14/04/2012
Thông báo chính thức của TTXVN về việc hủy chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng đến Brazil do phía bạn gặp “khó khăn đột xuất” được dư luận đánh giá là không bình thường.
Về sự kiện có thể được coi là hy hữu này, “một nhà ngoại giao giấu tên” đã phát biểu với hãng tin BBC rằng “đây là việc mà ông chưa thấy ‘trong mấy chục năm làm ngoại giao’ “.
Cư dân mạng thì sôi nổi bình luận với đa số ý kiến cho rằng Brazil là một nước tư bản nên có lẽ họ hủy chuyến thăm vì sợ những điều bác Trọng nói sẽ khuyến khích một phong trào cách mạng cánh tả ở đây lật đổ nhà nước tư bản hiện tại ở Brazil, nhất là sau khi bác Trọng nhà ta công kích chủ nghĩa tư bản và tuyên truyền về CNXH ở Cuba.
Tôi lại nghĩ khác.
Tổng thống Brazil hiện nay (là một phụ nữ) thuộc đảng Lao động thuộc cánh tả và cũng theo thiên hướng XHCN (*) nên vốn có cảm tình với các nhà lãnh đạo VN, có lẽ đấy là lý do họ có ý định mời ông Trọng thăm chính thức Brazil. Có thể thấy điều này qua những phát biểu của bà khi bà sang VN tham dự một số diễn đàn. Nếu bà Tổng thống này thuộc cánh hữu, thân tư bản thì họ đã chẳng mời ông Trọng từ trước. Vì thế theo tôi lý do họ ghét cộng sản nên hủy chuyến thăm của ông Trọng là không chính xác vì nếu ghét thì họ đã chẳng mời để rồi cuối cùng lại phải hủy cho mất công.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Tổng thống Mỹ Obama
Nhưng có lẽ cũng chính vì họ có thiên hướng thân cộng sản nên họ phải hủy chuyến thăm này của ông Trọng. Điều này mới nghe có vẻ nghịch lý nhưng đặt trong bối cảnh nền chính trị đa đảng của Brazil thì điều này lại có lý. Người đưa ra nhận định này trộm đoán rằng sau khi bác Trọng giảng về CNXH ở Cuba thì những người bạn cánh tả của bác ở Brazil, trong đó có bà Tổng thống, cảm thấy rất rủi ro cho vị thế cầm quyền của họ nếu chẳng may bác Trọng lại nói những điều tương tự tại Brazil. Rủi ro này không phải đến từ các phong trào cánh tả vì chính bà Tổng thống và đảng cầm quyền là thuộc cánh tả rồi mà lại đến từ phe hữu đang nhăm nhe tìm mọi cách để đảng Lao động cầm quyền mất uy tín và việc mời một nhân vật có những phát biểu như thế sẽ là cái cớ để phe hữu công kích chính phủ hiện tại của bà tổng thống. Vì thế, dù có yêu mến ông Trọng đến mấy thì việc mời ông sang Brazil một cách chính thức và công khai theo nghi thức nhà nước ngay sau khi ông có những phát biểu mang “đậm mùi” ý thức hệ ở Cuba, ngay sát nách Brazil, công kích thể chế đa đảng tại các nước có nền “dân chủ tư sản” sẽ làm cho chính phủ của bà mang tiếng và dễ bị phe đối lập săm soi và chỉ trích.
Khả năng này cũng chỉ là một phỏng đoán. Nhưng nếu đúng là như thế thì đây cũng là một bài học để đời cho nền ngoại giao XHCN của Việt Nam. Các thế hệ lãnh đạo ngày xưa của VN cũng là cộng sản nhưng họ chơi chiến thuật “giấu bài” khi cần thiết, nhất là trong ngoại giao khôn ngoan hơn nhiều so với các bác hiện nay.
——————————————————————————————————————————————
(*) Nhấn vào đường link sau để xem lai lịch Tổng thống hiện nay của Brazil:
Đọc thêm bài sau đây của TS Tô Văn Trường:
DÂN TỘC TA SẼ CÒN TRẦM LUÂN
Nhiều người dân quan tâm bài diễn văn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (như bài giảng) ở Trường Đảng Cao cấp Nico Lopez – một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ rất quan trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba. Ngày hôm qua, trong bài viết bình luận: ”Bộ máy biến lãnh đạo thành cái máy” của đại tá, nhà báo Bùi Văn Bồng, tôi nhắc đến lời than của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi khi phải chứng kiến cảnh đất nước khó khăn mà lòng người không thuận:
“Nhân tài như lá mùa thu
Hào kiệt như sao buổi sớm”
Lịch sử cũng cho thấy nhân tài, tuấn kiệt nước ta thời nào cũng có và mỗi khi đất nước gặp khó khăn, họ lại xuất hiện rất nhiều để trổ tài kinh bang tế thế! Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại Nguyễn Trãi đã để lại lời răn và đặt ra yêu cầu lớn cho chúng ta trong công tác đào tạo và sử dụng con người đặc biệt là đội ngũ cán bộ được gọi là “công bộc, đầy tớ của nhân dân”.
Tổng bí thư là người đứng đầu, có thể hiểu là nhân tài trong Đảng nhưng phải nói thật lòng, đọc kỹ bài diễn văn để đời của ông ở Cuba, nhiều người dân phải thốt lên rằng :”Dân tộc ta sẽ còn trầm luân”! Bài diễn văn của Tổng bí thư có thể nói mượn danh chủ nghĩa Mác nhưng nội dung chính là tô vẽ cho chủ nghĩa xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa trái với tình hình thực tế, quy kết những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản trong khi những khuyết tật ấy còn trầm trọng hơn ở những nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa với chế độ toàn trị. Điều quan trọng hơn là cuộc đi thăm Cuba và bài nói ở trường Đảng nhằm mục đích gì? Có lợi gì cho đất nước? Giúp gì cho việc tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của thế giới đối với nước ta? Việc Brazil từ chối tiếp là một chuyện chưa từng xẩy ra trong lịch sử ngoại giao của nước ta, có ý kiến cho là một vết nhục! Vì sao có chuyện này? Có ý kiến cho là do bài diễn văn nói vỗ mặt Mỹ và các nước phương Tây, khiến cho dư luận xã hội, nhất là các đảng đối lập với chính quyền Brazil không đồng tình, còn Chính phủ và đảng cầm quyền ở Brazil khó xử nên hủy bỏ chuyến đi thăm để tránh hệ lụy rắc rối. Công bằng mà nói, ở khía cạnh nào đó cần chia sẻ và đồng cảm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tôn thờ lý luận của Các Mác vì thực tế chưa có học thuyết nào có tác dụng sâu, rộng như lý luận của Mác. Các quan điểm phớt lạnh, bác bỏ dẫn đến quyết liệt chống đối hay huyền thoại hóa, tôn sùng lý luận của Mác như tôn giáo của tín đồ hoặc lợi dụng kiếm chác tung hô cho mục đích riêng của mình thì sớm hay muộn cũng bị thực tế cuộc sống đào thải. Tôi làm công tác khoa học kỹ thuật, cho nên để hiểu về khoa học chính trị xã hội phải đọc rất nhiều các nguồn tư liệu, thảo luận, lĩnh hội ý kiến của một số vị trưởng thượng đối chiếu với thực tế để suy ngẫm. Theo tôi hiểu về tác phẩm, hiện nay loài người chưa có toàn tập của Mác. Giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX Liên Xô và Đông Đức dự kiến xuất bản toàn tập của Mác gồm 100 tập (MEGA mới) nhưng không thành vì Liên Xô sụp đổ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khẳng định ở Cuba :” Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân Việt Nam”. Không cần bắt bẻ ý kiến nói trên vì chưa có trưng cầu dân ý nhưng để tránh tù mù cho cả người nghe và người nói, cần phân tích tìm hiểu chủ nghĩa xã hội là gì? Khái niệm “chủ nghĩa xã hội” xuất hiện đầu tiên ở Tây Âu vào năm 1827 (không phải của Mác) để phê phán trường phái Xanh Ximông. Đến năm 1832 chính Xanh Ximông dùng lại khái niệm CNXH nhưng bỏ đi sắc thái phê phán, và các biểu cảm xấu. Từ năm 1837 từ “CNXH” phổ biến sang Đức trong phái Hêghen trẻ. Lúc bấy giờ Mác ở trong phái Hêghen trẻ, tiếp nhận từ “CNXH” để chỉ cái xã hội mới, sau khi chủ nghĩa tư bản bị loại bỏ, bị vượt qua và dùng từ “CNXH” trong các bản thảo của Mác năm 1844. Nhưng từ năm 1848 trở đi, từ Tuyên ngôn Đảng cộng sản thì Mác không dùng từ “CNXH” nữa mà dùng từ “chủ nghĩa cộng đồng”. Xã hội mới, chế độ mới, thay thế cho xã hội tư bản. Các nhà nghiên cứu cũng vạch ra một chỗ mù mờ, không rõ ràng trong tác phẩm “Chống Duyrinh” của Anghen về khái niệm CNXH. Bernstein người bạn gần gũi với Mác ở Luân Đôn cũng chỉ gọi CNXH với cái nghĩa là cuộc vận động tự lập trong đó có phần thúc đẩy bởi cuộc đấu tranh có ý thức của giai cấp công nhân, nó không gắn liền hữu cơ với chủ nghĩa cộng đồng, là mục đích còn rất xa vời, trừu tượng! Bản thân Lê Nin tiếp nhận từ “CNXH” nhưng trong việc thực hành cách mạng, Lê Nin vừa coi CNXH là bước thấp của chủ nghĩa cộng sản nhưng nhiều khi lại vừa coi đó là một hình thái kinh tế xã hội và một phương thức sản xuất riêng biệt, được xuyên tạc thành lý luận hóa. Lê Nin quan niệm xây dựng CNXH phải đa dạng luôn thay đổi vì phải mò mẫm, và vòng vèo dích dắc. Lê Nin vận dụng thành quả của cả loài người, kể cả của chủ nghĩa tư bản. Cuối đời Lê Nin có nhận định quan trọng là chúng ta phải thay đổi cơ bản quan niệm về CNXH nhưng lại không chỉ ra được quan niệm CNXH phải thay đổi là cái gì, thay đổi như thế nào, khi nào?. Trong hình thái kinh tế xã hội và phương thức sản xuất Mác gọi cái xã hội sau chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa cộng đồng chứ không phải chủ nghĩa xã hội. Mác không bao giờ quan niệm chủ nghĩa xã hội là một phương thức sản xuất xã hội vv… Muốn hiểu đánh giá khách quan về Mác cần phải xem xét lý luận và thực tế cuộc sống thời Mác và thực tiễn hoạt động của con người. Thực tiễn là hoạt động của con người, còn thực tế bao hàm nghĩa rộng hơn về cuộc sống xã hội, cuộc sống có môi trường thiên nhiên và vũ trụ. Hayek cũng là một nhà lý luận và tư tưởng, năm 1974 ông được tôn sùng là chủ tướng của tư tưởng của trào lưu lý luận kinh tế, chính trị xã hội tân tự do, được tặng giải thưởng Nôben. Cuối đời Hayek bị nặng tai và điếc tai trái còn Mác bị điếc tai phải nên người ta nói nửa đùa, nửa thật là Mác chỉ nghe được những gì từ phía tả còn Hayek thì chỉ nghe được những gì từ phía hữu. Bản chất của lý luận Mác là dở dang, không hoàn chỉnh bởi vì con người của Mác mà sự sửa chữa đến nhanh hơn sự hình thành, chưa kịp hoàn thành luận điểm đã chữa rồi. Mác sống được 65 năm, thấy rõ lỗ hổng của mình mới chỉ chiếm lĩnh cuộc sống (vài nước ở Tây Âu), chưa hiểu gì về Mỹ, phương Đông và tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt không đề cập đến sở hữu trí tuệ. Nói tóm lại: Bài diễn văn của Tổng bí thư chỉ có 2 điểm sáng : Thứ nhất là thể hiện tình đoàn kết gắn bó thủy chung giữa 2 dân tộc anh em Việt Nam-Cuba. Thứ hai là khi kể tên vài nước XHCN, may mà ông không đề cập đến người anh em Triều Tiên! (“gia đình trị” điển hình)!. Còn nếu “mổ xẻ” tòan bộ nội dung thì đầy rẫy các điều bất cập, mù mờ! Là người dân, dù bức xúc, nhưng tôi không thể viết tiếp về những điều mà bản thân mình cũng còn thấy “mù mờ”, huống chi là những người được tự gán cho cái mác là “nhân tài” lãnh đạo quốc gia: “Nói những điều không biết Viết những điều không hiểu Sợ mất những điều không có” |
Tô Văn Trường
4/2012
.
.
.
No comments:
Post a Comment