Tuesday 18 June 2024

HÀNG LOẠT CÁN BỘ VIỆN PHÁP Y TÂM THẦN BIÊN HÒA BỊ BẮT GIỮ : CÓ HAY KHÔNG VIỆC TIẾP TAY CHẠY ÁN? (BBC Tiếng Việt)

 



Hàng loạt cán bộ Viện Pháp y tâm thần Biên Hòa bị bắt giữ: Có hay không việc tiếp tay chạy án?

BBC Tiếng Việt

17 tháng 6 2024, 19:32 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cgll6n8n5l6o

 

Vụ hàng loạt cán bộ tại Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị bắt giữ đang gây xôn xao dư luận về việc có hay không sự tiếp tay chạy đại án bằng tấm giấy xác nhận tâm thần.

 

Tính đến chiều ngày Chủ nhật 16/6 đã có 13 người bị bắt và triệu tập về TP HCM cho việc điều tra bao gồm 11 viên chức và 2 cán bộ đã nghỉ hưu.

 

Trong số những người bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam (C02) bắt giữ có ông Lê Văn Hùng, viện trưởng, bác sĩ Nguyễn Thành Công, phó viện trưởng, ông Bùi Thế Hùng, cựu viện trưởng, bác sĩ Nguyễn Văn Trọng, trưởng khoa điều trị bắt buộc nhóm nghiện chất và các bác sĩ, điều dưỡng khác.

 

Những người này bị bắt để điều tra liên quan đến cáo buộc sai phạm liên quan đến kết quả hồ sơ giám định, điều trị các bệnh nhân.

 

Trước tình hình nhân sự thiếu hụt, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã gửi công văn hỏa tốc cho Bộ Y tế Việt Nam về phương án giải quyết. Văn bản có nội dung:

 

"Hiện nay tình hình rất cấp bách, không còn cán bộ làm việc, Viện báo cáo hỏa tốc và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế để có phương án ổn định nhân lực công tác", theo tường thuật từ truyền thông trong nước.

 

Theo báo Người Lao động vào hôm nay 17/6, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục làm việc hôm nay tại viện này.

 

·        'Cao mới được làm sếp': Tranh cãi quanh tiêu chí xét tuyển của Trường Quản trị và Kinh doanh

8 tháng 6 năm 2024

·        Bộ Chính trị ra quyết định mới về kỷ luật đảng viên cấp cao, cho thấy điều gì?

16 tháng 6 năm 2024

 

 

Chứng nhận bệnh tâm thần cho người 'dính' đại án?

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/000e/live/0593a590-2c9b-11ef-90be-b75b34b0bbb2.jpg.webp

Đã có những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về liệu có khả năng những người không mắc bệnh tâm thần, có dính đến các vụ đại án, đã được chứng nhận bị bệnh để tránh phải đứng trước vành móng ngựa

 

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa, trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam được thành lập năm 2015.

 

Chức năng của viện là giám định pháp y tâm thần, quản lý, điều trị người rối loạn tâm thần theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của các cơ quan tố tụng.

 

Đã có những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về liệu có khả năng những người không mắc bệnh tâm thần, có dính đến các vụ đại án, đã được Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa chứng nhận bị bệnh để tránh bị pháp luật xử lý?

 

Báo chí trong nước đưa tin một số trường hợp liên quan đến kết quả giám định của viện này là bà Trần Thị Mỹ Hiền, nguyên Giám đốc Công ty Đất Vàng Hoàng Gia, bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 816 tỉ đồng. Hiện bà Hiền bỏ trốn và đang bị truy nã.

 

Theo kết quả giám định từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, bà Hiền đã “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

 

Kết quả từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương (Hà Nội) cũng cho kết quả tương tự.

 

Theo báo Tuổi Trẻ, còn có trường hợp bà Tống Thị Bạch Lan bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm và tuyên án tử hình về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" hồi năm 2020.

 

Cũng vào năm này, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa kết luận bà Lan: "Tại thời điểm gây án, đương sự bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hiện nay đương sự mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".

 

Sau đó bà Lan được đi chữa trị bệnh bắt buộc và trốn viện.

 

Hiện không rõ vụ án này sẽ được mở rộng và còn liên quan đến những người nào khác ngoài những người được báo chí trong nước đề cập cho đến nay.

 

·        Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bị đề nghị kỷ luật, tiếp theo là gì?

15 tháng 6 năm 2024

·        Bộ Chính trị ra quyết định mới về kỷ luật đảng viên cấp cao, cho thấy điều gì?

16 tháng 6 năm 2024

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/8b17/live/023cb9c0-2c98-11ef-bdc5-41d7421c2adf.jpg.webp

Hiện tượng bỏ tiền để mua giấy xác định tâm thần đã diễn ra phổ biến trong thời gian qua tại Việt Nam. Ảnh Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5/3/2024

 

 

'Chạy bệnh'

 

Điều 447 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

 

Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án là một trong các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.

 

Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 có nội dung: "Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự".

 

Với những quy định như vậy, việc lách luật,“chạy án” bằng giám định tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự diễn ra phổ biến trong thời gian qua ở Việt Nam, theo báo trong nước.

 

Trong những năm qua liên tục có những cảnh báo về việc những đối tượng phạm trọng tội lợi dụng những kẽ hở để thoát tội bằng việc bỏ tiền ra mua kết quả giám định tâm thần.

Đã có những bác sĩ tại Việt Nam bị kết án về tội nhận hối lộ liên quan đến kết luận giám định pháp y về bệnh tật giả mạo.

 

Trong một bài viết trên báo Tuổi Trẻ vào năm 2016, ông Đinh Văn Quế, cựu chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân tối cao đã chất vấn “Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế!”.

Cụ thể ông đề cập đến một khái niệm "chạy bệnh" vẫn còn xảy ra đến tận ngày nay:

 

"Nhiều người cho rằng nên bổ sung cụm từ “chạy bệnh” vào sau các từ: chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy luân chuyển...

 

Trong đó “chạy bệnh” dễ hơn chạy các thứ khác. Hơn nữa, có ai kiểm tra được tính xác thực của các bệnh án và bản giám định pháp y đâu!

 

Mặc dù theo quy định của pháp luật thì kết luận pháp y cũng chỉ là một nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, có quyền tin hay không tin.

 

Tuy nhiên, thực tiễn thì dù không tin cơ quan tiến hành tố tụng cũng không dám bác bỏ, bởi lẽ mình không có chuyên môn này.

 

Cùng lắm là yêu cầu giám định lại, chứ chưa có trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng thẳng thừng bác bỏ.

 

Đây cũng là cái “mai rùa” rất cứng và an toàn để những quan tham ẩn nấp!", ông viết.

 

-----------------

Tin liên quan

·         

Vạn Thịnh Phát: lời khai của bị can đã chết về kế hoạch lừa đảo trái phiếu

11 tháng 6 năm 2024

·         

112 nước bãi bỏ hình phạt tử hình: Việt Nam thế nào?

1 tháng 6 năm 2024

·         

Án tử hình: Không có tội nhân nào đáng phải chết?

28 tháng 1 năm 2024

·         

'Cao mới được làm sếp': Tranh cãi quanh tiêu chí xét tuyển của Trường Quản trị và Kinh doanh

8 tháng 6 năm 2024

·         

Bộ Chính trị ra quyết định mới về kỷ luật đảng viên cấp cao, cho thấy điều gì?

16 tháng 6 năm 2024

·         

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bị đề nghị kỷ luật, tiếp theo là gì?

15 tháng 6 năm 2024

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats