Thursday, 26 April 2012

HOẠT ĐỘNG VINH DANH TRUYỀN THÔNG SẮC TỘC & CỘNG ĐỒNG TẠI NEW YORK (Adam Phillips, VOA)




Adam Phillips | New York
Thứ Năm, 26 tháng 4 2012

Có khoảng 40% cư dân thành phố New York ra đời tại nước ngoài và nói tiếng nước ngoài. Để có được tin tức và thông tin về quê hương và những cộng đồng địa phương, nhiều di dân và những nhóm sắc tộc trông cậy vào khoảng 350 đài phát thanh, đài truyền hình, sách vở báo chí và Internet phục vụ cho họ. Hàng năm, phương tiện truyền thông cộng đồng và sắc tộc hay nhất được vinh danh bằng Giải thưởng Báo chí Độc lập, được biết nhiều dưới tên 'Giải Ippies'.

Phòng tin chính của trường đại học Báo chí thành phố New York thường đầy những sinh viên sắp tốt nghiệp yên lặng làm bài cho kịp thời hạn. Tuy nhiên trong một buổi tối mới đây, phòng này náo nhiệt với đám đông các ký giả chuyên nghiệp của truyền thông sắc tộc và cộng đồng New York. Những người này đến để vinh danh những câu chuyện khác nhau phản ánh khung cảnh đa văn hóa của thành phố.

Một giải thưởng Ippies được trao cho một tờ báo tiếng Trung Quốc đăng một loạt bài về ảnh hưởng của vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 vào khu Phố Tàu gần địa điểm được gọi là Ground Zero, nơi mà hai tòa tháp đôi bị đánh sập.

Một câu chuyện phát thanh xem xét những thách thức mà những di dân trẻ đồng tính luyến ái phải đối diện trong cộng đồng của họ cũng được giải thưởng.

Một tạp chí xuất bản định kỳ có trụ sở tại Harlem được tuyên dương công trạng nhờ cuộc điều tra về cái chết của một học sinh da đen tại một trường trung học công lập nổi tiếng của thành phố New York.

Ông Garry Pierre-Pierre, chủ bút kiêm nhà xuất bản báo Haitian Times, đồng thời cũng điều hành Trung tâm Truyền thông Cộng đồng và Sắc tộc của trường đại học thành phố nói:

“Hầu hết báo chí dòng chính hàng ngày không theo dõi những câu chuyện của những cộng đồng di dân và những tổ chức truyền thông của người thiểu số phải làm việc này.”

Ông Pierre-Pierre cho biết thêm những phúc trình tại địa phương có ích cho cộng đồng và cả thành phố nữa.

Ông nói: “Vì một cộng đồng nhận được thông tin là một cộng đồng mạnh và có thế lực. Chúng ta sống trong một xã hội dân chủ và khi chúng ta có các công dân dấn thân vào cộng đồng, chúng ta có mối quan hệ qua lại, đời sống của chúng ta cũng gắn kết chặt chẽ với nhau.”

Học vấn, theo truyền thống, là cửa ngỏ của người di dân đạt được Giấc mơ Nước Mỹ, nhưng một bài xã luận được giải thưởng của tờ YCTeen cho thấy đi trên con đường này gặp nhiều phức tạp như thế nào.

Cô Mary Glancy là một chủ biên của tờ báo này do các thanh thiếu niên viết và cũng để cho các thanh thiếu niên của thành phố đọc. Cô nói khi một người chào hàng từ một trong những trường đại học vụ lợi của thành phố đến thăm một lớp học của trường trung học em Marco Salazar theo học thì.. Cô Glancy nói:

“Em Marco nhận ra rằng các em cùng lớp rất phấn khích về ý tưởng được chấp nhận vào những trường đại học này, nhưng không nhận ra rằng các trường đại học vụ lợi đều nhận hầu hết các học sinh và chú trọng nhiều đến việc kiếm lợi nhuận hơn là giáo dục cho sinh viên. Do đó em Marco trở về nhà và tìm hiểu và em nhận ra rằng có nhiều vụ kiện và nhiều khiếu nại nhắm vào những trường đại học vụ lợi này. và em viết một chuyện ngắn cảnh báo các bạn đồng học không nên dính líu đến những viêc như thế.”

Nhiều người sanh tại New York như bà Fatima Shama ủy viên về các vấn đề di dân của thành phố, đọc những tờ báo của sắc tộc thiểu số để giữ mối liện hệ với nguồn gốc của cha mẹ. Cha của bà Shama là một người Palestine và mẹ bà gốc Brazil.

Bà Shama nói: “Cho đến ngày nay, mẹ tôi vẫn đọc ba tờ báo Brazil khác nhau mỗi tuần, và điều này quan trọng đối với bà. Những tờ báo này phát hành tại đây. Tôi đọc những tờ báo này với mẹ tôi - điều này tốt vì giúp tôi có thể trau dồi tiếng Bồ Đào Nha.”

Một số câu chuyện có liên hệ đến quê nhà. Phóng viên Dan Coughlin và Kim Ives của báo Haiti Liberté được Giải Ippies về một loạt bài điều tra về những xí nghiệp bóc lột lao động tàn tệ tại Haiti.

Cô Ives nói cả hai theo dõi những tài liệu bị tiết lộ của chính phủ cho thấy là vào năm 2007, những nhà thầu nước ngoài về hùa với nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ chống lại những lời kêu gọi của công nhân tại xí nghiệp bóc lột lao động đòi được tăng lương, từ 1 đô la 70 xu một ngày lên 5 đô la một ngày.

Cô Ives nói: “Có sự thúc đẩy của tòa đại sứ Hoa Kỳ, làm việc với những nhà thầu gia công cho những nhãn hiệu lớn như Levis, Hanes, Fruit of the Loom, chống trả lại và nói 5 đô la một ngày quá nhiều đối với công nhân Haiti, và họ sẽ chỉ trả 3 đô la một ngày. Và trên thực tế họ trả mức lương này ít nhất trong một năm. Cuối cùng mức lương này lên 5 đô la một ngày nhưng tòa đại sứ Mỹ cực lực chống lại mức tăng 5 đô la này.”

Đời sống của những người theo giáo phái Lubavitcher Hasidic tại Crown Heights, Brooklyn là chủ đề của một video được giải thưởng do Nate Lavey thuộc báo Jewish Daily Forward thực hiện. Phim này khảo sát tập tục của nhóm được đặt tên cho con gái là Chaya Mushka, theo tên người vợ quá cố của Đại Giáo sĩ của giáo phái.

Cô Lavey nói: “Khi bạn đến trường học toàn các em gái tại Crown Heights và hỏi có ai tên là Chaya Mushka trong lớp hay không thì 50% số học sinh trong lớp đưa tay lên. Có nhiều biệt danh khác nhau có tên Chaya, Mushkee, Mushkele, đại loại như vậy…”

Chừng nào New York vẫn tiếp tục thu hút di dân chừng ấy vẫn còn những phương tiện truyền thông của các sắc dân thiểu số để giúp thông tin và giải trí cho họ. Tuy nhiên cũng như với dòng báo chí chính, Internet trở thành một công cụ chính để truyền đạt tin tức - một sự kiện được phản ánh bởi nhiều Giải thưởng Ippies dành cho Internet trong năm nay.

Cũng thế, truyền hình vệ tinh giúp cho những tin tức từ quê nhà dễ đến với các sắc dân. Và điều này đã làm chuyển đổi trọng tâm của nhiều phương tiện truyền thông của nhiều sắc dân thiểu số đến với những gì thực sự liên hệ đến địa phương và cộng đồng tại Hoa Kỳ.

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats