Friday 7 June 2024

PHÁT ĐỘNG "BUÔNG BỎ"... PHONG BÌ   (Chu Mộng Long / Facebook)

 



PHÁT ĐỘNG "BUÔNG BỎ"... PHONG BÌ  

Chu Mộng Long

5 tháng 6, 2024  lúc 12:56  

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid02gruiTo5cSLYSLTDUQw4iKbp89KtuAKXTd1YdCZJo3bGFD5gdvR3p3TvJGBpedCWdl

 

Tôi mong các giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo phát động "buông bỏ" phong bì chứ không cần tán tụng buông bỏ tất cả để thành "vô ngã" như ngài Thích Minh Tuệ.

 

Vấn nạn giáo dục, kéo theo vấn nạn quan chức nằm ở cái phong bì. Ở giới quan chức, cái vali tiền thực chất là cái phong bì phồng to. Con người ai cũng có căn tính Phật, song le, giáo dục lại nuôi dưỡng ma quỷ tính.

 

Giáo dục phổ thông nghĩ ra cái Hội Cha mẹ học sinh để được cúng phong bì. Đến các kì thi thì cũng cái hội ấy đứng ra thu tiền để "hỗ trợ" giám thị, thực chất là phong bì chống trượt. Giáo dục đại học, nhất là đào tạo hệ vừa làm vừa học, giảng viên ngoài thói quen được học viên đưa rước như rước thánh, cho ăn nhậu, quà cáp, còn được cúng phong bì.

 

Học viên "khoe" với tôi, trong đợt dịch Covid, có thầy dạy online đòi phong bì và quà cáp, chúng em gửi qua bưu điện, đổi trả và gửi đi gửi lại đến vài ba lần mà... thầy vẫn chưa vừa ý.

 

Phong bì trở thành thuốc phiện. Nhà trường cũng như nhà chùa, thích cúng dàng tiền mệnh giá cao để ban phước.

 

Tai tiếng nhất là đào tạo sau đại học, rồi các loại hội đồng phó giáo sư, giáo sư, từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước. Người làm thạc sĩ, tiến sĩ, người ứng cử học hàm giáo sư, phó giáo sư đều phải cúng phong bì mới qua được ải. Phong bì đã thành lệ, như là bình thường. Ai không nhận phong bì bị coi như là thành phần cá biệt. Thậm chí bị chửi bới chứ không phải được tôn trọng. Tôi từng bị chửi đến mát mặt vì từ chối phong bì cao học.

 

Cuối tuần này tôi lại phải đi xa để dạy hệ vừa làm vừa học. Sáng nay cũng như cuối mỗi tuần, có hơn chục cuộc gọi điện xin tôi nghỉ học. Lần này có thêm mấy trường hợp không chỉ xin nghỉ mà còn xin... điểm. Thường học viên không đi học buổi nào, tôi cho điểm chuyên cần zero. Lạ là học viên bị trượt ấy khi đăng ký học lại ở lớp khác thì phải biết sợ mà đi học chứ? Đằng này lại viện cớ bận không đi được, "mong thầy chiếu cố cấy điểm cho em". Trắng trợn dùng luôn từ "cấy điểm"! Nghe xong điện thoại, tôi chảy nước mắt.

 

Tôi hiểu vì sao có sự trắng trợn như vậy nên không dám mắng học trò một câu. Số là học viên ngoài học phí, họ còn nộp quỹ, tức phí chống trượt rất cao. Vì không đi học nên không biết tôi không nhận phong bì, họ tưởng tôi cũng như các thầy cô khác đã ăn số tiền họ đã nộp.

 

Năm trước tôi từng kể chuyện tôi bị học viên có điểm trượt nhắn tin mắng tôi: "Thầy không có tư cách làm người!" Khi cho Hiệu trưởng xem dòng tin nhắn ấy, Hiệu trưởng tức giận đòi đuổi học. Nhưng tôi can: "Tha cho nó. Vì nó nghĩ tôi ăn tiền chống trượt mà tại sao lại cho nó trượt đấy! Nhiều thầy cô ăn phong bì làm cho số ít những thầy cô từ chối phong bì bị vạ lây!"

 

Tôi nói thêm: nếu thầy cô ăn phong bì của tôi mà cho tôi trượt thì tôi cũng chửi! Phong bì là món nợ. Nợ thì phải trả. Mà thầy cô giáo trả bằng cái gì? Thầy chùa hứa trả phước ở kiếp sau. Còn thầy giáo thì trả phước bằng cấy điểm theo mệnh giá của đồng tiền.

 

Biết cai nghiện phong bì là khó. Nhưng so với sự tán dương "vô ngã", nào của thơ thiền trong văn học, nào của tấm gương Thích Minh Tuệ, chẳng là gì cả!

 

Nhân các giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo tán dương sự buông bỏ đến "vô ngã", tôi chỉ mong các ngài dứt khoát buông bỏ hẳn cái phong bì cho tôi nhờ. Tán dương sự cao siêu mà buông bỏ không nổi cái phong bì thì là đạo đức giả, lừa bịp.

 

Chu Mộng Long

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=8542940605720107&set=pcb.8542930499054451

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=8542940689053432&set=pcb.8542930499054451

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=8542940789053422&set=pcb.8542930499054451

 

.

25 BÌNH LUẬN   






No comments:

Post a Comment

View My Stats