Friday, 20 April 2012

NHỮNG NGÀY THÁNG Ở LONG THÀNH SAU 30-4-1095 (Thôi Huỳnh)



Thôi Huỳnh
April 20, 2012 6:11 AM

A.- Chuyện hai phi tuần oanh kích ở quận.

Sau những ngày lận đận trên đường di tản về nhà đúng vào chiều ngày 30/4/75, sáng ngày 1/5/75 tôi bảo đứa cháu gái lấy chiếc xe mini Vespa Ducati chở bà xã tôi xuống lại Long Thành để xem tình hình như thế nào và có vào nhà được không. Chiều về bà xã tôi cho biết là nhà trong khu vực chi khu không vào được, còn xác mấy tên sinh Bắc tử Nam đã được thu dọn sạch sẽ và nghe nói đã đem chôn dưới các gốc cây chôm chôm ở Cầu Ván đường vô ấp Bình Sơn. Hai xác xe T54 và PT76 được kéo vào sân Hành chánh Quận, còn chợ Long Thành bị hỏa hoạn gây thiệt hại nhiều. Hai sạp trong chợ của gia đình người bạn lúc nhỏ, Hồ thanh Lân, Trưởng Chi Thanh Niên và Thể Thao quận thiệt hại nặng. Sinh họat của quận đang dần dần phục hồi.

Ngảy 3-5 tôi xuống lại Long Thành, hai chiếc T54 và PT76 đã được kéo đi. Nhà của người đứng đầu quận bị bay một mảng ngói, khi đến văn phòng xã Phước Lộc, bấy giờ là Ủy Ban Nhân Dân (UBND) xã, tôi thấy một tờ thông cáo dán ở vách là ai đã từng ở trong phạm vi quân sự, chi khu, nếu muốn vào để thu dọn đồ đạc, hảy liên lạc với UBND xã xin giấy phép. Được giấy phép trong tay tôi và bà xã đến cổng trình giấy cho gác cổng và vào được nhà. Mở cửa ra nhìn thấy đồ đạc bừa bãi ngổn ngang, càc tủ đều trống trơn, ba con heo đất của ba đứa con tôi biến mất, những vật có giá trị là coi như không còn, buồng chuối già hương nặng triểu và ngay đến “nồi thịt kho tử thủ” mà vợ tôi đã kho một nồi để tôi tử thủ không còn trong bếp, duy chỉ có cái tủ lạnh vì to và cồng kềnh nên bị bỏ lại. Tôi bảo vợ tôi ra gọi chú Trần văn Lình, trước chú là nhân viên văn thư của ban 5, có kios bán bánh kẹo ở chợ, vào phụ tôi khiêng cái tủ lạnh ra gởi ở nhà chú. Khiêng ra tới cổng xong, lúc trở vào lại nhà, gác cổng không cho vào, tôi hỏi lý do, gác cổng cho biết là lệnh của thủ trưởng không cho vào, có lẽ tay ấy thấy tôi khệ nệ khiêng cái tủ lạnh (thời bấy giờ Ti-vi, tủ lạnh, cũng như 3Đ là đổng-đài-đạp rất có giá và quý hiếm không như bây giờ), nên bị cấm không cho vào lại cũng không có gì lạ, mọi sự đôi co, giải thích cũng không được tôi bèn nói “phải chi lúc trước phi cơ dội bom cho tiêu là xong”, vì sau khi Chi khu di tản ra ngoài vòng rào phía său bãi trực thăng, có hai phi tuần skyraiders của Không Lực VNCH nhào lộn trên bầu trời Long Thành chiều 27/4/75, câu nói nầy của tôi đã được báo cáo vào trong, tôi sẽ kể sự việc nầy sau.

Ban ngày vào chăm sóc đám mía, vì là mùa thứ nhì nên mía lên rất đẹp, tối về ngủ tạm nhà chú Lình được hai đêm, sau đó tôi đến gặp Hồ thanh Lân và Lân biết được việc khó khăn của tôi khi ngụ tại nhà của chú Lình trong thời buổi nầy, nên bảo tôi đến tạm trú căn nhà trong đất vườn của Lân ở đường vào ấp Liên kim Sơn.
Một hôm, khi về đến nhà có giấy mời làm việc tại văn phòng ban 5 cũ trước kia nằm bên hông trái của quận hành chánh Long Thành, khi đến nơi trời đã nhá nhem tối, sau khi kê khai lý lịch trích ngang xong, tên phụ trách hỏi tôi “anh có nhớ hôm trước anh đã nói cái gì không?”, tôi bảo “tôi không nhớ”, hắn nhắc lại “anh nói rằng phải lúc trước anh gọi phi cơ dội bom cho tan tành quận nầy”, khi đã biết được sự việc, tôi nói “ không phải tôi nói như vậy, tôi có nói phi cơ thả bom, nhưng tôi không có nói là tôi gọi, người có quyền gọi phi cơ là vị Quận Trưởng kiêm Chi khu Trưởng, chứ tôi là sĩ quan cấp dưới làm sao có quyền gọi”. Nghe có lý hắn cho tôi về, về đến nhà trọ bà xã tôi mới mừng vì không biết khi tôi đi đến gặp họ trong đêm như thế nầy có còn được về lại nhà không.

B.- Buổi tập họp tại BCH/CSQG quận.

Vào trung tuần tháng 5/75, chúng tôi được thông báo là tất cả các sỉ quan thuộc chế độ cũ đang cư ngụ tại quận Long Thành phải tham dự buổi họp tại chi CSQG cũ của quận Long Thành. Sáng sớm tôi đã thấy anh em tập trung dọc theo QL15 trước cổng khá đông. Đến giờ mọi người lần lượt vào đứng làm ba hàng trong một phòng làm việc, tên bí thư đến điểm mặt bằng một ánh mắt quét ngang từng người một, sau đó hắn dõng dạc huênh hoang của một kẻ chiến thắng, sau một hồi vòng vo tam quốc với nhửng luận điệu không có gì mới mẻ cho lắm, hắn gằn giọng nói “các anh tưởng thằng Mỹ thằng Thiệu ngu sao mà gắn lon cho các anh trung úy, đại úy, thiếu tá…. hừ…, các anh phải lập chiến công, phải diệt được nhiều địch, phải thu nhiều vủ khí, phải đánh phá cách mạng, gây tội ác với nhân dân, thằng Mỹ và thằng Thiệu mới gắn lon cho các anh chứ”. Trong hàng yên lặng, bổng một cánh tay đưa lên xin có ý kiến, đó là Trung úy Nguyễn viết Sử, Đại đội Trưởng Đại đội 238/ĐPQ, anh Sử nói “thưa anh… chúng tôi sau khi ra trường cứ đến ngày đến tháng là tự động lên lon thôi”. Tên bí thư đập bàn lớn tiếng “anh nói như vậy là các anh không thấy cái gì ở ngoài đường trước cổng chi khu của các anh sao?”. Nghe đến đây tôi hơi chột dạ, vì nếu chúng biết trong hàng quân bại trận nầy có người đã gây ra thảm cảnh cho chúng thì chắc có lẽ sẽ bị lôi ra và cho một phát K54 vô đầu là rồi đời, rất may là sự việc xảy ra còn mới mẻ và hơn nữa những anh em Nghĩa quân và Địa phương quân cùng tôi sát cánh chiến đấu trong giờ phút cuối cùng của cuộc chiến không tiết lộ vì ngại có thể bị trả thù một cách không quân tử và không tình nghĩa đồng bào ruột thịt của kẻ mang danh chiến thắng.

C.- Lệnh tập trung cải tạo.

Ngày ngày, sáng đi vào rẩy mía chiểu mới về, đi đi về về tôi đều phải đi ngang chỗ đóng quân của xã đội xã Lộc An. Lệnh tập trung cải tạo các sĩ quan và các viên chức hành chánh của chế độ cũ vào ngày 26/6/75, tất cả phải khăn gói lên đường cộng với tiền ăn mang theo 10 ngày. Tiền có sẳn trong túi không đủ tôi phải đi mượn thêm tiền của ông chủ lò bánh mì ở gần Cầu Lớn, cho đến giờ phút nầy tôi vẫn còn nợ ông số tiền trên, không biết ông ở đâu để hoàn trả và cám ơn lòng tốt của ông ta.

Cùng với anh em, vai mang túi vài bộ quần áo cũ, vật dụng cá nhân và tiền ăn 10 ngày, (chỗ nầy tôi lấy làm lạ là có nơi nói 10 ngày ăn, có nơi nói 15 ngày ăn, chỉ một việc nhỏ như vậy mà không đồng nhất, hay là có một ý đồ gì đây và quả đúng như vậy, 10-15 ngày biến thành 10-15 năm hay mút chỉ cà tha). Với một tâm trạng không an trong lúc chờ đợi lệnh, chờ đợi đến trưa anh em được lệnh về nhà và phải đến trình diện lại vào ngày mồng 4/7/75 vì không có xe, anh em hớn hở ra về dù sao thì cũng còn gần vợ gần con và gia đình thêm một tuần lễ nữa. Về đến nhà thấy vợ và đứa con gái 3 tuổi, bé Kim Chi, đã vào rẩy mía, chúng tôi còn hai thằng con trai nữa đứa 6 và 5 tuổi đang ở với ông bà Ngoại chúng, “thắng về Nội thoái về Ngoại mà”, ngoài ra chúng tôi còn đứa con gái 7 tuổi (bà xã sanh năm một cùng một tháng ba năm liền tù tì…, sợ quá) đã bị mất lúc 4 tuổi vì bệnh năm 1971 (năm tuổi của tôi quá xui: con gái đầu lòng mất và không được du học khóa TLC tại Hoa Kỳ), cất đồ đạc xong tôi rảo bước vào rẩy để phụ bà xã tôi làm cỏ mía. Đến chiều, trên vai cổng con bé cùng vợ đi bộ về. Sáng hôm sau lại tiếp tục đi làm như thường lệ, nhưng vừa quẹo vào đường mòn, một chú du kích tay sách CKC chạy ra bảo “ anh Năm cần gặp anh”, tôi lấy làm lạ và hỏi lại chú du kích “anh Năm nào?”, chú nói tiếp “anh Năm đang ngồi trong chái bếp của căn nhà tranh”, chú vừa nói vừa chỉ hướng về căn nhà tranh. Vào đến nơi thấy một người trung niên đang ngồi quay mặt vào trong trên bộ ván đặt trong chái bếp, khi nghe tiếng chân tôi bước vào hắn quay người lại, với cặp mắt lé kim trên khuôn mặt đen xạm có vẻ cô hồn, hắn dõng dạc nói “anh là trung úy Thôi, anh đã gây bao tội ác với nhân dân, ngày hôm qua là hạn chót cho anh phải tập trung đi cải tạo tại sao hôm nay anh lại còn nhởn nhơ ở ngoài, tôi ra lệnh bắt anh”. Nghe hắn nói xong, tôi đã hiểu được đầu đuôi câu chuyện, tôi nói “trước hết tôi xin nói với anh là… tôi đã đi trình diện tại quận Long Thành ngày hôm qua, họ đã cho về và sẽ tập trung lại vào ngày 4/7, vì không có phương tiện di chuyển, nếu anh không tin, anh hảy liên lạc ra quận anh sẽ hiểu rõ.

Còn về tội ác với nhân dân thì tôi sẽ nói cho anh biết rằng, tôi là trung úy Thôi, ban 5 Chi khu Long Thành, tôi chĩ phụ trách về anh em Nghĩa quân của quận thôi, Chi khu còn có trung úy Lê văn Thôi ban 2, nhưng anh ta đã thuyên chuyển về chi khu Tân Uyên với cấp bậc đại úy và đã bị phục kích chết tại Lò Chén ở Tân Uyên, và đã là cố thiếu tá Lê văn Thôi, ngoài ra còn một người nữa là Lại văn Thôi với cấp bậc đại úy, phụ tá ban 3 hành quân chi khu, đã được thuyên chuyển từ sư đoàn 9 vì lý do gia cảnh”. Nhưng hắn không tin những gì tôi nói, vẫn cứ đề quyết tôi là Thôi ban 2, vợ tôi đứng ở bậc thềm nhà nghe thế không dằn được lòng nên nói “người ta đã nói không phải Thôi ban 2 mà cứ nói là Thôi ban 2”. Nghe xong, hắn đùng đùng nổi giận đứng phắt dậy đi ra, hắn quát tháo “ai nói chuyện với chị, chị nói giọng điệu Sài gòn vậy hả, tụi bây đâu”, thế là ba khẩu CKC lên đạn nghe rốp rốp chỉa thẳng vào vợ chồng tôi, còn hắn dượm móc khẩu K54 trong lớp áo đen của hắn, tôi thấy tình hình có vẽ căng thẳng, bèn đi ra và đúng giữa hắn và bà xã tôi, tôi nói “anh Năm, anh hảy bình tĩnh nghe tôi nói”, với vẽ rất bình tĩnh trước súng đạn của tôi, có lẽ hắn cảm thấy lệnh và hành động của hắn lố bịch nên hắn nhét khẩu K54 vào bao và vào lại chỗ ngồi, tôi chỉ lập lại những gì tôi đã nói, lần nầy hắn có vẽ hiểu và sau cùng hắn bảo tôi đi đi.

Sau nầy tôi được biết hắn là “Năm Chồn, xã đội trưởng du kích xã Lộc An. Ngày trước trong các buổi họp Phụng Hoàng, tôi có nghe các ban ngành báo cáo về tên Năm Chồn mà tôi không chú ý mấy.

Đám mía.

Xã trưởng xã Lộc An, vì chỗ thân tình nên cấp cho tôi một mẫu tây đất gò để trồng mía vô điều kiện, sau đó còn hỏi tôi có muốn mượn năm chục ngàn (50.000.00 đồng) tiền chăn nuôi phát triển xã, tôi nói “chơi luôn”. Trong lúc đang châm sóc đám mía kỳ 2, tôi nhận được giấy mời của UB xã, khi đến nơi bí thư xã nói “xã cần anh giúp đở những gia đình cách mạng”, tôi hỏi lại “giúp đở bằng càch nào xin cho tôi biết”. Tay bí thư vòng vo tam quốc như có ý là tôi phải giao đứt đám mía cho một gia đình cách mạng nào đó, vì nghỉ rằng tôi dùng quyền lực để cướp đất của dân, cuối cùng tôi nói “anh đã biết rằng tôi đã bỏ bao công sức và tiền bạc đề có đám mía như hôm nay, nếu ai muốn hợp tác với tôi, tôi sẳn sàng chấp nhận với điều kiện là sau khi thu hoạch trừ mọi chi phí, số tiền còn lại sẽ chia theo tỷ lệ.” Hắn nói “như vậy chẳng hóa ra người ta làm thuê cho anh”, tôi trả lời “đó là do anh nghỉ”, sau giây phút suy nghỉ hắn bảo “thôi anh về, chúng tôi sẽ nghiên cứu ý kiến của anh”.

Sau đó tôi phãi tập trung cải tạo tại Trung tâm yễm trợ tiếp vận Tiểu khu Long Khánh, Suối Tre, việc châm sóc đám mía bấy giờ chỉ còn bà xã tôi và mấy đứa em vợ thỉnh thoảng xuống phụ giúp. Ở trại cải tạo có trung úy Thành, Hải quân (?) là con của bác chủ xe lô chạy Long Thành–Biên Hòa, một hôm bác đến trại thăm nuôi Thành, gặp tôi bác rất mừng và bác nói “đám mía của cô, sau khi bán được bảy chục ngàn (70.000.00 đồng), tay bí thư xã gọi cô đến và nói chị mới bán mía được bảy chục ngàn, vậy tiền đâu chị đưa tôi coi, cô đưa tiền ra tay bí thư cầm lấy và bỏ vào học tủ và bảo ông nhà đã mượn xã năm chục ngàn lúc trước, nay tính tiền vốn cộng lời là đủ bảy chục ngàn, xong đuổi cô về. Sự việc xãy ra đã làm xôn xao dư luận cả chợ Long Thành, tay bí thư xã nghỉ chắc nuốt không êm xuôi số tiền trên nên sau vài ngày hắn gọi cô và trả lại số tiền nói trên”.

Xã trưởng xã Lộc An rất tốt, không có ý hại ai, duy chỉ có tên phó xã hành chánh, em của xã trưởng, muốn lấy điểm với cách mạng nên thành thật khai báo. Buồn cười thật, lúc trước, sau vài ngày giải phóng, mổi lần đi ngang xã Phước Lộc, cái loa lúc nào cũng eo éo “ai đã vai mượn tiền của chính phủ, ngân hàng trước giải phóng hảy mau mau đển UB xã thành thật khai báo”, trong khi đó không nghe nói những người đã ký thác tiền vô các ngân hàng công cũng như tư, kê khai tài khoản của mình gì cả. Sao khôn thế, thật cs có khác, nhiều người nhẹ dạ hoặc có máu mặt với xã hội bấy giờ đã phải chạy đôn chạy đáo để đủ số tiền đóng nạp mới đủ điều kiện “4 không” xuất ngoại theo diện HO hoặc đoàn tụ.

Sau đó vợ tôi bỏ đám miá về lại Biên Hòa tìm kế mưu sinh khác, và trước ngày đi định cư tại Mỹ tôi có về lại Long Thành để xem mẫu đất của mình bây giờ thế nào sau 19 năm, nó bây giờ là một vườn điều xum xê, tay giữ vườn là nghĩa quân cũ của trung đội 54/NQ gác cổng chi khu thấy tôi, tôi bèn trấn an để hắn được an tâm lo canh tác.
Hôm nay, ngồi nhớ lại nhửng mảnh đời đã qua của một kiếp người buồn vui có, may rũi có, ghi lại gởi các bạn xa gần đọc trong lúc nhàn rỗi cho vui và cũng để lại cho con cháu sau nầy nhìn thấy cha ông của chúng đã trải qua cuộc sống như thế nào trong thời buổi nhiểu nhương.

Georgia ngày 1/4/2012
THÔI HUỲNH

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats