Tuesday 12 June 2012

HAI MƯƠI NĂM NHÌN LẠI (Trịnh Hội)




11.06.2012

Đêm hôm qua đứng trên sân khấu ở Melbourne, Australia để nói về chuyện tỵ nạn tôi mới chợt sực nhớ ra là mình đã làm được công việc này đúng 20 năm tròn. Không quá dài nếu phải so với ‘60 năm cuộc đời’. Nhưng đây là một cái nghề, hay nói đúng hơn là cái nghiệp, mà tôi đã gắn bó lâu dài nhất, hết lòng hết sức vì nó nhất. Như một người con gái mà tôi đã biết mê từ thuở mới lớn, đến bây giờ tuy đã và đang sừng sững bước vào tuổi tứ thập (nhưng nhi vẫn chưa lập!) tôi thấy hình như tôi vẫn còn hơi bị…mê!

Thế mới bảo nếu đấy không phải là duyên thì chắc chắn cũng phải là nợ, phải không bạn? Vợ có thể đến rồi đi. Nhưng cái cô bé tỵ nạn này hình như mình muốn bỏ, nó cũng chẳng cho mình bỏ. Rõ khổ là thế.

Nhưng cũng có thể nói hầu hết những gì tôi có ngày hôm nay, từ kiến thức, kinh nghiệm sống cho đến nhân sinh quan đều từ công việc tỵ nạn của tôi mà ra. Nếu như ngày trước tôi không chọn sang Hồng Kông để làm việc thiện nguyện, hay bỏ việc làm ở Sydney để sang Phi Luật Tân mở văn phòng thì chắc chắn một điều là tôi đã không có dịp sang Mỹ để làm MC như bây giờ. Hay có con. Đóng phim. Ra mắt sách ‘Hội & Ngộ’.

Bởi vậy, sau hai mươi năm trải nghiệm đó đây, điều mà tôi có thể cảm nhận được sâu sắc đó là những đổi thay lớn nhất trong đời người đều đến từ những giây phút rất ngẫu nhiên mà không một ai có thể sắp đặt hay tính trước. Từ chuyện hạnh phúc riêng tư cho đến các công việc trong xã hội, tất cả suy ra đều xuất phát từ hai chữ nhân duyên. Quyết định bỏ nước ra đi hay tình cờ quen biết người mà mình sẽ trọn đời yêu mến, thoạt đầu đấy chỉ là một giây phút rất ngắn ngủi. Nhưng mãi mãi về sau điều ấy sẽ là tâm điểm định đoạt số phận của đời mình.

Bởi thế trong tiếng Anh mới có câu ngạn ngữ: ‘Make every moment count’. Chúng ta phải biết sống sao cho hết mình, cho từng giây, trong mỗi phút.

Một điều nữa mà tôi có thể luôn cảm nhận trong việc làm ‘bao đồng’ của tôi sau bao năm là sự tử tế. Khác với một số người khác thường cho rằng làm chuyện công được khen thì ít mà bị chửi thì nhiều, tôi lại thấy chỉ những lúc tôi hăng hái tham gia thực hiện những hoài bão của mình thì tôi mới thấy và gặp được những người tuy thoạt đầu rất xa lạ, không quen biết gì về mình nhưng họ lại rất ân cần, tử tế. Từ các bác, các chú đáng tuổi ba mẹ, ông bà mình cho đến các thế hệ trẻ sau này, cùng thời với tôi hoặc trẻ hơn tôi.

Như lý thuyết sàng lọc mạnh được yếu thua của khoa học gia Darwin, chính việc làm thiện nguyện tự nó đã sàng lọc để gạt ra bên ngoài những ai chỉ biết đếm tiền và giữ lại những trái tim vẫn biết thổn thức cho đồng loại. Nếu như ngày trước nhóm bạn làm luật sư với tôi ở Sydney cho đến nay không còn một ai thì bây giờ ngược lại tôi lại có rất nhiều bạn bè thân thiết ở khắp nơi trên thế giới.

Họ luôn sẵn sàng ủng hộ việc làm của tôi. Và nhất là luôn sẵn sàng mở cửa cho tôi vào nhà, lo từng miếng ăn, chổ ở.

Nếu tôi không làm chuyện tỵ nạn thì chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ gặp được những người bạn tử tế này. Nếu tôi không có họ chắc chắn tôi cũng chẳng bao giờ làm được điều gì ra trò trong suốt hai mươi năm qua. Tôi vẫn thường cho rằng chúng ta không một ai có thể chọn gia đình nơi chúng ta được sinh ra, nuôi dưỡng. Nhưng gặp được những người bạn tốt, có lòng, còn tâm là một sự lựa chọn mà chúng ta luôn có dịp. Như tôi rất may mắn đã tìm được.

Một điều nữa mà tôi nhận thấy cần phải được chia xẻ ở đây là đối với các công việc chung, chúng ta đừng quan trọng hóa hai chữ ‘Cộng Đồng’. Đừng điều gì cũng đẩy cho hai chữ này. Mà thiết thực hơn là mỗi người trong chúng ta tự biết mình phải cần góp sức như thế nào để thay đổi, để cùng giải quyết những vấn nạn trong xã hội. Mỗi người trong chúng ta là một thành viên trong cộng đồng. Và chuyện cộng đồng là chuyện của chúng ta chứ chẳng phải là của bất cứ một ‘Cộng Đồng’ nào cả.

Như câu nói nổi tiếng của cố tổng thống Kennedy: Don’t ask what your country can do for you. Ask what you can do for your country. Đừng hỏi đất nước đã làm được gì cho bạn. Mà hãy tự hỏi rằng mình đã làm được gì cho đất nước.

Nói như thế không có nghĩa là khi chúng ta làm những công việc chung thì mọi việc đều sẽ ổn thỏa, không có chi đáng bận tâm, để ý. Chắc chắn là trên cõi đời này sẽ luôn có một vài con sâu làm rầu nồi canh. Những nhân vật chỉ yêu chuộng sự chê bai, chỉ trích.

Nhưng tôi biết và nhận thấy đây chỉ là thiểu số, một thiểu số rất nhỏ. Có thể họ rất ồn ào, rất thích tuyên bố hùng hồn, dể làm nhụt lòng chiến sĩ. Nhưng cuối cùng bản chất của họ chỉ đến được từng ấy. Họ chỉ có thể phát ra những tiếng động ồn ào – noises – trong dăm ba phút để rồi sau đó chính họ cũng quên bẵng đi vấn đề vì suy cho cùng họ cũng đâu có ‘tha thiết gì loài người’ như những ai thật sự quyết tâm tranh đấu cho lẽ phải.

Vì vậy đối với tôi sự chọn lựa tốt nhất và khôn ngoan nhất là chúng ta nên tiếp tục vững bước đi tiếp trên con đường mà mình đã chọn. Chúng ta nên để ngoài tai những tiếng động ồn ào không đáng để tâm vì cuối cùng thời gian và sự ủng hộ của ‘đám đông thầm lặng’ sẽ trả lời cho tất cả.

Và đó cũng là cảm nhận sâu sắc nhất mà tôi muốn chia xẻ nơi đây. Sau hai mươi năm lưu lạc đến nhiều góc bể, chân trời, tôi nhận thức được một điều là ở bất cứ nơi nào, đám đông thầm lặng – the silent mass – cũng sẽ là nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại.

Có thể họ ít khi lên tiếng. Có thể bạn không cảm nhận được sự ủng hộ của họ trước khi bạn bắt tay thực hiện công việc của mình. Nhưng nếu đó là lẽ phải, nếu việc làm của bạn là tranh đấu cho một xã hội công bằng, nhân bản hơn thì chắc chắn một điều là không sớm thì muộn bạn cũng sẽ nhận được sự ủng hộ của họ.

Ở Việt Nam nơi mà người dân trông có vẻ như bằng lòng chấp nhận những trái ngang trong xã hội. Hay ở hải ngoại nơi phần lớn đều trông có vẻ như dửng dưng với chuyện cộng đồng. Có thể đôi khi bạn sẽ nghi ngờ về sự nhận thức của chính đám đông thầm lặng này.

Nhưng sự thật chưa hẳn là thế. Bất cứ lúc nào những con dân Việt cũng có thể vùng lên chống lại sự ngang tàn
g, ỷ thế. Hay cùng nhau ra tay cứu giúp những kẻ khốn cùng. Tôi đã thấy được điều này trong suốt hai mươi năm qua. Và nó cũng đã được y như thế lập đi lập lại trong suốt 4 tuần qua ở Vancouver, Oslo, Sydney và Melbourne.

Trong bài viết tới tôi sẽ kể cho các bạn nghe tường tận hơn về những đám đông thầm lặng này.





No comments:

Post a Comment

View My Stats