Wednesday, 25 April 2012

ĐỌC SÁCH : "VIỆT NAM, NIỀM THƯƠNG và NỖI NHỚ" (Trần Đan Hà)




Đọc sách:
Tuyển tập Nguyễn Song Anh & Võ Phước Hiếu

Trần Đan Hà
PSN 8.04.2012
Việt Nam Niềm Thương và Nỗi Nhớ, là tuyển tập của hai nhà văn mà bản chất có nhiều nét giống nhau như hai giọt nước, như cặp song sinh. Dĩ nhiên cũng có đôi điều khác biệt, nhưng lại giữ được yếu tính trung hòa, tạo nên một “bản đàn thôn dã“ để tấu lên những khúc ca vọng âm từ hồn thiêng sông núi, của tình cảm con người, của khát vọng vươn lên và đi tới để hòa chung với nhịp điệu của thiên nhiên, nền tiến hóa của nhân loại làm nên một tình tự quê hương và dân tộc Việt rất đặc thù và linh động.

Hai tác giả đã cố gắng vẽ lại dung nhan của một quê hương Việt Nam, nơi muôn đời yêu thương và nhớ nhung mỗi khi khuất cách. Hay nói một cách khác đây là tập truyện viết về lịch sử, địa lý, phong thổ, những sinh hoạt cũng như tình cảm con người, tương quan với phong tục tập quán lâu đời.

Hai cây bút cùng quê miền Nam, đều xuất thân nhà giáo, có tâm hồn yêu mến văn chương thi phú. Thích trau chuốt chữ nghĩa để làm phong phú thêm cho nền văn hóa nước nhà, đồng thời góp phần gìn giữ gia sản của tổ tiên.

Một người đã từng tốt nghiệp Cử nhân Văn chương Việt – Hán, Nguyễn Song Anh, nguyên Hiệu trưởng các trường Trung học Phước Vĩnh, Phước Thành, Dĩ An Biên Hòa.

Còn một người tốt nghiệp trường Tây, Võ Phước Hiếu, từng chăm lo một nhà xuất bản tại Sài gòn trước năm 1975 và bây giờ ra hải ngoại vẫn làm việc trong ngành Giáo dục và cộng tác với các tờ báo Pháp cũng như báo Việt.

Một người nặng về Quốc học, một người nặng về Tây học. Tuy thế hai cây viết không nghiêng hẳn về một bên, để vẫn còn giữ lại được một văn phong thâm thúy nhưng lãng mạn, chất phác nhưng không lỗi thời, chứa đựng những nét văn hóa cổ kim so sánh, gạn lọc những tinh hoa để cho vào sách sử.

Hai cây viết cùng một đề tài mà họ đã thể nghiệm, cùng khai thác nguồn sử luận phong phú của quê hương thân yêu, để làm sống lại những tàng tích đang khuất dấu trong tiềm thức của nhiều thế hệ. Các thời đại phần nhiều bị chìm ngập trong cảnh loạn lạc chiến tranh ý thức hệ giữa ngoại xâm và nội thù đã để lại trong lòng mọi người như một vết thương còn rỉ máu...

Phần I - Truyện của Nguyễn Song Anh

Vào Xuân, Lá Rụng, Bước đầu tìm về Một Cuộc Đất, Mùa Xuân Lý Trần, Nguyễn Đình Chiểu qua tác phẩm Dương Từ Hà Mậu, Thiết Thực Kỷ Niệm 1000 năm Thăng Long.

Là những tựa đề của các truyện.

Mở đầu tác giả phiếm luận về bút hiệu của mình: “Tôi làm thơ với bút hiệu Nguyễn Song Anh, không biết thơ tôi hay dở thế nào mà có người nhận xét: “Thơ chỉ nói về quê hương, thế sự, không có tình (yêu) và bút hiệt thường có một ý nghĩa đặc biệt nào đó, như kỷ niệm tình cảm chẳng hạn““.

Nghe nhắc đến bút hiệu, tôi cảm thấy có chút tự hào nên vội đáp, đúng, rất có ý nghĩa, vì đó là tên người yêu đầu đời, mối tình đầu của tôi... Thật ra, tên người yêu tôi không phải là Song Anh, tôi cũng không biết tên thật của nàng. Chỉ biết nàng đẹp lắm, đẹp như ngọc, đẹp cả người lẫn nết.

- Vậy chớ gặp cô ấy ở đâu, hồi nào ?

- Ở trong sách. Ba má tôi nói ở trong sách có hai người đẹp, tùy con chọn, mà chỉ có ở trong sách thôi. Tôi lật sách đọc và tìm. Và tìm được một cô: “Thư trung hữu Kim Ốc“ (trong sách có nhà vàng). Còn một cô nữa ở đâu? Lại tìm. Và gặp: “Thư trung hữu nữ nhan Như Ngọc“ (trong sách có người con gái đẹp). Rồi tình yêu vụt đến, rất đổi tự nhiên. Tôi chọn bút hiệu Như Ngọc.

Thật ra ba má và thầy cô thường xuyên khuyên tôi nên cố gắng học để mai nầy có thể giúp đời, đồng thời có thể giàu sang, cưới được vợ đẹp...

Lớn lên tôi vào đời sớm và hiểu được ý nghĩa giáo huấn đó nên tôi chọn riêng cho tôi một nàng.
(Trích: Mùa Xuân Lá Rụng, trang 11-12)

Truyện kể: Bước đầu tìm hiểu Một Cuộc Đất.

... Từ dạo ấy xa rồi ngày cũ nhớ lại một khung trời những con đường ngày hai buổi đi về, những buổi trưa nơi căn nhà trọ bên con đường sau nhà em qua ngõ có giàn mướp non... (đoản văn gối đầu truyện).

“Khung trời cũ“ ấy là một huyện thuộc tỉnh Bình Dương:

“Danh xưng “Dĩ An“ có từ lúc nào? Bước đầu tìm hiểu về Một Cuộc Đất tên Đã Yên nầy, không thể không giở lại những trang sử và thư tịch từ thời các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phía Nam, mà riêng phần “địa cuộc“ (chữ dùng của Trịnh Hoài Đức) nầy đã có những địa danh ghi đậm dấu ấn từ hơn 250 năm về trước. Đó là núi Châu Thới (Chiêu Thái), Lồ Ồ (Lộ Khê), Cầu Tân Bàn (cầu Ván), tổng (huyện) Bình An...“
(trích Một Cuộc Đất).

Những tài liệu tham khảo thì nhiều, trong đó tác giả đặc biệt chú ý đến sử liệu của Trịnh Hoài Đức và Vương Hồng Sển. Tuy “Bước đầu tìm hiểu về Một Cuộc Đất“ chú trọng vào địa danh nơi tác giả đã một thời dạy học ở đó, nhưng sự liên quan chằng chịt có thể nói rằng nguồn sử liệu ấy đã cung cấp nhiều chi tiết của các cuộc đất rộng lớn đến các tỉnh Tiền Giang và Hậu Giang.

Tác giả viện dẫn sự tiếp thu những tư tưởng văn hóa và tôn giáo ngoại lai, nhưng đã được Việt hóa để làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc, cũng như những kinh nghiệm về việc trị quốc an dân, qua tư tưởng của các Thiền sư và các bậc Nhân sĩ trong thời Lý Trần. Như Thiền sư Đổ Pháp Thuận đã từng tham gia chính trị dưới thời vua Lê Đại Hành. Thiền sư phát biểu ý kiến về ngôi chủ trong thiên hạ như sau: “Quốc tộ như đằng lạc. Nam thiên lý thái bình. Vô vi cư điện các. Xứ xứ tức đao binh“. (Ngôi nước như loại dây leo chằng chịt. Muôn dặm phương nam được thái bình. Triều chính cần áp dụng đường lối vô vi. Nơi nơi không còn giặc giã đao binh). Như minh quân Lý Thái Tổ, vị vua đã viết “Thiên Đô Chiếu“ và đặt tên Thăng Long làm kinh đô từ năm 1010, và gìn giữ bền vững trên ngàn năm, đã thành tâm khấn trời che chở cho muôn dân khi trên đường chinh phạt trở về: “Tôi là người kém đức, lạm ở trên muôn dân, vẫn hằng lo sợ như sa xuống vực sâu, không dám cậy vào quân mạnh mà ỷ thế cất binh đánh giặc... Trong khi giao tranh, hoặc giết lầm người trung hiếu, hoặc làm chết oan kẻ hiền lương, làm cho trời nổi giận vạch rõ lỗi lầm cho tôi, thân nầy dù chết chẳng dám than van. Riêng đối với sáu quân, tội đó xin dung thứ. Dám mong lòng trời soi xét).

Hay “Chiếu Hối Lỗi“ của vua Lý Cao Tông: (Trẩm còn nhớ đã phải gánh vác việc lớn, nơi cửu trùng sâu thẳm, không biết đến nỗi khốn cùng của muôn dân, đã vậy còn nghe theo lời của bọn tiểu nhân mà kết oán với người dưới. Dân oán hận thì trẫm biết dựa vào ai?)

Hay tử tưởng uyên thâm cả Nho lẫn Phật của vua Trần Nhân Tông, qua bài phú Giữa cõi trần vui đạo (Cư trần lạc đạo phú): “Sách dịch xem chơi, yêu tính sáng hơn yêu châu báu, Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim... Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc...“.
...

Hay những tấm lòng ngời sáng của trung thần các triều đại. Như một lần vua Trần Minh Tông khen rằng (lời trung thần sáng như gương, dạ trung thần đỏ như son. Bậc trung chính tự đó an tâm hả dạ, lũ gian tà vì đó sởn gáy tan mật...), cùng với bài Thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Hịch Tướng Sĩ của Trần Quốc Tuấn, Thất Trảm Sớ của Chu Văn An, Vạn Ngôn Thư của Lê Cảnh Tuân..., là quy tụ những nhân đức trí dũng, khiêm cung từ ái, xuân tứ văn phong, tự hào về văn hóa, là ánh hào quang thắp sáng cũng như lưu truyền “Mùa Xuân Lý Trần“ vậy.

Từ đó đem lòng hoài niệm đến một thời của “Thăng Long-Nguyễn Du“ một thời của Nguyễn Đình Chiểu qua tác phẩm Dương Từ Hà Mậu, Hương Quê qua “Vịnh Bức Dư Đồ Rách“ của Tản Đà... để rồi bây giờ lại ngậm ngùi với: “Thiết Thực Kỷ Niệm 1000 năm Thăng Long“ trong khi họa xâm lăng của Bắc phương đang trên đà sống lại một cách mãnh liệt !

Phần II - Truyện Võ Phước Hiếu

Tác giả viết truyện với văn phong chất phác, đôn hậu nhưng trong sáng. Kết cấu rất tỉ mỉ, nghiêm chỉnh nhưng không kém phần lãng mạn. Lối kể chuyện dí dỏm, nhưng khiêm cung đúng với tinh thần của một nhà giáo. Đã giới thiệu với độc giả bước đầu tham dự vào thế giới văn chương chữ nghĩa, qua câu chuyện “Tập Tành Chữ Nghĩa“. Kể lại những việc giải trí của người dân quê, sau khi đã lo xong công việc đồng áng. Lớp trai trẻ thì tụ họp các sân phơi lúa, gốc đình làng thi đua những trò chơi như nhảy dây, chạy đua, ù mọi... để giúp cho họ quên đi mệt nhọc, cũng như những ấm ức đã dồn nén trong lòng, mà họ chưa có cơ hội bộc bạch với ai.

Còn các cụ thì thường nằm nghỉ lưng trên bộ ván danh mộc...:“Các cụ không quên bảo các cháu học vừa dứt lớp ba, lớp tư trường làng đọc cho nghe chuyện Bạch Viên Tôn Các, vè Cậu Hai Miêng, Thầy Thông Chánh và nhất là truyện Lục Vân Tiên... Dường như trong thâm tâm sâu thẳm, các bậc kỳ lão nầy muốn được sống lại một thời êm đềm đã qua, muốn lắng nghe lại âm vang những kỷ niệm ngày cũ còn lắng đọng rõ nét trong lòng mình chăng?“

Đám trẻ nhóc con nầy bập bẹ đọc ạch đụi, đọc trật vuột, nhiều câu phản nghĩa trầm trọng mà chúng một mực phây phây tỉnh bơ, xem như không có chuyện gì xẩy ra. Đôi khi lộn đầu lộn đuôi, thậm chí chúng lộn luôn cả dấu giọng rất ngây ngô nhưng dễ thương. Khiến bao nhiêu người nghe đang ngồi chung quanh đâu đó, không nín được cười nghiêng cười ngửa đến trào nước mắt, không cách nào cầm lại được“.

Nếp sinh hoạt của người dân quê nơi cùng trời cuối đất ấy, không phải chỉ ở miền Nam mới có mà hình như cùng khắp cả nước non. Nơi đâu và thời nào cũng đều diễn ra những nét hao hao như thế. Và còn duy trì cho đến bây giờ vẫn không nhạt phai hương sắc. Vì chốn đồng quê là nơi vốn thiếu thốn “văn minh“, vì thế con người phải tự sáng tạo ra, cùng với những người từ xa đến góp công sức để xây dựng cho chốn quê được ngày càng tiến bộ. Như thầy giáo Mạnh, một người xuất thân từ Sài gòn được bổ nhiệm về làng quê nầy để chăm lo dạy dổ cho đám hậu sinh. Tuy là người mới nhưng thầy đã biết hội nhập với hoàn cảnh, cảm thông phong tục tập quán và thân phận hẩm hiu của người dân cùng đinh tại địa phương, đứng ra bênh vực cho những người thấp cổ bé miệng trước những bất công áp bức của kẻ quyền thế lộng hành.

Hay ông thầy thuốc Hai Thiện đã bỏ nơi chốn phồn hoa đô hội của thị thành, nguyện đem lòng thi ân bố đức, chữa bệnh miễn phí cho lớp người nghèo khổ túng thiếu hầu như bị bỏ quên bên lề xã hội.

Hay có người từ xã hội nghèo hèn ấy, nhưng họ tự vươn lên bằng cách tự học hỏi việc đời từ người nầy sang người khác, như ông Hai Thắng..., là nhân duyên để xây dựng và duy trì cũng như phát triển cái “bóng dáng thôn dã“ Việt Nam từ muôn thu trước, cũng như bây giờ và mai sau, vẫn còn giữ lại một trạng thái nhất nguyên của chuyển lưu văn hóa.

“Xã hội thời đó đã mất hút trong sâu thẳm của dỉ vãng từ lâu rồi. Nhưng dù sao thời gian cũng không thể xóa nhòa những kỷ niệm. Bây giờ chỉ chớp mắt thoáng hiện trong trí nhớ của một số người nhung nhớ, quan tâm đến cội nguồn gốc rể“.

Khuê Phụ Thán, là tiểu luận tìm hiểu về nguyên nhân hình thành, thể loại, nét đặc thù của thơ phú miền Nam. Với nội dung nói lên tâm trạng một người đàn bà vì hoàn cảnh trái ngang, phải xa chồng xa con nên cất lời than thở sự tình. Ở đây tác giả liên tưởng đến hai vị vua bị đày trong thời Pháp thuộc, lấy cảm hứng một bà phi khóc than trước cảnh xa chồng xa con, trước cảnh chia ly ngăn cách. Giữa lúc đất nước đắm chìm trong loạn lạc và phân hóa bởi ngoại xâm.

Tác giả còn đề cập đến hoàn cảnh của xã hội miền Nam thời bấy giờ, cũng như nền văn hóa nước nhà dưới thời kỳ bị đô hộ, tâm sự của kẻ sĩ và nhất là việc truyền bá văn học bị giới hạn, cùng với việc tam sao thất bổn khiến cho giá trị nghệ thuật của tác phẩm lưu truyền không được như nguyên tác. Có nhiều tác giả thời bấy giờ, vì lý do nầy hay lý do khác đã phải để “khuyết danh“ như kho tàng ca dao là văn chương truyền khẩu trong dân gian từ vô thỉ.

Tác phẩm Khuê Phụ Thán, không nằm ngoài hoàn cảnh trên, nên khi tham khảo nhiều tài liệu khác nhau, tác giả đã chú thích phụ đính lại những lỗi chính tả của nguyên bản, đồng thời khám phá “Tác giả của tác phẩm Khuê Phụ Thán“ là một nhà chí sĩ yêu nước. Một nhà Giáo rất uyên bác, với những đức tính của một người đạo hạnh, cuộc sống giản dị, nhưng cương trực và thẳng thắn. Cụ sống tri túc vô cầu, không chen đua tranh giành, lấy bối cảnh thiên nhiên ở làng quê, xóm vắng để di dưỡng tính tình và tinh thần. Lấy chức năng đào tạo thế hệ mai sau làm mẫu mực để sống, một bậc thâm nho yêu nước, đúng là một bậc sĩ phu ẩn dật. Người đã đem tất cả tâm huyết để truyền đạt lại cho hậu sinh.

Và điểm thú vị nhất của người viết tiểu luận nầy là khám phá ra rằng, tác giả của “Thập Thủ Liên Hườn: Khuê Phụ Thán“ chính là thân phụ Giáo sư Pháp văn của mình trong cuối thập niên bốn mươi.

Và cũng từ đó lại có thêm lời hối hận rằng, khi qua Pháp được gặp lại và được Thầy mình giúp đỡ trong những bước đầu, nhưng chưa một lần hỏi Thầy về sự nghiệp của thân phụ của Thầy!

Chút Tình Tưởng Nhớ Anh Võ Thu Tịnh, là tâm sự muôn trùng qua những ân nghĩa với đời: “Chúng tôi dấn thân vào nghiệp văn chương chữ nghĩa do thôi thúc của đam mê thuở đầu đời, từ khi còn mài đủng quần ở ghế nhà trường trung học. Chúng tôi cứ nghĩ chỉ là một thoáng mê hoặc bởi hấp lực của ánh hào quang lấp lánh nơi cõi ảo tưởng, mung lung mơ hồ của tuổi trẻ... nào ngờ nó vẫn đeo đuổi mãi theo chúng tôi, song hành với những tháng năm thăng trầm quá nghiệt ngã của dòng sử mệnh hơn nửa thế kỷ qua.

Tuy nhiên, cũng nhờ nghiệp dĩ, vinh nhục cũng nhiều mà niềm vui không ít đã giúp chúng tôi được dịp gần gủi và giao tình với những bậc đàn anh đàn chị tên tuổi lẫy lừng trong chốn văn chương báo chí, từ thời Việt Nam Cộng Hòa ra tới hải ngoại. Đây là một may mắn quý hiếm lần đầu tiên trong đời chúng tôi, mà nay ngoái nhìn lại đoạn đường gian khổ, lao đao lận đận đã qua, chúng tôi không có điều gì nuối tiếc, trái lại còn hảnh diện là khác.

*

Đọc một tác phẩm, và muốn giới thiệu đến độc giả khắp nơi cái hay cái đẹp, cái thâm thúy, cũng như tấm lòng của tác giả đã gởi gắm, đã tâm sự, đã chia sẻ cùng tha nhân..., nhưng nghĩ lại như nhà văn Steven Moore:... “một cuộc nghiên cứu sâu rộng như vậy thì có rất nhiều điều để nói, và tôi không thể nào kể được dù chỉ một phần lại cho quý vị nghe ở đây“.

Vì thế người đọc cũng chỉ ước mong là giới thiệu qua một vài nét về tác giả và nhân duyên hình thành tác phẩm, cũng như sự liên hệ gắn bó giữa hai nhà văn, mà suốt cuộc đời đã dành nhiều thì giờ cho vấn đề truyền đạt, bảo tồn, phát huy nền văn hóa dân tộc Việt trên bước đường lưu vong.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
 Trần Đan Hà

Muốn có sách xin liên lạc về:

- Nhóm Văn Hóa Pháp Việt
1  Allée des Peupliers
59320 Hallennes Lez Haubourdin - France

- Nhà Sách Khai Trí
93 Avenue d´Ivry
75013 Paris – France.


.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats