Về
một cái chết trong trại tù cộng sản
Nguyễn Hữu Lễ
19 tháng 5, 2023
https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ben-tach-tra/ve-mot-cai-chet-trong-trai-tu-cong-san/
Cách đây 44 năm, anh ĐẶNG VĂN TIẾP, một Thiếu
tá của QLVNCH, là người anh kết nghĩa của tôi, bị tên sát nhân Bùi Đình Thi, một
Đại úy QLVNCH làm Trật tự trong nhà tù Thanh Cẩm, đánh chết tại chỗ trước mắt
tôi. Lúc đó một lũ cai ngục Việt cộng và gia đình của chúng bu quanh hò hét cỗ
vũ.
Anh ĐẶNG VĂN TIẾP đã chết ngay dưới gót chân của
tên sát nhân Bùi Đình Thi vào buổi sáng sớm hôm ấy. Sau đó tên sát nhân Bùi
Đình Thi lôi xác anh ĐẶNG VĂN TIẾP vất nằm chồng lên thân thể như cái thây ma bất
động của tôi.
Mặc dù đã 44 năm qua rồi, nhưng không năm nào
mà ngày 2 tháng 5 này không hành hạ tôi!
Ngày 2-5-2023, NGÀY GIỖ THỨ 44 của anh, tôi cố
gắng viết bài này, in ra và đặt trước di ảnh của anh ĐẶNG VĂN TIẾP thay cho nén
hương khi tôi đứng khóc và đôi mắt của anh TIẾP trong tấm ảnh đang nhìn thẳng
vào tôi!
Để hiểu chi tiết câu chuyện
thương tâm và đầy nhục nhã này, xin mời các bạn theo dõi một trích đoạn trong
Chương 12 của Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG dưới đây:
***
Mạng người thứ nhất
Hai tên Trật Tự Bùi Ðình Thi và Trương Văn
Phát, mỗi người một bên nắm lấy cổ tay tôi kéo lê về trại. Lưng và mông tôi lết
trên đường đá cục đau, đớn không thể tưởng tượng được. Chúng kéo tôi thẳng vào
sân trại và vất xác tôi nằm ngửa trên nền xi-măng của hội trường giữa sân. Nằm
yên một chốc, tôi đi vào cơn hôn mê. Tôi chẳng biết mình mê man bất tỉnh như thế
bao lâu vì lúc đó tôi đã mất hết ý niệm về thời gian.
Lúc chợt bừng tỉnh lại, tôi mở mắt ra và thấy
Bùi Ðình Thi đang cầm xô nước lạnh giội lên mặt tôi. Có lẽ những xô nước lạnh
đó đã làm cho tôi tỉnh lại. Vừa thấy tôi cử động, Bùi Ðình Thi vội đặt cái xô
xuống và nhanh như con hổ sợ con mồi vuột chạy mất, anh ta nhảy chồm lên, hai
tay túm lấy một cánh tay tôi kéo thẳng lên, đồng thời dùng gót chân đạp một
cách điên cuồng vào ngực, vào bụng tôi. Lúc đó miệng anh ta sùi bọt mép nghiến
răng trợn mắt nói như muốn hụt hơi: “Dm mày Lễ! Ăn cơm không muốn mày muốn ăn cứt!
Mầy muốn chết tao cho mầy chết!”
Cho tới ngày tôi chết, có lẽ tôi cũng không
quên câu này của Bùi Ðình Thi, vì đó là lần đầu tiên tôi nghe một giáo dân chửi
một linh mục bằng loại ngôn ngữ tục tằn như thế.
Ðánh đập chán chê, Bùi Ðình Thi bỏ tôi nằm
yên. Sau này mới biết anh ta quay sang “thăm” hai anh Ðặng Văn Tiếp và Nguyễn Sỹ
Thuyên đang nằm rải rác gần đó. Nằm yên một lúc tôi lại rơi vào cơn hôn mê một
lần nữa, cũng chẳng biết là kéo dài trong bao lâu. Khi bừng tỉnh lại, tôi thấy
Bùi Ðình Thi đang cầm hai chân tôi kéo lên các bậc thềm đúc bằng xi măng từ hội
trường lên khu kiên giam, lưng và đầu tôi va mạnh lốp bốp vào các bậc thềm. Sự
đau đớn thái quá đó làm tôi bừng tỉnh lại và nhờ đó tôi mới chứng kiến được một
cảnh tượng hãi hùng khác: Cảnh Bùi Ðình Thi đánh chết anh Đặng Văn Tiếp tại chỗ.
Cảnh tượng này đã in vào tâm trí tôi như một hình xâm trổ trên da thịt!
Cảnh tượng hãi hùng
Tôi bị kéo vào lại buồng 1 nằm quay mặt ra cửa.
Buồng này là nơi chúng tôi vừa đào tường vượt ngục đêm qua. Vừa quẳng tôi vô buồng,
Bùi Ðình Thi vội chạy ra đẩy anh Ðặng Văn Tiếp vào sân. Từ lúc thấy anh Tiếp bị
đánh ở bờ sông cho đến lúc đó là bao lâu, tôi cũng không thể đoán được và anh
Tiếp bị đòn nhiều ít thế nào tôi cũng chẳng hay. Tôi chỉ biết lúc này trông anh
còn khá hơn tôi, vì còn đi đứng được.
Chung quanh anh lố nhố một số cán bộ. Tôi nghe
có cả tiếng phụ nữ, chắc là vợ con cán bộ cũng chạy lên xem cảnh hành hạ tù vượt
ngục. Lúc đó tôi không biết ai đã quật anh Tiếp ngã xuống, nhưng tôi thấy rõ
Bùi Ðình Thi, VÀ CHỈ MỘT MÌNH BÙI ĐÌNH THI MÀ THÔI, nhảy chồm tới vồ lấy anh Tiếp.
Hắn dùng hai tay túm lấy một tay anh Tiếp kéo
lên và đứng bên hông anh Tiếp, hắn dùng gót chân dậm một cách điên cuồng lên ngực,
lên bụng anh Tiếp, giữa tiếng chửi bới cổ vũ hò hét điên cuồng của đám cán bộ
Việt cộng đứng vây quanh. Nằm nhìn cảnh ấy, tôi biết là anh Tiếp không thể nào
chịu nổi cú đòn hiểm độc này của Bùi Đình Thi. Một lúc sau tôi nghe anh Tiếp
kêu lên thật to: “Chắc con chết mất Mẹ ơi!” Tôi không ngờ đó là câu nói cuối
cùng của đời anh. Anh Ðặng Văn Tiếp đã chết ngay sau tiếng kêu đó!
Không ai có thể ngờ được cuộc đời đã từng
ngang dọc oai hùng của ĐẶNG VĂN TIẾP, một Thiếu tá Không Quân của QLVNCH, là một
Luật sư, là một Dân Biểu Quốc Hội, đã bị chấm dứt một cách đau thương, tức tưởi
như thế này vào một buổi sáng âm u ngày 2 tháng 5 năm 1979 trong nhà tù Thanh Cẩm,
lúc anh vừa 46 tuổi. Dĩ nhiên, chế độ Việt cộng là kẻ chủ trương, nhưng Bùi
Ðinh Thi đã thay cho chế độ tàn bạo đó giết chết Ðặng Văn Tiếp một cách thật dã
man! Người cộng-sản ném đá giấu tay, họ đã dùng tù giết tù. Nếu tôi không sống
sót, thì ai biết được để ghi lại thảm trạng đau đớn thương tâm và đầy nhục nhã
này trong ngục tù cộng sản?
Hôm nay, ngồi nhớ lại cảnh tượng này lòng tôi
đau nhói. Tôi có cảm tưởng như đang ngồi xem một đoạn phim chiếu những hình ảnh
méo mó, bệnh hoạn làm ruột tôi co thắt lại và tôi cảm thấy buồn nôn! Tôi chợt
nhớ lại một đoạn trong phim “Quo Vadis?” mà tôi đã xem qua. Ðó là cảnh một đám
khán giả khát máu trong một hí trường thời cổ đại La Mã đang la hét điên cuồng
cổ võ những con ác thú cắn xé các nạn nhân Thiên Chúa Giáo bị kết án tử hình được
vất cho chúng.
Nhớ lại cảnh thương tâm này, tôi phải ngưng lại
để nói chuyện với anh Tiếp, “Anh Tiếp ơi! Giờ này oan hồn anh đang ở đâu? Anh
có thấy được nước mắt nước mũi của em đang chảy dài ướt cả áo khi em ngồi đây
viết lên những hàng chữ này không? Mỗi năm vào ngày giỗ của anh, em tắt nghẹn khi
thắp hương trước di ảnh của anh, nhưng chưa bao giờ em khốn khổ như lúc này,
lúc mà em phải nhớ lại từng chi tiết về cái chết tức tưởi của anh.”
Đánh chết anh Đặng Văn Tiếp xong, Bùi Ðình Thi
lôi xác anh vào buồng và vất chồng lên người tôi. Lúc ấy tôi đang nằm như một
thây ma bất động dưới lối đi, nơi mà mấy tháng trước đây Ðại tá công-an Hoàng
Thanh đã đi qua để nhìn mặt chúng tôi. Tôi nằm ngửa, còn xác anh Tiếp mềm nhũn
nằm sấp lên người tôi. Trong tư thế đó, tôi là người thân yêu cuối cùng có mặt
để đưa tiễn anh Đặng Văn Tiếp về bên kia thế giới.
Xác anh Tiếp thật nặng đè lên người làm tôi ngạt
thở. Tôi cố vùng vẫy lật xác anh qua một bên để có thể hít thở nhưng tay tôi
không còn cử động được và tôi cảm thấy mình sắp chết ngạt đến nơi. Cũng may lúc
đó, có một cán bộ bước vào và tôi nghe tiếng của Bùi Ðình Thi nói:
– Thằng Tiếp nó chết rồi!
Cán bộ ra lệnh.
– Lôi xác nó lên!
Bùi Đình Thi lôi xác anh Tiếp lên bệ xi măng,
chỗ mà mọi ngày anh vẫn nằm, nhờ đó tôi không bị chết ngạt. Lúc thấy tôi còn cử
động và co đầu gối lên tựa vào tường, một tên cán bộ đã rút thanh sắt cài cửa
buồng, đập mạnh lên đầu gối bên trái, làm chân tôi gập xuống. Chân trái tôi bị
bại vì cú đòn đó.
Lúc nằm dưới lối đi nhìn lên, tôi còn thấy được
đôi bàn chân gầy gò, dính đầy bùn đất của anh Tiếp thò ra ngoài bệ xi-măng, và
đó là hình ảnh cuối cùng tôi thấy nơi một người anh kết nghĩa mà tôi hết lòng
yêu quý và kính phục. Thương quá anh TIẾP ơi!…
Auckland, New Zealand
Linh mục
Nguyễn Hữu Lễ
_____________
Tham khảo thêm:
Bùi Ðình Thi là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng
Hòa, sinh năm 1943, bị cáo buộc phạm tội tra tấn và giết tù nhân chính trị
trong thời gian bị tù ở trại tù Thanh Cẩm ở Việt Nam sau 1975, nơi ông Thi cũng
là một tù nhân. Nhiều cựu tù nhân Thanh Cẩm tố cáo ông Thi hoạt động như “tay
chân” cho các giám thị cai tù từ năm 1978 đến năm 1981.
Sau khi được ra tù, ông Thi cùng gia đình đến
Mỹ, theo diện H.O., và định cư tại Garden Grove từ năm 1994. Ở đây gia đình ông
sống âm thầm, ít giao du với cộng đồng trong một thời gian được khoảng ba, bốn
năm.
Thế nhưng những gì xảy ra tại trại tù Thanh Cẩm,
ở miền Bắc Việt Nam, bắt đầu đuổi kịp ông. Các nhân chứng, đa số là quân dân
cán chính của VNCH, sau 1975 trở thành tù nhân chính trị và tôn giáo, bị giam
cùng với ông dần dà lên tiếng tố cáo những hành vi của ông trong tù.
Ông Thi bị cáo buộc đã
đánh Thiếu Tá Ðặng Văn Tiếp, nguyên dân biểu Quốc Hội VNCH, đến chết, sau khi
ông Tiếp tìm cách vượt ngục. Ông Thi cũng bị tố cáo đánh một tù nhân khác tên
là Lâm Thành Văn, và sau đó để cho ông Văn chết đói.
Ðặc biệt, một người tù tìm cách vượt ngục
khác, là Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, cũng lên tiếng rằng ông bị ông Bùi Ðình Thi đánh đập dã man trong tù,
và kể lại chi tiết những hành động này trong cuốn hồi ký có tên “Tôi Phải Sống”.
Người đàn ông có tên Bùi Ðình Thi từng bị Tòa
Án Di Trú San Pedro ở California công bố lệnh trục xuất về Việt Nam vào cuối
tháng 4, năm 2004. Nhưng sau đó, không ai biết ông trôi dạt về đâu, và nhiều
nguồn tin nói rằng trên thực tế ông không phải về Việt Nam. Sở dĩ mọi người thắc
mắc không biết ông Thi được đưa đi đâu sau khi bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ là
vì thời điểm đó giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chưa có Thỏa Hiệp Trục Xuất, vì thế Việt
Nam có quyền từ chối không cho ông Thi nhập cảnh (Thỏa Hiệp Trục Xuất được hai
bên ký kết vào ngày 22 tháng 1 năm 2008, và có hiệu lực 60 ngày sau).
Được biết ông Bùi Ðình Thi được đưa sang
Marshall Islands vào đầu tháng 11 năm 2005, trong khuôn khổ của “Compact of
Free Association” (Thỏa ước Liên kết Tự do) ký kết giữa Hoa Kỳ và Marshall
Islands năm 1986, đánh dấu một tương quan mới giữa Hoa Kỳ và Marshall Islands,
qua đó, Marshall Islands có một chính phủ tự trị, nhưng nhận trợ giúp của Hoa Kỳ,
và giành quyền kiểm soát quân sự cho Hoa Kỳ. Ông ta qua đời ở đó.
Tháng 8 năm 2003 ông Bùi Ðình Thi bị Sở Di Trú
Hoa Kỳ khởi tố. Vào cuối tháng 4, năm 2004, ông Bùi Ðình Thi bị kết án, và thẩm
phán D.D. Sitgraves thuộc tòa án liên bang Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất khỏi Mỹ,
tuyên bố rằng ông Thi “vi phạm luật di trú Hoa Kỳ”.
Công tố viên John Salter, thuộc cơ quan Chấp
Pháp Di Dân và Hải Quan, phát biểu sau khi tòa án công bố phán quyết đối với
ông Bùi Ðình Thi, rằng các luật sư của ông đã tốn hàng trăm giờ đồng hồ để truy
tố ông Thi, và rằng “chúng tôi sẽ không đứng yên và để Hoa Kỳ trở thành nơi trú
ẩn an toàn cho những kẻ đã phạm trọng tội đối với loài người”.
Vụ án Bùi Ðình Thi khiến giới truyền thông cả
địa phương lẫn quốc tế, cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ, sôi nổi một thời. Trong bài
“Tòa Án Mỹ Xử Xong Vụ Bùi Ðình Thi”, đăng ngày 6 tháng 5, 2004, BBC đưa tin: “Lần
đầu tiên, Hoa Kỳ trục xuất một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa vì các cáo buộc
phạm tội tra tấn và giết tù nhân chính trị trong trại cải tạo ở Việt Nam sau 1975″.
No comments:
Post a Comment