Wednesday, 25 April 2012

TIN CƯỠNG CHẾ VĂN GIANG : BÁO ĐƯA THƯA THỚT (BBC)




BBC
Cập nhật: 13:48 GMT - thứ tư, 25 tháng 4, 2012

Báo chí Việt Nam im ắng hơn nhiều trong vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang thuộc tỉnh Hưng Yên so với cách họ đưa tin về vụ Tiên Lãng.
Về mặt quy mô, vụ cưỡng chế ở Văn Giang lớn hơn nhiều lần và các video clip cho thấy một số người dân tay không đã bị lực lượng cưỡng chế đồng phục và thường phục đánh hội đồng.

VnExpress là báo đầu tiên đưa bài lên mạng lúc tối muộn giờ Việt Nam hôm 24/4 về vụ '160 hộ dân' ở Văn Giang bị cưỡng chế thu hồi đất. Tuy nhiên đường dẫn vào bài viết đã không còn truy cập được từ London vào tối ngày 25/4.

Trang tin của Thanh Niên sang sáng sớm ngày 25/4 cũng  có bài mang tựa đề 'Tạm giữ 20 người trong vụ cưỡng chế đất tại Hưng Yên'. Thanh Niên nói 'khoảng 500 cảnh sát' đã tới "để bảo vệ an ninh trật tự hiện trường" và "hàng trăm người dân địa phương ra cản trở việc cưỡng chế".
Thanh Niên nói hai cảnh sát "bị xây xát nhẹ" khi va chạm với người dân.
Báo này cũng dẫn lời quan chức Hưng Yên nói hơn 1.500 hộ dân đã giao lại đất cho dự án xây dựng khu đô thị sinh thái và chỉ còn hơn 160 hộ chưa giao lại diện tích đất gần sáu ha dẫn tới vụ cưỡng chế. Nhưng cũng báo này lại nói Hưng Yên đã cưỡng chế 70 ha đất ở Văn giang.

Tính tới tối ngày 25/4, bài của Thanh Niên có 10 phản hồi được đăng trong đó có ý kiến của độc giả có tên Ngọc Trang:
"Việc Thủ tướng phê duyệt dự án khu du lịch sinh thái từ năm 2003 là thời điểm cả nước còn đang "sôi suc" các dự án khu du lịch, các dự án bất động sản ... nhưng đến nay hệ quả thì đã rõ, quá nhiều khu du lịch, các nhà liền kề hay biệt thự không bán được vì quá dư thừa trong khi người dân không có đất canh tác, thế chẳng phải đẩy họ ra thủ đô để vạ vật hay sao?
"Khu ECOPARK cũng vậy, toàn là mua đi bán lại chứ có ai ở đâu? Lẽ ra đến giờ này chính phủ nên xem xét lại trên góc độ tổng thể cho dù đã cấp giấy phép cho dự án thì chính phủ và chính quyền cũng nên đứng ra làm trung gian hài hoà lợi ích của các bên và chính quyền các nơi chỉ nên cấp phép các khu du lịch khi đất nơi đó không thể canh tác được thôi.!"

Nhưng cũng có độc giả ủng hộ cách giải quyết của chính quyền như Hoàng Vũ:
"Cần có những biện pháp cứng rắn hơn nữa đối với những người dân quá khích coi thường pháp luật, chống người thi hành công vụ. Nhanh chóng giải phóng mặt bằng lấy lại ổn định chính trị, phát triển kinh tế cho Văn Giang."
Những ý kiến tương tự như của Hoàng Vũ đã gặp phải chỉ trích trên mạng internet với lập luận nhà nước chỉ cưỡng chế những dự án liên quan tới lợi ích quốc gia thiết yếu như an ninh quốc phòng và chỉ đóng vai trò trọng tài trong những vụ thuần túy kinh doanh như dự án khu đô thị sinh thái ở Văn Giang.

'An toàn tuyệt đối'
Báo Sài Gòn Tiếp Thị trong ngày 25/4 cũng có bài viết về chuyện "1.000 công an" tham gia cưỡng chế và 20 người bị 'tạm giữ hành chính'. Đường  link vào bài này cũng đã không còn truy cập được.
Trang zing.vn trích lại một bài mà họ dẫn nguồn Tuổi Trẻ nhưng BBC không tìm được bài này trên trang của chính Tuổi Trẻ.
Theo bài có trên Zing, dẫn lời ông Bùi Huy Thanh, chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Hưng Yên nói việc cưỡng chế "đã thành công và an toàn tuyệt đối, không có cán bộ chiến sĩ nào cũng như người dân bị thương".

