Thursday 11 May 2023

VẤN ĐỀ NÂNG TRẦN NỢ VẪN BẾ TẮC (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Vấn đề nâng trần nợ vẫn bế tắc

Hiếu Chân/Người Việt

May 10, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/van-de-nang-tran-no-van-be-tac/

 

Cuộc họp kín giữa Tổng Thống Joe Biden và lãnh đạo lưỡng viện Quốc Hội tại Tòa Bạch Ốc chiều Thứ Ba, 9 Tháng Năm, để thảo luận việc nâng trần nợ công, giúp nước Mỹ không rơi vào nguy cơ vỡ nợ, kết thúc mà không đạt được kết quả mong đợi. Cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào Thứ Sáu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/BL-Nang-Tran-No-1536x1024.jpg

Từ trái, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, Dân Biểu Kevin McCarthy, Tổng Thống Joe Biden, và Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer thảo luận nâng trần nợ hơm 9 Tháng Năm. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

 

Quan trọng nhưng không có đột phá

 

Theo tin truyền thông, Tổng Thống Biden (Dân Chủ) và Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa) rời cuộc họp mà không đạt được đồng thuận về chấm dứt bế tắc trong việc giải quyết trần nợ và chi tiêu của chính quyền liên bang chỉ vài tuần trước khi lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có nguy cơ không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính. Cả hai bên, Dân Chủ và Cộng Hòa, vẫn cương quyết giữ quan điểm riêng, trong đó ông Biden yêu cầu Quốc Hội tăng trần nợ vô điều kiện còn ông McCarthy nhấn mạnh việc tăng trần nợ phải đi kèm với các hạn chế chi tiêu của chính phủ.

 

“Tôi không thấy có bất kỳ chuyển động mới nào,” ông McCarthy nói với phóng viên sau cuộc họp. Ông nói ông đã nhiều lần hỏi Tổng Thống Biden có những khoản nào trong ngân sách liên bang có thể cắt giảm được nhưng “Họ không cho tôi bất kỳ thứ gì.”

 

Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), trưởng khối thiểu số Thượng Viện, khẳng định nước Mỹ sẽ không vỡ nợ. “Những gì chúng ta có ở đây là chúng ta sắp hết thời gian,” ông McConnell nói nhưng không đưa ra biện pháp nào để tháo gỡ bế tắc.

 

Về phía đảng Dân Chủ, Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), trưởng khối đa số Thượng Viện, cho biết trong cuộc họp, ông McCarthy từ chối đưa ra lời hứa rằng chính phủ Mỹ sẽ không vỡ nợ dù ông gợi ý hai bên nên ký kết một thỏa thuận trong hai tuần tới để có đủ thời gian cho Quốc Hội thông qua luật. Theo ông Schumer, ngân sách và trần nợ là hai chuyện riêng biệt, nhất quán với quan điểm của Tòa Bạch Ốc. Đó là Tổng Thống Biden yêu cầu Quốc Hội nâng trần nợ bằng một đạo luật độc lập (stand-alone), không ràng buộc vào việc cắt giảm ngân sách liên bang.

 

Chủ trì cuộc họp, ông Biden nói: “Tôi biết chúng ta có thời gian” để tránh vỡ nợ, nhưng ông không chắc Quốc Hội có ý chí để thực hiện hay không. Dù sao, ông Biden vẫn coi cuộc họp là “bổ ích” và khẳng định các nhà lãnh đạo sẽ họp lại lần nữa vào Thứ Sáu.

 

Thế là, cuộc họp quan trọng, được cả nước mong đợi, không đem lại thay đổi nào.

 

Bế tắc ở đâu?

 

Nước Mỹ hiện đang nợ khoảng $31.4 ngàn tỷ, do chi nhiều hơn thu, phải phát hành trái phiếu để vay mượn, kéo dài qua nhiều đời tổng thống của cả hai đảng. Mức $31.4 ngàn tỷ này gọi là “trần nợ” (debt ceiling) hay “giới hạn nợ” (debt limit) – tức là số nợ tối đa mà chính phủ Mỹ được vay mượn theo một đạo luật của Quốc Hội đã có từ đầu thế kỷ trước.

Hồi đầu Tháng Hai, bà Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính, cảnh báo nước Mỹ đã đụng trần nợ vào ngày Thứ Năm, 19 Tháng Giêng. Trong khi chờ Quốc Hội xem xét nâng trần nợ, Bộ Tài Chính sẽ áp dụng các “biện pháp đặc biệt” để vẫn có tiền chi dùng, nhưng chỉ có thể cầm cự tới hết Tháng Sáu. Nếu đến thời điểm đó, mà giới phân tích kinh tế gọi là “X-date,” Quốc Hội vẫn chưa cho nâng trần nợ thì Mỹ sẽ không có tiền trả cho người sở hữu trái phiếu, trả lương cho quân đội và người về hưu, bị coi là “vỡ nợ” hoặc “phá sản.”

 

Mới tuần trước, bà Yellen lại cho biết “X-date” có thể đến sớm hơn, vào ngày 1 Tháng Sáu, tức chỉ còn hơn 20 ngày nữa. Tình hình xem ra rất cấp bách, nếu các nhà lãnh đạo không thỏa thuận được biện pháp “nâng trần nợ” để chính phủ tiếp tục được vay mượn thì nguy cơ Mỹ bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử là hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Tuần trước, Hạ Viện do Cộng Hòa kiểm soát đề ra một kế hoạch nâng trần nợ đi kèm với cắt giảm khoảng $4.5 ngàn tỷ trong ngân sách liên bang trong 10 năm tới để giảm thâm hụt. Đảng Cộng Hòa thận trọng không đưa vào danh sách cắt giảm những khoản chi ngân sách đã được luật hóa cho những chương trình quốc gia như An Sinh Xã Hội (Social Security), Medicare, quốc phòng… mà tập trung cắt giảm những khoản chi “linh động” (discretionary spending) như hỗ trợ phát triển năng lượng sạch… Bốn mươi ba thượng nghị sĩ Cộng Hòa cũng ký một thư ngỏ, ủng hộ kế hoạch của đảng ở Hạ Viện. Nhưng theo giới phân tích, khối Cộng Hòa biết kế hoạch của họ sẽ không được thông qua ở Thượng Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát và không có cơ may được Tổng Thống Biden chấp nhận. Nhưng họ vẫn làm, một phần để kích thích đảng Dân Chủ đưa ra kế hoạch đối lại, một phần để có cớ đổ lỗi cho đảng Dân Chủ ngăn cản việc nâng trần nợ.

 

Tổng Thống Biden nhiều lần nói rằng, ông sẵn sàng ngồi vào bàn thảo luận với Chủ Tịch McCarthy những biện pháp giảm chi tiêu công, giảm thâm hụt ngân sách, như giảm chi phí mua thuốc kê toa của Medicare và tăng thuế thu nhập của tầng lớp giàu có, nhưng ông yêu cầu không gắn ngân sách với nợ công, giống như những đạo luật nâng trần nợ công mà Quốc Hội đã ban hành trước đây.

 

Tu Chính Án 14 có là lời giải?

 

Nếu chính phủ Mỹ mất khả năng thanh toán thì đó là thảm họa đối với nền kinh tế Mỹ và thế giới. Cố vấn kinh tế của tổng thống cảnh báo việc đó có thể khiến 8 triệu người bị mất việc làm, GDP có thể sụt giảm tới 6%. Bế tắc về trần nợ lại diễn ra vào thời điểm đặc biệt dễ bị thiệt hại của nền kinh tế Hoa Kỳ: Lãi suất cao, lạm phát, bất ổn ngân hàng, và chiến tranh ở Ukraine đã làm tăng nguy cơ suy thoái.

 

Trong tình hình bế tắc về quan điểm của hai đảng, có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng chính phủ Biden nên căn cứ vào Khoản 4, Tu Chính Án số 14 để bỏ qua giới hạn về trần nợ công, tức là Bộ Tài Chính có thể tiếp tục phát hành trái phiếu để có tiền thanh toán các nghĩa vụ tài chính của chính phủ như trả lãi vay, trả lương cho guồng máy công chức… mà không đợi Quốc Hội cho phép.

 

Khoản 4 Tu Chính Án thứ 14, thông qua vào Tháng Bảy, 1868, viết rằng “Giá trị pháp lý của những khoản nợ công của Hoa Kỳ, được luật pháp bảo đảm, kể cả những khoản nợ để trả phụ cấp và tiền thưởng cho việc trấn áp các cuộc nổi dậy và phiến loạn, sẽ không bị nghi vấn.”

 

Các chuyên gia pháp lý giải thích việc bảo đảm thanh toán nợ công đã được quy định trong Tu Chính Án 14, có vay thì phải trả, chính quyền liên bang có nghĩa vụ thi hành mà không đợi Quốc Hội cho phép. Và do vị trí pháp lý của Hiến Pháp cao hơn các đạo luật của Quốc Hội nên đạo luật về trần nợ 1917 không thể phủ định điều đó.

 

Hôm Thứ Hai, Hiệp Hội Quốc Gia Các Nhân Viên Chính Phủ (National Association of Government Employees) – một nghiệp đoàn các công chức liên bang – cũng phát đơn kiện Bộ Tài Chính và Tổng Thống Biden, yêu cầu chính phủ phải tuyên bố trần nợ là vi hiến, không thể thực thi được và ngăn chặn việc áp đặt trần nợ.

 

Tiếp xúc với báo chí sau cuộc họp chiều Thứ Ba, Tổng Thống Biden nói ông cùng các phụ tá cũng đang xem xét áp dụng Tu Chính Án thứ 14 để giải quyết vấn đề nợ công, nhưng ông không cho đó là biện pháp tốt mà chắc chắn nó sẽ xảy ra một cuộc tranh tụng pháp lý kéo dài giữa hành pháp và lập pháp.

 

Một hướng giải quyết khác là hai bên thống nhất một biện pháp nâng trần nợ “tạm thời,” – đến ngày 30 Tháng Chín chẳng hạn – ngày thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách cho năm tài chính mới 2023-2024 – để các thương thuyết gia của hai bên có thêm thời gian bàn bạc. Ông Biden tán thành cách gia hạn tạm thời này, nhưng phía ông McCarthy tỏ ra không mấy hào hứng.

 

Tổng Thống Biden nói ông “sẽ làm tất cả theo thẩm quyền” để tránh vỡ nợ và có thể ông phải đình hoãn chuyến công du Nhật dự hội nghị nhóm G7 tuần sau để ở nhà giải quyết vụ trần nợ. [đ.d.]

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats