Wednesday, 25 April 2012

NHÀ VĂN HOA KỲ & CHIẾN TRANH VIỆT NAM (Nguyễn Mạnh Trinh)




PSN - 21.04.2012

Chiến tranh là một đề tài lớn của văn chương nhân loại. Với quốc gia Hoa Kỳ, một cuộc chiến để lại nhiều hậu quả nhất về các phương diện như chính trị, quân sự, xã hội, văn hóa, kinh tế, ngoại giao, ... là chiến tranh Việt Nam. Hoa Kỳ bắt đầu chính thức can thiệp vào Việt Nam từ năm 1954 trở đi từ khi hiệp ước Genève được ký kết chia đôi lãnh thổ Việt Nam thành hai miền Nam Bắc với ranh giới là vĩ tuyến 17. Chấm dứt vào cuối tháng Tư năm 1975, cuộc chiến ấy đã để lại vết hằn lịch sử rất sâu cho quốc gia Hoa Kỳ và hậu quả đã kéo dài đến cả mấy thập niên sau. Ảnh hưởng chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, ... chúng ta đã thấy rõ và trong văn học cũng phản ảnh rất nhiều biểu tượng. Có tác phẩm viết trong lúc chiến tranh nhưng cũng có nhiều tác phẩm hoàn tất vào thời kỳ hậu chiến tranh. Có tác gỉa cổ động chiến tranh nhưng cũng có tác giả phản chiến. Tác giả có thể là ký giả của các cơ quan truyền thông đã đến và làm việc ở Việt Nam và quen thuộc với thành phố Sài Gòn. Nhưng cũng có những tác giả là cựu GI, đã chiến đấu ở các chiến trường đẫm máu nhất nổi tiếng cả thế giới. Có những người viết để tìm ở đó những dịp may để thành nổi tiếng. Một bức hình tình cờ, một ghi chép độc đáo, một cuộc phỏng vấn kịp thời kịp lúc, họ có thể nắm chặt được dịp may thành nổi tiếng. Bức hình chụp cảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tử đặc công Cộng sản Nguyễn Văn Lém của nhiếp ảnh gia Eddie Adams của Associated Press. Hay bức hình chụp cô bé trần truồng Phan Thị Kim Phúc đang bị bom cháy của Nick Ut cũng Associated Press. Hoặc những cuộc phỏng vấn các nhà lãnh đạo của Oriana Fallaci….

Về thi ca, tiểu thuyết, biên khảo, thư mục về chiến tranh Việt Nam dài dằng đặc cả mấy chục trang và tìm kiếm để đọc những cuốn tiêu biểu cũng là một việc khó khăn. Với tôi, tôi chọn những tác gỉa và tác phẩm được đề cập nhiều bởi các phê bình gia để đọc và để tìm hiểu phần nào chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng thế nào trong đời sống người dân Hoa Kỳ cũng như với người Việt Nam. Đọc những tác phẩm viết đề tài khá rộng lớn này, tôi chỉ muốn tự trả lời mình câu hỏi thế nào là tác giả phản chiến và tác phẩm ấy có nội dung ra sao để được mệnh danh là phản chiến. Bởi vì, tôi cũng nghe loáng thoáng tác giả này phản chiến tác giả kia chống Cộng quyết liệt, mà chưa có gì cụ thể hiện thưc để hình dung cả.

Một phong trào phản đối chiến tranh hình thành năm 1965 với hai người chủ xướng là hai nhà thơ Robert Bly và David Ray. Cùng với những người nổi tiếng được coi là thành viên này như Galway Kinnell, W. S. Merwin, Allen Ginsberg, Andrienne Rich, Grace Paley, Douglas Kent hall, Robert Lovell… Năm 1967, Robert Bly đoạt giải National Book Award vời thi tập “The Light Around the Body” nhưng đã dùng tiền thưởng để góp vào quỹ cho các cuộc vận động phản chiến. David Ray, người cùng với Bly thành lập American Writers Against The Viêt Nam War và cũng thành lập A Poetry Reading Against The Việt Nam War là một tuyển tập gồm các bài thơ phản chiến và thường được đọc tại khuôn viên các trường đại học để kích động sinh viên và trí thức biểu tình phản đối sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào Việt Nam. David Ray thường làm các bài thơ ngắn có khi chỉ ba hoặc bốn dòng và dài nhất là 30 dòng. Ông đã viết những bài thơ phản chiến trong “Dragging the Main” và “Gathering Firewood”, đánh dấu một thời kỳ sôi động của lịch sử và cũng của riêng ông.
”Chickenhawk”.

Có những hồi ký của những cựu chiến binh Hoa kỳ viết về những ngày tháng chiến trường của mình. Như Robert Mason và hồi ký nổi tiếng ”Chickenhawk”. Mason là một phi công trực thăng của Đệ Nhất Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ và đã có 6 tháng bay loại slick UH1B hành quân ở Việt Nam, đặc biệt là đã tham dự trận đánh ở thung lũng La Drang. Trong trận này, Mason đã bao vùng nhiều giờ trong ngày chở theo một đại tá và hai đại úy quan sát và chỉ huy quân bộ chiến ở dưới đất. Mason cũng đã tình nguyện kéo dài phi vụ, đáp xuống trận địa ban đêm để di tản thương binh. Mason cũng đã chở đạn pháo binh, cũng như đồ tiếp liệu cho mặt trận và cũng thi hành các phi vụ đổ quân của tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 7, Sư đoàn 1 Không Kỵ. Tổng kết trong chiến trận Mason đã di chuyển đến bệnh viện dã chiến của sư đoàn hơn cả trăm thương binh. Năm 1966, Mason cũng tham dự bay hành quân với Sư Đoàn Nhảy Dù 101 trong Operatiom Hawthorne ở Dakto. Mason nổi tiếng là một phi công may mắn vì đã thoát hiểm nhiều lần. Nhưng sau nhiệm kỳ ở Việt Nam, dù với thâm niên bay bổng và trở thành một huấn luyện viên phi hành nhưng sau cũng bị bịnh tâm thần vì ảnh hưởng chiến trận ở Việt Nam.

Năm 1979, Robert Mason viết “Chickenhawk” sau một chuyến trở về Việt Nam du lịch. Mason kể lại những câu chuyện với một người phi công đồng ngũ và cũng là co-pilot của ông thời ông bay ở Việt Nam tên Jerry Towler về những kỷ niệm chiến trường. Năm 1983, Mason xuất bản hồi ký này và được đón nhận nồng nhiệt. Mason được mời lên giới thiệu tác phẩm của mình trên The Today Show và sách của ông trở thành best seller và in hàng trăm ngàn bản bìa cứng. Năm 1981 ông bị tù đến tháng 5 năm 1985 vì tội bán bạch phiến từ Colombia. Sau ông viết tiếp và xuất bản hai tiểu thuyết, Weapon năm 1989 và Solo năm 1992, như là hồi ký thứ hai tiếp theo Chickenhawk Back in the World. Hãng phim Columbia đã chuyển thành phim với tên là “Solo” nhưng nội dung là của tác phẩm đầu tiên Chickenhawk…

Những kinh nghiệm đời bay bổng, những chi tiết chiến trường hào hùng, những sự chịu đựng không ngờ của người phi công cũng như cường độ ác liệt của trận chiến mà Robert Mason tham dự đã là những hấp dẫn cho người đọc. Nhưng bên cạnh con người hùng ấy, vẫn có con người thật và Robert Mason đã bị bệnh tâm thần, nghiện ma túy sau khi thi hành nhiệm vụ quân sự ở Việt Nam. Một khía cạnh nhân bản để nhìn vào một cuộc chiến ác liệt mà những người lính phải trải qua. Và là một phản diện của chiến tranh. Với một cựu chiến binh đã thi hành hàng ngàn phi vụ chiến đấu, trong tiểu thuyết của ông, đã mô tả được một con người đã phải chịu đựng những nỗi lo sợ khi bay gần cái chết, sự câm lặng đến vô hồn trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc sống về sau, cũng như tình đồng đội ăn sâu vào tâm não với những cái chết bất ngờ của đồng đội trong cuộc chiến và đã tạo thành cảm giác cực độ để chia sẻ từ độc giả. Hàng triệu ấn bản của Chickenhawk đã được bán hết trong lần xuất bản đầu tiên năm 1983 khi mà vết thương của chiến tranh Việt Nam vẫn còn nhức nhối trong công luận Hoa Kỳ…
Một nhà văn khác, Karl Marlantes tác giả của Matterhorn đã được nhật báo NewYork Times gọi là một tiểu thuyết sâu sắc và nhiều chất tàn pha nhất của đề tài chiến tranh Việt Nam. Tiểu thuyết này lấy căn bản từ những kinh nghiệm bản thân trong chiến tranh khi ông là một trung úy Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và đã nhận được nhiều tưởng thưởng và huy chương từ những chiến công của mình.

”Matterhorn”.

Mùa hè năm 1970, khi Karl Marlantes được giải ngũ sau mười ba tháng phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ với những chiến tích rực rỡ. Ông đi một vòng chung quanh điện Capitol thì gặp môt nhóm trẻ tuổi chống chiến tranh đang biểu tình hô to những khẩu hiệu phản chiến, gọi những người lính là những kẻ sát nhân giết hại con trẻ và giương cao lá cờ của Cộng sản Bắc Việt. Karl thật buồn và cảm thấy bị tổn thương. Karl đã có lần tâm sự với một người bạn. ”Tôi nghĩ tôi không có một suy nghĩ nào về việc tôi làm…Vâng tôi đã từng nổ súng bắn họ. Sáu tuần trước đây, tôi đã giết một người lính du kích Bắc Việt trên chiến trường”. Trong cái xúc cảm chợt đến, Marlantes tự tìm thấy cho mình lý do cầm súng. Đó là một thiên tự truyện dài của cuộc đời ông. Ba mươi năm sau ông mới viết ”Matterhorn”. Nhan đề tác phẩm là tên của một căn cứ hỏa lực trên núi cao khống chế vùng Ba Biên Giới : Lào, Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam. Không giống như đỉnh 937 hoặc đồi thịt bằm Hamberger Hill, Matterhorn là một địa điểm chết của những chàng lính trẻ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ của đại đội Bravo, một đơn vị có nhiệm vụ án ngữ đường chuyển vận của quân Cộng sản. Đại đội trưởng là trung úy Waino Mellas, một người có nhiều điểm giống với Marlantes: cùng tốt nghiệp từ đại học Ivy league và quê quán ở một vùng quê mùa tiểu bang Oregon và dính chặt vào những giá trị của thời niên thiếu hơn là sự thông minh và có tinh thần cấp tiến của đồng môn học trường Princeton. Mellas tình nguyện vào TQLC, và thăng cấp chỉ huy một tiểu đội ở một góc núi tây bắc Nam Việt Nam vào mùa mưa năm 1969. Giống như câu phát biểu của Marlantes ”tất cả các trung úy của lịch sử đều giống nhau” Mellas nói ”Tôi đúng là một đứa trẻ da trắng từ Oregon đã chỉ huy một lứa tuổi trẻ từ những ghetto.”

Matterhorn có đầy đủ những dữ kiện làm hấp dẫn người đọc. Chiến tranh đã có vô vàn những hiện tượng mà người lính phải trực diên. Không phải chỉ có độc nhất người lính Cộng sản là kẻ thù mà thời tiết, địa lý, cũng là kẻ thù đáng sợ. Những cơn mưa lầy lội, những mùa giá lạnh, bệnh tật, không đầy đủ thức ăn nước uống khi ở một vị trí cô lập, tất cả những điều ấy đã ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của người lính. Thêm vào những sự kèn cựa giữa đồng đội, sự lừa dối của cấp chỉ huy cao cấp. Nhưng khi họ ở trong tình trạng nguy hiểm thì lại cố gắng bên cạnh nhau để chống trả lại một đối thủ đến cả trung đoàn. Kinh nghiệm trân mạc của những hoàn cảnh thập tử nhất sinh ấy đã thành nét nổi bật của Matterhorn.

Trong hơn ba mươi năm Marlantes khởi viết từ 1975 với lý do còn phải làm việc để nuôi một gia đình năm con không có đủ thời giờ để hoàn tất. Nhưng đó cũng là một phương cách để làm nguôi ngoai đi nỗi đau chiến tranh. Nhưng cũng có thể từ tác phẩm này sẽ gây cho người khác trong tương lai những thương tâm mới và tác gỉa đã giải thích rằng muốn độc giả tiếp cận với những phương diện bề mặt khác của cuộc sống để những nỗi đau không hiểu biết nhau không còn nữa qua sự tiếp cận.

“The Things They Carried”.

Một tuyển tập truyện ngắn của Tim O’Brien cũng được giới phê bình nhắc nhở. Đó là tác phẩm “The Things They Carried”. Mặc dù được giới thiệu như là tiểu thuyết nhưng những truyện ngắn này là những mảnh đời sống thực của tác giả trong thời chiến tranh. Mặc dù một số chi tiết căn bản là hư cấu nhưng trong truyện đã biểu lộ được chân dung người lính giống như của hồi ký của Tim O’Brien như “If I Die in a Combat Zone“ hoặc ”Box me Up and Ship me Home”.

The Things They Carried gồm hai mươi mốt truyện ngắn viết trong nhiều thời kỳ khác nhau nhưng đều có chung một mục đích là phác họa chân dung đích thực của một người lính Hoa Kỳ tham dự chiến tranh ở Việt Nam... Tim O’Brien đóng vai người kể truyện và dẫn đắt để phác họa từng vóc dáng nhân vật của tiểu đội lính là đồng đội của anh. Tim cho rằng có nhiều sự kiện không thể giải thích được rõ ràng tất cả. Thí dụ như cái chết của Kiowa dù anh cố tình tìm ra để khám phá nguyên ủy nhưng không thể nào tìm ra được lầm lỗi của mình. Nhân vật trong truyện chỉ là người mà Tim mượn tên và nhiều khi nhân vật xưng Tôi và Tim là hai người khác nhau.

The Things They Carried là những hồi ức được kể lại của những kinh nghiệm chiến đấu của trung úy bộ binh Hoa Kỳ Jimmy Cross và tiếp theo là một người lính cùng trong tiểu đội chết ngày 16 tháng Tư, Ted Lavender. Và người thứ ba trong câu chuyện mô tả những chân dung cá nhân của từng người lính trong tiểu đội.

Trung úy Jimmy Cross, nhân vật chính và cũng là người chỉ huy tiểu đội, đã mang theo một lá thư ông nhận được từ Martha, một nữ sinh viên năm thứ hai ban Anh văn của St Sebastian College tiểu bang New Jersey. Ông đã dùng lá thư, những tấm hình và cả một viên đá nhỏ kỷ niệm mà cô này gửi đến như một phương cách để liên lạc với một thế giới dường như xa cách lắm ở ngoài Việt Nam. Từ những cơn mơ mộng và những ý nghĩ lãng mạn ông đã thoảng ra một câu hỏi về nhiệm vụ của một người lính và cuộc sống của họ.

Tim O’Brien muốn nêu lên những vấn đề mà trong thâm tâm ông ta dằn vặt và làm độc giả hụt hẫng : Có phải chiến tranh là một thế giới mà ở nơi chốn ấy quá khứ đã bám chặt lấy hiện tại, nơi mà súng đạn xem ra nhiều uy lực hơn con người, nơi mà những thân xác đàn bà hấp dẫn những người lính, nơi những thân thể người lính đã bị hỏa thiêu nhưng còn hiện hữu, nơi những điều ma quỷ cố sức giết hại con người bằng nỗ lực thiêu hủy nhân tính và nơi ngoại trừ trong trí tưởng tượng là sự bất khả của ma túy.

Tim O’Brien phục vụ tại Việt Nam từ năm 1968 đến năm 1970. Đơn vị pháo binh, tiểu đội 3, đại đội A, tiểu đoàn 15, trung đoàn 46. Nhiệm kỳ thứ hai O’Brien phục vụ tại sư đoàn America, một sư đoàn có đơn vị đã gây ra vụ tàn sát thường dân ở Mỹ Lai. Khi đến đóng quân tại một vùng lân cận Mỹ Lai gọi là Pinkville, O’Brien đã ngạc nhiên vì không hiểu rằng ở đia phương này trước đây một năm đã xảy ra một biến cố đã là một đề tài cho những người chống đối chiến tranh. O’Brien cũng muốn phân biệt giữa hư cấu của tiểu thuyết và thực tại... Trong truyện ngắn “How to Tell a True War History” đã phân biệt giữa “story truth” và “happening truth”, giữa thực tại của tiểu thuyết và thực tại xảy ra. Tim O’Brien đã qua Việt Nam chiến đấu trong khi một số khác chạy trốn, qua Canada sống hoặc đốt thẻ trưng binh từ chối đi lính. “Tôi sợ sự trốn chạy. Tôi cũng sợ những suy nghĩ về tôi của những người thân. Tôi sơ tôi sẽ bị mang tiếng. Tôi sợ bị nhìn ngắm như một thằng hèn. Tôi càng sợ hơn về sự tự mình khiếp nhược”. Cũng như, O’Brien khi cầm súng bắn vào kẻ thù thì cho rằng cây súng giết người chứ bản thân O’Brien không can dự vào…

Paco‘s Story

Tiểu thuyết của Larry Heinemann có phong cách của những cảm nhận trực tiếp về chiến tranh với những mô tả trực diện và chân thực. Ông mang những kinh nghiệm cá nhân của mình để kể lại và giãi bày trong tiểu thuyết đầu tay của ông xuất bãn năm 1977 ”Closed Quarters”. Nhưng tiểu thuyết thứ hai của ông mang nặng cá tính hơn và cũng được đón nhân nhiều phê phán phẩm bình hơn. Tác phẩm Paco’s Story đoạt giải National Book Award for Fiction năm 1987 và là một bất ngờ cũng như tạo ra nhiều dư luận xôn xao trong văn giới. Có nhiều người cho rằng tác phẩm tương xứng với giá trị của giải thưởng nhưng cũng có sự phê phán về cá nhân của Larry Heinemann về ngân phiếu đã được lãnh cũng như tác phẩm điệu khắc Louise Nevelson không đuợc hoàn trả. Paco‘s Story liên quan tới những kinh nghiệm chiến trường của những người lính bất hạnh, của những bi kịch, của những bóng ma của đồng đội với những tiếng vọng đau thương của những lời kể chuyện thê thiết. Và một điều ngạc nhiên thích thú là những chuyện kể của bóng ma quá khứ lại là một xử dụng kỹ thuật để mô tả chiến tranh của nhà văn hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ. Chuyện kể xoay quanh sự đối nghịch tương phản giữa đạo đức và vô luân, nhân bản và vô nhân. Trong những đối nghịch ấy, người lính có khi là thủ phạm mà cũng có khi là nạn nhân. Larry Heinemann gia nhập Lục quân Hoa Kỳ năm 1966 và thi hành quân vụ ở Việt Nam trong nhiệm kỳ hai năm 1967-1968. Ông phục vụ trong Sư Đoàn 25 Bộ Binh Hoa Kỳ đơn vị Thiết Kỵ và tham gia nhiều cuộc hành quân cùng địa đạo Củ Chi, Dầu Tiếng, Tây Ninh và khu Tam Giác Sắt vùng phía Bắc Sài Gòn. Trong trang bìa của ấn bản, tác phẩm được giới thiệu như: ”Giống như Hemingway trong Giã Từ Vũ Khí, Larry Heinemann tạo tin tưởng cho chúng ta một cách chân thực rằng cuộc chiến này đã được giới hạn từ góc cạnh quan sát của những cuộc chiến cá nhân riêng rẽ...”

Nội dung là chuyện kể của một người lính sống sót Paco Sullivan của đại đội Alpha sau cuộc tấn công của Việt Cộng vào căn cứ hỏa lực Harriette. Mọi người đều bị tử thương chỉ còn duy nhất Paco còn sống với thương tích trầm trọng sau hai ngày chịu đựng, những vết bỏng phủ đầy giòi bọ và cơ thể bị nhiễm trùng trầm trọng. Sau khi trở về Hoa Kỳ, Paco trở thnah một người tàn phế cả về thể xác lẫn tinh thần và luôn luôn sống với những bóng ma từ quá khứ của những người đồng đội hy sinh trong chiến trận. Tác giả đã dùng phương cách đối thoại với những hồn ma để nói về chuyện của người lính Paco để quan sát những góc cạnh cá nhân của anh ta cũng như biểu lộ những cảm xúc về chiến tranh cũng như những liên hệ sau này của một cưu quân nhân lạc lõng trong đời sống dân sự. Bắt đầu từ chuyến xe bus của Paco đến thành phố Boone tiểu bang Texas với cây gậy chống trên tay và một công việc rửa chén được coi như là một đặc ân ban cho từ hội cựu quân nhân. Chịu đựng những cơn đau giết người, Paco ở trong một chu kỳ làm việc và giấc ngủ nối tiếp nhau câm lặng và chập chờn những ác mộng. Có nhiều lớp đối thoại trong tiểu thuyết, từ độc thoại của Paco đến câu chuyện thứ hai của người cứu thương người đã kiếm tìm được và cứu sống Paco và người đàn bà trẻ ái nam ái nữ mê say anh. Những mảnh gương đối chiếu cạnh nhau khiến độc giả cảm thấy đây không phải là chuyện của một chân dung độc nhất mà có khi là tổng hợp của nhiều người nhiều khuôn vóc. Larry Heinemann đã tạo cảm giác rằng người kể không phải là chính ông mà có thể là người em trai cũng đã từng tham chiến ở Việt Nam nhưng về Hoa Kỳ thành cựu quân nhân và lạc lõng trong xã hội đến nỗi phải tự tử.

Larry mô tả trong tiểu thuyết này nhiều cảnh tượng chiến tranh có lúc thật vô nhân, và khuôn mặt thật của chiến tranh đã được bôi đen bằng những chi tiết bạo lực mà tính chất nhân bản hoặc đạo đức đã bị bản năng cũng như sự kích thích chém giết làm cho thui chột….

Tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam rất nhiều và phong phú. Một vài quyển tôi đọc ở trên chỉ là một phần nhỏ của thư mục to lớn ấy. Hy vọng một dịp nào đó tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm được những chân dung của một thời chiến tranh của cả hai đất nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Một điều quặn đau là vị trí của người lính VNCH quá khiêm nhường và chỉ là phụ thuộc trong con mắt của những người lính Hoa kỳ tham chiến ở Việt Nam. Trong khi, trên thực tế, quân lực ấy đã tận lực bảo vệ lãnh thổ và chính nghĩa tự do. Có biết bao người lính đã hy sinh cho lý tưởng. Nhưng, vì là kẻ thua trận nên bị quên lãng. Thành ra, đối với những người cầm bút, ước mong sao có những công trình văn học nói lên sự thực để trả lại công bằng cho lịch sử... .

Nguyễn Mạnh Trinh

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats