Thursday, 27 June 2024

BIDEN - TRUMP THƯỢNG ĐÀI : HỌ KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO? (Tr. Tiến Minh / Người Việt Online)

 



Biden-Trump thượng đài: Họ khác nhau như thế nào?

Tr. Tiến Minh

June 26, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/biden-trump-thuong-dai-ho-khac-nhau-nhu-the-nao/#google_vignette

 

Ngày 27 Tháng Sáu, cuộc thượng đài đầu tiên giữa đương kim Tổng Thống Joe Biden, 81 tuổi, và cựu Tổng Thống Donald Trump, 78 tuổi, sẽ được tổ chức. Đây là cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên trong mùa tranh cử 2024.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/06/A1-Biden-Trump-tranh-luan-1536x1089.jpg

Tổng Thống Joe Biden (trái) và cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình minh họa: Jim Watson & Saul Loeb/AFP via Getty Images)

 

Kết quả bầu cử chắc chắn dẫn đến những tác động rất lớn đến thế giới nói chung. Cả hai đều có những quan điểm khác nhau về vai trò của Mỹ đối với hàng loạt vấn đề liên quan chính sách, đối với Châu Âu lẫn Châu Á, với Trung Đông lẫn riêng biệt với từng quốc gia, đặc biệt Trung Quốc và Nga…

 

Trên Foreign Affairs (bài “The Return of Peace Through Strength – Making the Case for Trump’s Foreign Policy,” ấn bản July/August 2024), ông Robert C. O’Brien (cố vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ từ năm 2019 đến năm 2021) đã nhắc lại những thành tích của ông Donald Trump trong thời gian ngồi ghế tổng thống. Gọi ông Trump là “người kiến tạo hòa bình” (peacemaker), ông Robert C. O’Brien nhắc rằng, chỉ trong 16 tháng cuối cùng, chính quyền Trump đã mang đến Hiệp Định Abraham, mang lại hòa bình cho Israel và ba nước láng giềng Trung Đông. Washington cũng thành công trong việc thúc đẩy Ai Cập và các quốc gia chủ chốt Vùng Vịnh giải quyết quan hệ rạn nứt với Qatar. Mỹ còn ký một thỏa thuận với Taliban nhằm tránh việc quân đội Mỹ tiếp tục đếm xác ở Afghanistan…

 

Ngoài ra, ông Trump là tổng thống đầu tiên kể từ thời Tổng Thống Jimmy Carter chứng kiến việc Mỹ không dính líu bất kỳ cuộc chiến mới nào hoặc mở rộng cuộc xung đột đang xảy ra. Ông Trump thậm chí kết thúc một cuộc chiến bằng một chiến thắng, khi tiêu diệt Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) và diệt được thủ lĩnh của tổ chức này, Abu Bakr al-Baghdadi. Chưa hết, trong những năm dưới thời Trump, Nga tỏ ra “ngoan như cún;” Iran không đụng đến Israel; và Bắc Hàn ngừng thử vũ khí nguyên tử. Trung Quốc dường như cũng bớt hung hăng…

 

Tuy nhiên, ông Robert C. O’Brien đã chủ ý “lơ” rất nhiều điều về ông Trump. Chẳng ai lạ gì tính khí thất thường thậm chí trẻ con của ông Trump. Theo các nhà phân tích, nhiều nước – đặc biệt Nga và Trung Quốc – rất muốn thấy sự trở lại của ông Trump bởi vì họ tin rằng ông Trump chỉ là người thấy những lợi ích trước mắt, không biết tính toán chiến lược lâu dài cho lợi ích quốc gia Mỹ và đặc biệt mù tịt về lịch sử bang giao quốc tế. Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của một người như ông Trump sẽ sẵn sàng nhượng bộ Nga và Trung Quốc và bán đứng Đài Loan và Ukraine. Trong bốn năm cầm quyền, người “kiến tạo hòa bình” Trump đã gây những cuộc hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ lẫn thế giới kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.

 

Tờ The Hill ngày 24 Tháng Sáu cho biết một phân tích mới cho thấy các chính sách tài khóa của chính quyền Trump đã khiến thâm hụt quốc gia tăng gấp đôi so với của Tổng Thống Biden. Theo phân tích của Ủy Ban Ngân Sách Liên Bang Có Trách Nhiệm (Committee for a Responsible Federal Budget – CRFB), một tổ chức nghiên cứu ở Washington, chính quyền Trump đã vay $8,400 tỷ trong bốn năm ông Trump cầm quyền, so với $4,300 tỷ thời Biden.

 

                                                         ***

Phần ông Biden, giới bình luận nhận xét rằng chiến lược của Mỹ, như được ông Jake Sullivan, cố vấn An Ninh Quốc Gia, trình bày trong bài phát biểu gần đây, tất cả được xây dựng dựa trên những giả định thực tế về khả năng của Hoa Kỳ trong việc định hình hệ thống chính trị Trung Quốc. Washington không tập trung vào hình thức mối quan hệ song phương mà Washington mong muốn với Bắc Kinh, cũng như mô hình chính phủ mà người Mỹ muốn Trung Quốc có, mà tập trung vào các mục tiêu chiến lược mang tính lâu dài.

 

Giữ cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không bị chủ nghĩa bá quyền đè bẹp và duy trì sự lãnh đạo kinh tế và công nghệ. Washington tìm cách phục hồi các nguồn lực bằng cách đầu tư trong nước và liên kết với các đồng minh và đối tác nước ngoài. Từ nền tảng đó, Mỹ có thể cạnh tranh bằng cách ngăn chặn những hoạt động mà Trung Quốc nhắm đến mục tiêu làm suy yếu lợi ích Hoa Kỳ; đồng thời xây dựng một liên minh mạnh luôn sẵn sàng đi cùng với Mỹ.

 

Cần nhắc lại, khi ông Joe Biden trở thành tổng thống, Bắc Kinh tin rằng thời của Mỹ bắt đầu tàn. Dưới thời Trump, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, không giấu được sự khoái trá khi nhận định rằng thế giới đang trải qua “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ.” Ông Tập coi việc ông Trump xa lánh đồng minh và đối tác của Mỹ, cách xử lý thất thường đối với đại dịch COVID-19 và việc coi thường các chuẩn mực dân chủ là bằng chứng cho thấy “phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang sụp đổ.”

 

Bắc Kinh không coi ông Trump là người cứng rắn và biết làm chính trị ngoại giao. Ông Trump sẵn sàng thỏa hiệp với Bắc Kinh về quyền tự trị ở Hồng Kông, về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, và thậm chí cả chính sách công nghệ và thuế quan, để đổi lấy những nhượng bộ có thể giúp cá nhân ông Trump giành được phiếu, chẳng hạn việc mua nông sản và năng lượng Trung Quốc ở các tiểu bang quan trọng của Mỹ.

 

Khi ông Biden nhậm chức, Tòa Bạch Ốc không vội vã ngoại giao với Bắc Kinh theo cách như chính quyền tiền nhiệm. Thay vào đó, họ lùi lại một bước, giảm các cuộc họp cấp cao và tạm dừng nhiều cuộc đối thoại không đạt kết quả. Họ tập trung vào việc xây dựng và chỉnh đốn sức mạnh Mỹ.

 

Trong nước, chính quyền Biden thông qua đạo luật mang tính bước ngoặt về khắc phục đại dịch, tái thiết hạ tầng, đầu tư công nghiệp chất bán dẫn và năng lượng sạch – giúp thúc đẩy phục hồi sau COVID-19, mang lại mức tăng trưởng cao nhất, lạm phát thấp nhất và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất so với hầu hết nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc bắt đầu khựng lại. Dự đoán của các nhà kinh tế về thời điểm Trung Quốc vượt Mỹ về GDP là nhiều thập niên nữa chứ không phải vài năm như những nhận định lạc quan trước đây.

 

Về đối ngoại, chính quyền Biden đưa các đồng minh và đối tác Hoa Kỳ đến gần nhau hơn thông qua AUKUS – hiệp ước an ninh ba bên giữa Úc, Anh và Mỹ; củng cố Bộ Tứ – Úc, Ấn Độ, Nhật và Mỹ. Washington đàm phán các thỏa thuận để mở rộng quyền tiếp cận quân sự của Mỹ tại Úc, Nhật, Papua New Guinea và Philippines; nâng cấp quan hệ với Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam; tổ chức các hội nghị thượng đỉnh chưa từng có với các nhà lãnh đạo ASEAN và các quốc gia khu vực Thái Bình Dương tại Washington; triệu tập loạt hội nghị thượng đỉnh ba bên (một với Nhật và Philippines; và một với Nhật và Nam Hàn).

 

Chính quyền Biden cũng ban lệnh kiểm soát xuất cảng chất bán dẫn, thiết lập những hình thức sàng lọc đầu tiên chưa từng có đối với đầu tư sang Trung Quốc, cấm chuyển dữ liệu cá nhân sang Trung Quốc và ký luật buộc tập đoàn ByteDance của Trung Quốc phải thoái vốn khỏi TikTok. Washington cũng mở cuộc điều tra về mức độ rủi ro mang lại từ xe điện do Trung Quốc sản xuất, đánh thuế một số lĩnh vực chiến lược và kêu gọi áp dụng thuế đối với thép và công nghiệp đóng tàu, đồng thời đưa nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất cảng. Washington cung cấp hàng tỷ đô la hỗ trợ an ninh cho Đài Loan, trong đó có việc lần đầu tiên cung cấp trang thiết bị từ kho dự trữ của quân đội Mỹ.

 

Khác biệt lớn nhất giữa hai ông Biden và Trump là chính sách đối với Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Với ông Trump, NATO không phải là liên minh quân sự quan trọng nhất của Mỹ, dù lịch sử hơn bảy thập niên Hoa Kỳ gắn bó với NATO đã chứng minh ngược lại. Ông từng nói rằng NATO là nơi làm cạn kiệt ngân khố Mỹ chẳng khác gì “một đám ăn bám.” Ông James G. Stavridis, đô đốc Hải Quân bốn sao nghỉ hưu, từng là chỉ huy tối cao của NATO từ năm 2009 đến năm 2013, nhận định: “Ở Châu Âu có nỗi lo sợ rằng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ dẫn đến việc Mỹ thực sự rút khỏi NATO. Đó sẽ là một thất bại to lớn về mặt chiến lược và lịch sử đối với đất nước chúng ta.”

 

                                                         ***

Không chỉ Châu Âu, Châu Á cũng lo lắng trước viễn cảnh Tòa Bạch Ốc bốc khói bởi vì những cơn giận bất chợt của ông Trump một khi ông “trở về.” Không phải tự nhiên mà Seoul đang thúc Washington gia hạn một thỏa thuận liên quan quốc phòng càng sớm càng tốt để tránh khả năng bị vướng mắc và mặc cả khó khăn hơn với chính quyền Trump nếu ông Trump thắng cử – tờ Politico ngày 21 Tháng Sáu cho biết. Đó là thỏa thuận chia sẻ chi phí song phương – được gọi là Thỏa Thuận Các Biện Pháp Đặc Biệt (Special Measures Agreement – SMA), liên quan chi phí “nuôi” 28,000 lính Mỹ đóng tại Nam Hàn (SMA hiện tại sẽ hết hạn vào cuối năm 2025).

 

Nam Hàn có lý do để lo. Ông Trump từng phàn nàn rằng Seoul “hầu như không chi một cắc” trong việc chia sẻ chi phí giúp nuôi quân đội Mỹ đóng ở nước họ, vốn nhằm giúp bảo vệ họ trước sự đe dọa Bắc Hàn. Ông Victor Cha, cựu giám đốc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đặc trách Nhật và Nam Hàn, nói rằng, nếu ông Trump thắng, ông ta sẽ vô hiệu hóa SMA ngay lập tức.

 

Một cách tổng quát, ông Donald Trump đang lên kế hoạch thực hiện mạnh hơn những gì dang dở trong nhiệm kỳ đầu nhằm thay đổi chính sách thương mại của Mỹ nếu ông trở lại nắm quyền vào năm 2025 – trong đó có cả việc áp thuế mới đối với “hầu hết hàng hóa nhập cảng.” Dù chính quyền Biden giữ nguyên mức thuế mà chính quyền Trump áp đặt đối với Trung Quốc, ông Trump phiên bản 2.0 có thể đi xa hơn, nỗ lực tách Mỹ khỏi Trung Quốc (cũng như phần còn lại của thế giới), trong bối cảnh mậu dịch song phương Mỹ-Trung trị giá $758 tỷ (hàng hóa và dịch vụ; tính đến năm 2022).

 

Ông Trump cho biết ông sẽ “ban hành những hạn chế mạnh mẽ mới đối với quyền sở hữu của Trung Quốc” (“enact aggressive new restrictions on Chinese ownership”) đối với nhiều loại tài sản ở Mỹ, cấm người Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, và từng bước thực hiện lệnh cấm hoàn toàn nhập cảng các danh mục hàng hóa do Trung Quốc sản xuất – như điện tử, thép và dược phẩm. “Chúng tôi sẽ áp đặt các hình phạt cứng rắn đối với Trung Quốc và tất cả các quốc gia khác khi họ lợi dụng chúng tôi,” ông Trump tuyên bố tại cuộc vận động tranh cử ở Durham, New Hampshire.

 

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Robert Lighthizer, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của ông Trump nhiệm kỳ một và rất có thể đóng vai trò quan trọng trong nội các “Trump 2.0,” đã giải thích về chương trình thương mại của ông Trump. Về cơ bản, nghị sự thương mại của ông Trump sẽ dẫn Hoa Kỳ “thoát khỏi” sự hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và “đóng cửa” nước Mỹ chặt hơn: Mỹ sẽ tự sản xuất phần lớn những gì thị trường Mỹ tiêu thụ và thực hiện các giao dịch trực tiếp với từng nước (one-on-one dealings). Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ vung tay mạnh hơn, dẫn với những hậu quả chấn động đối với thị trường việc làm trong nước Mỹ, tác động lên giá cả hàng hóa thị trường Mỹ lẫn thế giới, tạo ra những ảnh hưởng quan hệ ngoại giao và dẫn đến những xáo trộn hệ thống thương mại toàn cầu. [qd]

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats