Monday, 11 June 2012

KHÔNG CHỈ CÓ MỘT MÙA HÈ (Nguyễn Thị Thanh Bình)




11.06.2012

2012:
“Vâng, em muốn hẹn anh năm 2012. Chúng ta hẹn nhau ở Sài Gòn năm 2012, cho một mùa hè rực lửa anh nhé”, lời hẹn hò của 52 tuần trước sao ngỡ như những tiếng chuông vẳng lên từng hồi hiệu triệu. Tiếng chuông dóng dả sao chỉ có một mùa hè ngắn ngủi?
Hẳn nhiên ít là như thế. Đâu chỉ có với nhau một cuối tuần, mà dường như cũng phải mười cuối tuần đã từng trôi qua như thế. Chúa nhật, cô vẫn từng nửa đùa nửa thật với anh khi gọi đây là ngày của Chúa. Cô bảo ngày của cứu rỗi nguyện cầu, mà cô thề sẽ tuyệt nhiên không buôn thánh bán thần, ít ra là trong ngày này. Anh lại cười, ngờ ngợ như không tin là mình có thể làm chủ một điều gì, kể cả chính mình: “Chủ nhật là một ngày mình phải tự làm chủ lấy chính mình, ít ra là ngày này phải không em?” Làm chủ lấy chính mình, còn ai thì đang làm chủ đất nước? Sao cô nghe như hoang mang trong lòng.
Chao ơi, làm sao cô có thể đến điểm hẹn và chỉ ngồi lặng người nghe râm ran một mùa hè. Âm vang đứt quãng gọi kêu của những lời ve, cho một tình hè rực nắng. Cô đã tự nhủ, cho dẫu thế nào, cuối cùng cô cũng sẽ đến. Bằng một phép lạ của tình yêu lớn nhất đời mình, cô sẽ tìm cách hồi sinh lại xác của bầy phượng đỏ, mặc cho lũ ve sầu vô cảm chỉ biết hát ca suốt mùa.
Cô sẽ đến đó và đợi, dù có thể chơ vơ. Cô biết mình không thể nào đơn độc, và cho dẫu có bị lưu lạc trên chính quê hương mình, thì sự lưu lạc ấy cũng bắt cô phải tìm cho ra dấu cội nguồn của Mẹ Việt Nam. Người Mẹ mà cô luôn đau đáu, mà mỗi lần nghĩ về lại như có ngàn kim chích.
Vẫn có lúc cô thấy mình quá bé bỏng, khi mặt trời bỗng cắt đứt bóng cô thành từng mảnh. Cô ước gì mặt trời sẽ đốt cô lên thành một đám cháy, nhưng cô chỉ là chút bụi hồng bị cuốn đi, nhiều lúc không còn định thần được. Nhất là những lúc anh hẹn cô, rồi khi không bỗng sợ bầy chó vàng hung hãn đứng nhe răng bên kia đường, mà không cách chi đến gặp cô được.
Vậy thì ai sẽ nói cho cô biết vì sao gió chẳng đặng đừng, vì sao mây đã ngừng mang theo những làn khói súng mà tâm hồn cô vẫn chưa thể yên nguôi. Trong thầm lặng, cô hiểu tuổi trẻ nơi cô đang sống vẫn mơ tưởng về những cánh diều no gió. Bay và bay. “Ngay cả cột điện biết bay cũng bay”, người dân ở đây đồn đãi như vậy.
“Phải bay thôi”, tuồng như anh đã mơ màng như thế rồi xuống giọng: “Phải bay tới cả những chân trời quá vãng, dù buồn thảm âm u, em ạ. Để thấy rằng những vầng mây hội tụ vụt sáng rồi chợt tắt, những ánh chớp sao băng của lòng dũng cảm, điên cuồng khát khao tự do dân chủ như thế nào. Không thể nào khác đi được, khi định phần của những hạt máu ấy là những hạt mầm gieo rắc để vươn lên cùng thế giới. Em biết không?”
Cô rơm rớm nước mắt, khi nhớ lại hình ảnh kiêu hùng của chàng sinh viên nhỏ bé trước những thách đố của đoàn xe tăng bạo lực: “Tại sao phải là những hạt máu? Có phải tại họ là bầy quỉ đỏ nên chỉ thèm hút máu nhân dân?”
Anh trả lời cô mà như đang nói với chính mình: “Chắc phải có máu và xương mới làm thành lịch sử. Mình muốn bất bạo động mà họ sử dụng bạo lực thì sao em nhỉ?”
Cô lại tự hỏi, lùng bùng trong vũng đầu đau nhức từng cơn: lịch sử của loài quỉ đâu chỉ đè cổ đồng bào mình xuống, để tanh tưởi tớp máu, mà còn treo cổ sự thật ngay trên đầu thượng đế. Bao giờ thì bạo chúa mới thấy no nê, dù đã bội thực?
Càng nghĩ môi cô càng đanh lại. Dĩ nhiên bọn chúng không thể cất đi những vàng nắng rực lửa trong mắt cô.
Mặt trời ngoài kia đã lên tới thiên đỉnh và cô linh cảm có khá nhiều người trẻ tuổi ngồi rải rác trong quán vừa nhận ra những tín hiệu trao gởi của nhau. Ờ nhỉ, làm thế nào mà cả gần triệu cừu non đã dám quên mình đứng lên tụng ca màu xanh của tự do, nơi quảng trường chỉ luôn chực bủa vây muôn loài chó dữ khát máu? Kìa, độc tài có thể xé nát những tấm da trên lưng đoàn cừu ngờ nghệch thiếu chuẩn bị, nhưng những tâm và huyết trong ruột chúng thì đã có bàn tay tháo gỡ xiềng xích bảo kê. Những bàn tay đi làm lịch sử của non sông.
Mồng 5 tháng 6, có phải cuộc đời đã quá dài cho những tâm và huyết? Cô thầm nhủ: hãy mặc xác những trấn lột và bạo ngược. Dù có phải chết hay bị ném vào “trại súc vật”, cô vẫn mỉm cười ngạo mạn vẫy gọi quyền sống của con người. Vậy liệu cô có phải đang sống như một con người hay không. Nếu được sống đúng như một con người, cô đã làm gì nên tội ngoài những biểu lộ tiết tháo để được xứng đáng nhận lãnh thiên chức làm người ấy? Và như thế, liệu có phải làm người Việt Nam trong một đất nước thiếu dưỡng khí, bị ô nhiễm, bị đối xử tồi tệ, đã là một cái tội hay không?
Cô vừa chợt nhớ ra một điều ở tận chốn cờ Huê. Có lẽ nào cô dám tranh giành quyền súc vật của loài chó vốn được yêu thương nhất nơi nảy. Cũng ở tại đây, ngay cả không phải theo tục lệ thờ bò đi nữa, người ta vẫn đòi cho được quyền của những con bò, dĩ nhiên không chỉ sinh ra để gặm đồng cỏ xanh mà ngay cả những giờ phút đàn bò theo chân du mục bước vào lò... sát sanh, thì cũng phải được trang bị thuốc mê đàng hoàng. Đúng là một đất nước dư giả thuốc tê, nhưng không phủ chụp gây mê để làm liệt tê mọi đầu não.
Và khi lòng vị tha không thấy bị phí phạm, ngoại trừ ngay cả một người được sống ở đô thị văn minh bớt cúp điện hơn, cô vẫn chẳng biết tìm đâu ra một cánh đồng cỏ khô, cỏ héo mà thương cho quê hương và những ví von đàn bò tuổi trẻ Việt Nam. Tuổi trẻ của cô cũng vốn hụt hẫng những cánh đồng, những cây rừng đất đai của tổ tiên cha ông để lại. Ờ phải rồi, chỉ còn lại những khẩn cầu cho bè lũ chủ nhân ông này rớt nhanh ngay dưới đáy quần lịch sử. Cho êm xuôi những dòng đời đã không thể chết vì huyền thoại này, hư huyễn nọ, tư tưởng kia.
Mùa hè sẽ nhân cơ hội này mang sự thật, công bình bao la trở về trên những đường bay ánh sáng và lời tiên tri của sấm.
À, khi cô đang nghĩ đến những điều này thì những người cô không hẹn mà gặp vụt tăng thật nhanh. Con số hệt như vừa bước ra từ giấc mơ cô đã từng ấp ủ, nuôi dưỡng và mong mỏi.
Cô nhìn anh đầy thổ lộ và nói gấp rút với mọi người xung quanh, như sợ có làn gió độc lai vãng qua đây vụt cuốn mất cô:
- Thưa anh đứng lên. Thưa các bạn đứng lên. Và thưa cả tôi đứng lên. Chúng ta cùng đứng lên, nếu không muốn một lần ngã xuống thê thảm như một con chó đói, chó ghẻ, chó cụp đuôi.
Một người nào đó đã nói mà tuồng như đang khóc:
- Khổ quá, người ta đã chặt mất chân tôi rồi. Làm sao tôi còn đứng lên được nữa.
Ngực cô nhói buốt như có hàng loạt mũi tên bí mật chĩa tới:
- Nếu cần, tôi nghĩ ngay chính lúc này, những người có chân phải sốt sắng cõng người què quặt để chúng ta cùng đứng lên. Một lòng đứng lên, có đúng không các bạn?
Khi ấy, khi cô nói chưa dứt câu thì cũng như trong cơn mơ, mà lại là cơn mơ dữ có tiếng chạy thình thịch của bầy chó săn nhe đầy nanh vuốt.
Dĩ nhiên anh và một số khá đông những bạn trẻ đã bị giống chó nghiệp vụ này thộp cổ, xé tung áo, giựt mũ nón, đạp vào mặt, bế thốc người lộn ngược đầu như đang ở trong một gánh xiệc hay một trò giễu dở, một bi hài của một thời hoang dã nào.
Lạ một điều, thoắt một cái cô thoát đi như đôi cánh của một thiên thần áo trắng.
Bây giờ thì cô đã bay thoát khỏi họ, nhưng cô không thể bay thoát khỏi chính mình. Cô bắt đầu nhớ lại.

2011:
Mà tại sao cô phải nhớ lại những điều chưa đâu vào đâu. Trong đời cô đã có quá nhiều những đoạn phim cắt ráp, vẫn như những mảnh “puzzle” rời rạc, những phân đoạn mà ngay cả thứ âm thanh kỹ thuật của năm 2011 vẫn không thu nổi thành lời. Người đạo diễn tài ba là thượng đế chừng như cũng đành lắc đầu chán ngán.
Cô chỉ ráng thu lại trong mắt mình: hình ảnh của anh dang rộng tay cố níu cho được những đám mây vần vũ. Nhũng đám mây bao giờ cũng làm trời xanh phải động lòng. Thứ trời xanh miết mải cả những vòm cây mơ xanh.
Ôi, cô đã xanh xao đến dường nào mà mùa hè vẫn khẩn khoản chờ trông!
Khi anh không còn ở quanh đây và đã bị giựt phăng đi giữa trời đất man rợ phi nhân cùng tiếng cười đểu cáng, thì lẽ nào cô cũng chỉ biết hẹn anh trong mường tượng.
Cô hẹn anh, hẹn bức hoạ anh vẽ bên những chấn tù có đôi cánh phượng hoàng trào máu, tung toé cả trời xanh đâu còn nữa. Trong vũng máu ấy, cô biết rõ trái tim anh vẫn dâng trào những mảng màu nóng, vô hình, như một chuỗi máu nóng rần rật.
Ngoài những chấn song, cô nghĩ về anh và những người tù lương tâm như những mảnh trời bị giam hãm trong chén ngọc của gã phù thuỷ. Cũng có thể là mảnh che khuất kiêu hãnh đớn đau của thứ vầng sáng một phía mặt trăng mùa cũ.
Thành phố không lẽ chỉ có vỏn vẹn mười chủ nhật để tập họp thể hiện lòng yêu nước, đã chỉ còn lại những đôi mắt ướt, những bờ môi tím tái đếm thầm mấy mùa Xuân Ả Rập, những bàn tay không gom được những đám gió thành bão và những bàn chân không thể đập từng nhịp trống liên hồi.
Mồng 5 tháng 6 là một dấu ấn lớn, nhưng cũng đã xa đâu mà gọi là quá khứ, mà gọi là kỷ niệm, tưởng niệm... Biến cố bi tráng Thiên An Môn của những tấm lòng gan dạ tuổi trẻ ngày 4 tháng 6 năm 1989 bây giờ và mãi mãi là thứ chiêu hồn ca vong linh của mỗi năm, ở nơi những quảng trường lớn như Victoria (Hồng Kông) hay ở khắp nơi ngoài lục địa Trung Quốc. Còn với cô, sao không là một dịp để cùng nhau chiêu dụ hồn mình?
Vậy thì thử hỏi công viên nào, quảng trường nào, sân trường nào, sân vận động nào, bờ hồ nào, góc phố quán cóc nào, giáo đường nào, chùa chiền nào... trên mọi miền đất nước sẽ là điểm hẹn?
Hãy để Thiên An Môn là điềm báo trước, và chúng ta sẽ dạy cho lũ con đầu lòng, cho lũ cháu mai sau, bài hát tự do dân chủ Việt Nam.

2013:
Mùa hè. Cô thấy mình đến đó dự phóng cho những cơn điên biến thành mồi lửa. Dạo sau này, những ngọn đuốc tì kheo Tibet đã đốt cháy tim can cô. Mồi lửa của bạn để quên đâu rồi? Que diêm đâu? Hãy thắp sáng lên, trên những tàn tro tuyệt vọng. Hãy chỉ đường dẫn dắt mùa hè vàng nắng ấy trở về. Phải trở về thôi trước khi mọi sự đã dường như quá muộn.
Mùa hè cũng đã dài ra với những mong ngóng, đợi hoài. Biểu tượng ở đâu, sao chỉ còn là những giả hiệu, những nhăng nhít đá cuội? Facebook,Twitter, cell phone... đâu đã bỏ rơi chúng ta, với những gọi kêu, những nỗi đau đời. Không lẽ cứ đau đáu nhìn nhau mà khóc, vì thứ tình hè không còn dấy lửa.
Hãy cháy lên nguồn cơn bão lửa. Để đốt thành tro những bạo tàn. Vậy đó rồi đoàn người cách mạng. Bỗng liều mình làm ngọn đuốc hiên ngang.
Có phải không, hỡi chúng ta của những ngày tháng này? Có phải không, những cưỡng chế đã không còn khóc cười nổi thành tiếng? Ôi, loã thể đàn bà, loã lồ đất nước! Phụ nữ Việt Nam phải dẫn đầu cuộc khoả thân phản kháng này. Nghĩ cho cùng chúng ta cũng chẳng còn gì để mất.

---------------









No comments:

Post a Comment

View My Stats