Sunday, 15 April 2012

ĐỌC "HỘI và NGỘ" của TRỊNH HỘI (Ngọc Lan / Người Việt)



Ngọc Lan/Người Việt
Friday, April 13, 2012 7:30:17 PM

Ðơn giản, nhẹ nhàng, hài hước và một chút tếu, là những gì tôi nghĩ về văn phong của Trịnh Hội trong “Hội & Ngộ,” bên cạnh những vấn đề đa dạng được ghi lại trong nội dung quyển sách đầu tay của tác giả này.

Sách “Hội & Ngộ” của Trịnh Hội. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Tôi không gọi Trịnh Hội là nhà văn, vì thực sự anh không phải là nhà văn. Tôi cũng không gọi Trịnh Hội là nhà báo, vì anh không phải là nhà báo, dù mấy năm qua anh là người viết cho cột báo thường xuyên “Ði và Học” của nhật báo Người Việt.

Ðơn giản, tôi nghĩ Trịnh Hội là Trịnh Hội, một người làm nhiều công việc khác nhau, nhiều thú đam mê và dùng chữ nghĩa để gom góp, trải bày những điều anh thu nhặt được trong quá trình làm việc, cũng như ghi nhận những cảm xúc, những suy nghĩ chợt có trong bước đường lãng du của mình.

Với suy nghĩ đó, tôi đến với “Hội & Ngộ” của Trịnh Hội trong tâm thế khá thoải mái, không kỳ vọng, không đòi hỏi, chỉ đọc và đọc.

Thế nhưng, lạ là càng đọc càng thấy ngồ ngộ, thấy hay hay, đến khi lật đến trang cuối cùng thì mới ngẩn ra, “Ồ đọc 'Hội & Ngộ' của Trịnh Hội cũng phê lắm chứ!”

***

Quyển sách đầu tay dày hơn 500 trang của Trịnh Hội, người từng tốt nghiệp cử nhân văn chương và luật tại Ðại Học Melbourne (Úc) và thạc sĩ tại Ðại Học Oxford (Anh), được chia ra làm 5 đề mục: Thế Giới, Việt Nam, Văn Nghệ, Chính Trị, và Chuyện Riêng Tư, với tổng cộng 86 bài viết ngắn dưới dạng “blog”. Nếu hình dung một cách giản dị thì cứ như một kiểu nhật ký, không đào quá sâu, không đi vào thật chi tiết bất cứ vấn đề gì. Tất cả cứ như kiểu anh chàng lãng tử bước qua vùng đất này, tới miền lãnh thổ khác, thấy có cái này hay, thấy có cái kia lạ, gặp được người này tài, tiếp xúc với người kia “xấu,” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thế là chàng ngoái đầu, hất mặt, đá lông nheo, “Hey, ở đó có chuyện hay lắm, ngộ lắm á!” Còn chuyện hay ra sao, ngộ đến mức nào thì Trịnh Hội chỉ kể lướt qua, ai muốn hiểu sâu hơn, tường tận hơn thì xin tự tìm kiếm thêm.

Với chừng ấy đề mục, chừng ấy bài viết, phải nói rằng Trịnh Hội có cơ may đi nhiều, biết nhiều, như trong lời giới thiệu của nhà xuất bản Người Việt có viết:

cảnh sống ‘chăn êm đệm ấm’. Vậy mà Trịnh Hội cứ thế lao tới, dĩ nhiên một phần vì công việc bắt buộc, nhưng trên hết, vì óc phiêu lưu, mạo hiểm, khao khát những vùng trời mới.”

Cứ nhìn tựa bài, đã thấy bước chân Trịnh Hội ghi dấu những nơi đâu. Từ một đất nước rộng lớn “Mỹ Quốc” đến thành phố đa văn hóa “New York”, từ “Người Việt ở Canada” đến lời “Xin Lỗi” từ Úc, từ Haiti, Uganda, Kampala, đến Kenya, Nairobo, Dadaab, rồi Granada, Alhambra, Bhutan, thậm chí “Vào Cõi Hoang Vu (Leichtenstein)” hay “Lỡ tới Nam Phi”... tất cả cũng đều được Trịnh Hội ghi lại, để “suy cho cùng cũng nhờ đó mà tôi đã thấy và học được rất nhiều, cảm nhận được rất nhiều những trái ngang trong cuộc sống”.

Ði là để cảm nhận, từ con người đến cảnh vật, từ đời sống văn nghệ đến sắc thái chính trị, và hơn hết, đi là để hiểu về chính mình, những điều rất riêng tư hiện hữu quanh mình. Ðó là điều người đọc có thể bắt nhịp được ngay qua từng bài viết ngắn của Trịnh Hội.

Tuy nhiên, điều thú vị đầu tiên tôi bắt gặp ở tác giả “Hội & Ngộ” chính là ở chỗ anh khá sòng phẳng khi bộc bạch về con người mình qua những trang viết. Anh không tỏ ra khoe khoang vốn hiểu biết của mình. Qua mỗi bài viết, cảm tưởng như gan ruột Trịnh Hội thế nào thì cứ tuồn tuột mà phơi ra, như kiểu “Cái dở của tôi là ở chỗ đó: Biết rõ mình thích làm gì, biết rất rõ ai mình luôn quan tâm, ngưỡng mộ. Nhưng chưa bao giờ tôi có đủ cam đảm để 'rebel' để đi hết đoạn đường còn lại bất kể khó khăn” (‘Nổi loạn chính đáng - Rebel with a Cause’) hay “Ooops. Tôi lại lạc đề nữa rồi. Thiệt là bậy bạ. Xin lỗi quí độc giả nha. (“Cô Tuyết”), hoặc như “Cũng có thể là tôi quá vớ vẩn. Nhưng đấy thật sự là cảm nhận của riêng tôi” (“Một người Việt ở Barcelona”). Thậm chí, Trịnh Hội cũng chẳng thèm che giấu sự yếu đuối, thất vọng về chính bản thân mình, “Sau khi để rơi nước mắt trước mặt người công an không ra gì đó tôi thật sự đã thất vọng ở chính tôi vì tôi không ngờ là mình có thể yếu đuối, dễ để lộ cảm xúc đến vậy... Nó vừa không đáng lại vừa hơi cải lương lai căng kiểu quân tử Tàu... Tôi thất vọng ở chính tôi cũng phải” (“Ngày nảy ngày nay”).

Tuy nhiên, đọc “Hội & Ngộ,” tôi có cảm giác đằng sau dáng vẻ bình dân, ngô nghê, trong Trịnh Hội có một điều gì đó sâu sắc và nhân bản vô cùng. Tôi nhận ra điều này qua những dòng cuối cùng trong bài viết có tựa đề “Tử,” viết về chuyện tác giả đến viếng thăm mộ phần của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm:

“Thế là gần một nửa thế kỷ đã trôi qua. Vậy mà cho đến giờ này mộ bia của họ vẫn không được khắc ghi tên tuổi.
Ai bảo văn hóa của người Việt là từ tâm, độ lượng? Nghĩa tử là nghĩa tận?
Ai trả lời được giùm tôi xin rất cám ơn.”

***

Trịnh Hội viết không câu nệ, không trau chuốt, nhưng chính cái mộc mạc đó mà tôi lại thấy Trịnh Hội gần gũi, và bình dân quá đỗi, như kiểu anh hay mặc quần ngắn, áo thun, mang dép lê, đi vào tòa soạn báo Người Việt, đứng nói chuyện hỷ hả với người này người kia.

Trịnh Hội chọn kiểu viết như đang đối thoại, kể chuyện trực tiếp với người đối diện, “Các bạn có biết không,” “Hay là thế này nhé. Tôi sẽ chờ các bạn cho biết ý kiến... Các bạn thấy có được không?” “Các bạn có biết tại sao không?” nghe vừa “hiền” vừa “trẻ con” nhưng đồng thời cũng giữ được người nghe phải dừng lại xem Trịnh Hội muốn nói gì vậy.

Một điểm đặc biệt khác trong “Hội & Ngộ” là cách đặt tựa bài của tác giả. Xoáy ngay vào vấn đề mà nội dung sẽ đề cập. Chỉ cần đọc tựa là biết luôn tác giả viết gì trong đó. “Ðông,” “Tuyết,” “Cái loa,” “Viết,” “Thu,” “Ðọc,” “Luật sư và tòa án,” “Thái Lan và Cha Tôi, “Kỳ thị,” “Sở thích,” “Cánh diều vàng,” “Cờ vàng bốn sọc đỏ,”... không cần màu mè, bóng bẩy, làm duyên làm dáng gì hết.

Tuy nhiên, bên cạnh cái bàng bạc, phơn phớt thoáng qua, người đọc cũng có thể bắt gặp trong “Hội & Ngộ” nhiều điều khiến lòng người phải day dứt. Như trong “Ngày Xửa Ngày Xưa,,” Trịnh Hội kể về kỷ niệm của 13 năm trước khi lần đầu tiên trong đời anh biết thế nào là “bị trục xuất ra khỏi chính đất nước của mình”. Ðọc bài này, người ta sẽ cảm thấy ngộ nghĩnh hay cười cay đắng với chuyện “trên đời này đố bạn tìm được ai vừa bị bắt một cách vô lý, đã vậy còn phải tự trả tiền phòng giam giữ cho chính mình!” với giá khoảng $20 cho mỗi đêm?

Từ “Ngày Xửa Ngày Xưa,” Trịnh Hội dẫn người đọc qua “Ngày Nảy Ngày Nay,” kể về chuyện Trịnh Hội bị chụp mũ “là ủy viên trung ương của đảng Việt Tân”. Với tôi, đây là một trong những bài hấp dẫn nhất của “Hội & Ngộ,” vì qua kỷ niệm này, Trịnh Hội vẽ lên được một vở kịch với đủ hỷ nộ ái ố của một xã hội không có luật pháp rõ ràng. Hay nhất của “Ngày Nảy Ngày Nay” là trường đoạn tác giả đối đầu cùng người công an có vẻ “bặm trợn” với khẩu súng lục giắt bên hông.

Trịnh Hội đi từ vẻ hiền lành của chàng công tử không muốn va chạm, thích sự bình yên, qua kiểu nhún nhường trong cách xưng hô, “Xin lỗi anh, anh có thể cho em biết là anh đang nói về vấn đề gì không ạ?” “Xin lỗi anh, anh quy kết em như vậy nhưng anh có bằng chứng gì không?” Ðến lúc sự tức giận trào lên tự lúc nào Trịnh Hội cũng không biết, “Tôi không dám thách ai nhưng tôi cũng không thể nào tin được là tôi bị các anh vu khống như thế!” Rồi đến cao trào: “Tôi nhìn thẳng, trừng trừng vào mắt ông ta, nghiến chặt răng cố đừng để rơi nước mắt. Thế vậy mà tôi đã thất bại. Hôm trước trên phim trường, cả ngày lẫn đêm tôi đã cố rất nhiều nhưng không thể nào khóc được cho một cảnh quay, khi tôi nói lời tạm biệt với người yêu. Thế vậy mà hôm nay chỉ sau vài ba giờ với một người công an không ra gì, tôi đã để mình rơi nước mắt... Tôi thật sự đã thất vọng ở chính tôi vì tôi không ngờ là mình có thể yếu đuối, dễ để lộ cảm xúc đến vậy... Nó vừa không đáng lại vừa hơi cải lương lai căng kiểu quân tử Tàu... Tôi thất vọng ở chính tôi cũng phải.”

Trong “Hội & Ngộ,” câu chuyện có nhan đề dài nhất, cũng là một trong những câu chuyện xúc động nhất. Ðó là “Thái Lan và Cha Tôi và chùa Phật và chuyến đi vượt biển và quá khứ và hiện tại”.

“'Con Hội. Tôi quay lại và nhìn cha tôi đang chầm chậm bước ra cổng chùa đến đứng gần bên cạnh tôi. Ông xin được lá xăm cho tôi và bảo tôi cầm lấy. Bỗng nhiên ông giơ cả hai cánh tay của ông và ôm tôi vào lòng. Lúc ấy tôi chỉ biết đứng lặng yên để cho ông ôm thật chặt. Tôi nghe thấy hình như là ông đang cảm ơn tôi... Tôi cần phải cảm ơn ông vì ông đã dùng mạng sống của chính mình để đi tìm một bến bờ mới cho riêng ông. Và cho cả riêng tôi.”
Và bài viết gần như ngắn nhất, nhưng lại toát lên được tất cả tình cảm sâu lắng lẫn sự hài hước của Trịnh Hội là “Tôi có con”. Tôi bật cười khi đọc câu kết rất “đời”: “Nhưng mà thôi. Chuyện đó chắc còn lâu. Bây giờ điều mà tôi cần phải làm là mau về nhà để thay tã cho con.”

***

Trong lời bạt in cuối tập sách, nhà báo Ngô Nhân Dụng viết: “Trịnh Hội đúng là một nhà văn. Một người thợ mộc cầm miếng gỗ trên tay, nhìn trên nhìn dưới, đo đắn trước sau, âu yếm nâng niu những miếng gỗ trước khi biến chúng thành một cái ghế hay cái bàn.”

Tôi thì lại không nghĩ như vậy. Tôi vẫn không gọi Trịnh Hội là một nhà văn. Nhưng “Hội & Ngộ” với bìa đen chữ trắng của Trịnh Hội, người từng đoạt giải thưởng Người Úc Gốc Việt Trẻ Xuất Sắc năm 1998 và được công nhận là một trong những luật sư trẻ xuất sắc của Úc năm 1999, là quyển sách đọc hấp dẫn hơn sách của một số người được gọi là nhà văn.

––

Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com
.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats