưởng! Ðiều đáng lưu ý mà thời sự có khi bỏ qua: Ấn Ðộ là xứ đa văn, đa chủng và đa nguyên, cũng là nước dân chủ lớn nhất địa cầu với dân số hơn một tỷ 200 triệu người. Hơi khác Trung Quốc.

Tại Miến Ðiện, sau khi gặp vị nữ lưu lãnh đạo Liên Ðoàn Dân Chủ, thủ tướng Ấn có lời phát biểu xứng tài lãnh đạo: “Tôi thành thật mong rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ giữ một vai trò quyết định trong tiến trình hòa giải quốc gia mà Tổng Thống Thein Sein đã thi hành.” Ngợi ca lãnh tụ dân chủ, nhưng không quên chủ nhà và người mở cửa cho tiến trình chuyển hóa...

Bây giờ mới mở hồ sơ...

Ðịa lý chính trị Ấn Ðộ

Lãnh thổ Ấn Ðộ là một bán đảo tam giác tại Nam Á có ba góc, Bắc là núi, Tây và Ðông là biển.
Biên giới hướng Bắc là những rặng núi nổi lên từ Biển Á Rập qua tỉnh Baluchistan ngày nay của Pakistan nối với Hy Mã Lạp Sơn qua hai nước Nepal và Bhutan đến tận Miến Ðiện. Ở hướng Nam là Ấn Ðộ Dương, giữa Biển Á Rập phía Tây và Vịnh Bengal phía Ðông. Từ di sản của Ðế quốc Anh, lãnh thổ Ấn Ðộ còn một deo đất rộng lớn phía Ðông Bắc, nằm kẹt giữa Bangladesh và Miến Ðiện. Phía bên kia là lãnh thổ Trung Quốc.

Tiểu lục địa Ấn Ðộ là một tam giác bị vây, từ Afghanistan đến Miến Ðiện. Muốn đi lên thì phải vượt núi, muốn tiến ra thì phải qua biển. Ðịa lý thì vậy, địa lý chính trị còn khe khắt hơn.

Nền văn minh Ấn Ðộ xuất phát từ lưu vực phì nhiêu của sông Hằng, hay sông Ganges, phát nguyên từ Cao nguyên Tây Tạng dưới chân Hy Mã Lập Sơn (tên gọi là sông Hằng do phiên âm Hán-Việt từ Phật Giáo của chúng ta). Ðịa lý chính trị của Ấn Ðộ đưa tới chiến lược của mọi thế hệ lãnh đạo là phải bảo vệ được trung tâm trên lưu vực sông Hằng rồi kiểm soát cả tiểu lục địa, từ núi rừng Afghanistan xuống Ấn Ðộ Dương, từ Hy Mã Lạp Sơn qua biên giới Miến Ðiện.

Nơi xa xôi hẻo lánh nhất chính các tiểu bang Ðông Bắc, phía Tây Bắc Miến Ðiện. Ðó là những bang bị kẹt trong đất liền (landlocked).

Chiến lược Ấn Ðộ chi phối ngoại giao của xứ này: có quan hệ chặt chẽ với các nước vây quanh như Nepal, Bhutan, Sri Lanka và Miến Ðiện, là nước tiếp giáp với biên giới rất xốp của Ấn vì không bị núi ngăn thì cũng là rừng nhiệt đớp rậm rạp trên đồi cao. Sau này, quan hệ ngoại giao ấy còn thêm kích thước kinh tế: các quốc gia đó có tài nguyên khoáng sản cần thiết cho nền công nghiệp Ấn Ðộ.

Tám bang Ðông Bắc

Riêng với Miến Ðiện, Ấn Ðộ còn có một nhu cầu sinh tử hơn nữa cho sự thống nhất quốc gia.
Ðó là tìm ngả thông thương để phát triển tám tiểu bang bị khóa trên vùng Ðông Bắc, là Assam, Arunachal Pradesh, Nagaland, Manipur, Mizoram, Tripura, Meghalaya và Sikkim. Trong khu vực này, Trung Quốc là vấn đề vì đòi chủ quyền trên tiểu bang Arunachal Pradesh và đôi bên đã có đụng độ quân sự tại đây vào năm 1962.

Nhưng kinh tế và chính trị cũng là vấn đề.
Nếu dùng đường bộ để tiếp vận và hội nhập vào lãnh thổ Ấn thì tốn kém và rủi ro khi phải qua hiểm lộ Siliguri, một deo đất hẹp chỉ có 50 cây số nằm giữa bang Tây Bengal của Ấn với xứ Bangladesh. Nếu dùng đường biển từ Vịnh Bengal lên thì phải có hải cảng. Miến Ðiện là giải pháp, nhất là biên giới giữa hai nước là những ngọn đồi khó kiểm soát, khu vực sinh hoạt của dân thiểu số Miến Ðiện. Bảo vệ biên giới trong rừng là gây tốn kém cho các tiểu bang tiếp giáp là Nagaland, Manipur, Mizoram và Tripura.

Miến càng là giải pháp cần thiết khi mà nỗ lực phát triển các dự án xây dựng hạ tầng vận chuyển và ống dẫn dầu với Bangladesh lại tiến rất chậm, trước sự hoài nghi, miễn cưỡng và tham ô của xứ này. Nếu muốn ổn định và phát triển vùng Ðông Bắc, Ấn Ðộ cần hợp tác với Miến Ðiện. Nhất là khi sự hợp tác đó có thể là lực đối trọng trước đà bành trướng của Trung Quốc.

Một lợi thế không nhỏ là Miến Ðiện hiện có hai ba triệu người gốc Ấn, tổ tiên đã từng lập nghiệp nơi đây từ hơn trăm năm trước. Họ rất thông thạo việc kinh doanh.

Các dự án Ấn Ðộ tại Miến Ðiện

Năm 2006, chế độ quân phiệt Miến đã dời kinh đô từ Yangon lên Naypyidaw (đọc là nơi-pgi-đo) nằm giữa rừng già đến nay vẫn chưa xây dựng xong. Khi đến Naypyidaw hôm 27 vừa rồi, Thủ Tướng Manmohan Singh đề nghị mở rộng việc hợp tác với Miến Ðiện và tái khẳng định quyết tâm của Ấn là xúc tiến hàng loạt dự án xây dựng. Như hai dự án thủy điện Tamanthi và Shezaye, hoặc dự án dầu thô và khí đốt Shwe hiện đang được các doanh nghiệp Ấn Ðộ điều hành.

Quan trọng nhất trong số này là dự án Vận chuyển Ða năng Kaladan (Kaladan Multi-Modal Transport, truyền thông và giới kinh tế hay viết tắt là KMMT).
Khởi công từ năm 2010, dự án KMMT có mục tiêu nối liền hải cảng Kolkata (xưa gọi là Calcuta), thủ phủ của bang Tây Bengal, với hải cảng Sittwe của Miến và các thị trấn xa xôi của Ấn tại Mizoram. Khi hoàn tất, dự án này liên kết Kolkata và Sittwee với cảng Chittagong của Bengladesh. Mà tên gọi là Ða năng vì gồm năng lượng và vận tải, cả hàng hải lẫn lộ vận.

Việc thực hiện dự án KMMT phải qua ba giai đoạn: vét bùn và tân trang hải cảng Sittwe của Miến, một mấu chốt cho việc khai thác các giếng dầu và khí đốt Shwe ở gần đó; vét bùn để khai thông sông Kalamantan hầu các giang thuyền lớn hơn có thể vào đến Paletwa của Miến; và xây xa lộ nối liền Paletwa với tiểu bang Mizoram.
Tham vọng của dự án là đưa hàng hóa Ấn Ðộ từ các hải cảng miền Ðông, lớn nhất là Kolkata, tiếp vận các tỉnh Ðông Bắc với phí tổn thấp hơn là dùng hiểm lộ Siliguri quá hẹp qua một lộ trình quá dài. Song song, dự án cũng phát triển khả năng thương mại của Miến Ðiện, bán dầu khí và mua hàng tiêu dùng của Ấn. Cho đến nay, dự án tiến hành khá chậm và tốn kém hơn trù tính.

Khi thăm Miến Ðiện, thủ tướng Ấn muốn khai thông các trở ngại kỹ thuật hay tài chánh giữa hai nước để hoàn tất những dự án này hầu có thể thực hiện nhiều dự án khác.

Một kinh nghiệm của Ấn lại ít được thời sự nhắc tới, đó là trung tâm dầu khí Shwe.
Nằm trên Vịnh Bengal, Shwe là giếng dầu và khí đốt lớn nhất của Miến. Một công ty quốc doanh Ấn đã trúng thầu và đầu tư vào hai giếng đào dầu, nhưng lại hụt mất hợp đồng khai thác khí đốt để lập ống dẫn khí từ Miến Ðiện qua Bangladesh về Ấn Ðộ. Ống dẫn khí này sẽ là keo sơn giữa ba nước và giúp cho việc canh tân các tiểu bang Ðông Bắc.
Sau khi Ấn Ðộ thất bại, Trung Quốc bắt ngay được quyền mua khí đốt và lập ống dẫn khí từ trung tâm Shwe về Vân Nam.

