Lê Trọng Hiệp
Chủ
nhật, ngày 17 tháng sáu năm 2012
Giữa lúc báo chí Việt Nam chửi nhau
là “lá cải” thì thật không may, công an lại phanh phui ra hàng loạt đường dây
mại dâm cao cấp tại Hà Nội và Sài Gòn, chuyên đưa hoa hậu, á hậu và người mẫu
phục vụ các đại gia với giá từ 1,500 đến 2,300 Mỹ kim một lần phục vụ.
Thế là báo lớn báo nhỏ đều thi nhau
khai thác, bất kể cái từ “lá cải” mà họ tránh như tránh tà. Nhưng cũng chính
nhờ chuyện chạy đua moi tin hoa hậu bán dâm như thế, chúng ta mới giật mình
phát hiện những chuyện có ý nghĩa hơn.
Bán thân
Nhân vật được nhắc nhiều trong vụ lùm
xùm bán dâm này là Mỹ Xuân, tên thật Võ Thị Mỹ Xuân.
Theo thông tin trong bài “Gặp ‘má
mì’ Mỹ Xuân trong trại tạm giam” đăng trên báo Công an TPHCM ngày
08/06/2012 thì cô Xuân này sinh ra ở Cần Thơ năm 1983 sau đó tách tỉnh, quê cô
thuộc về Hậu Giang.
Gia đình nghèo, cha mẹ chia tay khi
chị còn nhỏ, em trai sinh năm 1987 theo cha, Xuân được giao cho bác. Phần bà mẹ
bỏ lên Sài Gòn dạy học và lập gia đình, có thêm con gái nay đã 15 tuổi. Tuy
nhiên bà mẹ này lại bất hạnh khi người chồng mới bị tai biến mạch máu não phải
nằm một chỗ gần chục năm trời.
Riêng Mỹ Xuân ở quê phải đi bán vé số
dạo phụ bác kiếm sống. Hết lớp 12, cô lên Sài Gòn vừa làm việc trong xưởng may
của ông chú họ vừa học trung cấp du lịch và đã trải qua hai năm làm hướng dẫn
viên du lịch tại Hội An, Quảng Nam trước khi gia nhập giới showbiz, trở thành
người mẫu tự do.
Năm 2009 cô khai gian trẻ lại 2 tuổi
để dự cuộc thi “Người đẹp Sóc Trăng 2009” diễn ra trong một hội chợ vào tối
4/5/2009 và đã vượt qua 168 thí sinh để đoạt ngôi người đẹp nhất. Trước năm
2008 cuộc thi này mang tên Hoa hậu Nam Mêkông nên mọi người quen gọi Mỹ Xuân là
hoa hậu và cô cũng xài luôn danh hiệu này để hành nghề bán dâm.
Trước đó, khi vừa bước vào giới người
mẫu vào năm 2008 cô đã bán mình cho giám đốc với giá 500 Mỹ kim. Lúc đó số tiền
này rất lớn với cô và cô cho biết đã dùng tiền mua tặng mẹ một tủ lạnh, số còn
lại biếu ngoại và chi tiêu lặt vặt trong gia đình. Nhưng cũng từ cái lần dễ dãi
ấy, cô trượt dài vào con đường sa ngã nhưng với danh hiệu hoa hậu đã đoạt cùng
với những bức hình rực lửa kèm danh xưng hoa hậu, giá bán dâm của cô ngày càng
cao.
Bản tin trên số báo trên cho biết:
“Phải thừa nhận Mỹ Xuân rất thương và
có hiếu với mẹ. Cô chỉ mong xây được cho mẹ căn nhà hẳn hoi để mẹ đỡ khổ. Khốn
nỗi sau khi gắn mác Hoa hậu, làm người mẫu, cô không gặt hái được thành công gì
trong làng giải trí Việt. Ý chí kiếm tiền thôi thúc và nhất là đã “nhúng chàm”,
Mỹ Xuân tìm cách đánh bóng tên tuổi bằng những tấm ảnh lồ lộ da thịt và lối
phát ngôn gây sốc. Cô đi khách ngày càng bạo hơn, giá cả của hoa hậu là hàng
ngàn “đô”, cao điểm lên tới 4,000 USD (hơn 80 triệu đồng). Cô sẵn sàng đi tới
các thành phố lớn, sang tận Campuchia. Ở Sài gòn, cô thường đưa khách về nhà
mình là căn hộ chung cư ở phường Bình Khánh, quận 2.”
Bỏ qua chuyện đạo đức, chỉ xét ở khía
cạnh kinh doanh, có thể nói Mỹ Xuân là người “biết làm ăn”, đã biết cách đánh
bóng tên tuổi, hình ảnh của mình để đạt đến giá cả tối đa. Thứ nhất, cô biết
“nghiên cứu thị trường”, biết “xây dựng thương hiệu”, và biết cách “tiếp thị”
để đạt đến lợi nhuận tối đa.
Thứ hai, tiền bạc thu được nếu được
phung phí vào các khoản như “hàng hiệu” thì đó cũng không ngoài mục tiêu “đánh
bóng thương hiệu” nói trên. Còn lại, nếu những thông tin trên là đúng, kể ra cô
cũng là người sống có hiếu, sống trọn nghĩa tình khi phần lớn món tiên bán dâm
đầu tiên được cô chi ra để mua quà tặng mẹ và biếu ngoại.
Chỉ so sánh trên khía cạnh này, dù là
gái bán dâm, Mỹ Xuân cũng hơn hẳn những quan chức bệ vệ trong guồng máy công
quyền tại Việt Nam, thí dụ chuyện họ bán than.
Bán than
Đó là mỏ than lộ thiên tại Quảng Ninh
với phẩm lượng than tốt nhất ở Việt Nam nhưng tự dưng bị biến thành “lãnh địa
riêng” của một công ty Indonesia. Mỗi năm, công ty này hưởng 90% lợi nhuận
trong khi phía Việt Nam chỉ được hưởng 10%, dù đó là mỏ lộ thiên, chỉ việc xúc
than lên bán, chẳng phải đầu tư hạ tầng cơ sở gì nhiều.
Hợp đồng “cho không biếu không than
tốt” ký vào năm 1991 với có hiệu lực đến 30 năm, tức đến năm 2021. Có lẽ đến
lúc đó thì mỏ đã sạch than!
Ngày 21.5.2012 hai phóng viên Thái
Sơn và Káp Long đã nhắc lại trên báo Thanh Niên với bài “Biếu không nước ngoài
mỏ than tốt nhất”.
“Ngày 19.4.1991, Công ty than Uông Bí
(TUB), đơn vị thành viên của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ký
hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Pt.Vietmindo Energitama, 100% vốn
Indonesia (VMD). Theo đó, VMD sẽ đầu tư toàn bộ máy móc, công nghệ để khai thác
trong 30 năm mỏ than Uông Thượng, Đồng Vông. Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 90%
cho VMD và 10% còn lại là của TUB. Đây là mỏ than lộ thiên có diện tích trên
1.000 ha, nằm trên địa bàn P.Vàng Danh, TP.Uông Bí và cũng là nơi có vỉa than
tốt hạng nhất ở Quảng Ninh.
VMD chỉ việc khai thác trên mặt đất
là đã dễ dàng thu được than cám 4, cám 5, là những loại than có chất lượng tốt
nhất hiện nay. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) thành viên Vinacomin như
Công ty than Mạo Khê, than Núi Béo, thậm chí cả TUB phải đầu tư hàng ngàn tỉ
đồng vào công nghệ khai thác hầm lò và dùng sức người đào sâu vào lòng đất cả
trăm mét mới lấy lên được than.”
Hợp đồng hợp quy định VMD chỉ được
phép khai thác than nhằm mục đích duy nhất là xuất cảng, theo đó mỗi năm chỉ
được phép khai thác tối đa 500,000 tấn than thương phẩm, tương đương khoảng
750.000 tấn than thô.
Tuy nhiên theo điều tra của hai phóng
viên trên thì trên thực tế những năm qua VMD luôn khai thác vượt mức hạn định.
Thí dụ năm 2010 VMD khai thác 750,000 tấn than thương phẩm, năm 2011 là trên
800,000 tấn.
Để che lấp chuyện này, toàn bộ các hệ
thống khai thác, sàng lọc và kinh doanh than được VMD thực hiện theo dây chuyền
khép kín. Công trường khai thác cũng như nơi sàng than luôn đặt trong tình
trạng “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Để xuất than VMD còn xây dựng cả một cảng
riêng để xuất cảng than và muốn vào đây để kiểm tra hay tiến hành công tác về
chuyên môn, các cơ quan hữu trách Việt Nam cũng như TUB phải xin phép VMD.
Tại sao lại có những chuyện vô lý như
thế này?
Lý do là hợp đồng ký không có một
điều khoản nào nhắc đến việc đình chỉ hoạt động của VMD kể cả trong trường hợp
công ty này vi phạm hợp đồng. Mặt khác, toàn bộ hoạt động khai thác, sản xuất
kinh doanh đều ghi rõ VMD là người điều hành, TUB không được phép kiểm tra,
thậm chí việc rót than xuống cảng đưa lên tàu nước ngoài cũng do VMD trực tiếp
thực hiện và TUB không được phép can thiệp.
Vậy thì ai đã hạ bút ký một hợp đồng
ngu xuẩn như thế?
Ông Phạm Văn Tứ, Phó tổng giám đốc
TUB, đã phân trần rằng tình trạng trên là “do lịch sử để lại” vì “bản thân
chúng tôi là những người đi sau, thừa kế”.
Theo ông, bản hợp đồng liên doanh này
là do Bộ Công nghiệp thời đó trực tiếp phê duyệt, còn TUB chỉ đứng tên trên
danh nghĩa mà thôi!
Ông cay đắng: “Chúng tôi chỉ biết
đi vào đi ra và nghiên cứu khoa học mà thôi. Trước tình trạng này, chúng tôi đã
nhiều lần đề nghị VMD đàm phán lại hợp đồng với các điều khoản công bằng
hơn cho đối tác nhưng đến nay họ chưa đồng ý. Điều này cũng đồng nghĩa với
những thiệt thòi của chúng ta sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi hết hạn hợp
đồng”.
Trong khi đó, theo nhiều thông tin PV
Thanh Niên có được, trong quá trình khai thác, Ông Tứ còn than thêm: “Than ở
Uông Bí ngày càng cạn kiệt, chúng tôi cũng muốn giữ một phần tài nguyên để cho
công ty mình khai thác nhưng bây giờ họ đang tiếp tục lập các dự án mới khai
thác 1-2 triệu tấn. Việc này TUB không thể can thiệp được mà phải do các cơ
quan khác cao hơn”.
Trong khi đó thì các nhà kinh tế đã
ước tính vào năm 2014, 2015 Việt Nam sẽ nhập cảng khoảng 1-6 triệu tấn than.
Lượng than nhập cảng sẽ tăng lên hằng năm. Dự kiến đến năm 2025, lượng than
nhập cảng lên tới 40 triệu tấn. Than nhập cảng chủ yếu sẽ được cung cấp cho các
nhà máy nhiệt điện.
Trên thực tế thì từ năm 2011 Việt Nam
đã nhập cảng than rồi, gọi là “nhập thí điểm” với 9,500 tấn than mua của
Indonesia với giá 100,6 USD/tấn than (tính cả cước vận tải).
Lúc đó các quan chức lãnh đạo khẳng
định việc nhập cảng là để “thăm dò thị trường, làm quen với phương thức nhập
cảng, vận chuyển”. Thế nhưng nhiều chuyên gia cho biết tất có thể, Việt Nam
đang phải nhập cảng than của chính mình: Indonesia khai thác than từ Việt Nam,
chở về Indonesia rồi xuất cảng sang Việt Nam.
Nghĩa là một cái vòng lẩn quẩn: cái
vòng lẩn quẩn do “lịch sử để lại” và “lịch sử đang tạo ra”.
“Lịch sử để
lại và lịch sử tạo ra”
Ông Phạm Văn Tứ cho biết “Bộ Công
nghiệp thời đó” chịu trách nhiệm nhưng bộ thời đó là ai, là bộ trưởng nào, thứ
trưởng hay vụ trưởng nào đã trực tiếp thương lượng và ký kết một hợp đồng ngu
xuẩn như vậy?
Theo ngôn ngữ của báo chí Việt Nam
thì những quan chức này đã “thiếu trách nhiệm gây ra thiệt hại nghiêm trọng” và
do đó phải bị trừng trị theo pháp luật.
Tuy
nhiên ông Tứ còn phân trần rằng tình trạng trên là “do lịch sử để lại”. Mà nói
là “lịch sử” thì có thể bỏ qua vì toàn bộ những tội ác tày trời, những thiệt
hại nghiệm trọng mà đảng cộng sản gây ra đều được bỏ qua như vậy: vì chúng là
do “lịch sử để lại”.
Có thể bỏ qua cho những thiệt hại
nghiêm trọng do “lịch sử để lại” nhưng chúng ta không thể bỏ qua những thiệt
hại nghiệm trọng mà “lịch sử đang tạo ra”, cũng lấy thí dụ từ chính Bộ Công
nghiệp nói trên.
Ngày 27.1.2008 Nguyễn Tấn Dũng ký nghị định 189/2007/NĐ-CP
sáp nhập hai bộ Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương, cử Bí thư
Tỉnh ủy Lạng Sơn Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng, hiện vẫn còn tại chức.
Nghị định quy định bộ như là “cơ quan
của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương
mại". Và đó cũng là cơ quan quản lý những dự án đang gây thiệt hại nghiêm
trọng cho tài nguyên quốc gia, từ viện khai thác bauxite, các dự án trồng rừng,
các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điệt hay phân đạm v.v..
Mai này, những thế hệ kế tiếp sẽ vò
đầu bức tai trước những hậu quả từ các dự án này, và lúc đó nếu chế độ cộng sản
vẫn cầm quyền, điệp khúc “do lịch sử để lại” sẽ được lập lại.
Bởi thế, ngay từ bây giờ, cần phải
vạch mặt những nhân vật, những cơ quan, những chính sách đang làm yếu dần tiềm
lực của dân tộc.
Bởi vậy hãy khoan chê trách sỉ vả cô
gái bán dâm Mỹ Xuân. Xét về lý thì cô chỉ bán thân của mình, để phục vụ cho
mình và cho người thân của mình và chưa từng làm hại ai.
Xuất
thân nghèo nàn, gia cảnh không may, phải đi bán vé số dạo để phụ gia đình bác
mưu sinh nhưng cô vẫn cố học hết trung học, rèn luyện cho mình một cái nghề ở
ngành du lịch rồi mới chen chân vào giới người mẫu và từ đây mới sa ngã vào con
đường bán dâm. Thế nhưng cô đã không bán rẻ thân cô mà, bằng mọi cách, đã vươn
lên với cái giá cao nhất có thể bán được.
Còn những quan chức bệ vệ trong Bộ Công nghiệp, Bộ Công
thương, trong Phủ Thủ tướng, trong Trung ương Đảng hay trong Bộ Chính trị thì
sao?
Họ chẳng bán cái gì của họ cả mà bán
tài nguyên của quốc gia và nhưng chẳng làm gì cho quốc gia, cho đất nước!
Mà hỡi ôi, cái giá mà họ bán thì quá
rẻ trong khi cái giá mà thế hệ mai sau phải trả thì quá đắt.
Bởi thế, đừng cười, đừng khinh cô Mỹ
Xuân: cô bán thân nhưng không bán rẻ chút nào và không bán thân vì riêng cô mà
còn vì thân nhân, vì mẹ, vì ngoại.
Còn đám lãnh tụ kia thì lại bán rẻ
nước mình, và chỉ bán cho riêng chúng nó.
Chúng nó còn đáng khinh hơn các cô
gái bán dâm kia mấy bậc!
Lê Trọng Hiệp
No comments:
Post a Comment