Đỗ Đăng
Liêu
Một trong những hình ảnh sẽ sống mãi
với Thiên An Môn là cảnh người thanh niên can trường, mà sau này được cả thế
giới gọi là “the tank man”, đứng chặn cả đoàn xe tăng giết người của quân đội
Trung Cộng trong nửa tiếng đồng hồ. Nếu biết rằng chính những chiếc xe tăng này
chỉ vài giờ trước đó đã cán lên thân xác của hàng trăm, hàng ngàn những người
bạn của anh thì người ta mới cảm hết được sự can đảm và quyết tâm của người
thanh niên này.
Nhưng bên cạnh bức ảnh này là một biển những cảnh kinh hoàng của một biến cố lịch sử xẩy ra cách đây đúng 23 năm vào tối ngày 4 Tháng 6 năm 1989 tại quảng trường này Thiên An Môn. Hình ảnh rất “khó coi” sau đây (mà người viết xin báo trước và cáo lỗi cùng những độc giả nhạy cảm) là một trong muôn vàn những hình ảnh “khó coi” khác của cuộc thảm sát.
Vào tối ngày 4 Tháng 6 năm 1989 định mệnh đó, bộ binh và đoàn xe tăng thuộc Quân đoàn 27 và 28 Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc do lệnh của các lãnh đạo Trung Cộng là Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng, Dương Thượng Côn, … tiến vào Quảng Trường Thiên An Môn, nơi hàng trăm ngàn thanh niên sinh viên đang tụ tập biểu tình và tuyệt thực đòi tự do dân chủ. Họ lạnh lùng nổ súng bắn thẳng vào sinh viên. Những chiếc xe tăng cũng lạnh lùng chạy tràn lên đoàn biểu tình, để lại những hình ảnh kinh hoàng nói trên mà chắc chắn những ống kính của truyền thông chỉ ghi lại được một phần rất nhỏ.
Những đoạn video ghi lại diễn tiến của cuộc tàn sát khiến người xem phải nổi gai ốc, rùng mình và khiếp đảm vì mức độ dã man, tàn bạo của những người lãnh đạo Trung Cộng đã hoàn toàn không còn nhân tính.
Vào thời điểm của biến cố Thiên An Môn tình trạng bưng bít thông tin ở Trung Cộng gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, vào cùng thời điểm đó lại diễn ra việc Tổng Bí Thư của Đảng Cộng Sản Liên Xô là Mikhail Gorbachev đến Bắc Kinh nên đông đảo truyền thông quốc tế đã có mặt để tường thuật, và có lẽ cũng nhờ cơ may đó mà những hình ảnh kinh dị của cuộc thảm sát tại Thiên An Môn đã được ghi nhận, được phổ biến trên toàn thế giới và để lại cho hậu thế.
Số người chết trong đêm 4 tháng 6 được ước lượng vào khoảng từ 7 ngàn tới 10 ngàn, và số người bị thương vào khoảng 30 ngàn người. Trong thời gian của cuộc biểu tình và sau cuộc thảm sát, nhà cầm quyền Trung Cộng đã bắt giữ và công khai truy tố một số sinh viên lãnh đạo Phong Trào Dân Chủ Trung Quốc. Hiểu biết bản chất của người cộng sản, nhất là qua những gì họ đã làm trong đêm 4 tháng 6, người ta không gạt bỏ những vụ thanh trừng thủ tiêu, bắt nguội, giết nguội mà con số nạn nhân chính xác có thể sẽ không bao giờ được biết.
Sau Thiên An Môn, nhà cầm quyền Trung Cộng nỗ lực xoá đi tất cả những gì liên quan đến biến cố nhơ nhớp này. Ông Triệu Tử Dương bị trục xuất khỏi Bộ Chính Trị Đảng CSTQ và bị quản chế tại gia tới khi chết. Hầu hết những nhân viên truyền thông còn lương tâm đã đưa tin về vụ thảm sát đều bị sa thải. Hiện nay, Trung Cộng vẫn áp dụng một chính sách kiểm duyệt gắt gao đối với truyền thông và internet, cấm đưa bất cứ tin gì liên quan đến chủ đề thảm sát Thiên An Môn. Ngay cả từ khóa “4 tháng 6” cũng bị chận lại trên Internet (Khiến làng dân báo phải lách bằng ngày “35 tháng 5”), v.v...
Thiên An Môn, ngược hẳn với ý nghiã của tên gọi quảng trường này, đã đi vào lịch sử, không của riêng Trung Quốc mà của cả nhân loại, như một biểu tượng của sự hãi hùng, một trong những vết nhơ mà chủ nghiã cộng sản đã để lại và không bao giờ có thể xoá bỏ được.
Nhìn về Việt Nam, những vết nhơ đẫm máu như Thiên An Môn không thiếu. Hàng mấy trăm ngàn người đã bị sát hại bằng đủ mọi phương cách, từ công khai đấu tố và hành quyết, cho tới âm thầm thủ tiêu qua những đợt giết người kinh hoàng như Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, thảm sát Huế Mậu Thân, tù lao động cải tạo, bài trừ tư sản, v.v.... Chính những người cộng sản cũng cảm thấy xấu hổ vì những việc làm của họ nên luôn nỗ lực để mong xoá bỏ đi những hình ảnh và dữ liệu về những hành động tội ác đó.
Nhưng liệu họ có thể thực hiện được điều đó không?
Vào thời điểm năm 1989 việc ghi nhận và chuyển tải hình ảnh trong bối cảnh của một quốc gia bưng bít thông tin như Trung Cộng rất khó khăn vì đòi hỏi những trang bị phức tạp, và nguy hiểm. Vậy mà, với lòng can đảm và quyết tâm của truyền thông quốc tế và của người dân Trung Quốc yêu chuộng sự thật, đặc biệt là nhờ ở những con người, những tiếng nói lương tâm, không chịu khuất phục, kể cả những lãnh đạo cao cấp của Trung Cộng thời bấy giờ như Triệu Tử Dương, những sự thật đó đã được ghi nhận và phổ biến đi trên toàn thế giới.
Ngày hôm nay, với những tiến bộ về kỹ thuật điện tử áp dụng vào truyền thông, tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Những trang bị phức tạp, vừa cồng kềnh vừa đắt tiền không còn cần thiết nữa. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động, người ta đã có thể thu hình, quay phim và chuyển đi khắp nơi trên thế giới trong tích tắc. Cũng không cần những phóng viên ký giả chuyên nghiệp của các hãng thông tấn quốc tế để làm công việc nói trên vì hầu như mọi người dân ngày nay đều đã quen thuộc và thành thạo với việc thâu hình và phổ biến cùng những tin tức cập nhật từng phút từng giờ lên những trang mạng dân báo mà gần như ai ai cũng có thể đọc được ở khắp nơi trên thế giới.
Ở Việt Nam, mặc dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn dồn tối đa nỗ lực, kể cả bạo lực, để bưng bít thông tin, nhưng gần như tất cả những biến cố diễn ra đều được tức khắc ghi nhận bởi chính người dân với hình ảnh và tin tức và được phổ biến tức thời đến khắp nơi trên thế giới. Thí dụ điển hình như khi những tiếng hô của chị Bùi Thị Minh Hằng vang lên trong các cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược diễn ra ở Sài Gòn và Hà Nội thì tiếng hô của Chị đã được trực tiếp truyền đi qua hệ thống paltalk, qua các đài phát thanh, đến thẳng tai những người theo dõi tại 5 Châu.
Ngày hôm nay, nhân kỷ niệm 23 năm biến cố Thiên An Môn, có lẽ các dân tộc còn đang bị độc tài cai trị cần nhắc nhau rằng: những tên tội phạm chiến tranh suốt từ thời Đức Quốc Xã vào thập niên 1940 ngày nay vẫn còn tiếp tục bị truy lùng và truy tố tại Toà Án Hình Sự Quốc Tế. Chắc chắn những kẻ đã chỉ thị và thi hành những lệnh sát nhân đó, dù tại Thiên An Môn hay Huế, đều sẽ có cùng số phận mai này khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Trung Quốc và Việt Nam.
Riêng Quân Đội “Nhân Dân” Việt Nam, liệu họ có nhắm mắt theo lệnh một vài lãnh tụ ở thượng tầng để xả súng vào dân trong những trường hợp như Thiên An Môn trên đất Việt Nam không? Đây là câu hỏi mà họ cần suy nghĩ và tìm câu trả lời cho riêng mình NGAY TỪ BÂY GIỜ.
2 tháng 6, 2012
DienDanCTM
--------------------------------------
HÃY
DẸP LẠI SỰ CÂN NHẮC CỦA MỘT NGƯỜI MỘT NHÀ MÀ XEM XÉT LẠI VỤ 4.6 ĐỂ ÍCH NƯỚC LỢI
DÂN - Boxun.com - Người dịch: Quốc
Thanh
BỊ
LƯU ĐÀY Ở BẮC KINH – MỘT NGƯỜI MẸ NÓI TRƯỚC NGÀY 4.6 NĂM 2012
- Peacehall.com - Người dịch: Băng
Tâm
No comments:
Post a Comment