Năng lượng và an ninh

Ấn Ðộ có nhu cầu đạt mức tăng trưởng kinh tế có dân số rất đông, bên trong là nhu cầu mở rộng khả năng lưu thông và phân phối cho các tiểu bang một cách đồng đều hầu hội nhập lãnh thổ vào một quần thể thống nhất. Là một nước đa chủng tộc, đa văn hóa, có những cộng đồng khác biệt cùng sống chung trong một chế độ dân chủ, lại bị nhiều sức ly tâm văn hóa và tôn giáo từ các nước vây quanh, nhất là Pakistan, lãnh đạo Ấn phải giải quyết một lúc các mục tiêu kinh tế, chính trị và an ninh.

Xét như vậy, bài toán của Ấn Ðộ thật ra cũng khó khăn y như bài toán của Trung Quốc, nhưng chính quyền New Dehli giải quyết theo phương pháp dân chủ và hòa bình.

Nếu Trung Quốc nhìn vào Miến Ðiện với tính toán chiến lược là năng lượng và giao thông để giải tỏa các tỉnh bị khóa bên trong như Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam, thì Ấn Ðộ cũng coi Miến Ðiện là vùng chiến lược của mình. Huống hồ, từ Miến Ðiện, cả hai nước đều có tham vọng nối liền luồng giao lưu giữa Biển Á Rập, Ấn Ðộ Dương, Vịnh Bengal với Thái Bình Dương.

Trung Quốc muốn thực hiện việc đó vì yêu cầu kinh tế của mình và cũng vì muốn bao vây Ấn Ðộ. Khó tấn công xứ này qua rừng núi hiểm trở phía Bắc dưới chân Hy Mã Lạp Sơn thì mở ra vòng đai các xa lộ và hải cảng từ Pakistan qua Kashmir đến Miến Ðiện. Lãnh đạo Ấn cũng có kế hoạch người ta gọi là “chuỗi hạt,” nối liền từng hạt trân châu, hay mắt xích, để ngăn ngừa sự phong toả hoặc bành trướng của Trung Quốc.

Miến Ðiện là một hạt trân châu hay một mắt xích của cả hai cường quốc đông dân nhất Á châu, ở sát đỉnh cao Hy Mã Lạp Sơn và biển sâu là Ấn Ðộ Dương. Lãnh đạo Miến Ðiện có hiểu ra chuyện này và không muốn gá nghĩa với một bên.

Khi tiến hành dân chủ hóa, các tướng lãnh ở đằng sau chính quyền Thein Sein cũng nghĩ đến sự hợp tác của các cường quốc dân chủ, như Ấn Ðộ, Nhật Bản và nhất là Hoa Kỳ, để khỏi bị Trung Quốc độc quyền chi phối. Khi phát huy dân chủ, bà Aung San Suu Kyi cũng chẳng quên nhu cầu an ninh và hội nhập của Miến Ðiện.

Trong khung cảnh đó, khi nghe nói đến dự án này hay xa lộ nọ, thì mình nên suy rộng ra những tính toán chiến lược của các quốc gia liên hệ. Ngoài chuyện kinh doanh lời lỗ còn có những phí tổn chính trị và an ninh ở cấp chiến lược.

Hồ Sơ Người-Việt không có chủ đích “bình luận” nhưng vẫn thường phải kết luận về hậu quả lâu dài.
Kết luận ở đây là ta thiếu dữ kiện để thẩm xét giá trị của các loại dự án mà Trung Quốc đang tiến hành tại Việt Nam. Nổi bật nhất là các dự án bauxite ở một khu vực chiến lược của địa lý Việt Nam. Ngoài yếu tố kinh tế, môi sinh còn có chuyện an ninh sinh tử của quốc gia. Vì sao chúng ta lại thiếu dữ kiện? Ðấy là vấn đề.

Nhìn ra ngoài, khi thấy nhu cầu tương đồng mà lại tương phản của Trung Quốc và Ấn Ðộ, tại Pakistan hay tại Miến Ðiện, chúng ta nên nghĩ đến vị trí của nước Lào, tiếp giáp với Việt Nam, Trung Quốc và Miến Ðiện. Cũng là một hạt trân châu hay một mắt xích. Lãnh đạo Việt Nam có thấy ra điều ấy chưa? Hay mới chỉ nghĩ đến chuyện đốn gỗ bên Lào để bỏ tiền vào túi?

Mà chúng ta có thấy ra điều ấy chưa?


No comments:

Post a Comment

View My Stats