Wednesday, 14 August 2024

THƯỢNG TỌA THÍCH CHÂN QUANG : BẰNG CẤP BA, BẰNG TIẾN SĨ VÀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ (BBC News Tiếng Việt)

 



Thượng tọa Thích Chân Quang: bằng cấp ba, bằng tiến sĩ và vấn đề pháp lý

BBC News Tiếng Việt

13 tháng 8 2024, 18:30 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cp8nk40pgklo

 

Ngày 7/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã có công văn gửi Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, trong đó khẳng định ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/3eac/live/cad1ec80-5947-11ef-aebc-6de4d31bf5cd.png.webp

Ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) đang vướng vào nhiều rắc rối cả trong đạo và ngoài đời

 

Trong công văn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết đã có buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ vào hôm 30/7 về việc xác minh quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt.

 

Sau khi rà soát toàn bộ hồ sơ, gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6/6/1989, sở này kết luận:

 

·        Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM.

 

·        Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM.

 

Trao đổi với báo Thanh Niên vào ngày 13/8, một lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết liên quan thông tin bằng tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt không được lưu trong hồ sơ của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý chất lượng tổng hợp thông tin và tham mưu cho lãnh đạo bộ để xử lý.

 

Trước đó, khoảng cuối tháng 6, đã có nhiều ý kiến về tấm bằng tiến sĩ luật từ Trường Đại học Luật Hà Nội của ông Vương Tấn Việt do tốc độ lấy bằng “thần tốc".

Cụ thể, ông Việt chỉ mất hai năm để từ cử nhân trở thành tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội, trong khi thông thường, để tốt nghiệp tiến sĩ cần trung bình 4 - 5 năm.

 

Trường Đại học Luật Hà Nội nói gì?

 

Sáng 12/8, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội nói với báo Người Lao Động rằng trường đã nắm được thông tin và cho biết nếu học viên sử dụng bằng giả để ứng tuyển thì các trường đào tạo và cấp bằng ở bậc cao hơn sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý văn bằng chứng chỉ.

 

Trong bài viết ngày 13/8 của báo Thanh Niên, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết trường vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan chức năng.

Cùng ngày, theo báo Dân Trí, đại diện Trường Đại học Hà Nội, nơi ông Vương Tấn Việt từng tốt nghiệp ngành tiếng Anh vào năm 2001, cho biết nhà trường đã nắm được thông tin liên quan tới tấm bằng cấp ba bổ túc văn hóa của ông Việt.

 

Tuy nhiên, nhà trường cho biết "chưa nhận được yêu cầu hay văn bản nào từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trường hợp của ông Vương Tấn Việt".

 

"Khi có yêu cầu của cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ thực hiện, xử lý bằng đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo," lãnh đạo Trường Đại học Hà Nội cho biết.

 

·        Luận án tiến sĩ luật của nhà sư Thích Chân Quang bị mổ xẻ, giải mã vụ tốt nghiệp 'thần tốc'27 tháng 6 năm 2024

·        Thượng tọa Thích Chân Quang: khi ‘sư phụ’ trù đệ tử ‘đọa làm cầm thú’7 tháng 7 năm 2024

·        Sư Thích Minh Tuệ xuất hiện trên VTV khi nhà đài 'phản đối luận điệu xuyên tạc'2 tháng 8 năm 2024

 

Liên quan đến nghi vấn xung quanh bằng tiến sĩ, vào ngày 25/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo khẩn trương về quá trình tuyển sinh, đào tạo đối với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt.

 

Công văn được đóng dấu hỏa tốc.

 

Trước đó cùng ngày, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phát đi thông cáo tuyên bố quá trình tuyển sinh, học tập, nghiên cứu và cấp bằng đối với trường hợp ông Vương Tấn Việt là đúng quy định.

 

Ông Tô Văn Hòa, từng là Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, nói rằng ông Việt “đủ điều kiện để học thẳng lên tiến sĩ” và việc công nhận trình độ tiến sĩ đều được hội đồng đánh giá thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Con đường tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt như sau:

 

·        2001: tốt nghiệp ngành tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ - nay là Đại học Hà Nội

·        15/1/2019: tốt nghiệp cử nhân ngành luật văn bằng hai (vừa học vừa làm), xếp loại giỏi

·        26/11/2019: trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) Trường Đại học Luật Hà Nội

·        26/12/2019: được công nhận nghiên cứu sinh

·        12/2019 -6/2021: hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo thạc sĩ (gồm 43 tín chỉ các học phần thuộc ngành/chuyên ngành trên tổng số 60 tín chỉ - được miễn luận văn 12 tín chỉ và ngoại ngữ 5 tín chỉ theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 3 Thông tư 08/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

·        2020-2021: hoàn thành 7 học phần của chương trình đào tạo tiến sĩ

·        9/12/2021: bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường

·        17/3/2022: được cấp bằng tiến sĩ ngành luật hiến pháp - hành chính theo Quyết định số 1141/QĐ-ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội

 

'Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự'

 

Tại Việt Nam, với hành vi sử dụng văn bằng giả, chứng chỉ giáo dục giả mạo, người sử dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 13/8, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, cho biết hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật tại thời điểm hành vi được thực hiện.

 

Như vậy, tùy theo thời điểm ông Việt được xác định vi phạm mà có thể áp dụng quy định tương ứng để xử lý.

 

Năm 2013, Chính phủ ra Nghị định số 138/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

 

Khoản 3 điều 16 nghị định này nêu rõ: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.”

 

Tới năm 2021, nghị định nói trên được thay thế bởi Nghị định số 04/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó không quy định cụ thể mức phạt cho hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả như Nghị định số 138.

 

Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", với mức phạt từ phạt tiền tới án tù lên đến 7 năm.

 

Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông - nhận định cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Vương Tấn Việt.

 

Theo Luật sư Huế, tội danh nhìn thấy rõ ràng nhất là tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức.

 

“Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, để xác minh có thể người này đặt hàng (bằng cấp 3) hoặc đồng phạm, giúp sức hoặc là người chủ mưu đặt hàng để làm bằng giả”, báo Công Thương dẫn lời Luật sư Huế trong bài viết ngày 13/8.

 

Cũng theo Luật sư Huế, trường hợp bằng cấp mà ông Vương Tấn Việt sử dụng là bằng giả nhưng phôi thật, chữ ký thật thì trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định.

 

“Cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định lại tấm bằng cấp 3 này, nếu quá trình giám định phát hiện là bằng giả nhưng phôi thật, chữ ký thật thì cơ quan điều tra có thể khởi tố những người có liên quan khác về các tội như lạm quyền, giả mạo trong công tác,” Luật sư Huế nói.






No comments:

Post a Comment

View My Stats