Friday, 1 June 2012

CHUYỆN LÀM ĂN QUAN TRỌNG HƠN NHÂN QUYỀN Ở ĐÔNG NAM Á (Roberto Tofani - Asia Times)




Roberto Tofani
Asia Times   01-06-2012

Người dịch: Dương Lệ Chi
Posted by basamnews on 01/06/2012

Tăng trưởng kinh tế ấn tượng, việc mở cửa cho dân chủ ở Miến Điện và cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài ở phương Tây đã khôi phục sự quan tâm của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) ở Đông Nam Á sau một thập niên gần như bỏ bê. Nhưng liệu Washington và Brussels sẽ hy sinh sự vận động về dân chủ và nhân quyền lâu dài cho các lợi ích kinh tế và chiến lược mới?

Tầm quan trọng về địa chính trị gia tăng ở biển Đông, nơi Trung Quốc đang tranh giành và các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ gây tranh cãi với các nước láng giềng Đông Nam Á, đã giúp cho Mỹ tuyên bố “sự chuyển hướng” chiến lược tới châu Á. Nhiều nhà phân tích xem sự thay đổi chiến lược đó như là một nỗ lực để cân bằng ảnh hưởng ngày càng gia của Trung Quốc trong khu vực, bằng cách tranh thủ và bảo vệ các nước láng giềng Đông Nam Á.

Mỹ đã tránh công khai đứng về bên nào trong việc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines trong tranh chấp bãi cạn Scarborough, nhưng Mỹ tuyên bố sự quan tâm của họ là tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp. Các cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ và Philippines gần đây đã nhấn mạnh mối quan tâm này, trong khi làm cho Bắc Kinh oán ghét. Sự tham gia của Mỹ vào Miến Điện cũng được xem như một nỗ lực để cắt giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở đất nước giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược này.

Mỹ và châu Âu có lịch sử trừng phạt hoặc chỉ trích mạnh mẽ các nước như Miến Điện và Việt Nam về hồ sơ nhân quyền tệ hại và thiếu tôn trọng quyền tự do dân sự cơ bản. Cả hai đều áp dụng phương pháp tiếp cận kép để khuyến khích thay đổi kinh tế và chính trị. Trong khi các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp sự giúp đỡ để kích thích tăng trưởng theo hướng thị trường, chính phủ ở các nước phương Tây đã đưa việc trợ giúp nhân đạo và phát triển để đổi lấy cải cách dân chủ đã được hứa hẹn.

Cách tiếp cận đó chỉ có hiệu lực một phần. Các nước Đông Nam Á thể hiện sự quan tâm rất ít trong việc cải thiện các quyền cơ bản, và thay vào đó, họ tập trung vào việc phát triển kinh tế thông qua các mối quan hệ thương mại và đầu tư với phương Tây. Gần đây, Trung Quốc đã giúp nhiều nước trong khu vực đa dạng hóa nền kinh tế của họ mà không đòi hỏi phải cải cách. Khi sự cân bằng kinh tế đó thay đổi, Mỹ và Liên minh Chấu Âu dường như làm nhẹ đi những lời kêu gọi của họ về các quyền phổ quát và gia tăng việc theo đuổi các thị trường mới.

Thật ra mà nói thì những lời kêu gọi đó vẫn còn. Lấy Việt Nam làm ví dụ. Hồi tháng hai, ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, đã nói với những người tiếp đón ông ở Việt Nam rằng, để nâng mối quan hệ song phương đã được cải thiện lên cấp độ mới, “sẽ đòi hỏi Việt Nam phải có một số bước tiến quan trọng nhằm giải quyết cả hai vấn đề: các trường hợp cá nhân gây quan ngại và các mối lo ngại về nhân quyền, cũng như các thách thức mang tính hệ thống liên quan đến tự do ngôn luận và tự do lập hội“.

Trong khi đó, các nhà chức trách Hoa Kỳ và Việt Nam đang hướng về Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới – một hiệp ước tự do thương mại đa phương, nhằm mục đích tự do thương mại và đầu tư hơn nữa vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiệp định Thương mại Song phương năm 2001 là cột mốc quan trọng hướng tới bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, và đã giúp thúc đẩy thương mại song phương tăng từ 3 tỷ đô la trong năm 2002 lên đến 18,6 tỷ đô la trong năm 2010, giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hoa Kỳ, sau Trung Quốc.

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn coi Việt Nam là “một chính phủ độc tài”, được thấy rõ nhất trong chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động và các blogger đang diễn ra, nhưng quan hệ thương mại không bị ảnh hưởng. Washington hành động một cách thận trọng về vấn đề bán các loại vũ khí tinh vi, một phần la do quan tâm đến nhân quyền, nhưng phần lớn là tránh một cuộc xung đột trực tiếp với Trung Quốc.

EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Năm ngoái, các nhà đầu tư châu Âu cam kết số tiền khoảng 1,8 tỷ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm hơn 12% tổng số tiền FDI mà các nước đã cam kết đầu tư vào Việt Nam, theo các nguồn tin từ Việt Nam.

Để thúc đẩy hơn nữa về vấn đề nhân quyền, tuyên bố gần đây của EU nhắm đến là “ký một Hiệp định Đối tác Hợp tác mới giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu trong tương lai gần”, bà Catherine Ashton, Đại diện Tối cao của EU về chính sách an ninh và ngoại giao, và là Phó Chủ tịch Ủy ban [châu Âu], đã nói hồi cuối tháng 4.

Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2007, và với sự gia tăng số lượng đầu tư rất lớn từ phương Tây, Việt Nam không còn được xem như một quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) ở Washington hay Brussels, mặc dù họ đang và liên tục lạm dụng các quyền con người.

Thay đổi sự ưu tiên
Có các mối lo ngại rằng lợi ích chiến lược và kinh tế đang lấn áp trong quan hệ với Miến Điện, một nước mà cả Mỹ lẫn EU vẫn duy trì [lệnh trừng phạt], nhưng gần đây đã tạm ngưng các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được áp đặt lên đất nước này để chống lại chế độ quân sự. EU và Mỹ dường như đang tham gia vào cuộc chạy đua về đầu tư để theo kịp các nước châu Á, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, duy trì các mối quan hệ bình thường trong nhiều thập kỷ dưới sự cai trị của chế độ quân sự.

Ông Thein Sein, Tổng thống Miến Điện, là một trong những nhà cải cách chính trị, gồm cả việc phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị, nới lỏng hạn chế phương tiện truyền thông và cho phép phe đối lập, do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, tham gia quốc hội, đã nhanh chóng nhận được sự khen thưởng của Washington và Brussels. Mỹ và EU đã lần lượt nới lỏng và tạm ngưng các lệnh trừng phạt của họ và cả Mỹ lẫn EU đang có kế hoạch gia tăng viện trợ phát triển cho đất nước này.

Chúng tôi nói với các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Miến Điện và hãy làm điều có trách nhiệm“, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết sau khi công bố lùi lại các biện pháp trừng phạt, sau các cuộc đàm phán với ông Wunna Maung Lwin, Ngoại trưởng Miến, ở Washington trong tháng này.

Những người Miến lưu vong, các cựu tù chính trị và các nhóm nhân quyền quốc tế từ lâu đã đấu tranh chống lại việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà không có tiến bộ nào có thể nhìn thấy được về tình hình nhân quyền trên đất nước này. Họ lưu ý, mặc dù có những phóng thích gần đây, hàng trăm tù nhân chính trị vẫn còn đang bị giam giữ.
Trong khi đó, có những báo cáo đáng tin cậy về sự lạm dụng của quân đội phổ biến rộng rãi và hiện đang diễn ra, chống lại các thường dân trong cuộc xung đột của chính phủ với phiến quân Kachin ở khu vực miền bắc Miến Điện. Và báo chí địa phương vẫn bị kiểm duyệt, chống lại việc đưa tin chỉ trích chế độ cũ hoặc chế độ hiện tại.

Mỹ và EU đã quyết định để bỏ qua những sự lạm dụng này và tập trung vào các vấn đề kinh tế. Nhắc lại lời kêu gọi của bà Clinton đối với các công ty Mỹ đầu tư vào Miến Điện, Đại Sứ quán Anh ở Yangon gần đây đã cho đăng tải “hướng dẫn làm ăn ở Miến Điện” nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng trong nước.

Trớ trêu thay, Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) sẽ tổ chức cuộc họp kế tiếp theo tại Yangon vào đầu tháng 6. Với những hạn chế của Miến Điện về các tổ chức xã hội dân sự và vẫn tiếp tục cho các nhà hoạt động và các nhà báo vào danh sách đen, rất ít có hy vọng về sự tiến bộ trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, một lộ trình đã được đề xuất xây dựng các quyền con người trong khu vực. Miến Điện sẽ làm chủ tịch 10 nước thành viên khối ASEAN lần đầu tiên vào năm 2014.

Trong quá khứ, Mỹ và EU ngăn cản Miến Điện làm thành viên của nhóm trong khu vực và thông qua các biện pháp trừng phạt của họ, sẽ tẩy chay bất cứ cuộc họp nào được tổ chức trên đất nước này. Bây giờ với sự thay đổi gần đây về các ưu tiên ngoại giao, Washington và Brussels dường như ngày càng sẵn sàng bỏ qua các mối quan tâm về nhân quyền và dân chủ để theo đuổi các lợi ích thương mại và địa chiến lược.

Trong khi kế hoạch có thể nhằm mục đích chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc, nhìn xem vấn đề lạm dụng các quyền [con người] và việc tán dương các biểu hiện cải cách dân chủ theo cách khác, Mỹ và EU đang ủng hộ cách tiếp cận của Bắc Kinh một cách hiệu quả.

Tác giả: Ông Roberto Tofani là một nhà báo tự do và là nhà phân tích các vấn đề Đông Nam Á. Ông cũng là đồng sáng lập PlanetNext (www.planetnext.net), hiệp hội các nhà báo cam kết khái niệm “thông tin cho sự thay đổi”.
Nguồn: Asia Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012


No comments:

Post a Comment

View My Stats