Nguyễn Trần Sâm
Trong bài “Tiên Lãng đang rơi vào quên lãng” tôi đã nói lên nỗi buồn khi thấy cuối cùng thì cánh quan chức tỉnh huyện cũng chỉ bị kỷ luật sơ sơ, chỉ gia đình anh Vươn là lãnh đủ. Nhưng nghĩ cho cùng thì làm sao có thể khác được? Mà như thế có khi lại hay hơn.
Người xưa từng nói: “Mấy đời bánh đúc có xương?…” Thời nào cũng thế thôi, lấy đâu ra quan chức thương dân nghèo? Nói cho đúng thì thương có thể cũng có phần, nhưng sao nhiều bằng tình thương đối với cái túi của họ được?
Cho nên, họ phải hành động vì cái túi!
Vì cái túi, họ phải nhận những thứ được đưa từ dưới lên để nhét vào đó cho đầy. Ngày xưa túi chỉ có nửa gang, một gang hay cùng lắm là chín gang, dù khó đầy nhưng cũng còn dễ hơn thời bây giờ. Ngày nay, những cái túi là vô hình, chúng thực sự vô đáy, vô kích thước, bỏ bao nhiêu vào đó cũng không đầy.
Ferdinand Marcos của Phillipines bỏ túi dăm ba tỉ đô, tưởng đã là kỷ lục. Nhưng không, những Mubarak, những Gaddafi, mỗi ngài còn bỏ túi dăm bảy chục tỉ kia. Mà cũng chưa bằng một hoàng đế nguyên là đầy tớ của dân: Vladimir Putin, kẻ nghe đâu bỏ túi trên dưới trăm tỉ, vượt xa tài sản của những Bill Gates, Warren Buffet, Carlos Slim,… Mà chắc gì Putin đã là người giàu nhất?
Đã nhận từ bên dưới rồi thì khi dưới sai, trên xử sao đây? Mà xử hết chúng thì “lấy ai mà “làm việc””? Cho nên trên dưới phải thương nhau, bảo vệ nhau. Phải trừng trị bọn dân đen để bảo vệ “cách mạng”.
Vì cái túi, người ta cần bảo vệ chế độ. Không còn chế độ thì đâu còn chỗ bên trên để mà hút tiền từ bên dưới?
Để bảo vệ chế độ, người ta phải ngăn chặn bớt việc moi tiền bỏ túi. Mỗi người đều cố lấy thật nhiều, nhưng phải ngăn bớt bọn khác lại để khỏi phải hút kiệt máu dân, vì nhỡ ra bọn dân đen ấy, chúng căm thù quá, lại để bị các thế lực thù địch xúi bẩy, lại vùng lên như ở nơi này nơi nọ… Vì vậy mà phải sinh ra “học tập”, “chỉnh đốn”, “phê và tự phê”,…
Nhưng quy luật là quy luật.
Đó là quy luật của cái túi. Cái túi nó đau khi nó thấy một món tiền lớn không chảy vào nó. Nó truyền cái đau sang ông chủ, làm ông chủ tin rằng riêng khoản tiền đó nếu chảy vào túi ngài thì cũng không ảnh hưởng gì đến sự tồn vong của chế độ. Bọn khác lấy quá nhiều thì mới dính đến chuyện tồn vong, mình mình lấy thì có sao. Mà mình không “bạo vì tiền” thì sao lời huấn thị về việc chỉnh đốn của mình có sức nặng được?
Mubarak đủ khôn để biết rằng tham lam vô độ sẽ dẫn đến sụp đổ. Gaddafi thừa khôn để biết rằng làm gì cũng phải có điểm dừng. Nhưng cái túi không cho phép họ dừng. Lần nào, khi chưa thấy một món tiền, họ cũng tự khuyên dừng lại. Nhưng khi có một món lớn, cái túi lại nói: “Lần này vẫn an toàn. Thêm một lần thì có là chi?”
Và cứ thế, cái túi vô tình thúc họ đẩy chế độ đến chỗ diệt vong.
Chẳng cái gì, chẳng ai khác có thể làm chế độ diệt vong, ngoài chính các ngài, theo sự sai khiến của những cái túi của các ngài. Khi cái túi nói “Vẫn an toàn” thì không ai có thể làm cho các ngài tin rằng ngày tận số đã cận kề.
Cái túi có thể xui khiến các ngài đàn áp đẫm máu để giữ lấy cái quyền vơ tiền bỏ túi. Dù biết rằng càng đàn áp càng đẩy nhanh tới sụp đổ, nhưng quy luật là quy luật. Ai mà cưỡng được quy luật?
Cho nên, các ngài đang hành động đúng theo quy luật, thậm chí còn thúc đẩy cho tiến trình diễn ra theo quy luật nhanh hơn. ỞTunisia, ở Ai Cập, ởLibya, các ngài ấy đều hành động tuân theo quy luật.
Ở Việt Namta trước 1945, vua quan nhà Nguyễn cũng từng làm đúng theo quy luật.
Ngày nay, ở xã Vinh Quang, ở huyện Tiên Lãng, ở thành phố Hải Phòng,… các ngài ấy cũng đang làm đúng theo quy luật.
Liệu có vì bài viết của kẻ hèn mọn này, mà các ngài chùn tay lại chút nào chăng? Không bao giờ. Có đến hàng triệu bài viết của những người có danh đi nữa thì cũng chẳng thể nào làm các ngài bận lòng. Các ngài luôn làm theo quy luật.
Xin cảm ơn các ngài.
NGUYỄN TRẦN SÂM
----------------------------------------------
Nguyễn Trần Sâm
Vẫn biết rồi việc giải quyết vụ Tiên Lãng sẽ chẳng đâu vào đâu, vậy mà khi theo dõi những diễn biến gần đây, vẫn thấy lòng buồn tê tái.
Vẫn biết người ta nói hay, thậm chí nói rất hay về việc nghiêm khắc xử lý những kẻ hại dân, nói “…khởi tố, điều tra và sớm đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng qui định của pháp luật việc phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn” chỉ là nói để mà nói, vậy mà khi nghe thông báo về các hình thức “kỷ luật” đối với các quan chức Tiên Lãng và Hải Phòng, vẫn thấy chua chát, đắng cay. Thấy bầu trời càng thêm u ám.
Đó là những “bản án” mà chủ yếu là “khiển trách” và “cảnh cáo”. Một vài người bị cách chức, nhưng chắc là sẽ sớm được phục chức, không thì cũng được chuyển sang những vị trí “phù hợp hơn”. Chưa thấy, mà chắc là sẽ không có ai trong số những vị đã chủ trương “cưỡng chế thu hồi đất” đối với khu đầm nhà anh Vươn bị khởi tố, mặc dù vụ việc xảy ra đã bốn tháng nay.
Và trong những cuộc “làm việc” với giới báo chí, người ta đã răn đe là trong vụ Tiên Lãng báo chí đã “thông tin quá vội vã”, “quá liều”, “một chiều”, “thiếu khách quan”,… Hãy nhớ rằng khoảng một tháng trước đây, báo chí đã được tuyên dương và được cảm ơn về việc đưa tin kịp thời và đầy đủ. Thế mà… Rõ ràng đã có một sự “đổi giọng” ngay từ “trên cao”, giống như trong quá trình xử lý rất nhiều vụ việc tày đình khác! Đã có hơi hướng của những gì diễn ra ở hồi kết của vụ PMU-18 và nhiều vụ khác.
Có những dấu hiệu dường như cả những nhà báo tự do nổi tiếng cũng bị “bịt mồm”. Có những người đang đưa tin và viết bài về Tiên Lãng và những vụ việc khác, bỗng nhiên im tiếng. Họ vốn là những người rất kiên cường, không dễ gì bị khuất phục. Chắc hẳn ai đó đã tung ra những ngón đòn hiểm độc nào đó nên mới có chuyện như vậy.
Và giờ đây, Tiên Lãng rõ ràng đang chìm dần vào quên lãng. Quên do vô cảm, hoặc cố tình quên, hoặc buộc phải quên.
Chỉ có anh Vươn và anh Quý mấy tháng nay vẫn bị giam cầm, từng ngày từng giờ sống thoi thóp chờ bản án phũ phàng giáng xuống thân phận bèo bọt của mình.
Chỉ có vợ con anh Vươn, anh Quý đang phải sống trong lều bạt suốt mấy tháng qua, và sắp tới sẽ phải chịu cho gió mưa bão táp dập vùi trong cảnh khắc khoải chờ chồng, chờ cha suốt tháng năm đằng đẵng. Rồi đây họ sẽ phải sống ra sao? Và bao nhiêu con người khác bị đuổi khỏi nhà, khỏi mảnh đất của chính mình sẽ sống thế nào? Ai sẽ lên tiếng bênh vực họ? Và liệu lên tiếng thì có chút ý nghĩa nào không?
Vẫn biết cuộc đời rồi sẽ đổi dời, những kẻ hống hách một thời rồi cũng phải chịu cái hậu quả mà họ đáng phải chịu, vậy mà vẫn thấy những ngày u ám này sao kéo quá dài!
NGUYỄN TRẦN SÂM
.
.
.
No comments:
Post a Comment