Tuesday 12 June 2012

CƠN KHỦNG HOẢNG TRIỀN MIÊN Ở VINALINES & NHÂN VẬT DƯƠNG CHÍ DŨNG (Lê Trung Thành)




Lê Trung Thành
10-6-2012

Vài ngày trước đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng phân bua với dư luận rằng, ông ta bổ nhiệm Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam để cứu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Có nghĩa là nếu Dũng còn ở lại thì Vinalines còn mất đoàn kết, còn đấu đá nội bộ và dẫn tới suy thoái…
Lời trần tình này làm nhớ lại chuyện cách đây 7 năm…
Năm 2005 cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đào Đình Bình được Thủ tướng Phan Văn Khải giao nhiệm vụ phải tìm gấp một người đủ uy tín, có năng lực lãnh đạo, có phẩm chức đạo đức tốt để ông bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vinalines thay ông Hà Đức Bàng. Nguyên nhân chính là nếu ông Bàng còn tại vị thì Vinalines còn rối ren, còn năm bè bảy mối và rệu rã.
Và ông Đào Đình Bình đã tiến cử Dương Chí Dũng – đương kim Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng đường thủy (Vinawaco).
Ngày 23-08-2005 ông Phan Văn Khải kí quyết định bổ nhiệm Dương Chí Dũng theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nội vụ.
Tại buổi lễ được tổ chức rất hoành tráng, tốn kém, ông Đào Đình Bình công bố quyết định của Thủ tướng, vui mừng thông báo rằng tân Tổng Giám đốc Dương Chí Dũng là người được đưa về để cứu Vinalines!

CUỘC CHIẾN KHỐC LIỆT KÉO DÀI
Chính thức thành lập năm 1995, Vinalines tập hợp các thành viên ở cả ba miền bao gồm các công ty vận tại biển lớn, các cảng biển quan trọng và nhiều đơn vị phục vụ… Trong bối cảnh ngành đường biển thế giới đang ổn định và tiến triển, Vinalines từng bước hội nhập, mua sắm nhiều tàu lớn xây dựng và nâng cấp nhiều cơ sở hạ tầng kĩ thuật đáp ứng nhu cầu vận tải, xếp dỡ và làm các dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra uy tín của Vinalines bắt đầu lan toả, thu hút nhiều hãng tàu lớn, nhiều tập đoàn tầm cỡ thế giới đến Việt Nam hợp tác và liên doanh với Vinalines. Trụ sở chính của Vinalines từ một ngôi nhà nhỏ bé, khiêm nhường nằm trên phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội được di chuyển về toà nhà cao chót vót nằm kề ngã tư Kim Liên – Lê Duẩn, nhìn sang là hồ Bảy Mẫu.
Những tưởng rằng về nơi ở mới phong thủy dư thừa Vinalines sẽ làm ăn phát đạt, thăng tiến vù vù, lắm tiền nhiều của, nhưng trái ngược lại, sự an bình mau chóng bị phá vỡ. Cuộc chiến âm ỉ từ lâu nay có dịp bùng phát và tâm điểm là sự xung đột một còn một mất giữa ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch hội đồng quản trị và ông Hà Đức Bàng, Tổng Giám đốc. Đơn thư tố cáo lẫn nhau gửi đi khắp nơi khiến Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhảy vào cuộc và bên nào cũng tìm kiếm đồng minh nhằm tạo thêm vây cánh và sức mạnh để loại bỏ đối thủ!
Trận chiến kéo dài, cả hai bên đều thiệt hại nặng nề, tốn nhiều tiền của, thời gian chạy chọt và đấm mõm những kẻ tát nước theo mưa… rồi cũng vào hồi kết.
Anh hùng lao động thời kì đổi mới, nguyên Tổng Giám đốc, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Vũ Ngọc Sơn ngậm ngùi rời ghế về Ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Giao thông Vận tải ngồi chơi xơi nước, ít lâu sau xin nghỉ hưu. Một con người năng động, một chuyên gia đối ngoại cừ khôi, một lãnh đạo chủ chốt làm nên danh tiếng của công ty cổ phần Gemadept… đã phải lui vào hậu trường, nhường lại sân khấu cho ông Hà Đức Bàng múa may. Để tạm giữ yên lòng người đang ly tán, Bộ Giao thông Vận tải phải gượng ép phân công Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Duy Anh tạm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines và ông Hà Đức Bàng làm Tổng Giám đốc.
Sóng gió tưởng đã lặng đi sau mấy tháng yên lành thì những con cáo biển lại giằng xé nhau. Lần này ngoạn mục hơn và hấp dẫn hơn.
Thàng 10, năm 2004 những lá đơn tố cáo ông Hà Đức Bàng mắc nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế, trong việc điều hành Vinalines và cả những chuyện cũ từ thời ông Bàng còn làm Giám đốc Inlaco, cả chuyện liên quan đến suất học bổng của con gái ông Phạm Duy Anh. Những lá đơn báo hiệu một cuộc chiến mới sắp xảy ra. Khác với những lần trước, thư tố cáo do cả ba ông Phó Tổng Giám đốc ký tên. Đó là các ông Mai Đình Hùng, Huỳnh Hồng Vũ, Đỗ Văn Nhân. Chuyện chưa từng xảy ra trong ngành Giao thông Vận tải.
Tháng 11, năm 2004, chuyện tới tai Thù tướng Phan Văn Khải. Ông lập tức ra lệnh tổ chức thanh tra và chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xử lý vụ việc. Tới tháng 7, năm 2005, dựa trên kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Khải kí quyết định kỉ luật khiển trách ông Hà Đức Bàng. Do đã chỉ đạo ông Đào Đình Bình tìm người thay thế nên ông tin vào báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nội vụ về nhân vật đủ uy tín, đủ năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt nên ông yên tâm kí quyết định bổ nhiệm Dương Chí Dũng làm Tổng Giám đốc Vinalines vào ngày 23 tháng 8, năm 2005. Với quyết định này ông hi vọng Dương Chí Dũng mau chóng ổn định tình hình, xóa bỏ xung đột kéo dài gây quá nhiều rối ren, xáo trộn nhân tâm ở Vinalines. Kèm theo đó, ông bãi chức Hà Đức Bàng để Bộ Giao thông Vận tải sắp xếp vịêc mới…
Xót xa thay, Thủ tướng đã bị cấp dưới bịt mắt, che giấu một sự thật phũ phàng là, chỉ trong 3 năm (2003-2005), Tổng Giám đốc Dương Chí Dũng đã gây nhiều tai họa lớn ở Tổng công ty xây dựng đường thủy Vinawaco. Di chứng của nó cho tới hôm nay vẫn chưa khắc phục nổi mặc dù những người kế nhiệm đã tìm mọi cách bù đắp những thiệt hại mà Dương Chí Dũng đã gây nên.

VINAWACO – NHỮNG CON SỐ KINH HOÀNG
Vinawaco thuộc loại tổng công ty 90 do Bộ Giao thông Vận tải quản lí, từ thời ông Nguyễn Thanh Bình (Bình voi) lập nghiệp (sau đó ông làm Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và đã mất) rồi qua thời Trường kính, Trần Nguyên…, đã đóng góp nhiều công sức khai thông luồng lạch, xây dựng nhiều công trình cảng lớn từ Hòn Chông – Kiên Giang tới Tiên Sa – Đà Nẵng về Hải Phòng, Quảng Ninh… Khởi đầu từ nhũng con tàu hút, tàu cuốc lạc hậu, công suất thấp, Vinawaco vay vốn, đầu tư mua sắm nhiều thiết bị hiện đại của Mĩ, Hà Lan, Bỉ… công suất 1500, 3000, 4000 m3/giờ, có thể phun xa cả ngàn mét, đủ sức tham gia đấu thầu các công trình mang tầm quốc tế.
Tiếc thay giữa ước mong với thực tế là hai ngả trái ngược nhau. Có tàu lớn mà thiếu việc làm, lãi mẹ đẻ lãi con nợ nần chồng chất, Vinawaco phải trông nhờ vào sự giúp đỡ của Bộ chủ quản. Các đời Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn, Đào Đình Bình đều tìm cách “đấu” mà “giao” cho Vinawaco nhiều gói thầu lớn nhưng cũng chỉ tạm giật gấu vá vai sống tạm bợ qua ngày. Năm 2011 Chính phủ phải chỉ đạo Bộ Tài chính cho phép Vinawaco chưa hạch toán tiền chênh lệch tỷ giá và lãi vay phải trả về khoản vay đầu tư mua ba tàu nạo vét của Mỹ. Thế mà khi “Tiến sĩ” Dương Chí Dũng nhận chức Tổng Giám đốc Vinawaco năm 2003, ông ta tiếp tục khuyến khích và kí duyệt dễ dàng cho các thành viên vay vốn, mua tàu hiện đại hơn, điển hình là Công ty nạo vét – xây dựng đường thủy 1 được vay gần 20 triệu USD (khoảng 280 tỉ đồng) mua tàu mang tên Thái Bình Dương trong lúc họ đã có hai con tàu trị giá 370 tỉ đồng đang nằm chờ việc! Có mấy ai tin nổi một công ty sắm toàn thiết bị tân kì nhưng doanh thu cả năm 2005 chỉ đạt… 87 tỉ đồng??? Các thành viên khác cũng chẳng hơn gì nên 8 doanh nghiệp của Vinawaco đã làm thâm hụt vốn chủ sở hữu tới 252 tỉ đồng. Cơ quan Kiểm toán nhà nước từng công bố số liệu: tại Vinawaco một đồng vốn làm lỗ 0,02 đồng!
Theo báo cáo của Vinawaco gửi Bộ Giao thông Vận tải năm 2005, số nợ mà Vinawaco phải trả là 2.556 tỉ (trong đó nợ ngắn hạn 1.626 tỉ) và năm 2006 số nợ lên tới 2.886 tỉ.
Nợ ngập đầu, khó khăn chồng chất, công nhân thiếu viêc làm nhưng quan chức lãnh đạo lại giàu lên nhanh chóng, dẫn tới việc đơn thư tố cáo bay như bươm bướm gửi đến những cơ quan chúc năng. Có lẽ chưa ở nơi nào số đơn thư tố cáo lên tới 5, 7 trăm như ở Vinawaco. Tuy thế, tất cả đơn thư đó cũng chẳng có kết quả gì.
Dương Chí Dũng ra đi bỏ lại sau lưng một gánh nợ khổng lồ, cái ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc bị bỏ trống. Theo luật bất thành văn, ai giỏi chạy chọt, ai lắm của nhiều tiền và có người nâng đỡ thì dễ dàng nhảy vào chỗ trống, nhưng ở Vinawaco một chuyện lạ đã xảy ra. Bộ trưởng Đào Đình Bình mời ông Lưu Đình Tiến – một giám đốc dự án chinh chiến nhiều nơi, nhiều phen cứu thua cho Vinawaco – về làm Tổng Giám đốc “miễn phí”!!!
Ngồi trên ghế nóng với những chồng đơn thư khiếu kiên đầy ắp trên bàn cùng với chuông điện thoại réo liên tục mỗi ngày đòi nợ, ông Tiến mất ăn mất ngủ, áp lực đè nặng tháng này qua tháng khác. Ông cùng các cộng sự lao tâm khổ tứ 6, 7 năm nay nhưng tình hình công nợ vẫn không có cách khắc phục triệt để vì món nợ quá lớn, làm ăn ngày một khó khăn…
Trong khi ấy Dương Chí Dũng thả sức múa may trên cương vị Tổng Giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, tranh thủ kết thân với nhiều quan chức cao cấp, gây dựng mối quan hệ mà người đời nói đó là lợi ích nhóm.
Con đường vinh thân phì gia đầy ánh hào quang phát lộ đúng vào dịp chiến lược phát triển kinh tế biển được cổ súy, Dương Chí Dũng ngó sang người anh em Vinashin đang tăng tốc nhờ những đống vàng, đô la từ trên trời rơi xuống, có quá nhiều cơ hội đục nước béo cò.
Và ông Dương Chí Dũng quyết chí theo chân ông Phạm Thanh Bình lao tới…!!!
L. T. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.


Lê Trung Thành
13-6-2012

Sau khi Dương Chí Dũng ( DCD) về nhận chức ở Vinalines một thời gian thì Thứ trưởng GTVT Phạm Duy Anh được miễn chức Hội đông quản trị (HĐQT) nên quyền hành nằm trọn trong tay DCD. Một lần nữa, cái ghế Tổng giám đốc (TGĐ) của Vinalines lại có khối kẻ nhòm ngó, nhiều ứng cử viên sáng giá đầu đơn xin chết! Nhiều người chạy đua nhưng ghế chỉ có một nên chỉ có một người được chọn. Đó là ông Mai Văn Phúc, nguyên TGĐ Vosa Quảng Ninh. Từ nghề đại lý vận tải, ông Phúc biết nắm bắt cơ hội đầu tư vào nhiều ngành nghề khác, giữa thời nhập nhem tranh tối tranh sáng, ông cũng gặt hái được khối tiền vàng, vì thế ông dư sức đưa đẩy… và đã thắng! “ Cặp đôi hoàn hảo” Dương Chí Dũng – Mai Văn Phúc có vẻ hợp nhau theo cách kẻ tung người hứng, cùng mục tiêu “ học và làm theo Vinashin” – một cục cưng đang được Chính phủ chăm sóc vô cùng chu đáo.
Nếu ông chủ tịch HĐQT DCD mạnh mồm tuyên bố từ năm 2007 rằng, đến năm 2010, Vinalines sẽ phát triển vốn đến 4 tỷ đôla USD. Trong số đó 2 tỷ USD đầu tư cho đội tàu biển, 1,5 tỷ USD xây dựng hệ thống các cảng biển lớn và 0,5 tỷ USD đầu tư vào mạng lưới logistic và hệ thống dịch vụ hàng hải phấn đấu lên sàn chứng khoán vào năm 2010!
Ngay lập tức TGĐ Mai Văn Phúc hồ hởi loan tin cho báo giới, đến năm 2008 Vinalines sẽ trở thành một tập đoàn hùng mạnh. Ông vạch ra chiến lược và lộ trình thực hiện, đa dạng hóa nghành nghề như Vinashin. Nào là xây dựng cảng cạn IDC ở Lào Cai, nào là đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị mới ở Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Sài Gòn, Long An…
Trong bối cảnh nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư trái ngành trái nghề mà không bị Chính phủ và các bộ chủ quản thổi còi nên Vinalines vẫn được các ngân hàng cho vay vốn đầu tư mà không cần biết tới dự án đã được ai phê duyệt, cấp nào phê duyệt và cơ cấu trả lãi, trả nợ ra sao?
Vay tiền quá dễ hơn cả mong muốn khiến mấy ông chủ Vinalines và nhiều doanh nghiệp đua nhau đi mua tàu… cũ, quá tuổi quy định đưa về Việt Nam khai thác. Không được đăng kiểm ở Việt Nam thì treo cờ Mông Cổ, cờ Malta, cờ Liberia… cũng có sao đâu? Khắp thế giới người ta đều làm như vậy, luật pháp nào buộc tội được!
Còn xây dựng cảng biển cứ nhè vào mấy nơi đã được nhà nước đưa vào danh mục “phát triển kinh tế biển” như ở khu vực vịnh Vân Phong mà làm. Vốn đầu tư thỏa sức tăng chẳng có ai cấm cản gì. Vì vậy Vinalines với tư cách chủ đầu tư đã nâng số vốn đầu tư cho giai đoạn 1 thật kinh hoàng. Năm 2007 tổng mức đầu tư chỉ là 3,126 tỷ đồng thì 2 năm sau đã tăng lên 6,177 tỷ. Và lễ khởi công hoành tráng được tổ chức vào sáng ngày 31/10/2009 tại Đầm Môn, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự. Tại buổi lễ này, ông DCD dẫn mọi người vào “ thế kỷ đại dương” nên việc đầu tư 3,6 tỷ đôla cho cảng Vân Phong trong tương lai là điều cần thiết. Giai đoạn 1 này chỉ 300 triệu đôla mới là bước khởi động để có thể đón tàu chở container từ 6.000-9.000 TEU. Nhưng cho đến hôm nay sau hơn 2 năm thi công, gói thầu 681 mới đóng được 145 cọc bê tông và cọc thép xuống lòng biển rồi đóng cửa công trường. Người ta chỉ để lại mấy người thợ chống rỉ cho số cọc đang nằm vất vưởng trên bờ và mấy người bảo vệ. Phía xa một chiếc máy đóng cọc nằm bất động. Con số 145/1729 cọc của gói thầu trị giá 1.000 tỷ đồng này là kết quả của việc đầu tư nóng vội, thể hiện sự nghiên cứu lập dự án hết sức cẩu thả… mà vẫn được phê duyệt, làm lãng phí và thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nhưng được nấp dưới nguyên nhân hết sức… dễ thương, đó là chờ thiết kế mới để xây dựng cầu bến dài hơn, hiện đại hơn có thể đón tàu chở 12.000-15.000 TEU!
Trong sự phấn khích quá đà của thời đại Vinashin ngự trị, Vinalines cũng muốn chứng tỏ mình không quá thua người anh em trong lĩnh vực sửa chữa tàu biển. Một dự án xây dựng các nhà máy sửa chữa tàu biển đã được hoạch định, đặc biệt là nhà máy sữa chữa tàu biển Vinalines phíaNam. Họ lập luận rằng mỗi năm các đội tàu biển có 2-3 trăm lượt tàu cần sửa chữa và trong tương lai là 4-5 trăm lượt mà thị trường sửa chữa tàu hiện tại chỉ đáp ứng được 20-25%. Do vậy cần phải có ngay một nhà máy ở phía nam đảm nhận nhiệm vụ này. Ngài chủ tịch DCD sẵn lòng phê duyệt dự án đầu tư bằng quyết định số 687 ngày 27/6/2007 với tổng mức 3.853 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có và vay thương mại. Trụ sở nhà máy nằm trên diện tích hơn 100 hecta thuộc xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và một ban quản lý dự án được lập ra. Ông Trần Hữu Chiều, Phó TGĐ Vinalines mới được đề bạt từ vai Chánh văn phòng được cử làm Trưởng ban. Ngày 1/10/2007, ông Chiều đệ trình văn bản xin mua ụ nổi 25.000 T của Nga sản xuất từ năm 1965 với giá 14 triệu 136 ngàn USD nhưng hơn 4 tháng sau vào ngày 14/2/2008, ông Chiều lại gửi văn bản xin điều chỉnh giá mua ụ nổi là 24 triệu 300 ngàn USD để mua chính chiếc ụ đó (N83), tăng hơn 10 triệu USD không có lời giải thích chính đáng nhưng ông Chủ tịch HĐQT và ông TGĐ ký duyệt ngay lập tức, vì ai cũng hiểu đó là sản phẩm của họ đẻ ra và ông Trưởng ban chỉ là kẻ hợp thức hóa các bước đi lấy lệ mà thôi.
Ụ được mua, được kéo về đậu tạm tại vùng nước của cảng Gò Dầu B thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần cảng Đồng Nai trên sông Thị Vải. Qua kiểm tra bằng mắt thường những người có chuyên môn quá kinh ngạc vì chiếc ụ đã ở trong thời kỳ hư hỏng nặng nề. Không ít người than rằng Vinalines đã bỏ ra gần 500 tỷ đồng để mua đống sắt vụn về chuẩn bị phá dỡ bán ve chai!
Tuy nhiên ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ra vẻ như không biết đến điều này. Họ chỉ thị cho Ban giám đốc nhà máy ký hợp đồng sửa chữa ụ với nhà máy sửa chữa tàu biển Huyndai Vinashin, số tiền chi phí sửa chữa lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng ụ vẫn không hoạt động được, làm chậm kế hoạch khởi công dự án và cũng góp phần làm tiêu tan sự nghiệp của TGĐ Mai Văn Phúc. Ông ta đứt gánh giữa đường, rời ghế TGĐ về nhận nhiệm vụ ở Phòng thư ký của Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, chật vật mãi ông mới được giữ chức Vụ phó Vụ Vận tải. Người về thay chỗ của ông là Nguyễn Cảnh Việt – nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần vận tải biển Bắc, được Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng ra quyết định bổ nhiệm số 1389 ngày 27/8/2009.
Sau nhiều lần hoãn đi hoãn lại, ngày 19/7/2011 lễ khởi công xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam được tổ chức khá rầm rộ và số tiền đầu tư đã leo từ 3.853 tỷ đồng lên gần 6.500 tỷ đồng! Giải thích về số vốn tăng thêm 150 triệu USD, Vinalines nói rằng họ sẽ sử dụng công nghệ cao, hiện đại nhất thế giới tại nhà máy này. Nếu ở Khánh Hòa, Huyndai Vinashin đang dùng hạt NIX để làm sạch vỏ tàu gây ô nhiễm nặng nề thì Vinalines dùng công nghệ siêu áp phun nước rất thân thiện với môi trường. Lượng chì trong không khí sẽ giảm tới 1.679 lần so với hạt NIX tuy nhiên giá thành sẽ đắt 8-10 lần ! Con số đưa ra thật là hấp dẫn.
Trở lại vấn đề ụ nổi N83 gây nhiều tranh cãi, các vị lãnh đạo Vinalines muốn tìm cách ém nhẹm các sự cố xảy ra nhưng họ có biết đâu rằng cái Ban giám đốc trực tiếp theo dõi việc sửa chữa ụ đã biết tranh thủ thời cơ đục khoét, nó cũng là đầu mối để cơ quan điều tra để mắt tới.
Câu chuyện bắt đầu xảy ra khi ông TGĐ nhà máy Trần Hải Sơn và Trưởng phòng Kế hoạch Trần Văn Quang “gửi giá” mỗi cân thép tăng thêm 10 ngàn đồng để đút túi riêng khoảng 1,5 tỷ đồng, tất nhiên số tiền này được hạch toán vào hợp đồng sửa chữa ụ nổi N83.
Cái sẩy nẩy cái ung, 4 người liên quan đến phi vụ cò con này đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố với tội danh tham ô tài sản XHCN và bị bắt tạm giam ngày 7/2/2012, trùng với ngày ông DCD nhận 2 quyết định: Quyết định số 142 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 6/2/2012 bãi chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines và quyết định của ông Bộ trưởng Đinh La Thăng bổ nhiệm ông làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Tên dữ đến tai nhưng vẫn phải tỏ ra bình tĩnh để tổ chức buổi lễ nhận chức Cục trưởng vào ngày hôm sau 8/2/2012. Chẳng hiểu ở trại tạm giam ông Sơn và ông Quang đã khai những gì nhưng chỉ vài tuần sau các ông DCD, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều nhận được giấy triệu tập đến cơ quan điều tra Bộ công an… Mặt mũi các vị chuyển từ hồng hào sang màu xám đen đầy vẻ âu lo mà vẫn phải tỏ ra… ta chẳng sai phạm gì hết! Thế rồi cái gì đã đến thì phải đến.
Ngày 18/5/2012 cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Mai Văn Phúc, ông Trần Hữu Chiều tại nơi làm việc, còn ông Dương Chí Dũng nhanh chân tẩu thoát trước sự ngỡ ngàng (???) của cơ quan điều tra. Giới thạo tin truyền tai nhau ông Dũng có tả phù hữu trợ nên “ tẩu vi thượng sách” sẽ cứu được nhiều người liên quan, vụ án dễ bị chìm xuồng? Ông Dũng trốn đi rồi, những con số do Thanh tra Chính phủ công bố giờ chỉ còn là tài liệu tham khảo. Trong giai đoạn ông trị vì Vinalines con số lỗ tăng dần. Năm 2009 là 412 tỷ đồng thì năm 2010 là 1.273 tỷ đồng. Tổng số nợ năm 2009 là 17.071 tỷ đồng, chiếm 65,8% nguồn vốn thì năm 2010 tổng số nợ đã lên tới 36.599 tỷ đồng, chiếm 91,4% nguồn vốn. Những con số khô khan kiểu này thiên hạ nghe chán tai từ lúc Vinashin đổ bể nhưng có mấy ai bị kỷ luật, bị cách chức hay ra hầu tòa đâu! Nếu như không xảy ra vụ án ụ nổi N83 thì chắc chắn DCD vẫn còn ở ngôi Cục trưởng và biết đâu còn có thể lên cao nữa.
Việc DCD bỏ trốn mặc dù đã có lệnh truy nã nhưng giờ này người ta đang đồn đoán thông tin bị rò rỉ nên Dũng thừa thời gian trốn chạy. Dư luận thạo tin đồn rằng bố của ông DCD từng giữ chức Giám đốc Công an Hải Phòng thập kỷ 80 của thế kỷ trước, em ruột hiện là Phó GĐ công an Hải Phòng. Với một gia đình công an nòi như thế chuyện gì chẳng có thể xảy ra???
Trước sự mất tích bí ẩn của viên Cục trưởng mà chỉ cách đó hơn 3 tháng ông Bộ trưởng Đinh La Thăng ký quyết định bổ nhiệm và đích thân tới dự, trao bó hoa tươi thắm cho một nhân vật vừa xuống vừa lên như DCD. Bộ trưởng Thăng nói rằng ông làm như vậy là để cứu Vinalines. Lời giải thích mang đầy tính hài hước làm ông lại mất điểm trước dư luận xã hội. Giữ chức Bộ trưởng GTVT chưa đầy 1 năm, với những lời phát biểu, với những loại phí mà ông đề ra, người ta đã chán ngấy và coi ông là một chính khách chưa đủ tầm, nói năng phát biểu thiếu thận trọng, tùy hứng. Dư luận xã hội và đặc biệt là các đại biểu QH đang dự phiên họp đòi hỏi ông Thăng phải nghiêm túc giải trình sự việc ông bổ nhiệm ông DCD làm Cục trưởng hàng hải VN và chờ đợi từ ông một câu trả lời thỏa đáng…
Còn ở một nơi nào đó, ông DCD chắc sẽ cười đắc thắng vì nhiều kẻ phải ngàn lần biết ơn ông đã “bóng chim tăm cá” để chúng vẫn “bình yên” vì chưa bị lộ???

L.T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN






No comments:

Post a Comment

View My Stats