Saturday, 1 June 2024

TỔNG THỐNG MỸ BIDEN CHO PHÉP UKRAINA OANH KÍCH CÁC MỤC TIÊU Ở NGA ĐỂ BẢO VỆ KHARKIV (Thanh Phương / RFI)

 



Tổng thống Mỹ Biden cho phép Ukraina oanh kích các mục tiêu ở Nga để bảo vệ Kharkiv  

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 31/05/2024 - 11:08

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240531-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-biden-cho-ph%C3%A9p-ukraina-oanh-k%C3%ADch-c%C3%A1c-m%E1%BB%A5c-ti%C3%AAu-%E1%BB%9F-nga-%C4%91%E1%BB%83-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-kharkiv

 

Một quan chức Mỹ hôm qua, 30/05/2024, cho biết tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraina oanh kích, với một số điều kiện, vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, trong vùng Kharkiv.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ced969ca-1f27-11ef-a764-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP24115549378284.webp

Hình tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo trước khi ký phê chuẩn gói viện trợ hơn 60 tỷ đô la cho Ukraina, tại Nhà Trắng, Washington ngày 24/04/2024. AP - Evan Vucci

 

Thành phố Kharkiv ở miền đông Ukraina, nằm không xa biên giới chung với Nga, hiện là mục tiêu của các vụ oanh kích gần như hằng ngày, chủ yếu được tiến hành từ lãnh thổ Nga. Từ đầu tháng 5, quân Nga đã mở một chiến dịch tấn công trong vùng này và đã giành được thêm đất, do quân Ukraina hiện gặp nhiều khó khăn. 

 

Theo hãng tin AFP, quan chức Mỹ nói trên, xin giấu tên, hôm qua khẳng định: “Tổng thống đã giao cho nhóm của ông nhiệm vụ phải làm sao cho quân Ukraina có thể sử dụng các vũ khí của Mỹ để phản công trong vùng Kharkiv, để đánh trả khi lực lượng Nga tấn công họ hoặc chuẩn bị tấn công họ”.

 

Từ ngày 13/05, Ukraina đã xin phép sử dụng các vũ khí của Mỹ để tấn công vào mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Tổng thống Biden đã đồng ý trên nguyên tắc vào ngày 15/05. Sau đó ông đã thảo luận với ngoại trưởng Antony Blinken vừa đi thăm Ukraina trở về, trước khi ra quyết định nói trên. Quyết định đã được giữ kín cho đến hôm qua. Tuy nhiên, quan chức nói trên nhấn mạnh là Washington vẫn cấm Ukraina sử dụng các tên lửa tầm xa của Mỹ  hoặc oanh kích vào sâu trong lãnh thổ Nga. 

 

Về phần Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, khối quân sự này đang thúc giục các nước thành viên dỡ bỏ những hạn chế về việc sử dụng vũ khí viện trợ. Nhiều nước, trong đó có Pháp đã ủng hộ việc cho phép Ukraina oanh kích vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Tại Praha hôm nay, tổng thư ký NATO Stoltenberg đã đáp lại những lời đe dọa của tổng thống Nga về leo thang trong cuộc chiến Ukraina. Theo ông, những lời đe dọa đó là một nỗ lực của ông Putin “nhằm ngăn cản các đồng minh của khối NATO yểm trợ Ukraina”.

 

Trong khi đó, theo nhật báo Pháp Le Monde, tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thành lập một liên minh châu Âu gửi các sĩ quan huấn luyện đến Ukraina. Theo nhiều nguồn tin, các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ tăng tốc trong những ngày tới, để có thể thông báo nhân chuyến thăm Pháp của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky để dự các buổi lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandie vào đầu tháng 6.

 

Tổng thống Ukraina hôm nay đã đến Thụy Điển để yêu cầu năm đồng minh Bắc Âu viện trợ thêm vũ khí để đối đầu với cuộc tấn công của Nga, đồng thời cáo buộc Matxcơva "chuẩn bị khiêu khích" ở biên giới vùng Baltic. Tại Stockholm, ông Zelensky đã ký một thỏa thuận an ninh song phương với thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. Lãnh đạo Ukraina cho biết các thỏa thuận tương tự sẽ được ký với Na Uy và Iceland.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

UKRAINA - LIÊN ÂU - VŨ KHÍ

Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu : Ukraina có quyền sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công Nga

 

PHÂN TÍCH

Nga không sợ thách thức từ vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraina

 

PHÁP - UKRAINA

TT Pháp ủng hộ Ukraina dùng vũ khí phương Tây tấn công một số địa điểm quân sự tại Nga

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats