Tuesday, 12 June 2012

KHÓI HƯƠNG QUÂN SỬ (Giao Chỉ)




01:45:am 08/06/12

Hội ngộ muộn màng
Thứ bẩy ngày 12 tháng 5-2012 vừa qua tại miền Nam Cali có một cuốn sách được giới thiệu. Khoảng 300 quan khách tham dự trong đó có đến 40 cựu đại tá của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ban tổ chức không thể đọc hết danh tính các sĩ quan tham dự. Tất cả đều là độc giả chờ đợi của cuốn sách. Đến dự để đọc một đoạn hồi ký về chính cuộc đời mình.

Cuốn sách có tựa đề là Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng Hòa nhưng phần quan trọng chính là tiểu sử của các tướng lãnh và đại tá. Gần như 100% tên tuổi các tướng lãnh có đầy đủ và có thể 80% các sĩ quan cấp đại tá. Tên họ, sinh quán, binh nghiệp, xuất thân, cấp bậc, gia cảnh, thuyên chuyển, di tản, tù đầy và sống chết ra sao. Lược sử này ghi lại đủ cả.


Cuốn tiểu sử của 170 tướng lãnh và gần 600 đại tá tổng cộng gần 800 người chỉ đơn thuần ghi lại các dữ kiện căn bản. Ai cũng có tên cả, không phân biệt hoàn cảnh và binh nghiệp của mỗi người. Người ở lại thì ghi năm ở tù, người di tản thì ghi là không bị tù cộng sản. Đủ cả Trung Nam Bắc.

Sách cũng ghi rõ ai chết trong tù, ai chết tại Việt Nam, ai qua đời tại hải ngoại. Thăng cấp ra sao và đã trải qua các đơn vị như thế nào. Về con số tướng lãnh thì đại tá Thống cho biết có vào khoảng 40 tướng chết trước 1975. Sau 75 có 36 vị vào tù. Số còn lại ra hải ngọai cũng đã qua đời, nay chỉ còn 6,7 chục thôi. Cấp đại tá cũng vậy.

Tác phẩm mong đợi
Ngay từ cuối năm 1975 những người được ông phó đề đốc Hồ văn Kỳ Thoại gọi là can trường trong chiến bại cũng đã từng mong có được 1 cuốn niên giám sĩ quan để gọi là ghi lại chứng tích của một đạo quân. Nhưng chẳng ai có. Vì vậy cấp bậc và binh nghiệp anh em có thể thêu vẽ  tùy tiện.

Phần anh em ở trong tù, hoàn cảnh cá chậu chim lồng, tương lai bất định, ai còn nghĩ tới cái binh nghiệp của cả 1 đạo quân. Đã tan hàng nhưng không cố gắng như anh em nhẩy dù vẫn thường cất tiếng trong hàng quân. Vậy mà đã có một người tù không án kéo dài 13 năm từ Nam ra Bắc vẫn thai nghén một tác phẩm như thế. Khi đại tá Trần Ngọc Thống ra khỏi tù cộng sản, ông theo chương trình HO qua Mỹ 1991. Hành trang gồm một số tài liệu của bộ tổng tham mưu ông tìm cách đem theo và một số dữ kiện quan trọng giữ kín trong đầu. Tuy nhiên cũng phải chờ đợi 13 năm sau ban biên tập mới thành lập vào năm 2004. Ba vị sĩ quan, đại tá Thống, thiếu tá Hồ đắc Huân và trung úy Lê đình Thụy hợp tác để soạn thảo cuốn sách tưởng chừng không thể hoàn tất được.
Được 4 năm thì anh Thụy qua đời, mới 63 tuổi chưa lãnh tiền già. Còn lại bác Thống và ông Huân tiếp tục.
Bây giờ cuốn sách hoàn tất tháng 5-2012. Khổ lớn trên giấy 8×11 và dầy 900 trang. Một công trình biên khảo rất công phu.

Duyên nợ công tác
Đại tá Thống năm nay đã 90 tuổi. Ông là niên trưởng số 1 của khóa 1 Nam Định. Người thứ nhì của khóa năm nay 89 tuổi là đại tá cục trưởng quân vận Nguyễn Tử Khanh ở San Jose. Ông Khanh vẫn quay phim chụp hình cho cả khóa. Ông Thống thì nghiên cứu soạn tài liệu. Còn các vị khác tuổi xuân từ 82 trở lên. Mới đây khóa 1 Thủ Đức và Nam Định đã họp mặt 60 năm và tuyên bố dứt khoát kỳ này làm quy mô lần cuối. Sau đó quý vị tùy tiện họp tự do. Ngày mới đến Mỹ, ông Thống sinh hoạt với anh em cùng khóa đã giãi bày nguyện ước. Trung tướng Nguyễn Bảo Trị cũng là thành viên khóa 1 đã có cơ duyên giới thiệu anh Huân và anh Thụy để làm thành một bộ ba soạn giả.
Cả ba vị đều chưa quen với công việc soạn sách và in sách tại Hoa Kỳ nhưng thiện chí có thừa. Năm 2004 khi ban soạn giả bắt đầu thì anh Thụy 59 tuổi, anh Huân 67 tuổi và ông Thống 82 tuổi. Công việc của đại tá Thống bắt đầu vào năm 82 tuổi như vậy quả thực e rằng hơi muộn. Ai ngờ đâu anh chàng soạn giả trẻ tuổi nhất lại đi trước, ủy nhiệm gánh nặng cho ông già vốn đã yếu lại còn hằn dấu vết của 13 năm tù đầy. Lá xanh lại rụng trước lá vàng.
Trong suốt 8 năm soạn sách. Viết đi viết lại, đánh máy ky cóp ngày đêm. Vẽ sơ đồ tổ chức. Tra cứu tài liệu, tất cả trong tay vị cao niên tổng quản trị của bộ Tổng tham mưu.
Ông thiếu tá Hồ Đắc Huân, là người cộng tác mật thiết với đại tá Thống trong công tác sưu tầm, soạn thảo. Ngoài ra ông phụ trách liên lạc bên ngoài. Ông đi tới đi lui gặp gỡ nhiều tướng lãnh và đại tá. Biết bao nhiêu thư từ điện thoại ngày đêm.
Được cái hầu như liên lạc với ai thì đa số đều sốt sắng cho tài liệu. Nhưng xa xôi cách trở, làm sao có được đầy đủ. Vì vậy thời gian cứ kéo dài.

Ai người độc giả
Kể từ 1975 đến nay là 36 năm trôi qua. Những độc giả chính của tác phẩm này không thể chờ đợi. Từ đệ nhị cộng hoà chúng ta có trước sau đến 3 ông tổng thống, 1 tổng tham mưu trưởng và 4 tư lệnh vùng vào ngày cuối cùng, nay chẳng còn ai.
Còn các độc giả gần gũi cố gắng ở lại đợi chờ tác phẩm là những ai. Qua điện thoại đường dài tôi hỏi bác Thống và ghi nhận được tâm sự. Ông nói rằng ở dưới này các bạn Trần khắc Kính, bác sĩ Bẩy, thi sĩ Cao Tiêu là người vẫn bàn bạc chờ đợi sách, nhưng rồi cũng rủ nhau đi cả. Mới đây đại tá Sáu cố gắng ở lại chờ nhưng tên tuổi đã được đăng cáo phó trên báo. Còn ở trên San Jose, Nguyễn bá Cẩn khóa 1, rồi ông Bùi Đình Đạm, hết lòng khích lệ. Trước khi mất ông tướng còn điện thoại hỏi sách đến đâu rồi. Sau cùng đến ông Lại Đức Chuẩn trưởng phòng nhất cũng muốn xem qua cái bìa sách mà không kịp. Bác Thống nói trong nghẹn ngào: Ra sách được thì mừng, nhưng cũng rất buồn. Chúng tôi đi không kịp, ở tù quá lâu. Định cư trì trệ, soạn sách mất nhiều thì giờ. Làm cái gì cũng muộn màng. Để quí vị đợi chờ không được, bỏ đi hết, thật đáng tiếc. May còn ông xếp cũ là bạn đồng khóa. Tôi vẫn còn nhớ trung tướng Khuyên. Phải gửi ngay cho ông một cuốn kịp thời cũng là may.

Nội dung quân sử
Dù tôi gọi là quân sử nhưng thực sự các soạn giả chỉ gọi là tài liệu sơ lược về tổ chức quân lực. Không đủ phương tiện đi sâu vào chi tiết của toàn quân và lại càng không đủ sức tổng hợp về chiến sử. Phải ghi nhận một cách lạ lùng là hiện nay chúng ta có khá nhiều các tác giả trẻ trung đã viết rất nhiều về chiến sử quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sách tổng hợp của Hải quân, Không quân, TQLC, Nhẩy dù, Biệt động quân, các binh chủng, các đại đơn vị và các nguyệt san, tuần san chuyên về quân đội. Thiên hạ tha hồ tham khảo. Ông Huân cho biết cũng phải mua tất cả về đọc, nhưng rất tiếc không ghi nhận được nhiều tin tức liên quan đến tiểu sử các vị lãnh đạo quân đội. Tài liệu trong cuốn lược sử phần lớn tham khảo từ xuất xứ của bộ Tổng tham mưu đồng thời sưu tầm trực tiếp qua các nhân vật. Kết quả xin ghi nhận rằng quân đội có 170 vị tướng lãnh, gồm 1 thống tướng (5 sao), 5 đại tướng (4 sao), 48 trung tướng (3 sao), 49 thiếu tướng (2 sao) và 87 chuẩn tướng (1 sao). Những vị tướng này xuất thân từ nhiều nguồn gốc, nhiều quân trường, có cả tướng cảnh sát và các tướng đồng hóa từ giáo phái. Tác giả truy cứu ghi được 36 vị tướng bị tù. Tuy nhiên cũng phải tính đến các vị đã qua đời tại Việt Nam và như vậy số còn lại đi được năm 1975.
Về cấp đại tá có khoảng 900 vị. Trước 75 một số tử trận hay qua đời vì nhiều lý do. Danh sách ghi được 460 đại tá bị tù cộng sản và như vậy còn lại là con số ra đi từ 75. Trong số ở lại đi tù cho đến khi ra khỏi tù đã có thêm 10% qua đời.
Sau này có trên 400 vị hoặc vượt biên hoặc đi HO hay đoàn tụ tại Hoa kỳ. Những vị đã từng bị tù cộng sản thì cấp đại tá và tướng lãnh luôn luôn bị giam giữ từ 13 năm trở lên. Tất cả các con số kể trên được coi như lần đầu tiên công bố không thể chính xác 100% nhưng gần với sự thật nhất.

Những dữ kiện đặc biệt
Cuốn tài liệu này đã dành chương quan trọng cho các tướng lãnh, sỹ quan và chiến binh tự vẫn vào 30 tháng 4-1975.
Danh sách các tướng lãnh được truy thăng sau khi tử trận cũng là một dữ kiện đặc biệt bởi vì có nhiều vị chúng ta chưa từng biết tên trong danh sách tướng lãnh đương thời. Tướng Bẩy Viễn tuy về sau trở thành tội đồ của đệ nhất Cộng hòa nhưng lược sử vẫn ghi đủ danh tính, tiểu sử vì các soạn giả coi đây là di tích lịch sử.
Cũng như vậy, chuẩn tướng nằm vùng duy nhất Nguyễn Hữu Hạnh cũng vẫn có tên trong tài liệu.
Trong hàng ngũ thiếu tướng người ta cũng thấy tên ông Nguyễn Cao Kỳ với ghi chú ở đoạn cuối là ông trở về Việt Nam. Một trong cuộc đời tướng lãnh nổi trôi cay đắng nhất là chuẩn tướng Lê văn Tư, một thời là tư lệnh sư đoàn 25 Bộ binh. Theo nguyên văn tác phẩm, ông tốt nghiệp khóa 5 Hoàng Diệu tại trường Đà Lạt.Trải qua nhiều đơn vị cho đến 1961 là thiếu tá tỉnh trưởng Cần Thơ rồi trung đoàn trưởng của SĐ 21 BB. Năm 1965 ông tham gia đảo chính bị bắt vào tù, giáng xuống cấp binh nhì cho giải ngũ, ông về lái Taxi. Cuối năm lại được tái ngũ cấp trung tá như cũ, tư lệnh phó SĐ 7, tỉnh trưởng Gò Công, rồi qua Long An, Gia Định, tư lệnh sư đoàn 25 Bộ binh. Năm 1973 lên chuẩn tướng mặt trận nhưng cuối năm 74 thì bị giam ở Chí Hòa chờ điều tra. Tội danh chưa xác định. Đến tháng 4-75 thì ở lại và đi tù cộng sản.
Chuẩn tướng Lê văn Tư là anh của đại tá Lê văn Năm cũng đã làm tỉnh trưởng nhiều năm. Còn vụ án của ông Tư khi bị giam tại Chí Hòa chưa xử nên vẫn còn là 1 nghi án. Cuộc đời một tướng lãnh như ông Lê văn Tư quả thực hết sức lạ lùng. Tỉnh trưởng 4 tỉnh miền Nam, trung đoàn trưởng rồi tư lệnh sư đoàn. Cách chức xuống binh nhì, giải ngũ. Hai lần tù Việt Nam Cộng Hòa, sau cùng được tự do qua thời gian dài đi tù cộng sản. Nay định cư tại Hoa Kỳ. Ai biết được số mạng con người.
Là người đọc sách tôi xin phép nhắc riêng trường hợp chuẩn tướng Lê văn Tư phản ảnh phần số của con người, nhưng đây không phải là điển hình của hàng tướng lãnh. Ngoài ra, đại tá Thống có nhận xét hết sức đặc biệt. Ông viết riêng cho tôi:”Trong suốt cuộc chiến tranh, chỉ có 12 đại tá tử trận hay hy sinh vì công vụ. Nhưng khi hết chiến tranh rồi , số đại tá chết trong nhà tù cộng sản hay chết khi vừa ra khỏi nhà tù, chưa kịp đi định cư khoảng 50 người, gấp 4 lần lúc đang có chiến tranh” Với tin tức kể trên, chúng ta phải hiểu rằng cuộc chiến Quốc Cộng chưa hề chấm dứt sau1975. Vì sự tổn thất vẫn còn tiếp tục. Riêng với người thanh niên sinh năm 1924 tại Hà Nam, 24 năm quân vụ, 13 năm tù cộng sản, cuộc chiến vẫn còn mãi với đại tá Trần Ngọc Thống, dù năm nay ông đã 90 tuổi.

Chung cuộc
Xin ca ngợi nỗ lực của ban biên tập hoàn tất cuốn tiểu sử sĩ quan rất cần thiết. Đây là chung cuộc của nhiều cuộc đời binh nghiệp, đây là hình ảnh của một đạo quân. Một cuốn sách chúng tôi rất hân hạnh tiếp nhận để trong viện bảo tàng thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng vẫn có một số đề nghị xin ghi lại trong tình xây dựng. Tôi có nói chuyện với bác Thống và anh Huân sau khi đọc xong và đọc rất kỹ cuốn sách.
Tôi nghĩ rằng sách này nên dành 3 phần riêng biệt cho lục quân, không quân và hải quân, như vậy sắp xếp thuận tiện hơn. Con số các tướng tá nên có bảng tổng kết đơn giản vào 1 trang để tiện tham khảo. Phần đại tá, hình ảnh và tiểu sử nên đi cạnh nhau. Bác nào chưa có hình thì tạm thời cứ để đó. Các tướng lãnh đồng hóa từ giáo phái nên dành một khu vực riêng. Phải nhìn nhận rằng các vị này không phản ảnh quân đội thuần túy. Đây là các nhân vật chính trị chứ không phải cuộc đời hoàn toàn theo binh nghiệp. Đó là những cấp bậc danh dự hoặc là các “hàm tướng”.
Cấp bậc sau cùng của mọi người thì đã rõ ràng nhưng chức vụ sau cùng là điều cần xét lại. Có vị suốt đời binh nghiệp chỉ qua dân sự vài tháng hay vài ngày không thể coi như đây là công việc chính. Thí dụ chuẩn tướng Chấn cục trưởng Công binh vốn là chức vụ ý nghĩa nhất trong binh nghiêp cần được ghi lại. Chuẩn tướng Chức cũng cần ghi lại là cục trưởng Công binh thay vì chức vụ dân sự hoặc là tổng cục trưởng tổng cục tiếp vận
Cũng như vậy, trung tướng Khuyên thực ra vẫn chỉ là tham mưu trưởng bộ tổng tham mưu. Dù có giấy ủy nhiệm của đại tướng, nhưng thực tế ông Khuyên không hề chính thức là người thay tướng Cao văn Viên trong chức vụ tổng tham mưu trưởng cuối cùng. Những chức vụ đảm trách vào ngày cuối cùng của tướng Vĩnh Lộc hay các vị khác trong giai đoạn hỗn loạn đều chỉ là biến động thời sự khoảnh khắc mà không thực sự phản ảnh binh nghiệp.
Có thể viết thành 1 trang phụ bản kiểu như chuyện bên lề mà không phải phần chính của lược sử hay quân sử. Ngoại trừ trường hợp tổng thống Trần văn Hương và tổng thống Dương văn Minh thì dù cho không lâu dài nhưng có được sự chuyển quyền công khai và chính thức. Trang mở đầu nên có đầy đủ hình ảnh của các vị lãnh đạo quốc gia và đồng thời cũng là tổng tư lệnh quân đội qua các giai đoạn. Tổng thống Diệm, chủ tịch Minh, quốc trưởng Sửu, quốc trưởng Khánh, chủ tịch Thiệu, tổng thống Thiệu, tổng thống Hương và tổng thống Minh. Các vị tổng trưởng quốc phòng và các vị tổng tham mưu trưởng cũng cần một trang như vậy.
Lẽ dĩ nhiên một cuốn sách sưu tầm về quân đội đã tan hàng với hàng trăm ngàn chiến binh tù đày chắc phải có đôi điều thiếu sót.
Tuy nhiên đây chỉ là một phần của khói sương quân sử. Giá trị tinh thần trong công tác tự nguyện của các tác giả là điều quan trọng. Nhưng tinh thần không chưa đủ. Mong rằng mỗi gia đình có tên và hình ảnh trong tác phẩm nên có 1 cuốn để lưu giữ hương khói của binh nghiệp.Cuốn sách soạn và in trong 8 năm dài với nhiều tin tức và tài liệu quí giá. Vì vậy xin kêu gọi các chiến binh thân hữu của tôi, hãy liên lạc về địa chỉ H. HO. PO. BOX 1711 Westminster, CA 92684 …Giao Chỉ-San Jose Giaochi12@gmail.com





No comments:

Post a Comment

View My Stats