Monday 23 April 2012

NHÂN DÂN HUYỆN VĂN GIANG - TỈNH HƯNG YÊN ĐOÀN KẾT CHỐNG CƯỠNG CHẾ (theo blog Nguyễn Xuân Diện)



Thứ hai, ngày 23 tháng tư năm 2012

Thông báo: Vào lúc 19h02 toàn bộ xã Xuân Quan bị cắt điện đột ngột. Hiện nay bắt đầu có nhiều người lạ đi từ trên đê xuống các ngõ ngách trong thôn.

20h có điện trở lại. Có thông báo ngày mai sẽ cắt điện từ 05h00 đến 11h.

Đêm, bà con ngồi đầy các lán ngoài đồng, tiếng trò chuyện râm ran cả một vùng đồng không mông quạnh. Họ cùng đốt lửa và ngồi quây quần bên nhau, có cả những đưa trẻ cùng theo ra cánh đồng. Hình ảnh dưới đây là lúc 21h30:
.
Trong đêm tối, giữa cánh đồng mênh mông tối đặc, khuất sau những bụi cây là những người dân quyết tử. Từ chiều đến giờ CSCĐ mấy lần định đổ quân xuống, nhưng nhìn thấy lực lượng quá khủng khiếp của dân Phụng Cao, Cửu Công tràn về hiệp thông với Xuân Quan nên đã phải chùn bước.

Công trình cầu trong dự án đang bị kẹp giữ khoảng 2000 người dân, cắm trại hai bên. Thanh niên đèn pin vũ khí trang bị đầy đủ. Ai cũng có khẩu trang và mũ bảo hiểm nữa.

Rất nhiều củi khô và lốp hỏng ngổn ngang trận địa. Bên đống lửa cháy ngùn ngụt giữa cánh đồng, tiếng rì rầm của bà con gợi lại thưở hồng hoang tiền nhân đi mở cõi....

Bỗng nhớ đến câu thơ của Nguyễn ĐÌnh Thi:

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!

Mùi khét của lốp cao su. Mùi ngai ngái của củi khô củi ướt, và mùi đất nồng. Tất cả quyện với khói, khiến mắt cay sè...

*
*

Thứ hai, ngày 23 tháng tư năm 2012

Báo Người cao tuổi:
Vì sao các hộ dân ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) khiếu nại kéo dài?
Thứ Năm, 29/03/2012-8:59 AM

Khi thực hiện Dự án, người dân không được thông báo về lí do thu hồi đất, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại trước khi thu hồi.

Tại cuộc họp tiếp dân của Chủ tịch UBND xã Phụng Công ngày 17-8-2006 khi người dân hỏi vì sao không được biết về dự án thì ông Nguyễn Văn Tắng, Chủ tịch UBND xã nói: “Về quy hoạch dự án thì cả tôi cũng không được biết hoặc tham khảo gì…”. Có người hỏi thêm: Vậy Điều 28, Luật Đất đai không có ý nghĩa gì hay sao? Câu này không có ai trả lời.

Các hộ dân cho biết: Toàn bộ các hộ sử dụng đất đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng tỉnh Hưng Yên đã giao đất cho chủ đầu tư mà không ra quyết định thu hồi đất. Điều 21 Luật Đất đai 1993 quy định: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”. Xem ra, UBND tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang đã bỏ qua rất nhiều quy định pháp luật mà Nhà nước đã ban hành.

Do việc thực hiện Dự án có nhiều điều vi phạm pháp luật, các hộ dân ở ba xã kiên trì, liên tục khiếu nại lên các cấp ở Trung ương. Ngày 26-1-2007, Thanh tra Chính phủ ra Thông báo số 168/TTCP-V4 chỉ ra một số sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án và chỉ đạo tỉnh Hưng Yên “Tập trung chỉ đạo tốt việc tuyên truyền nhân dân ba xã vùng dự án về chủ trương đầu tư dự án, bảo đảm lợi ích hài hoà của Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư, giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình đầu tư xây dựng Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang…”. Tuy nhiên, các hộ dân cho biết, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ không được tỉnh Hưng Yên tiếp thu và thực hiện nên nhân dân vẫn phải tiếp tục đội đơn khiếu nại ở các cơ quan có thẩm quyền.

Ngọc Phi
*
*

Thứ hai, ngày 23 tháng tư năm 2012

Báo Người Cao tuổi
UBND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên: Ra quyết định cưỡng chế trái luật

Thứ Năm, 19/4/2012 - 08:43AM

Ngày 4-4-2012 và 5-4-2012, UBND huyện Văn Giang ra một số quyết định cưỡng chế đối với một số hộ dân ở xã Xuân Quan để giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư. Đáng tiếc đó lại là những quyết định trái luật.

Theo UBND huyện, quyết định cưỡng chế này áp dụng cho 166 hộ gia đình ở xã Xuân Quan để thi hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, giải toả mặt bằng thực hiện bàn giao đất. Các gia đình bị cưỡng chế đều nhận được một quyết định có nội dung giống nhau, thời gian thực hiện từ ngày 20-4-2012, tại xứ đồng Cầu Ván, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang. Các hộ dân cho biết, ngày 4-4-2012, họ nhận được một quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang do Phó Chủ tịch UBND huyện Chu Quốc Hiệu kí. Quyết định gửi cho từng hộ gia đình và lưu văn thư (huyện), căn cứ vào Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Điều 4, Nghị định 37 thì thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế là của Chủ tịch, không phải của Phó Chủ tịch, và theo Khoản 2, Điều 6 Nghị định 37 thì quyết định UBND cấp dưới phải gửi cho UBND cấp trên (UBND tỉnh). Hôm sau, 5-4-2012, các hộ nói trên nhận được quyết định mới với nội dung giống như hôm trước, do Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Bích Thuỷ kí. Như vậy, sai lầm về mặt văn bản, phải do Chủ tịch UBND huyện kí đã được sửa, nhưng yêu cầu gửi cho UBND tỉnh thì chưa sửa, văn bản mới vẫn chỉ lưu văn thư mà không gửi cấp trên. Trong các quyết định gửi đến hộ gia đình có những hộ gặp phải quy định trái khoáy: Quyết định số 629/QĐ-CCK ngày 5-4-2012 gửi ông Lê Văn Tuệ, nhưng mọi chi phí liên quan đến việc cưỡng chế lại do ông Đàm Văn Lâm chi trả(?). Điều này cho thấy UBND huyện Văn Giang cương quyết cưỡng chế, không cần kiểm tra xem việc cưỡng chế có đúng đối tượng không, có phù hợp với pháp luật hay không?


Trở lại Dự án xây dựng Khu đô thị - thương mại - du lịch Văn Giang (Ecopark), trong bài “Vì sao các hộ dân ở Văn Giang (Hưng Yên) khiếu nại kéo dài?”, Báo Người cao tuổi số 38, ngày 30-3-2012 đã chỉ ra nhiều sai phạm của dự án. Bài báo nêu bật nội dung Thông báo số 168/TTCP-V4 ngày 26-1-2007 của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo UBND tỉnh Hưng Yên phải “giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình đầu tư xây dựng khu đô thị…”. Ngày 12-4-2012, huyện Văn Giang tổ chức cuộc đối thoại của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan hành chính ở Hưng Yên với nhân dân Văn Giang. Những tưởng đây là dịp để các cơ quan có thẩm quyền ở Hưng Yên “giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân” như chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ thì bà Chủ tịch UBND huyện lại nói rõ “chỉ đối thoại với 166 hộ gia đình liên quan đến việc cưỡng chế 72 ha đất để bàn giao cho chủ đầu tư”, không chấp nhận đối thoại với những hộ không nằm trong khu vực cưỡng chế vào ngày 20-4-2012 sắp tới. Thực chất đã rõ, huyện Văn Giang không “đối thoại”, chỉ “cưỡng chế”!


Để ra quyết định cưỡng chế đúng luật, quá trình thực hiện bất cứ dự án nào cũng phải tuân theo các quy định của nhà nước: Họp dân phổ biến nội dung dự án, ra quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất, thảo luận với các hộ dân về phương án đền bù, tái định cư. Những dự án kinh doanh (như dự án Ecopark) thì Nhà nước không thu hồi đất, mà chỉ làm trọng tài để nhà đầu tư thoả thuận với dân. Nguyên tắc là khi giải phóng mặt bằng, người dân khi đến nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ… Nhìn vào dự án Ecopark những điều nói trên hoàn toàn vắng bóng. Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang không đúng luật, không hợp lí, không hợp tình, không vì lợi ích của nhân dân mà chỉ phục vụ “lợi ích nhóm” nào đấy, trong đó có chủ đầu tư dự án.

Phan Hương - Ngọc Phi

*
*

Thứ hai, ngày 23 tháng tư năm 2012

Thưa bà con cô bác,
Sáng nay, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức họp báo. Tỉnh thông báo sẽ huy động mọi nguồn lực và sức mạnh trong đêm nay và rạng sáng mai để cưỡng chế bằng được khu vực ba xã Cửu Cao, Phụng Công và Xuân Quan thuộc huyện Văn Giang cho dự án Ecopark.

Bổ sung lúc 17h30: Họp báo tại UBND tỉnh Hưng yên. Bùi Huy Thành, Chánh VP UBND tỉnh Hưng Yên và Đặng Bích Thủy Chủ tịch huyện Văn Giang tuyên bố: Mọi việc làm của chính quyền đều đúng. Dân chống lại thì phải cưỡng chế. Lực lượng gồm công an viên của tất cả các xã trong huyện - trừ 3 xã bị cưỡng chế. Bộ CA đưa toàn bộ Học viên của 2 trường Cảnh sát. Tất cả mặc cảnh phục để không nhầm lẫn trong cưỡng chế. Sẽ đào một con hào ngăn cách giữa khu dân cư và đất dự án. Muộn nhất là sẽ tiến hành vào sáng mai.


Sau cuộc họp báo, toàn bộ nhà báo bỏ về …không nhận lời mời cơm trưa của UBND tỉnh Hưng Yên.

Sáng qua, 22/4 có 27 xe các loại được điều tới gần khu vực hiện trường. Vào lúc 12h15 đêm qua, có thêm hai xe xúc đi từ phía Bát Tràng xuống Văn Giang.

Theo các nguồn tin, đêm nay xe ủi sẽ vào sát khu vực cưỡng chế. Mờ sáng mai, việc cưỡng chế khởi sự và cao trào vào khoảng 08h00, với sự tham gia của cả công an và bộ đội.

Sáng nay, bà con nông dân đã bắt đầu dựng lều bạt trên khu vực cưỡng chế. Và cũng trong sáng nay công an đưa chó nghiệp vụ vào khu vực này, có lẽ là để kiểm tra xem có thuốc nổ không?

Buổi chiều đã có 8 xe máy xúc loại nhỏ, chưa có xe máy ủi tiến đến khu vực cưỡng chế, có khả năng đêm nay xe ủi mới về.

Những hình ảnh trực tiếp từ Văn Giang, chiều nay, 23 tháng 4 năm 2012:

Bà con Văn Giang cho biết: Lực lượng cưỡng chế khoảng 1900 người, đang tập trung ở UBND huyện Văn Giang, khoảng 5.30-6h có cơm hộp đem đến !

Càng về chiều, càng có nhiều người lạ tiếp cận khu vực dân cư và khu vực cưỡng chế:

Chưa rõ nhừng người này là nhân viên an ninh, công chức của tỉnh, huyện, hay là các nhà thầu phụ.
Cập nhật 18h45: Các cán bộ thôn, xã đều được mời họp, quán triệt việc cưỡng chế. Học sinh các cấp từ phổ thông trung học xuống tới mẫu giáo được thông báo đều phải đi học. Chính quyền huyện lo con em cùng bố mẹ ra cánh đồng phản đối việc cướp đất.

Có 1900 nhân viên công lực gồm công an, bộ đội, phòng cháy, cứu thương, dân phòng, cơ động...đã tập hợp tại Huyện Văn Giang để ăn chực nằm chờ từ sáng nay để sẵn sàng để dàn trận.

Có tin: Có chỉ đạo từ Chính phủ đã chỉ đạo xuống Huyện : " Phương án cưỡng chế phải linh hoạt, tránh diễn ra tình trạng như Tiên lãng Hải Phòng ! "

HIỆN TRƯỜNG LÚC 18h30:

HẾT

NXD -blog tường thuật trực tiếp từ Văn Giang, Hưng Yên
(Mời chư vị theo dõi bản tin tiếp theo, trực tiếp từ Văn Giang từ 19h30 đến 0h00)

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats