Thursday 26 April 2012

TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA APPLE VỚI NƯỚC MỸ (SGTT theo New York Time, Guardian)




Cảnh Toàn (NYT, Guardian)  -  Sài Gòn Tiếp Thị
Ngày 27.04.2012, 08:11 (GMT+7)

SGTT.VN - Gần như toàn bộ việc chế tạo và lắp ráp các sản phẩm Apple là ở nước ngoài. Vậy trách nhiệm của một công ty thành công vang dội như Apple với nước Mỹ ra sao, khi báo cáo của trung tâm Nghiên cứu thay đổi văn hoá – xã hội (Cresc, Anh) nhận định: dù đem cả dây chuyền lắp ráp sản phẩm từ Trung Quốc về Mỹ thì Apple không những vẫn đạt lợi nhuận rất lớn, mà còn tạo ra hàng trăm ngàn việc làm trong thời buổi kinh tế Mỹ đang bắt đầu phục hồi.

Đầu năm 2011, báo New York Times (NYT) thực hiện cuộc điều tra dài kỳ về quá trình sản xuất của Apple, mở đầu bằng đoạn đối thoại giữa Steve Jobs và Tổng thống Barack Obama. Ngài tổng thống hỏi vì sao “nhà táo” không sản xuất tại Mỹ. Người đàn ông đáng kính nhất thung lũng Silicon thẳng thừng trả lời: “Những công việc này sẽ không quay trở lại”. Sau bài điều tra của NYT, báo này cũng đăng một bài phân tích lý giải nguyên nhân: đó không phải lỗi của Apple khi không thuê mướn nhân công người Mỹ, mà chính là lỗi của nước Mỹ. Tay nghề công nhân Mỹ không đạt yêu cầu, số người được đào tạo về kỹ thuật không đủ. Nhận xét về cách làm việc của một phân xưởng Trung Quốc, một lãnh đạo Apple nói: “Tốc độ và tính linh hoạt đáng kinh ngạc. Không có một nhà máy nào ở Mỹ bì được”. Lời nhận xét “tát nước” này có vẻ như một gợi mở cho chính sách nhân công. Apple đã từng đặt cơ sở sản xuất của mình ở Mỹ, Steve Jobs từng tự hào về Mac là “một cỗ máy được chế tạo ở Mỹ”.

Sử dụng số liệu của chính Apple, các nhà phân tích của Cresc đưa ra bảng tính chi phí để chế tạo một sản phẩm – lấy ví dụ điện thoại iPhone 4G đang phổ biến – như sau: nếu lắp ráp hoàn chỉnh một điện thoại ở Trung Quốc thì tổng phí là 178,45 USD, so với giá bán 630 USD thì Apple lời 452 USD, chiếm 72%. Tiền nhân công ở Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong khoản phí của công ty: 7,10 USD/điện thoại trong tám giờ làm việc. Nếu xét về chi phí để sản xuất iPhone tại Mỹ, dựa trên mức lương trung bình trong ngành điện tử nước này là 21 USD/giờ, thì trung tâm Cresc tính toán tổng chi phí sẽ tăng lên hơn 337 USD. Đây là một mức tăng đáng kể, nhưng Apple vẫn lời tới 46,5% cho một chiếc điện thoại iPhone – tỷ lệ mà Cresc cho rằng iPhone vẫn là điện thoại bán lời nhất thế giới.

Xét về lý thuyết của toàn cầu hoá, các công ty phương Tây chọn xây dựng cơ sở sản xuất ở Trung Quốc hay châu Á nhằm mục tiêu giảm chi phí, và người Mỹ hay người Anh bình thường sẽ tốn ít tiền hơn khi mua sắm, kinh tế ở các quốc gia nghèo hơn được phát triển. Còn theo Cresc tính toán, iPhone “made-in-America” không những vẫn đem lại lợi nhuận thuộc hàng đáng mơ ước nhất cho Apple, mà còn tạo ra hàng trăm ngàn công việc làm để thúc đẩy kinh tế Mỹ.

Một số người bật cười vì sự ngây thơ của nhận định trên, nhưng đó chính là biện pháp tự thúc đẩy nội lực của chính mình, cũng tương tự như cách Henry Ford đã tăng lương cho công nhân, để mỗi người trong họ có thể mua xe do chính tập đoàn sản xuất ra. iPhone “made-in-China” không đem lại những lợi ích xã hội như vậy, kể cả ở nước ngoài hay nước Mỹ.

Trong trường hợp của Apple, đặt cơ sở sản xuất tại nước ngoài không phải để giảm chi phí khách hàng (họ vẫn phải trả số tiền lớn để mua sản phẩm Apple), cũng không phải vì sự tồn tại của công ty (cho dù có mang hệ thống lắp ráp về Mỹ thì Apple vẫn hoạt động rất hiệu quả). Trung tâm Cresc nhận định: với Apple, việc di dời sản xuất ra ngoài chính là cách khiến tiền chảy về nhiều hơn cho các lãnh đạo cao cấp và những nhà đầu tư. Nhận định này tương đồng với một nghiên cứu của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2010, kết luận rằng: “Đây chính là hành động tối đa hoá lợi nhuận của Apple, chứ không phải là vì áp lực cạnh tranh buộc Apple phải để iPhone được lắp ráp ở Trung Quốc”.

Năm ngoái, Apple có lượng dự trữ tiền mặt tới 100 tỉ USD, nhiều hơn cả Chính phủ Mỹ. Số tiền mặt lớn đến nỗi họ muốn giải phóng bớt. Cách đây vài tuần, Tim Cook công bố bắt đầu mua cổ phiếu và chi trả cổ tức cho nhà đầu tư. Một trong những người sẽ được hưởng lợi từ sự sắp xếp này chính là Cook, khi ông được thưởng số cổ phiếu trị giá 376,3 triệu USD lúc nhậm chức tổng giám đốc Apple, bây giờ có giá 634 triệu USD. Ngoài ra còn có những nhà đầu tư và các lãnh đạo cao cấp.

Trung Quốc chắc chắn cũng không hưởng lợi nhiều từ chính sách này của Apple. Công ty Foxconn phải làm việc cật lực theo một hợp đồng vô cùng khó khăn của Apple, buộc nó phải giảm mọi chi phí xuống mức thấp nhất. Đó cũng là lý do khiến Foxconn “nổi tai tiếng” trong các vấn đề về nguồn lao động. Chỉ trong năm 2010 đã có 18 vụ công nhân của Foxconn tự tử. Sau khi vụ việc được phanh phui, công chúng chỉ trích dữ dội thì Apple gia tăng áp lực với các nhà thầu phụ để cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc của công ty.

Nguyên nhân Apple trở thành trọng tâm bài viết này không hẳn vì những điều tiếng trên, mà còn vì công ty này là một điển hình về sự thành công trong giới doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho dù sản phẩm của Apple có hào nhoáng đến mức nào thì mô hình kinh doanh của Apple, xét về dài hạn, sẽ không có sức hút và phát triển không bền vững.
Các nhà thầu phụ ở Trung Quốc đóng góp rất ít vào sự phát triển kinh tế. Cùng thời điểm đó, rất nhiều người Mỹ và thế giới dù rất muốn sở hữu sản phẩm “nhà táo” nhưng không đủ tiền để mua. Cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Jared Bernstein nhận định: “Apple là một điển hình về các khó khăn hiện nay để tạo ra việc làm bậc trung ở Mỹ. Nếu đó là đỉnh cao của chủ nghĩa tư bản thì chúng ta nên lo lắng”.

Theo Cảnh Toàn (NYT, Guardian)/SGTT

.
.
.


No comments:

Post a Comment

View My Stats