Thursday, 11 May 2023

HOA KỲ SẮP VỠ NỢ : DO ĐẤU ĐÁ CHÍNH TRỊ GIỮA HAI ĐẢNG? (VOA Tiếng Việt)

 



Mỹ sắp vỡ nợ: do đấu đá chính trị giữa hai đảng?

VOA Tiếng Việt

10/05/2023

https://www.voatiengviet.com/a/my-sap-vo-no-do-dau-da-chinh-tri-giua-hai-dang-/7085242.html?withmediaplayer=1

 

Nếu Mỹ vỡ nợ thì sẽ ảnh hưởng nặng nề về kinh tế nhưng nó lại mang tính chính trị vì đó là kết quả sự đấu đá giữa hai Đảng, một kinh tế gia nói với VOA và cảnh báo nước Mỹ phải có kỷ luật về chi tiêu nếu không nợ công sẽ tăng mất kiểm soát.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-2b64-08db46acfafc_w1023_r1_s.jpg

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy phát biểu với phóng viên sau khi phe Cộng hòa thông qua gói nâng trần nợ công đi kèm với cắt giảm chi tiêu hôm 26/4 năm 2023

 

Nước Mỹ đã đụng trần nợ công – hiện ở mức 31,4 ngàn tỷ đô la – vào ngày 19/1 năm 2023. Mức nợ này tương ứng với 124% tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã áp dụng các hành động đặc biệt để tiết kiệm tiền mặt và để có thêm thời gian cho các bên đàm phán.

Nhưng các biện pháp này sẽ hết hạn vào ngày 1/6, có nghĩa đến lúc đó nếu trần nợ không được nới thì nước Mỹ sẽ vỡ nợ. Khi đó, Bộ Tài chính Mỹ trên lý thuyết sẽ không còn có thể trả lãi cho các trái chủ nắm giữ trái phiếu T-bill do họ phát hành, và không thể thực hiện các nghĩa vụ của chính phủ.


Hậu quả tai hại

Trao đổi với VOA từ Forth Worth, Texas, Giáo sư-Tiến sỹ
Khương Hữu Lộc, hiện giảng dạy MBA tại Trường sau đại học Keller về Quản lý, nói việc Mỹ có vỡ nợ hay không là do ý muốn chủ quan của chính quyền.

“Vỡ nợ có nghĩa là nước Mỹ không muốn trả chứ không phải không có khả năng trả,” ông giải thích. (00:50)

Ông nói rằng sở dĩ Mỹ áp đặt trần nợ công do Quốc hội phê chuẩn là vì ‘không muốn để nợ công cứ tiếp tục tăng mãi mà không có kiểm soát’ và chỉ ra một số nước như Nhật Bản hay Singapore, tỷ lệ mắc nợ của họ trên GDP ‘cao hơn Mỹ nhiều’.

“Mỗi lần nợ đến ngưỡng thì chính quyền phải xin phép Quốc hội cho nâng trần nợ lên. Nếu Quốc hội không cho thì vỡ nợ.”

Nước Mỹ đã từng suýt vỡ nợ hồi năm 2011 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Cuộc chiến về trần nợ giữa Nhà Trắng và Quốc hội khi đó đã khiến nước Mỹ lần đầu tiên bị Standard & Poor’s hạ bậc tín nhiệm. Trong khi đó, lãi suất T-bill tăng lên đã khiến chi phí đi vay của Mỹ tăng thêm khoảng 1,3 tỷ đô la chỉ trong năm tài chính 2011.

Giáo sư Lộc cho rằng nếu lần này nước Mỹ thật sự vỡ nợ thì ‘hậu quả sẽ vô cùng tai hại’, chẳng hạn như lãi suất vay mượn tăng lên, kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng, tiền thuế sẽ ít đi dẫn đến thâm thủng ngân sách, chính phủ không còn tiền nên phải đóng cửa…

“Ngoài ra nó còn ảnh hưởng dây chuyền đến thế giới. Nếu Mỹ vỡ nợ trong 2-3 tháng thì kinh tế thế giới sẽ đi vào suy thoái,” ông nhận định.



Vì sao nợ ngày càng nhiều?

Ông Lộc giải thích nước Mỹ trong nhiều năm chi nhiều hơn thu nên nợ công cứ phình ra. Ông chỉ ra trong giai đoạn 2014-2019, mức nợ công của Mỹ tương đương với GDP, tức là Mỹ thu vào một đồng thì đi vay một đồng. Nhưng từ năm 2019 cho đến nay mức nợ của Mỹ đã vượt quy mô nền kinh tế.

“Nợ công của Mỹ chỉ giảm nếu thu nhiều hơn chi, mà điều này chỉ xảy ra có một lần dưới thời Tổng thống Bill Clinton,” ông nói.

Phân tích về nợ công tăng cao của Mỹ, Giáo sư Lộc cho là do cả hai Đảng: Đảng Dân chủ chi tiêu quá nhiều trong khi Đảng Cộng hòa giảm thuế quá nhiều.

Mỹ chi tiêu quá nhiều là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, theo lời vị giáo sư này, khi chính quyền Donald Trump và tiếp đến là Joe Biden phải liên tục đổ tiền ra cứu trợ người dân, bào chế thuốc, hỗ trợ nền kinh tế lao đao, tổng cộng hết 6 ngàn tỷ đô la, trong đó gói cứu trợ cuối cùng trị giá 1,4 ngàn tỷ của chính quyền Biden bị chỉ trích là ‘không trợ giúp kinh tế được bao nhiêu mà còn làm gia tăng lạm phát’.

Bên cạnh đó, hai gói cắt giảm thuế cho nhà giàu, một gói dưới thời Tổng thống George W. Bush trị giá 2,3 ngàn tỷ và một gói 2,2 ngàn tỷ của Tổng thống Donald Trump ‘sau này xem lại thì thấy không hiệu quả vì nó tạo ra tăng trưởng không thấm vào đâu’ trong khi khiến ngân sách Mỹ bị thâm hụt quá nhiều, cũng theo lời ông Lộc.

Nếu cộng cả hai khoản giảm thuế và tăng chi tiêu này sẽ là 10,5 ngàn tỷ đô la. Đây cũng chính là số tiền khiến cho nợ công của Mỹ dôi lên trên mức 100% GDP, ông cho biết.

“Những gói giảm thuế hay chi tiêu cả ngàn tỷ đều xảy ra khi mà Tòa Bạch Ốc và cả lưỡng viện Quốc hội đều nằm dưới sự kiểm soát của một Đảng (hoặc Dân chủ hoặc Cộng hòa),” ông Lộc lưu ý.

Tuy nhiên, hiện trong Quốc hội đã có một số nhà lập pháp muốn tranh thủ việc nâng trần nợ công để thương lượng giải pháp về lâu dài. “
Nếu trần nợ công cứ liên tục được nới và nợ công cứ tăng liên tục như vậy thì chỉ trong vòng 20-30 năm nữa nó sẽ gấp đôi GDP và nước Mỹ sẽ khánh tận,” ông cảnh báo.

Hai đảng đấu đá

Ông lưu ý hiện nay Đảng Cộng hòa ở Hạ viện đề ra ba nguyên tắc để tăng trần nợ công là ‘giới hạn, tiết kiệm và tăng trưởng’ và nói rằng ông ủng hộ việc thiết lập kỷ luật về ngân sách theo đề xuất của Đảng Cộng hòa.

“Cứ theo lý mà phân tích thì nếu nhà mình đang thiếu tiền mà mình cứ tiếp tục vay mượn mà không giảm bớt chi tiêu thì đến một ngày nào đó sẽ vỡ nợ thôi,” ông giải thích.

Trong lịch sử, Quốc hội Mỹ đã nhiều lần sử dụng việc tăng trần nợ làm đòn bẩy để mặc cả với Nhà Trắng. Quốc hội thường tăng trần nợ không điều kiện chỉ khi tổng thống là người cùng đảng, như đã xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Hồi năm 2006, ông Barack Obama khi đó là Thượng nghị sĩ từ Illinois đã nói trước Thượng viện rằng ông sẽ không bỏ phiếu cho phép tăng trần nợ như ý muốn của Tổng George W. Bush nếu chính quyền Bush không giảm thâm hụt ngân sách. Năm năm sau, khi ông làm tổng thống, ông Obama đã phải đề nghị Quốc hội tăng trần nợ không kèm điều kiện. Ông Obama thừa nhận rằng ‘bỏ phiếu chính trị trái ngược với làm điều quan trọng cho đất nước’.

Ông Lộc thừa nhận khi ông Trump làm tổng thống thì khi đề xuất tăng trần nợ công của ông đều được Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đáp ứng mà không kèm điều kiện, khác với lúc này Đảng Cộng hòa gây áp lực với Tổng thống Biden.

Hiện tại khi chỉ còn ba tuần lễ nữa là đến hạn nước Mỹ vỡ nợ, ông cho rằng Nhà Trắng và Quốc hội phải đàm phán để hành động gấp vì ‘nước Mỹ không thể nào vỡ nợ’. “Trước hết là nâng trần nợ cái đã, còn các biện pháp lâu dài có thể đàm phán sau từ nay đến cuối năm,” ông đề xuất.

Tăng thu, giảm chi

Tổng thống Biden đã kêu gọi Quốc hội nới trần nợ hay đình chỉ nó mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Phe Cộng hòa tại Hạ viện cho biết họ sẽ không đồng ý nếu ông Biden không chịu rút bớt đáng kể chi tiêu liên bang và bãi bỏ các đạo luật quan trọng mà ông Biden xem là di sản.

Với tỷ lệ sít sao 217-215, phe Cộng hòa tại Hạ viện đã thông qua dự luật tăng trần nợ đồng thời cắt giảm một số chi tiêu. Tuy nhiên, dự luật của này Hạ viện chắc chắn sẽ chết ngay cửa của Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát.

Mặc dù Tổng thống Biden nói rằng ông kịch liệt phản đối dự luật của Hạ viện, ông có thể đồng ý cắt giảm chi tiêu đủ để cho ông Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện, có cái gì đó ăn nói với các thành viên trong Đảng của ông. Nhưng trở ngại khác là phe Cộng hòa đòi phải bãi bỏ một số thành tựu dấu ấn của chính quyền Biden – chẳng hạn như ngân sách cho môi trường và tăng chi tiêu cho Sở Thuế vụ. Điều đó là không thể chấp nhập với ông Biden nhưng lại là một yêu cầu then chốt đối với nhiều dân biểu Cộng hòa.

Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc cho rằng giải pháp lâu dài là vừa phải giảm chi tiêu theo đề xuất của Đảng Cộng hòa, vừa phải tăng thuế đối với người giàu theo ý muốn của Tổng thống Biden và Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, ông lưu ý trong giai đoạn này nếu tăng thuế quá mức thì sẽ ‘làm trì trệ nền kinh tế’. “Thay vào đó lúc này không giảm thuế nữa rồi đợi khi nào kinh tế vững chãi rồi mới tăng thuế lên từ từ,” ông đề xuất.

Về những chỗ cắt giảm chi tiêu của Đảng Cộng hòa, ông chỉ ra nếu thực hiện thì sẽ giúp gia tăng ngân sách quốc gia khoảng 4,8 ngàn tỷ đô la trong vòng 10 năm, ông dẫn số liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho thấy.

Ông nói ông ủng hộ ý kiến của Đảng Cộng hòa về việc bãi bỏ chương trình giảm nợ cho sinh viên của Tổng thống Biden vì ‘ngân sách quốc gia lúc này không có điều kiện miễn nợ cho sinh viên mà chỉ nên cho hoãn một thời gian’.

Ngoài ra các chương trình trợ cấp thất nghiệp, Medicaid trợ giúp y tế và food stamp (tức tem phiếu thực phẩm) cho người nghèo cũng sẽ phải cắt giảm, cũng theo lời vị giáo sư này, mặc dù ông không ủng hộ cắt chăm sóc y tế cho người già, tức Medicare, hay cắt trợ cấp cho cựu chiến binh. Gói chi tiêu khuyến khích kỹ nghệ xanh bị ông Lộc chỉ trích là ‘quá nhiều, quá ồ ạt, quá nhanh’ vì lúc này nước Mỹ vẫn đang lệ thuộc vào xăng dầu.

Ông chỉ ra trong ba tháng đầu năm nay đã có thêm 108 tỷ đô la đầu tư nước ngoài rời bỏ Trung Quốc sang Mỹ. “Nếu xu thế này tiếp tục thì sẽ giúp Mỹ khuếch trương kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia,” ông nói và lưu ý 42% ngân sách của Mỹ đến từ tiền thuế của người đi làm.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats