Mỹ
– Trung lại đối thoại, Việt Nam có lo bị ‘rớt giá’?
19/05/2023
https://www.voatiengviet.com/a/my-trung-lai-doi-thoai-viet-nam-co-lo-bi-rot-gia-/7100583.html
Nhật – Hàn đã giảng hòa, Philippine đã “quay xe”,
Thái có thể trở về “ngôi nhà” dân chủ, Indonesia và Singapore đang là những trụ
cột trong Trật tự mới. Nhưng bạn có nhận ra bóng tối khổng lồ lắc lư tới lui,
đang muốn bao trùm lên Việt tộc...?
https://gdb.voanews.com/06a20000-0aff-0242-059e-08db06673d6e_w650_r1_s.jpg
Đã đến lúc các bên muốn
“nối lại các kênh liên lạc bình thường”. Biểu hiện của điều này là từ nhiều tuần
qua, hoạt động ngoại giao của cả hai nước đều cố gắng hướng tới việc “giảng
hòa”.
Nhiều dấu hiệu
cho thấy Mỹ muốn giảm căng thẳng với Trung Quốc. Sau khi kết
thúc hai ngày họp, gộp tất cả 8 tiếng đồng hồ, tại Vienna (Áo) giữa Cố vấn An
ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan và nhân vật cao cấp nhất của ngành
Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Washington
và Bắc Kinh mới chính thức thông báo sự kiện này. Thông cáo
của Nhà Trắng và đánh giá của Tân Hoa Xã giống nhau như hai giọt nước. Đôi bên
hài lòng vì “kênh liên lạc vẫn được duy trì”, vì đối thoại “thẳng thắn, có thực
chất và mang tính xây dựng”. Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu khép lại sự cố khinh
khí cầu do thám hồi tháng 2/2023 khiến ngoại trưởng Antony Blinken đã hủy chuyến
đi Bắc Kinh vào giờ chót. Giới quan sát quốc tế không ngạc nhiên trước hiện tượng
“tan băng” trong quan hệ song phương. Thậm chí đây là điều đã được báo trước
hàng tháng nay, và quả là điều cần thiết để tránh xảy ra bất kỳ một sự cố nào
giữa hai cường quốc.
Dấu hiệu hai nước bắt tay trở lại
Đã đến lúc các bên muốn “nối lại các kênh liên lạc bình thường”. Biểu
hiện của điều này là từ nhiều tuần qua, hoạt động ngoại giao của cả hai nước đều
cố gắng hướng tới việc “giảng hòa”. Washington không che giấu là nhiều quan chức
trong chính quyền Mỹ đang chuẩn bị sang Bắc Kinh (trong số này có từ các Bộ trưởng
Tài Chính và Thương Mại đến Ngoại trưởng Antony Blinken hay Đặc sứ về khí hậu của
Tổng thống Biden, ông John Kerry…) Về phía Trung Quốc, sau gần ba tháng đảm nhận
nhiệm kỳ thứ 3, ông Tập Cận Bình cũng có nhiều lý do, cả về ngoại giao lẫn kinh
tế, để “làm lành” với Hoa Kỳ. Các đường dây liên lạc giữa Washington và Bắc
Kinh, đặc biệt là về các vấn đề quốc phòng, phần lớn đã bị cắt đứt sau khi Hoa
Kỳ bắn hạ vật mà các quan chức Mỹ cho là một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc
vào tháng 2/2023. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã nhiều lần nói rằng họ
đang cố gắng khởi động lại liên lạc giữa hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin mới đây tuyên bố muốn gặp người đồng
cấp Trung Quốc, Tướng Li Shangfu (Lý Thượng Phúc) bên lề cuộc họp Quốc phòng Cấp
cao ở Singapore vào đầu tháng 6 tới đây. Ông Austin dự kiến sẽ đến Singapore
vào tháng tới để tham gia Đối thoại Shangri-la do Viện Nghiên cứu An ninh Quốc
tế (IINSS) tổ chức. Tuy nhiên, cuộc gặp giữa Lý và Austin đều chưa được thông
báo công khai. Nhưng một quan chức Hoa Kỳ cho biết Lầu Năm Góc vẫn đang trong
quá trình lập kế hoạch cho chuyến đi của Austin và nhấn mạnh rằng chính quyền
Biden đã thể hiện rất rõ ràng về "ý định tăng cường liên lạc" với
Trung Quốc "ở mọi cấp độ." Được biết Bộ trưởng Lý đã bị Mỹ trừng phạt
vào năm 2018 do liên quan đến vấn đề mua vũ khí của Nga. Nhưng Hoa Kỳ cho biết
các biện pháp trừng phạt ấy sẽ không ngăn cản các quan chức Hoa Kỳ gặp ông.
Theo người phát ngôn của Lầu Năm Góc, được Reuters dẫn lời hôm 12/5/2023, Bộ Quốc
phòng "tìm cách duy trì các đường liên lạc cởi mở với các nhà lãnh đạo
quân sự của CHND Trung Hoa, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng CHND Trung
Hoa." Cuộc họp giữa 2 Bộ trưởng Quốc phòng vào mùa hè này là một phần
trong những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các đường dây liên lạc chiến lược dựa
trên sự cam kết giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bali,
Indonesia, vào tháng hồi tháng 11/2022. Không chỉ nối lại đàm phán, Hoa Kỳ
còn sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với Trung Quốc và muốn tạo ra
các kênh liên lạc tốt hơn nữa giữa hai nước, theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Đại sứ Hoa Kỳ Nicholas Burns tại Bắc Kinh cho biết hôm 9/5, mối quan hệ của Hoa
Kỳ với Trung Quốc vẫn phức tạp và mang tính cạnh tranh, nhưng Washington không
tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh và tin rằng nhiều cuộc đối thoại hơn sẽ mang
tính xây dựng. Quan điểm của chúng tôi, theo đại sứ Burns, giữa hai chính phủ cần
có các kênh tốt hơn và sâu hơn để nói chuyện. Cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ càng phải
đối thoại khi đôi bên vướng phải vấn đề lớn và khi những bất đồng xuất hiện
trong mối bang giao. Chúng tôi chưa bao giờ ngại nói chuyện và chúng tôi hy vọng người
Trung Quốc cũng sẽ đồng ý với chúng tôi về vấn đề này.
Scott Kennedy, Cố vấn Cấp cao từ Trung tâm
Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ và Wang Jisi, Chủ tịch Sáng
lập Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh đã bỏ ra nhiều
tháng trời đi nghiên cứu thực địa tại cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Cả hai học giả này
cùng đứng tên trong một Báo cáo được gửi lên CSIS nói về vai trò của trao đổi học
thuật trong việc bình ổn quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc. Khi đề cập đến tâm lý của
mỗi bên trong căng thẳng thời gian qua, cả Bắc Kinh lẫn Washington đều tin rằng,
phía bên kia phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về xu hướng xấu đi trong quan hệ
và rằng, hành động của chủ yếu của họ là phản ứng hợp lý trước hành động gây hấn
vô lý của phía bên kia. Các quan chức Trung Quốc dường như bị thuyết phục rằng
mục tiêu của Washington, theo lời của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, là
“ngăn chặn, bao vây và đàn áp Trung Quốc”. Cũng theo quan điểm này, để duy trì
quyền bá chủ toàn cầu, Hoa Kỳ tìm cách giảm thiểu sự kìm kẹp quyền lực của
ĐCSTQ và hạn chế sự phát triển của Trung Quốc. Câu chuyện của Trung Quốc bắt đầu
với cáo buộc “can thiệp” của Hoa Kỳ vào Tân Cương và Hồng Kông vào những năm
2010, sau đó là các biện pháp trừng phạt và thuế quan của chính quyền Trump đối
với Huawei và các công ty công nghệ khác, vốn vẫn tiếp tục dưới thời chính quyền
Biden. Bắc Kinh rất hoài nghi việc Washington chấp nhận sự cai trị của Đảng Cộng
sản là hợp pháp.
Về phần mình, Washington lại tin chắc rằng Bắc Kinh muốn phá vỡ trật tự
quốc tế sau Thế chiến thứ hai được xây dựng dựa trên pháp quyền, nền kinh tế
toàn cầu dựa trên thị trường và hệ thống đồng minh của Hoa Kỳ. Tường thuật của
Hoa Kỳ bắt đầu với lời mời của Washington để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương
mại Thế giới (WTO) và trở thành một “cổ đông có trách nhiệm”. Theo quan điểm của
Mỹ, đó là một cử chỉ thân thiện mà Bắc Kinh về cơ bản đã từ chối bằng cách tiếp
tục trợ cấp không công bằng cho các công ty Trung Quốc, hạn chế các công ty của
Hoa Kỳ tiếp cận thị trường của Trung Quốc, đánh cắp tài sản trí tuệ, đàn áp
nhân quyền và thực
hiện các động thái quân sự hung hăng trên Biển Đông và các nơi khác.
Việt Nam liệu có bị “rớt giá”?
Các cơ quan nghiên cứu chính sách của Việt Nam cũng như của các thành
viên ASEAN chắc chắn sẽ theo dõi kỹ lưỡng bước ngoặt tới đây trong quan hệ
Trung – Mỹ. Quan hệ Việt – Mỹ, ASEAN – Mỹ rồi đây dù tiến triển theo hướng nào
thì cũng phải đặt các mối bang giao ấy trong quan hệ giữa hai cường quốc. Bàn cờ
Mỹ – Trung và sự vận động của chiến lược FOIP, đến lượt nó, là môi trường an
ninh và phát triển không chỉ của Việt Nam, mà của nhiều thành viên ASEAN khác.
Tuy nhiên, toàn bộ sự vận động của cục diện quốc tế chỉ được Hội nghị của Ban
Chấp hành Trung ương 7 gói gọn trong một câu “tình hình thế giới… đang và sẽ tiếp
tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức lớn
hơn so với dự báo cũng như so với các nhiệm kỳ gần đây”. Nhanh chóng, phức tạp
như thế nào, khó khăn, khó lường ra sao? Không thấy có bất cứ báo cáo nào được
trình bày và thảo luận tại Hội nghị Trung ương, nói chi đến việc thông tin cho
người dân được biết.
Tuy nhiên, ngay sau Hội nghị trung ương, Thủ
tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm
việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến ngày 21/5/2023. Trong khuôn khổ Hội nghị này,
Thủ tướng Phạm Minh Chính chắc chắn sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo
chủ nhà và các Trưởng đoàn nhiều nước. Một trong những Trưởng đoàn đáng quan
tâm nhất, hẳn nhiên là Tổng thống Mỹ. Lịch trình của ông Biden đã bị cắt ngắn,
vì những căng thẳng liên quan đến vấn đề nợ trần và ông phải sớm quay lại
Washington. Liệu ông Chính có mang thông điệp gì cụ thể cho ông Biden để Mỹ –
Việt sẽ có hội đàm chính thức bên lề G7? Nếu ông Chính không có một thông điệp
gì đặc biệt thì các kịch bản của bang giao Việt – Mỹ từ nay đến cuối năm vẫn
còn treo đấy, kể từ chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Biden.
Định mệnh, một
lần nữa, sẽ lại gõ cửa dân tộc Việt Nam? Không bị “rớt
giá” nhưng liệu chúng ta có tránh được nhỡ tàu? Lần thứ nhất, cuối những năm 70
thất bại trong việc bình thường hóa với Mỹ. Bước lùi này mất 20 năm kèm theo
phí tổn của hai cuộc chiến tranh biên giới. “Ơn” Trung Quốc! Chúng ta nhỡ tàu lần
thứ hai, khi cánh cửa WTO vừa hé mở, nhưng nghe theo chỉ dẫn của “bạn vàng” nhường
họ vào trước. Lần ấy, chúng ta mất hàng tỷ đô la! Lần thứ ba, tuy không phải do
ta, nhưng tính toán liên quan đến TPP không thành khiến chúng ta vỡ mộng. Còn lần
này? Lạy Chúa lòng lành! Trung Quốc đang run sợ trước
không gian Indo-Pacific tự do và rộng mở. Tại đó, Nhật – Hàn đã giảng
hòa, Philippine đã “quay xe”, Thái có thể trở về “ngôi nhà” dân chủ, Indonesia
và Singapore đang là những trụ cột trong Trật tự mới. Nhưng bạn có nhận ra bóng
tối khổng lồ lắc lư tới lui, đang muốn bao trùm lên Việt tộc, hòng huỷ diệt mọi
tiềm năng trong ta, chỉ trừ nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận? Tiếng gõ cửa của
“Định Mệnh” (Giao hưởng số 5) đang vang lên…
No comments:
Post a Comment