“Reflection On A Lost War”
bài phỏng vấn Trung
Tướng (hồi hưu) John E. Murray bởi Ðại Tá (hồi hưu) Robert L. Burke trong www.HistoryNet.com và www.VietnamMag.com]
*Toàn
Như chuyển ngữ
Tuesday,
June 05, 2012 3:15:44 PM
(Phỏng
vấn một cựu tướng lãnh Mỹ)
Lời
giới thiệu:
Gần đây, báo chí đã loan tin, ngày 3 tháng 6, 2012 vừa qua, Bộ Trưởng Quốc
Phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã đến Việt Nam và đã ghé thăm cảng Cam Ranh, Khánh
Hòa. Ông Panetta là giới chức quân sự cao cấp nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh
thăm lại nơi đã từng là một căn cứ quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Cảng Cam Ranh
là một trong những hải cảng tốt nhất của Việt Nam và vùng Ðông Nam Á. Trước năm
1975, Cam Ranh từng là một căn cứ quân sự lớn của Mỹ tại Việt Nam, nhưng sau
năm 1975, Liên Xô đã thuê lại căn cứ này, nhưng sau đó, vì những khó khăn về
tài chánh sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã hủy bỏ hợp đồng thuê căn cứ này vào
năm 2002. Hiện nay, trước sự lộng hành của Trung Cộng tại Biển Ðông, Việt Nam
đang muốn quốc tế hóa vùng biển này và ngầm mời gọi Hoa Kỳ trở lại Biển Ðông và
vịnh Cam Ranh hầu làm giảm thiểu tình hình căng thẳng tại vùng biển này.
Trước
1975, Trung Tướng (hồi hưu) John E. Murray là người đã phục vụ 2 nhiệm kỳ trong
chiến tranh tại Việt Nam. Ông từng là người chỉ huy hải cảng Cam Ranh
(1968-1969) của quân đội Mỹ, và sau đó là chỉ huy phó Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Tiếp
Vận tại Sài Gòn (1972). Hiện nay tướng Murray đã giải ngũ và hiện là một luật
sư làm việc cho Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ. Với nhiệm vụ này, Tướng Murray đã nhiều lần
trở lại Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt. Ðể tìm hiểu về Cảng Cam Ranh và
thực trạng Việt Nam sau chiến tranh, mời quý bạn đọc xem lại cuộc phỏng vấn
tướng Murray được phổ biến trong trang mạng www.HistoryNet.comvà www.VietnamMag.com. Cuộc phỏng vấn đã
tiết lộ cho biết khá nhiều chi tiết thú vị về hải cảng Cam Ranh cũng như thực
trạng Việt Nam sau cuộc chiến. (TN)
***
-Phóng
viên (PV): Tại
sao ông trở lại Việt Nam?
-Tướng
Murray:
Tôi có hai lý do: một lý do tốt và một lý do thực sự. Lý do tốt đó là tôi là
một nhà doanh nghiệp hiểu biết về đất nước này. Còn lý do thực sự là sự tò mò.
Giống như hầu hết mọi người từng ở trong quân đội, tôi là người tự dằn vặt
mình. Trải qua những khổ đau về một cuộc chiến bị thua cũng giống như nghĩ về
một tình yêu đã mất. Nỗi nhớ về nơi chốn xưa trong nỗi đau đã tan loãng không
giống những cái khác.
-PV: Năm 1974 ông đã
từng cảnh cáo về điều có thể xảy ra là, nếu chúng ta thất bại trong việc trợ
giúp Miền Nam Việt Nam sẽ là một sự hổ thẹn vô cùng cho chúng ta, và điều này
ông đã đúng. Tôi ngưỡng mộ việc ông đã trở lại để nhìn thẳng vào những sự việc
bằng con mắt mới mẻ và thực tiễn. Vậy những ấn tượng đầu tiên của ông về một
nước Việt Nam hiện tại là gì?
-Murray:
Chiến
tranh đã là quá khứ hơn 20 năm nay rồi (Ghi chú của ND: cuộc phỏng vấn này đã
diễn ra khoảng đầu thế kỷ 21). Những người lính trẻ không biết gì về nó; họ chỉ
tò mò về người Mỹ. Ðối với các sĩ quan lớn tuổi hơn, một số lớn dược giáo dục
tại Nga và tại Ðông Âu. Chỉ có một số trong số họ thực thụ thích thú nói về vấn
đề này.
-PV: Ðối với giới
quân đội Việt Nam, tôi tưởng như ông đã bước vào thời kỳ lịch sử của những
người xét lại. Thật là thích thú khi biết những việc họ đã làm mà chúng ta lại
chưa biết, và họ đã nghĩ gì về chúng ta và cuộc Chiến Tranh Lạnh.
-Murray:
Tôi
đã gặp giới quân sự đang tại chức và cả với những người từng là cựu quân nhân
hiện đang là những giám đốc các xí nghiệp quốc doanh, họ rất cởi mở và thân
thiện, như tất cả chúng ta đã từng trải qua trong những cuộc chiến tranh khác.
Những người lính Mỹ không được huấn luyện để thù ghét, họ chỉ được huấn luyện
để giết hại (kẻ thù), và dù là những nhân viên tiếp vận (như tôi) cũng chỉ là
một bộ phận của cái guồng máy giết tróc mà thôi. Dù là tuyên truyền chúng ta đã
nghe như thế nào trong những năm qua, hầu hết mọi người lính, kể cả những người
lính Việt Nam, cũng vậy thôi. Thực vậy, chúng tôi dính líu đến cùng một nghiệp
vụ và thích được nói chuyện về những lợi ích trong công việc mà chúng tôi từng
làm. Cũng giống như các chủ ngân hàng thích nói chuyện với các chủ ngân hàng,
các sử gia với các sử gia, và các người lính với các người lính.
-PV: Họ đã nói gì về
cuộc chiến?
-Murray: Tại vịnh Cam Ranh,
tôi đã gặp một nhân vật khá hiểu biết và vô cùng thích thú. Như ông biết, Cam
Ranh và vùng phụ cận của nó rất giàu khoáng sản, không phải chỉ có loại cát
trắng silica phẩm chất cao không mà thôi. Một công ty quốc doanh đang khai
thác, xuất cảng loại cát này, gần một triệu tấn một năm. Giám đốc xí nghiệp này
là kỹ sư Trần Huy Hải. Trong thời kỳ chiến tranh ông ta có trách nhiệm xây dựng
và bảo trì Ðường Mòn Hồ Chí Minh, hay gọi tắt là Ðường Mòn, như họ vẫn thường
gọi như thế.
-PV: Họ đã giải quyết
thế nào khi có giội bom?
-Murray: Ðó là câu đầu tiên
mà tôi đã hỏi ông ta. Câu trả lời của ông ta đã làm tôi ngạc nhiên đến nỗi tôi
phải yêu cầu ông ta lập lại vì không tin vào lỗ tai mình. Ông ta đã nói lại hai
lần (qua lời thông dịch viên) rằng, “Khi các oanh tạc cơ đến, tôi nhìn lên trời
và rất vui mừng!” Sau đó, ông ta giải thích, “Ðường mòn không chỉ là một con
đường mòn. Nó là ba con đường mòn lận. Con đường mòn không chạy dài bất tận, nó
chạy theo hướng Bắc Nam khoảng hơn 1000 km. Ba con đường mòn - một dành cho xe
tăng, một dành cho xe vận tải, một cho binh lính - giống như một con rắn. Mỗi
con đường uốn lượn và chuyển thành hơn 10,000 km đường rừng ngụy trang. Hiệu
quả của việc giội bom rất thấp.” Ông ta nói thêm, “Muỗi sốt rét (anopheles) còn
tai hại hơn là việc bỏ bom và nó cũng mang đến thương vong nhiều hơn.” Trần Huy
Hải trông có vẻ ốm yếu. Bệnh sốt rét đã làm ông mất một phần cái bao tử. Ông ta
cũng đang bị bệnh thận. Kỹ sư Hải biết rất rõ về chiến thuật giảm quân số của
Tướng Westmoreland. Thế nhưng sự trợ giúp của muỗi sốt rét cũng thất bại, không
chỉ bởi khả năng sinh sản của xã hội Việt Nam mà còn vì họ đã sử dụng phụ nữ
như một xưởng đẻ. Hải đã nói, “Tất cả việc nổ mìn, xây dựng và bảo trì Ðường Mòn Hồ Chí Minh là công
việc của phụ nữ.” Ông ta nhấn mạnh đến chữ “tất cả.” Ông ta còn nói,
“Một trăm phần trăm các công nhân đều tin rằng chiến tranh rồi sẽ thắng.”
-PV: Ông có thấy niềm
tin đó rộng rãi trong giới quân sự không?
-Murray: Không, tôi không
thấy cái tư tưởng đó rộng rãi trong giới quân sự. Bạn có thể tổng hợp các quan
điểm. Họ nói một cách công khai, mà tôi có thể nói đó là một nhận xét chung,
rằng “nếu người Mỹ các ông tiếp tục công việc ấy (đó là việc bỏ bom Bắc Việt
năm 1972) thêm 4 tháng nữa, chúng tôi đã thua rồi.” Trong cuộc không tập cuối
cùng của Mỹ vào Miền Bắc, không có chiếc máy bay nào bị tổn thất. Ðây là lần
đầu tiên Hoa Kỳ không bị mất một chiếc máy bay nào. Qua các máy liên lạc điện
tử chúng ta biết rằng Bắc Việt đã không còn các hỏa tiễn SAM (surface-to-air missiles:
hỏa tiễn đất-đối-không). Họ thực sự không còn được võ trang và che chắn khỏi sự
không tập ồ ạt.
-PV:
Nếu
chúng ta đã biết điều đó, vậy thì tại sao cuộc giội bom lại bị ngừng?
-Murray: Ðô Ðốc Thomas H.
Moorer, chủ tịch Ban Tham Mưu Hỗn Hợp, đã yêu cầu được tiếp tục giội bom, nhưng
lời yêu cầu này đã bị bác. Sự bác bỏ này là một trong những cái NẾU to lớn của
cuộc chiến. Chúng ta chỉ có thể đánh giá sự việc xảy ra nếu lời yêu cầu của Ban
Tham Mưu Hỗn Hợp được trân trọng.
PV: Tôi biết rằng
Tướng Bob Kingston và một vị cựu chủ tịch Ban Tham Mưu Hỗn Hợp khác, Tướng Jack
Vessey, người đã từng trở lại Việt Nam 6 lần với tư cách là đặc sứ của tổng
thống về vấn đề POW/MIA (tù binh và người mất tích), đã có một nhận xét khác
khi họ nghe từ Tướng Giáp, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng của Bắc Việt.
-Murray: Tôi cũng có nghe
điều đó. Theo Tướng Kingston, Tướng Giáp nói với họ rằng, một trong những lý do
làm cho họ thắng và chúng ta thua là họ “không có máy điện toán.” Tôi đã nghĩ
về điều đó khi mới đây tôi được tham dự một buổi lễ tốt nghiệp tại Trường Cao
Ðẳng Bộ Binh Hoa Kỳ. Tòa nhà mới “Lãnh Ðạo Chiến Thuật” (Strategic Leadership)
của họ đã có số máy điện toán trị giá hơn 25 triệu Mỹ kim.
-PV:
25
triệu Mỹ kim máy điện toán đó chẳng bao giờ có thể tương xứng với những sự nối
kết điện tử, hóa học đầy rắc rối với sự ngoắt ngoéo của bộ óc con người. Cộng
thêm cái “xa lộ thông tin” mới cho chúng đi nữa, bạn vẫn không thể tương xứng
với cái phức tạp rắc rối đã có trong cái đầu óc của Giáp. Khi ông ta nói có vẻ
vênh váo về máy điện toán, Giáp đã nói không có vẻ gì châm biếm cả.
-Murray: Tôi nhớ đã đọc bài
phỏng vấn khá nổi tiếng với Tướng Giáp vào tháng 2 năm 1969 do một ký giả người
Ý là Oriana Fallacci thực hiện. Giáp cũng đã nói, “Hoa Kỳ... đang lay động cuộc
chiến bằng chiến lược toán học. Họ yêu cầu các máy điện toán của họ làm các
tính cộng, tính trừ, rút căn số, và rồi từ đó họ hành động.”
-PV: Ðiều đó chắc ứng
dụng cho Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara và những nhà phân tích trong
hệ thống cộng sự “tuổi trẻ tài cao” của ông ấy.
-Murray: Ðúng như vậy. Vì
Tướng Giáp nói vào năm 1969, sáu năm trước khi Sài Gòn thất thủ, rằng “chiến
lược toán học không hữu hiệu ở đây- bởi vì nếu nó hữu hiệu, họ đã tiêu diệt
chúng tôi rồi.”
-PV: Trở lại hiện
tại, các người ở trong quân đội Việt Nam hiện nay đang làm gì?
-Murray:
Cái
ý tưởng về sự phối hợp kỹ nghệ quân sự của họ làm cho cái nhận thức của chúng
ta về nó không thể tưởng tượng được và cũng khó mà so sánh. Quân đội hiện ở
trong một doanh nghiệp lớn. Ðó là nơi của các doanh gia. Các thành viên của
quân đội là những người được giáo dục, huấn luyện, có kỷ luật và tổ chức tốt
nhất. Họ có một cái nhìn tổng hợp về sự phát triển kỹ thuật cao và hầu hết
những gì có thể mang lại lợi lộc.
-PV: Ở Á Châu họ có
thể nói về Khổng Tử, nhưng hầu hết mọi người lại theo câu châm ngôn của George
Bernard Shaw “Tiền bạc là nguồn gốc của mọi đạo lý” (Money is the root of all
virtue).
-Murray:
Chắc
chắn như vậy. Chẳng hạn như, trong chuyến trở lại Việt Nam đầu tiên của tôi năm
1993, một ông trung tá trẻ, sắc sảo, đúng đắn, lịch sự trong quân phục đã tự
giới thiệu bằng tiếng Anh rất khá. Ông ta hỏi tôi có muốn đi tới Long Bình
không.
-PV: Ðó là một trong
những căn cứ tiếp liệu lớn nhất của chúng ta. Ông ấy hẳn đã biết ông từng là
một chuyên viên về tiếp vận trong thời chiến.
-Murray:
Họ
biết quá khứ của tôi. Và có thể họ cũng có hồ sơ của anh nữa (Ghi chú: Phóng
viên phỏng vấn Tướng Murray là Robert L. Burke, cựu đại tá Lục Quân Mỹ, cũng đã
từng phục vụ tại Việt Nam với tư cách là trưởng phòng Thông Tin của MACV), bởi
vì anh là một trong những người tổ chức họp báo hàng ngày ở MACV trước đây.
-PV: Có thay đổi
nhiều lắm sau chiến tranh không?
-Murray:
Tôi
ngỡ rằng cái xa lộ từ thành phố Sài Gòn cũ (nay chính thức là TP Hồ Chí Minh)
tới Vũng Tàu rồi sẽ giống như cái xa lộ New Jersey Turnpike ở ngoại thành New
York. Và cái con đường tới Long Bình và Biên Hòa cũng như vậy. Cái quang cảnh
mà chúng ta đã biết thì nay đang biến mất. Những căn cứ tiếp vận của Không Quân
và Lục Quân của chúng ta ở Biên Hòa và Long Bình đã chuyển thành một khu phức
hợp kỹ nghệ khổng lồ với những kỹ nghệ nặng và nhẹ.
-PV: Ông có nhận ra
cái căn cứ tiếp liệu cũ ở Long Bình không?
-Murray: Tại cổng Long Bình
tôi chợt tưởng như là mình chưa từng bao giờ thấy nó. Khi tôi là Chỉ Huy Trưởng
Tiếp Vận của MACV trong thời gian chiến tranh, tôi bay ra bay vào căn cứ thường
xuyên. Sự yên lặng và không hoạt động ở đó thật tương phản với ký ức của tôi về
những tiếng chong chóng của máy bay trực thăng, những tiếng gầm rú của những
chiếc xe tải, những chiếc xe jeep vội vã, những tiếng nhạc, radio từ những máy
stereo trong PX,và những chuyển động dồn dập của những người lính. Tôi phải tự
nhủ rằng, “Ðây chính là Long Bình đó.” Thật đáng tiếc nó bây giờ là một cái bãi
tha ma của quân đội với đủ thứ phế liệu nằm rải rác, lộ thiên - với những thùng
conex của Không Quân, Lục Quân, tất cả đều được khóa bằng xích và ổ khóa. Không
có gì chuyển động. Nhưng thật là tức cười, nó vẫn còn là của Mỹ. Ðể cho nó
trông có vẻ giống như những cái mà chúng ta thường thấy ở ngoại ô những thành
phố lớn của Mỹ là cần có thêm xác những chiếc xe hơi cũ và một con chó hoang.
Tôi được giới thiệu với người chỉ huy trưởng, một đại tá quân đội không cho
biết tên. Tôi hỏi ông ấy tại sao từ chối cho biết tên, ông ta nói, “Ông sẽ đưa
nó cho (Tổng Thống Bill) Clinton.” Nó làm cho tôi nhận ra rằng vẫn còn có sự xa
cách trong sự hiểu biết giữa hai quốc gia. Tất cả các nhân vật hàng đầu của họ
đều là quân đội, họ không hiểu rằng những cơ hội cho một ông tướng hồi hưu ở
Washington gặp gỡ vị tổng thống cũng chẳng khác gì việc gặp gỡ con chim cánh
cụt ở sa mạc Gobi.
-PV: Tôi cho rằng
người Việt Nam nhìn chúng ta như chúng ta bị phản chiếu trong tấm gương của
riêng họ, và chúng ta cũng làm như thế khi chúng ta nhìn họ - dù rằng cả hai cái
gương của chúng ta đều đã rạn nứt.
-Murray:
Cái
hình ảnh về chúng ta mà họ có cũng có thể vì những sự kiện từ Băng Tần Truyền
Hình số 1 của CNN ở Sài Gòn. Trong một quốc gia mà mọi giới chức đều không phải
bầu cử, họ tự hỏi ông tổng thống được bao nhiêu người ủng hộ khi nói chuyện với
công chúng. Vị tổng thống là một hình thức quảng cáo tốt cho các xí nghiệp kiểu
Mỹ.
-PV:
Tôi
khá hiểu biết về người Việt nên có thể nói rằng họ chẳng mất công lái xe đưa
ông đến Long Bình chỉ để ngắm cảnh.
-Murray: Ðúng vậy. Một phụ
nữ nhỏ bé mặc chiếc quần đen được gọi đến. Bà là người lao công với một chùm
chìa khóa còn nặng hơn cả người bà. Bà mở khóa một trong những nhà kho cũ của
chúng ta. Tôi thấy mình như đang bị hóa thân. Như một cơn ác mộng. Không có
những bóng đèn neon cũ, cái nhà kho thật tối tăm, và tôi phải mất một lúc lâu
mới điều chỉnh được đôi mắt. Trong số hàng đống vật dụng của Thủy Quân Lục
Chiến có vào khoảng 25 thùng gỗ trông rất quen thuộc, có khóa dưới chân, với
khoảng 100 khẩu súng M-15 mỗi thùng. Họ yêu cầu tôi lựa đại một thùng. Tôi đã
làm, và nó đã được trét mỡ bò như khi chúng ta bỏ lại và vẫn còn tốt.
-PV: Họ muốn bán lại
tất cả những súng cũ của chúng ta cho chúng ta?
-Murray: Ðúng, nhưng còn hơn
thế nữa. Các súng M-15 chỉ là một sự giỡn chơi thôi. Họ muốn bán 50,000 khẩu
súng M-16 với giá 176 Mỹ kim một khẩu.
-PV:
Ðó
là cái giá trời ơi cho một khẩu súng M-16 loại cũ. Loại súng mới M-16A2 mà
chúng ta có hiện nay hiệu quả gấp hai lần và không có những sai sót như loại
súng nguyên thủy. Ðó không phải là cái giá hợp lý. Tôi được biết người Trung
Quốc bán một khẩu AK-47 chỉ có 50 Mỹ kim thôi.
-Murray:
Hoàn
toàn đúng. Nhưng với những sự hạn chế về súng trường bán tự động của chúng ta,
việc mua không thể nào vào Mỹ dù cho nó có được cái giá phải chăng đi nữa.
Ngoài ra còn có một vài vấn đề pháp lý, bởi vì khi chúng ta xuất những vũ khí
đó cho Miền Nam Việt Nam, chúng ta có một điều khoản là chúng phải được hoàn
trả lại cho chúng ta nếu chúng không được dùng vào những mục đích dự liệu.
Nhưng tôi chắc rằng họ có thể cho rằng chúng là những phế liệu chiến tranh.
-PV: Ðó có phải là
một sự mỉa mai không? Thật là đáng xấu hổ. Họ ngon ngọt cho chúng ta cái cơ hội
mua lại những gì họ đã lấy với cái giá quá cao như thế. Như vậy chẳng khác gì
một tên ăn cướp đi điều đình với chính người mà nó đã cướp đoạt?
-Murray: Ðó là chiến tranh.
Nó tạo ra nhiều hành động hợp pháp, nhất là nếu bạn là người chiến thắng.
-PV: Thế còn những tài
sản khác mà chúng ta để lại thì sao? Họ cũng có muốn bán nó không? Là cựu chỉ
huy trưởng Vùng 4 Tiếp Vận, bao gồm cả “Tân Cảng” của Sài Gòn, ông có dịp đi
thăm các cơ sở cũ trong các chuyến tham quan mới đây không?
-Murray: Một vị đại úy hải
quân tên Vũ Trí Viễn và một nhân viên hải quân đang điều hành cái mà chúng ta
đã xây cất lên, nó vẫn mang tên là Tân Cảng (Newport). Nó là một trong những
doanh nghiệp thương mại của quân đội họ. Và nó cũng bận rộn y như ngày xưa của
chúng ta, neo cột đầy những tàu chứa containers. Ông ta chỉ cho tôi đầy vẻ biết
ơn, làm như tôi là người hiến tặng chính đại diện cho quân đội Mỹ, cái cần cẩu
nổi 100 tấn đang đong đưa cái móc to lớn gần cái bờ kè bốc dỡ nơi mà chúng ta
thường bốc dỡ một cách nhanh chóng trước đây. Viễn đã làm tôi ngạc nhiên khi
nói, “Ông có thể giúp cho tôi.” Tôi hỏi, “Giúp làm sao?” Ông ấy nói, “Các ông
để lại tất cả mọi thứ để cho bến cảng hoạt động ngoại trừ những đồ án xây dựng
nó. Chúng tôi muốn đưa vào cái cần cẩu 300 tấn, nhưng chúng tôi không biết cái
độ sâu của những cái trụ đỡ. Chúng tôi cần biết chúng ở độ sâu bao nhiêu.” Do
vậy tôi đã liên lạc với Tướng Jack Fuson, người đã chỉ huy xây dựng Tân Cảng.
Vị tướng đã cho biết, “Tôi đã có mặt ở đó khi họ chôn các trụ đỡ. Các kỹ sư đã
không thể nào xuống tới đáy. Vì vậy họ mới thực hiện những ‘trụ nổi’ xuống sâu
khoảng từ 150 tới 170 feet (khoảng 45 tới 50 mét).” Tôi đã fax những thông tin
này cho đại úy Viễn và sau đó đã nhận được một sự cám ơn rất nhiệt tình.
-PV: Ông cũng đã chỉ
huy căn cứ tiếp vận ở Vịnh Cam Ranh. Ông có cơ hội thăm lại cơ sở đó trong
chuyến đi của ông không?
-Murray: Cam Ranh làm tôi
ngạc nhiên vì sự trống vắng và im lặng của nó. Không có gì chuyển động ở trên
mặt nước hay ở trên không. Vẻ yên bình của nơi này đã quá rõ ràng. Ðây là một
trong những hải cảng thiên nhiên tốt nhất thế giới. Chúng ta đã từng có cùng
một lúc 63 chiếc tàu vượt đại dương ở trong vịnh. Ðó là nơi những chiếc tàu dầu
của chúng ta thường tiếp tế nhiên liệu cho những bồn chứa và các đường ống dẫn
dầu. Nơi đây, bên trong hải cảng, với những rặng núi ngăn bão, các kỹ sư của
chúng ta đã xây dựng một cái trục xoay cho cái hệ thống liên hợp container đầu
tiên. Và các kỹ sư cũng đã mang đến những cái cầu tầu DeLong lưu động, nơi mà
các tàu chở containers Sea Land neo bến. Ðây chính là nơi cuộc cách mạng về
containers đã khởi đầu. Nơi đó từng có rất nhiều tiếng gầm rú và âm vang như
sấm ở Cam Ranh. Nhưng nay tất cả đều yên lặng.
-PV: Tôi nghe nói Hải
Quân Nga đã sử dụng căn cứ Vịnh Cam Ranh mà.
-Murray:
Cam
Ranh là nơi hạm đội Nga đã ghé tiếp thêm than vào năm 1904 trước khi trở ra
biển và bị đánh đắm bởi hạm đội Nhật tại eo biển Ðối Mã (Tsushima) đánh dấu cho
toàn thế giới biết rằng Nhật đã là một cường quốc. Bây giờ không thấy có một
chuyển động nào từ các tầu ngầm và chiến hạm của Nga hay của hải quân Việt Nam.
Thật là một tình trạng không thể nào tin được. Tại Ba Ngòi, khu vực thương mại
không sâu của vịnh, tôi đã lên một chiếc tầu chở cát của Nga dưới cờ hiệu Ðại
Hàn. Nó đang chứa 12,000 tấn cát mịn silicon dùng để làm thủy tinh.
-PV:
Còn
có những dấu hiệu nào khác về sự hiện diện của người Nga không?
-Murray: Có chứ, nhưng bạn
phải đi tìm kiếm nó. Người Nga có một liên doanh sản xuất dầu ở mỏ Bạch Hổ tại
Việt Nam trong biển Trung Nam Hải (tức Biển Ðông). Ðó là cái mỏ duy nhất đang
sản xuất. Người Nga đã xây các đập nước và các nhà máy điện và cung cấp sự giám
sát việc sản xuất và truyền tải điện. Tại Vũng Tàu, người Nga đã cung cấp một
loại tầu tốc hành để gia tốc việc di chuyển trên sông tới Sài Gòn hầu tránh
việc trở ngại lưu thông trên đường bộ. Tôi đã được xem xét một ngày các tầu bốc
dỡ hàng, chất hàng và chờ đợi cập bến ở Sài Gòn. Có tất cả 53 tầu. Hai mươi sáu
phần trăm là của người Nga. Tại cái ụ tầu ở xưởng Ba Son của hải quân Việt Nam
Cộng Hòa cũ, 70 phần trăm các tầu ở đó là của Nga hoặc Ukraina. Do đó, với
những liên hệ về dầu khí, điện lực, tầu bè và sửa chữa tầu, đó là những bằng
chứng nhiều nhất về sự có mặt của người Nga ở Việt Nam.
-PV: Nói về cơ sở hạ
tầng kinh tế, hệ thống chuyên chở và đường sá đã được cải thiện như thế nào ở
Việt Nam?
-Murray: Các xe bò vẫn còn
hoạt động. Việt Nam chỉ rộng bằng cỡ tiểu bang New Mexico. Hãy thử xem xét toàn
cảnh, Việt Nam có khoảng 66,000 dặm đường bộ. New Mexico có khoảng 61,000.
Nhưng tất cả các con đường ở New Mexico đều có mặt cứng, được đổ bê-tông hoặc
tráng nhựa. Trong khi đó chỉ có khoảng 12 phần trăm đường bộ của Việt Nam được
trải nhựa một phần hoặc toàn phần mà thôi, và rất nhiều trong số đó được làm
bởi các nhân viên dân sự hoặc các kỹ sư công binh Mỹ trước đây.
-PV: Tôi nhớ lại rằng
công ty xây dựng dân sự RMK-BRJ đã sử dụng một số nhựa đường đủ để có thể làm
một con đường dài 5,000 dặm từ Sài Gòn tới Paris.
-Murray: Có khá nhiều anh
hùng trong số các nhân viên tiếp vận của chúng ta ở Việt Nam chưa hề được ca
ngợi. Họ chưa được vinh danh trên Bức Tường Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam,
mặc dù RMK-BRJ đã có 52 nhân viên dân sự bị chết trong khi làm nhiệm vụ và 248
người khác bị thương vong bởi hoạt động của kẻ thù. Giới truyền thông làm ầm ỹ
về việc chúng ta đã làm hư hại đất nước vì giội bom. Họ chẳng quan tâm đến việc
chúng ta đã cải thiện nó như thế nào và những sự cải thiện của chúng ta ngày
nay đang được sử dụng như là những cơ sở hạ tầng ra sao.
-PV: Tôi hiểu điều
đó, như là một phần của việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho Việt Nam, người ta
đang có một chương trình sử dụng các con đường mòn Hồ Chí Minh cho việc phát
triển kinh tế trong thời bình.
-Murray: Lenin đã từng định
nghĩa chủ nghĩa cộng sản như là “chủ nghĩa xã hội cộng với điện khí hóa,” nên
cái mà Miền Nam cần để gia tăng tổng sản lượng chính là điện lực. Ðang có một
sự mở mang mới sử dụng Ðường Mòn Hồ Chí Minh để nối liền đất nước này xuôi theo
những ngọn núi trong dãy núi Trường Sơn. Một mạng lưới điện từ đập nước Hòa
Bình ở phía tây Hà Nội kéo dài khoảng 1500 km về phía nam. Và nó đang tiếp tục
được thực hiện...
-PV:
Tôi
biết rằng ông rất cay đắng, và cả tôi cũng vậy, về cách mà chiến tranh chấm
dứt. Ông có bao giờ có ý định quay trở lại không?
-Murray: Cách đây hai mươi
năm, tôi có thể đã trả lời một cách khác. Hai mươi năm trước tôi đã muốn có một
trận tái chiến. Nhưng ngày nay tôi nhìn vào sự liên hệ của Hoa Kỳ như một sự
tái tuyên hứa vì lợi ích của tự do. Tự Do là điều không thể chia cắt. Tự do của
thị trường rồi sẽ lây lan. Nó có thể còn thành công hơn là các B-52. Nếu tôi
nhớ không lầm, kinh tế gia John Kenneth Galbraith trong cuốn sách A Journey
Through Economic Time (tạm dịch là Hành Trình Qua Thời Ðiểm Kinh Tế) xuất bản
năm 1994, đã nói, cái mà ông gọi là “Sự Mầu Nhiệm Không Chắc Chắn” có thể sẽ
xảy ra. Nó sẽ xảy ra ở Việt Nam.
-PV: Cám ơn những
chia sẻ của ông về Việt Nam. Ðối với một số người Mỹ, Việt Nam là một ác mộng.
Ðối với một số khác thì đó lại là một thế giới nhiệt đới đáng mơ ước. Ðối với
một số khác nữa, đó là một sự phản bội tệ hại. Ông đã cho chúng tôi một bức ảnh
rất hiện thực.
Toàn
Như
[dịch
từ “Reflection On A Lost War,” bài phỏng vấn Trung Tướng (hồi hưu) John E.
Murray bởi Ðại Tá (hồi hưu) Robert L. Burke trong www.HistoryNet.com và www.VietnamMag.com]
No comments:
Post a Comment