Ông Thanh nói thêm: "Năm 2004 Thủ tướng đã phê duyệt quyết định thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án. Thanh tra Chính phủ cũng đã về làm việc trong ba tháng, tuy nhiên lý do khiến các hộ dân chưa đồng thuận hiện nay không phải là giá bồi thường thấp mà là kiến nghị không thực hiện dự án, kiến nghị này không thể giải quyết được”.
Bài báo cũng dẫn lời một người dân vừa bị cưỡng chế đất, ông Đặng Văn Dư ở xã Xuân Quan, nói:
"Cả gia đình được giao 2,5 sào đất nông nghiệp. Số diện tích này được dành trồng ươm các loại cây cảnh trị giá khoảng 120-130 triệu đồng, nhưng giờ bị san ủi cả.
“Với mức giá bồi thường 48 triệu đồng/sào, chúng tôi không nhất trí.”
Đại diện chính quyền, ông Bùi Huy Thanh trong khi đó nói mức giá bồi thường gần 49 triệu đồng cho một sào đất trong dự án đô thị sinh thái là "mức cao nhất được áp dụng trên địa bàn tỉnh tại thời điểm hiện tại".

Các bài liên quan


----------------------------------------


Nhóm phóng viên SGTT
26-4-2012

Bài này được đăng trên SGTT nhưng ngay sau đó đã bị gỡ xuống.
BVN
-----------------------------------------------------

Thông tin từ UBND tỉnh Hưng Yên chiều 24.4, xác nhận: lực lượng cưỡng chế có khoảng 1.000 người, mà nòng cốt là công an với sự hỗ trợ của cảnh sát cơ động cấp bộ, đã tiến hành thành công vụ việc “cưỡng chế – hỗ trợ thi công dự án khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang” tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên vào sáng 24.4.

Người dân xã Xuân Quan tiếp tục bàn tán tại cánh đồng nơi xảy ra vụ cưỡng chế, sau khi các lực lượng cưỡng chế đã rút lui.

Chiều 24.4, tại trụ sở UBND huyện Văn Giang, trao đổi nhanh với các phóng viên, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, ông Bùi Huy Thanh, thông tin: vụ cưỡng chế hỗ trợ thi công bắt đầu từ lúc 7 giờ, và đến 10 giờ 30 đã kết thúc an toàn, không một người dân nào bị thương và không có chuyện nhà bị phá. Trả lời câu hỏi của phóng viên Sài Gòn Tiếp thị, ông Thanh cho hay, lực lượng tham gia cưỡng chế và hỗ trợ khoảng 1.000 người, trong đó chủ yếu là công an huyện Văn Giang, với sự hỗ trợ của công an tỉnh và bộ cũng như có sự chứng kiến của đại diện viện Kiểm sát nhân dân.

“Tuy nhiên, không hề có quân đội tham gia và cũng không hề có nổ súng như một số thông tin đã loan báo”, ông Chánh văn phòng nói. Song, ông Thanh thừa nhận: “Công an đã dùng hai quả đạn khói (ném chỉ thiên) để giải tán đám đông khoảng 200 người tụ tập, cản đường không cho xe vào công trường”. Về sự việc có hai cảnh sát bị thương và nhập viện, ông Thanh cũng xác nhận: “hai chiến sĩ cảnh sát cơ động bị xây xước nhẹ, đã được băng bó và xuất viện ngay sau đó”.

Ông Thanh cũng cho biết, kết thúc buổi cưỡng chế, các lực lượng chức năng đã tạm giữ hành chính 20 người để lấy lời khai, thu giữ một số chai xăng, gậy gộc và công an đã khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ.

Vẫn theo ông Thanh, trước khi cưỡng chế diễn ra, UBND huyện đã tổ chức đối thoại, thuyết phục nhân dân nhiều lần, đồng thời thông báo kế hoạch cưỡng chế để dân thu hoạch hoa màu nên trong vụ cưỡng chế sáng 24.4, không có chuyện phải cưỡng chế nhà cửa, hoa màu mà chủ yếu là san lấp mặt bằng để cho các đơn vị thi công.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên tại hiện trường vụ cưỡng chế, từ hơn 7 giờ, hàng trăm người dân mà chủ yếu là các hộ dân có đất phải giao trong dự án đã tập trung khá đông tại con đường chính dẫn vào khu dự án. Nhiều người dân đã chặt cây, xếp gạch đá, đốt lửa để ngăn chặn các lực lượng chức năng tiến vào khu vực cưỡng chế.
Trong gần ba tiếng đồng hồ sau đó, trên loa truyền thanh của xã Xuân Quan, thông báo của UBND huyện về việc cưỡng chế hỗ trợ thi công dự án này đã được phát đi phát lại.

Hàng chục chốt công an, mỗi chốt khoảng mười cảnh sát đã được thiết lập với ít nhất ba vòng từ ngoài vào trong để ngăn chặn việc tụ tập đông người. Cả chục tấm biển “Cấm quay phim – chụp ảnh” cũng được dựng lên khắp các con đường đổ về khu dự án.

Khoảng 7 giờ 30, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát với áo chống đạn, khiên (lá chắn) tiến vào cánh đồng – nơi tiến hành cưỡng chế hỗ trợ thi công của xã Xuân Quan và đã gặp phải sự phản ứng của nhiều người dân.

Có ít nhất hai chiến sĩ cảnh sát cơ động đã bị gạch đá rơi trúng đầu, chân và được xe cảnh sát đưa ngay vào bệnh viện đa khoa Văn Giang. Theo tìm hiểu của phóng viên, hồ sơ của bệnh viện ghi hai cảnh sát này bị rách trán, chân, được băng bó và đã xuất viện ngay sau đó khoảng hai tiếng đồng hồ.

Đến khoảng 10 giờ, đám đông đã rời khỏi hiện trường, từng tốp cảnh sát cũng rút dần khỏi khu vực cưỡng chế. Riêng tại các chốt, lực lượng công an vẫn được bố trí nghiêm ngặt. Hàng chục cảnh sát đã phải ăn trưa tại hiện trường ngay giữa cánh đồng. Cùng lúc, khoảng vài chục chiếc xe xúc, xe ủi tiến vào cánh đồng tiến hành san ủi mặt bằng trong sự bảo vệ của lực lượng công an.

Tới hơn 11 giờ, vụ cưỡng chế hỗ trợ thi công cơ bản hoàn thành, phần đông các lực lượng cảnh sát đã rút khỏi khu vực cánh đồng xã Xuân Quan.

Vào buổi chiều, khi chúng tôi quay lại khu vực cưỡng chế thì cả một khu vực cánh đồng rộng khoảng 5 ha được san lấp vẫn còn ngổn ngang cây cối bị bật gốc. Một con hào dài hàng trăm mét cũng vừa được đào đắp ở vòng ngoài để bảo vệ các lực lượng thi công bên trong. Hàng chục người dân vẫn tụ tập bàn tán về cuộc cưỡng chế buổi sáng.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Dự án khu đô thị Văn Giang được Thủ tướng chấp thuận vào tháng 3.2003 và ban hành quyết định thu hồi, bàn giao đất vào tháng 6.2004, giao công ty đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô xấp xỉ 500 ha thuộc ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao (thuộc huyện Văn Giang) và 55 ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nôi – Hưng Yên. Riêng xã Xuân Quan (nơi diễn ra vụ cưỡng chế sáng 24.4) có 1.720 hộ trong diện giải toả với diện tích hơn 72 ha, nhưng đến nay vẫn còn 166 hộ (5,72 ha) chưa chịu bàn giao mặt bằng.
UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định, các chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với dự án được tỉnh đặc biệt coi trọng. Theo đó, tính đến thời điểm 2008, các hộ dân chấp hành đúng tiến độ được nhận 135.000 đồng/m2 tiền đền bù, cộng với 35.000đ/m2 tiền “thưởng tiến độ” – là tiền hỗ trợ của chủ đầu tư.
Ông Bùi Huy Thanh, chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, nói rằng đây là dự án được áp mức đền bù cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, cũng như được chủ đầu tư hỗ trợ tốt nhất. “Các hộ dân không chịu bàn giao là do có đối tượng xúi giục, họ chỉ đòi huỷ bỏ dự án chứ không hề có thắc mắc về giá đền bù thấp”, ông Thanh khẳng định.

Theo SGTT


.
.
.



No comments:

Post a Comment

View My Stats