Wednesday, 21 August 2024

THẢM SÁT Ở MYANMAR : 'NGƯỜI NHÀ TÔI CHẾT NGAY TRƯỚC MẶT TÔI' (Yogita Limaye / BBC News)

 



Thảm sát ở Myanmar: 'Người nhà tôi chết ngay trước mặt tôi'

Yogita Limaye

Phóng viên Nam Á và Afghanistan

Tường thuật từ biên giới Bangladesh-Myanmar

20 tháng 8 2024, 13:05 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clygxjpxm92o

 

Cảnh báo: Bài viết này có chứa các chi tiết có thể gây khó chịu.

 

Fayaz và vợ đinh ninh rằng họ đang an toàn thì bom bắt đầu rơi xuống: “Chúng tôi lần lượt lên thuyền - đó là lúc bọn chúng bắt đầu dội bom.”

 

Fayaz* cho biết những tiếng than khóc và la hét tràn ngập khắp nơi vào khoảng 17 giờ địa phương ngày 5 tháng 8, khi hàng ngàn người Rohingya sợ hãi tìm đường đến bờ sông Naf ở thị trấn Maungdaw.

 

Trước đó đã có các cuộc tấn công vào làng mạc trong vùng. Điều này nghĩa là hàng trăm gia đình, bao gồm cả gia đình Fayaz, muốn được an toàn thì chỉ còn lựa chọn duy nhất là trốn khỏi miền tây Myanmar đến bờ biển Bangladesh.

 

Fayaz mang theo những chiếc túi nhét bất cứ thứ gì kịp lấy được. Vợ anh đang bế đứa con gái sáu tuổi và đứa con lớn chạy bên cạnh. Em vợ đang đi trước, bồng đứa con trai tám tháng tuổi của vợ chồng anh trên tay.

 

Quả bom đầu tiên đã giết chết chị dâu của anh ngay tức khắc. Đứa bé bị thương nặng - nhưng còn sống.

 

“Tôi đã chạy và bế thằng bé… Nhưng nó đã không qua khỏi trong khi chúng tôi chờ đợt bom qua đi.”

 

Nisar* cũng đã đến được bờ sông vào khoảng 17 giờ. Anh đã quyết định trốn đi cùng mẹ, vợ, con trai, con gái và em gái. “Chúng tôi nghe thấy tiếng máy bay không người lái trên đầu và sau đó là tiếng nổ đinh tai,” anh nhớ lại. “Tất cả chúng tôi đều đổ nhào xuống đất. Chúng ném bom vào chúng tôi bằng máy bay không người lái.”

 

Nisar là người duy nhất trong gia đình sống sót.

 

Fayaz, vợ và con gái anh đã chạy được và cuối cùng vượt qua được sông. Dù vợ anh có van nài thì anh tài công vẫn từ chối việc Fayaz mang theo xác đứa bé. “Anh ta nói mang theo người chết cũng vô ích nên tôi đành đào một cái hố bên bờ sông và chôn vội đứa con trai của mình.”

 

Bây giờ tất cả họ đều ở nơi tương đối an toàn tại Bangladesh, nhưng nếu bị chính quyền ở đây bắt, họ có thể bị trả về. Nisar nắm chặt một cuốn Kinh Koran, vẫn không tài nào cắt nghĩa được thế giới của anh đã sụp đổ như thế nào chỉ trong một ngày.

 

Nisar nói: “Nếu biết sự thể như vậy, tôi đã không tìm cách rời đi vào ngày hôm đó.”

 

VIDEO : Chính quyền quân sự Myanmar tăng cường không kích

               https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clygxjpxm92o

 

Để hiểu những gì đang xảy ra trong lòng Myanmar với cuộc nội chiến đang hoành hành là điều nan giải. Nhưng BBC đã cố gắng ghép một bức tranh về những gì đã xảy ra vào tối ngày 5 tháng 8 thông qua một loạt cuộc phỏng vấn độc quyền với hơn chục người Rohingya sống sót, đã trốn được sang Bangladesh và từ các video mà họ chia sẻ.

 

Tất cả những người sống sót - thường dân Rohingya tay không tấc sắt - kể lại rằng họ đã nghe thấy tiếng bom nổ trong khoảng hai tiếng đồng hồ. Trong khi hầu hết mọi người nói rằng bom được thả xuống từ máy bay không người lái, một loại vũ khí ngày càng được sử dụng phổ biến ở Myanmar, một số người thì cho biết họ bị trúng đạn cối và các loại đạn khác.

 

Phòng khám của tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) hoạt động ở Bangladesh cho biết họ thấy số người Rohingya bị thương tăng vọt trong những ngày sau đó - một nửa số đó là phụ nữ và trẻ em.

 

Video của những người sống sót được BBC Verify phân tích cho thấy bờ sông chất đầy thi thể đẫm máu, nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em. Không có số liệu xác minh về số người thiệt mạng, nhưng nhiều nhân chứng đã nói với BBC rằng họ nhìn thấy rất nhiều xác chết.

 

Những người sống sót nói với chúng tôi rằng họ đã bị Quân đội Arakan (AA) tấn công. Đây là một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất ở Myanmar - trong những tháng gần đây, nhóm này đã đẩy quân đội chính phủ ra khỏi gần như toàn bộ bang Rakhine.

 

Họ cho biết đây là lần đầu tiên họ bị tấn công ở làng của mình, khiến họ phải chạy thoát thân nhưng sau đó lại tiếp tục bị tấn công ở bờ sông.

 

Arakan từ chối trả lời phỏng vấn nhưng người phát ngôn của họ là Khaing Tukha đã phủ nhận cáo buộc và trả lời các câu hỏi của BBC bằng một tuyên bố nói rằng "vụ việc không xảy ra ở những khu vực do chúng tôi kiểm soát". Ông này cũng cáo buộc các nhà hoạt động Rohingya đã dàn dựng vụ thảm sát và đưa ra những cáo buộc sai sự thật về Arakan.

 

Tuy nhiên, Nisar vẫn giữ vững lời tường thuật của mình.

 

“Quân đội Arakan đang dối trá,” anh nói. “Các cuộc tấn công đều do chúng thực hiện. Chỉ có chúng ở khu vực của chúng tôi vào ngày hôm đó. Và chúng đã tấn công chúng tôi trong nhiều tuần. Chúng không muốn để bất kỳ người Hồi giáo nào sống sót.”

 

Hầu hết người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar sống thành một cộng đồng thiểu số ở Rakhine - một bang có đa số dân theo đạo Phật, nơi hai cộng đồng từ lâu đã có mối quan hệ căng thẳng.

 

Vào năm 2017, khi quân đội Myanmar tàn sát hàng ngàn người Rohingya, mà Liên Hợp Quốc mô tả là “một ví dụ điển hình về thanh lọc sắc tộc”, những người đàn ông Rakhine địa phương cũng tham gia các cuộc tấn công. Giờ đây, giữa cuộc xung đột ngày càng leo thang giữa chính quyền và Arakan, lực lượng được người dân tộc Rakhine ủng hộ mạnh mẽ, người Rohingya một lần nữa thấy mình bị mắc kẹt giữa hai làn đạn.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/3eeb/live/6db941c0-5eaf-11ef-b970-9f202720b57a.jpg.webp

Bé Zaidur - chỉ mới 8 tháng tuổi - đã thiệt mạng trong vụ tấn công

 

Dù đối diện với nguy cơ bị chính quyền Bangladesh bắt và trả về Myanmar, những người Rohingya sống sót nói với BBC rằng họ mong muốn chia sẻ chi tiết về bạo lực mà họ phải đối mặt để sự việc được ghi lại, đặc biệt khi nó diễn ra ở một khu vực mà các nhóm nhân quyền hoặc nhà báo không thể tiếp cận được nữa.

 

“Lòng tôi tan nát. Bây giờ, tôi đã mất tất cả. Tôi không hiểu tại sao mình lại sống sót,” Nisar nói.

 

Là một thương nhân Rohingya giàu có, Nisar đã bán đất và nhà của mình khi pháo kích gia tăng gần nơi anh sống ở Rakhine. Nhưng mâu thuẫn leo thang nhanh hơn anh dự đoán, sáng 5/8, gia đình quyết định rời Myanmar.

 

Anh vừa khóc vừa chỉ vào thi thể người con gái của mình ở trong một video: “Con gái tôi chết trong vòng tay tôi khi đang gọi tên Đấng Allah. Trông con bé ấy thật yên bình, như đang ngủ vậy. Con bé yêu tôi nhiều lắm.”

 

Trong cùng một video, anh cũng chỉ vào vợ và em gái mình, cả hai đều bị thương nặng nhưng vẫn còn sống khi video được quay. Anh không thể đem theo họ khi bom vẫn còn đang dội, vì vậy anh đã đưa ra lựa chọn đau đớn là bỏ họ ở lại. Sau đó anh biết rằng họ đã chết.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/e598/live/eff78ac0-5eaf-11ef-b43e-6916dcba5cbf.png.webp

Fayaz và gia đình hiện đang ẩn náu ở Bangladesh với hy vọng không bị bắt quay trở lại Myanmar

 

Fayaz nói: “Không còn nơi nào an toàn nên chúng tôi chạy sang sông để băng qua Bangladesh.” Tiếng súng và bom đã đuổi theo họ từ làng này sang làng khác, vì vậy Fayaz đã đưa toàn bộ số tiền của mình cho một tài công để chở họ qua sông.

 

Đau khổ và giận dữ, anh giơ cao bức ảnh thi thể đầy máu của con trai.

 

“Nếu Quân đội Arakan không bắn vào chúng tôi thì ai đã bắn?” anh hỏi. “Hướng bom đạn phát ra, tôi biết Quân đội Arakan ở đó. Hay là sấm sét từ trên trời trút xuống?”

 

Những lời cáo buộc này đặt ra những câu hỏi quan trọng về Quân Arakan, lực lượng tự mô tả mình là một phong trào cách mạng đại diện cho toàn thể người dân Rakhine.

 

Kể từ cuối năm ngoái, Quân đội Arakan, một phần của Liên minh Tam đại huynh đệ của quân nổi dậy có vũ trang ở Myanmar, đã đạt được những thắng lợi to lớn trước quân đội chính phủ Myanmar.

 

Nhưng tổn thất của quân đội chính phủ đã mang đến những mối nguy hiểm mới cho người Rohingya, những người trước đó đã nói với BBC rằng họ đang bị chính quyền ép buộc nhập ngũ để chiến đấu chống lại Quân đội Arakan.

 

Điều này, cùng với quyết định của nhóm chiến binh Rohingya ARSA liên minh với chính quyền để chống lại quân nổi dậy Rakhine, đã làm xấu đi mối quan hệ vốn đã không tốt đẹp gì giữa hai cộng đồng, và biến thường dân Rohingya thành đối tượng trả thù.

 

Một người sống sót sau vụ tấn công ngày 5 tháng 8 nói với BBC rằng các chiến binh ARSA liên kết với chính quyền cũng nằm trong số đám đông chạy trốn - và điều đó có thể đã châm ngòi cho cuộc tấn công.

 

“Ngay cả khi có bất kỳ mục tiêu quân sự nào thì cũng có việc sử dụng vũ lực không tương xứng. Có trẻ em, phụ nữ, người già đã bị sát hại ngày hôm đó. Đó cũng là hành động thà giết nhầm chứ không bỏ sót," theo John Quinley, giám đốc Fortify Rights, nhóm nhân quyền đang điều tra sự việc.

 

“Vì vậy, điều đó khiến chúng tôi tin rằng có cơ sở hợp lý để tin một tội ác chiến tranh đã xảy ra vào ngày 5 tháng 8. Quân đội Arakan phải bị điều tra về những tội ác này và các chỉ huy cấp cao của Quân đội Arakan phải chịu trách nhiệm.”

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/1bf4/live/616aa8d0-5ebb-11ef-b43e-6916dcba5cbf.png.webp

Vùng bị tấn công

 

Đây là thời điểm nguy hiểm đối với cộng đồng Rohingya. Hơn một triệu người trong số họ đã trốn sang Bangladesh vào năm 2017, nơi họ tiếp tục bị giam giữ trong các trại chật chội, bẩn thỉu.

 

Nhiều người hơn đã đến Bangladesh những tháng gần đây khi cuộc chiến ở Rakhine ập đến với cuộc sống họ. Nhưng giờ không còn là năm 2017, khi Bangladesh cho mở cửa biên giới. Lần này, chính phủ Bangladesh nói họ không thể cho phép thêm bất kỳ người Rohingya nào nhập cư.

 

Vì vậy, những người sống sót có thể tìm được tiền để trả cho những người chèo thuyền và những kẻ chuyển lậu người – BBC được biết chi phí là 600.000 kyat Miến Điện ($184) mỗi người – sau đó phải qua ải của lực lượng biên phòng Bangladesh và đánh cược vận may với người dân địa phương, hoặc trốn ở trại tị nạn dành cho người Rohingya.

 

Khi Fayaz và gia đình đến Bangladesh vào ngày 6 tháng 8, lính biên phòng đã đãi họ một bữa ăn nhưng sau đó đưa họ lên thuyền và trả họ về.

 

“Chúng tôi đã trôi nổi hai ngày mà không có thức ăn hay nước uống,” anh nói. “Tôi cho các con gái của mình uống nước sông và cầu xin một số người khác trên thuyền cho chúng một ít bánh quy.”

 

Họ đã đến được Bangladesh trong lần thử vận may thứ hai. Nhưng ít nhất hai chiếc thuyền đã bị lật úp vì chở quá đông người. Một người phụ nữ, một góa phụ có 10 đứa con, cho biết bà đã tìm được cách cho cả gia đình ẩn nấp trong vụ đánh bom, nhưng 5 đứa con của bà đã chết đuối khi thuyền bị lật.

 

“Các con tôi là khúc ruột của tôi. Khi nghĩ đến chúng, tôi chỉ muốn chết,” bà vừa nói vừa khóc.

 

Cháu trai của bà, một cậu bé tám tuổi mắt to tròn, ngồi bên cạnh bà. Cha mẹ và em trai của cậu bé cũng đã chết.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/0679/live/e9a59c80-5eae-11ef-b43e-6916dcba5cbf.jpg.webp

Bốn thành viên trong một gia đình chết đuối khi vượt biển để đến nơi an toàn

 

Nhưng còn những người bị bỏ lại phía sau thì sao? Mạng điện thoại và internet ở Maungdaw đã bị cắt trong nhiều tuần nhưng sau nhiều nỗ lực, BBC đã liên lạc được với một người đàn ông muốn giấu tên vì sự an toàn cho bản thân.

 

Ông nói: “Quân đội Arakan đã buộc chúng tôi phải rời khỏi nhà và giam giữ chúng tôi trong các trường học và nhà thờ Hồi giáo. Tôi đang bị giữ cùng với sáu gia đình khác trong một ngôi nhà nhỏ.”

 

Quân đội Arakan nói với BBC rằng họ đã giải cứu 20.000 dân thường khỏi thị trấn trong bối cảnh giao chiến với quân đội chính phủ. Họ cho biết đang cung cấp thức ăn và điều trị y tế cho những người này, đồng thời nói thêm rằng “các hoạt động này được thực hiện vì sự an toàn và an ninh của những cá nhân này, chứ không phải là để buộc phải di dời”.

 

Người đàn ông nói chuyện qua điện thoại bác bỏ những lời này của Quân đội Arakan và nói: “Quân đội Arakan bảo với chúng tôi rằng bọn chúng sẽ nã súng vào đầu chúng tôi nếu chúng tôi cố chạy thoát. Chúng tôi sắp cạn lương thực và thuốc men. Tôi bị bệnh và mẹ tôi cũng bị bệnh. Rất nhiều người bị tiêu chảy và ói mửa.”

 

Anh suy sụp và cầu xin sự giúp đỡ: “Hàng chục ngàn người Rohingya đang bị đe dọa ở đây. Nếu có thể, xin hãy cứu giúp chúng tôi.”

 

Bên phía bên này sông Bangladesh, Nisar ngoái đầu nhìn lại Myanmar. Anh có thể nhìn thấy bờ sông nơi gia đình anh đã bị sát hại.

 

“Tôi không bao giờ muốn quay trở lại.”

 

-----------

Bài viết có sự hỗ trợ của Aamir Peerzada và Sanjay Ganguly.

 

* Tên của nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.

 

-----------------

Tin liên quan

·         

Sự tàn khốc bên trong cuộc chiến chống chính quyền độc tài quân sự Myanmar

7 tháng 6 năm 2024

·         

Myanmar: Người trẻ từ chối trở thành ‘lá chắn sống’ của chính phủ quân sự

27 tháng 2 năm 2024

·         

'Địa ngục trần gian của tôi tại trung tâm lừa đảo trên mạng ở Myanmar'

10 tháng 4 năm 2024

 

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats