Thủ
tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị G7 mở rộng tại Hiroshima: cơ hội gì cho Việt
Nam?
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London,
19-05-2023
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pm_chinh_g7_vn_opportunities-05192023104743.html
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Phạm Minh Chính,
đang viếng thăm Nhật Bản để dự Hội nghị các nước công nghiệp phát triển (khối
G7) mở rộng, trong chuyến thăm từ ngày 19 – 21/5/2023. Chuyến thăm diễn ra theo
lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản, ông Kishida Fumio.
Thủ tướng Việt Nam Phạm
Minh Chính được đón khi đến Nhật ngày 19/5/2023.. AFP/Bộ Ngoại giao Nhật
Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn từ tòa Đại sứ Việt Nam tại Hà Nội cho
hay Việt Nam nằm trong số không nhiều các quốc gia được nước chủ nhà Nhật Bản lựa
chọn mời tham dự sự kiện lần này, một động thái được cho là thể hiện sự quan
tâm đặc biệt của Tokyo với Hà Nội.
Hôm 19/5, từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Iseas, Singapore, Tiến sỹ Nguyễn
Khắc Giang, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do một vài góc nhìn của ông về sự kiện
này
“Trước hết về việc Việt Nam được nước chủ nhà mời tham dự Hội nghị G7 mở
rộng, thì có thể thấy ngay rằng, lần thượng đỉnh này, ở Đông Nam Á, Nhật Bản
không chỉ mời Việt Nam mà cả Indonesia.
Cả hai nước đều là lãnh đạo chủ chốt ở khu vực và phần nào thể hiện vai
trò của mình trong nhiều diễn đàn đa phương. Do đó, việc Nhật Bản mời Việt Nam
và Indonesia tham dự thượng đỉnh, cùng với những đại diện khác đến từ các nước
đang phát triển, để cho thấy các nước G7 không chỉ thảo luận vấn đề với chính họ,
mà còn lắng nghe quan điểm đa dạng từ đại diện của các khu vực khác trên thế giới.
Là đối tác khu vực quan trọng của Nhật Bản, sự ghi nhận này sẽ được
đánh giá tích cực ở Hà Nội. Đối với Việt Nam, việc tham gia một sự kiện quan trọng
như vậy sẽ củng cố hình ảnh của trong khu vực, đặc biệt khi Hà Nội hướng đến
vai trò “cường quốc tầm trung”, chủ động hơn trên các diễn đàn quốc tế. Điều
này còn tạo điều kiện để Hà Nội trao đổi trực tiếp với các nhà lãnh đạo G7 về một
loạt các vấn đề, từ Chiến tranh ở Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu, đến rủi
ro an ninh ở Đông Á, đặc biệt là tranh chấp Biển Đông và Đài Loan.”
Về khía cạnh được cho là sự cân bằng hóa trong quan hệ, hợp tác đa lĩnh
vực giữa khối G7, gồm các quốc gia công nghiệp phát triển là Hoa Kỳ, Nhật Bản,
Anh, Pháp, Đức, Ý và Canada ở khu vực có tính đến yếu tố Trung Quốc, một cường
quốc hàng đầu thế giới đang ngày một vươn lên và khẳng định vị thế ở tầm khu vực
và toàn cầu, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang nhận định:
“Về vấn đề Trung Quốc, việc tham gia của Việt Nam và Indonesia có thể
mang lại góc nhìn cân bằng hơn cho G7. Cả hai quốc gia đều có mối quan hệ phức tạp
với Trung Quốc, là đối tác thương mại quan trọng nhất nhưng cũng có những tranh
chấp chủ quyền và biển đáng kể. Việt Nam là nước đi đầu trong việc ngăn chặn sự
hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và duy trì lập trường mạnh mẽ chống lại
tham vọng của Bắc Kinh. Indonesia, với tư cách là lãnh đạo chủ chốt của ASEAN,
đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc
tại các diễn đàn khu vực. Việc tham gia của Việt Nam và Indonesia, vì thế, có
thể giúp các quốc gia G7 hiểu rõ hơn về tính chất phức tạp trong việc đối phó với
Trung Quốc và ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực. Đối với Hà Nội và Jakarta,
đây là cơ hội lớn để truyền đạt những mối quan tâm về an ninh đối với các hoạt
động quân sự của Trung Quốc trong khu vực và tìm kiếm thêm hỗ trợ để nâng cao
năng lực, về mặt thương mại, quốc phòng hay an ninh hàng hải. Điều này đặc biệt
quan trọng trong trường hợp của Việt Nam.”
Bộ trưởng Tô Lâm trong
cuộc gặp với nguyên Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide tại Tokyo hôm 3/4/2023. ANTV
Quan hệ Việt – Nhật thế nào tại thời điểm hiện nay?
Về vấn đề quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản, nhà nghiên cứu thỉnh
giảng thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas) từ Singapore chia sẻ thêm:
“Trong thập kỷ qua, khi Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn ở Biển Đông
và gây ra ảnh hưởng chính trị và kinh tế đối với khu vực, Hà Nội đã tích cực
tìm kiếm đối tác để đối chọi tham vọng của Bắc Kinh. Là đối tác hàng đầu của Việt
Nam trong khu vực, Nhật Bản đóng vai trò then chốt trong chiến lược phòng bị
(hedging) của Việt Nam.
Mặc dù quan hệ Việt Nam-Nhật Bản chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực
kinh tế trước năm 2010, nhưng kể từ nhiệm kỳ thứ hai của cố Thủ tướng Nhật Bản
Shinzo Abe, hai quốc gia đã mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực chiến lược khác,
đặc biệt là an ninh hàng hải và hợp tác tại các diễn đàn đa phương, nhờ mối lo
ngại chung từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Từ góc độ địa chính trị, Nhật Bản đóng vai trò mỏ neo trong chính sách
đối ngoại đa phương để tránh bị buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, trong
khi Nhật Bản xem Việt Nam là đối tác khu vực chính trong việc chống lại sự tăng
cường ảnh hưởng của Bắc Kinh.”
Trước câu hỏi có khía cạnh nào mà việc tăng cường hợp tác song phương
Việt – Nhật cần ưu tiên, chú trọng, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang nêu quan điểm:
“Theo tôi, về khía cạnh này, cần chú trọng vào hai mặt. Đầu tiên, bên cạnh
việc tăng cường đầu tư và chuyển giao công nghệ, đặc biệt tăng cao sau làn sóng
doanh nghiệp Nhật rút khỏi thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây, Nhật
Bản có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề thiếu hụt cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Sáng
kiến "Cơ sở hạ tầng chất lượng cao" (Quality Infrastructure) của Nhật
Bản, một lựa chọn thay thế tốt cho Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung
Quốc, có thể giải quyết tốt hơn nữa vấn đề thiếu hụt cơ sở hạ tầng nghiêm trọng
của Việt Nam. Ngoài ra, việc giải quyết các vấn đề kinh niên của các dự án cơ sở
hạ tầng do Nhật Bản tài trợ ở Việt Nam - đặc biệt là chậm trễ hoàn thành, chi
phí đầu tư cao và vượt quá dự toán - cũng cần được ưu tiên xử lý.
Thứ hai, Nhật Bản cần cung cấp hỗ trợ cho cải cách thể chế ở Việt Nam
hướng tới một nền kinh tế mang tính thị trường cao hơn. Là nền kinh tế thị trường
hàng đầu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhật Bản là mô hình lý tưởng
cho những nỗ lực cải cách kinh tế của Việt Nam, giảm bớt vai trò của doanh nghiệp
nhà nước và nâng cao năng lực cho khối ngoài nhà nước. Điều này cực kỳ quan trọng
khi cuộc tranh luận về cải cách thể chế ở Việt Nam vẫn còn có nhiều khúc mắc giữa
mô hình nhà nước dẫn dắt của Trung Quốc với một mô hình kinh tế cởi mở, tự do,
và dựa nhiều vào doanh nghiệp tư nhân hơn.”
Một góc phố ở Nhật. Ảnh AFP
Nhu cầu tương hỗ Nhật – Việt, cái nhìn từ Tokyo
Cũng trong dịp này, hôm 19/5 từ Tokyo, Nhật Bản, nhà báo, nhà quan sát
thời sự, chính trị Đỗ Thông Minh chia sẻ góc nhìn của mình từ Thủ đô Nhật Bản về
sự kiện hội nghị thượng đỉnh G7 nói chung, G7 mở rộng và quan hệ song phương Nhật
Bản – Việt Nam nói riêng.
“Trước hết tôi phải nói rằng sau nhiều biến động quốc tế và khu vực, về
các mặt kinh tế, chính trị, an ninh, thương mại, quốc phòng, cho đến công nghệ…
gần đây, đây là một hội nghị thượng đỉnh rất quan trọng đối với nhóm bảy quốc
gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới và cả với những quốc gia là khách
mời tham dự, nhiều vấn đề và thách thức ở tầm vóc quốc tế, toàn cầu và khu vực
sẽ được đem ra thảo luận.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, theo nghị trình tại
G7 mở rộng, sẽ tham dự ba phiên thảo luận quan trọng bàn thảo các chủ đề
là ‘Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng’, Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững’
và ‘Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng, và ông cũng được dự
kiến sẽ tham gia hoạt động về ‘Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu
của khối G7’; cũng như sẽ có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo
các nước, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh
G7.
Ông Thủ tướng của Việt Nam cũng được chờ đợi sẽ có cuộc hội đàm với người
đồng cấp bên phía Nhật Bản là Thủ tướng Kishida Fumio, người đã mời ông Phạm
Minh Chính đến Hiroshima, để cùng thảo luận về hợp tác song phương cũng như các
vấn đề khu vực, quốc tế mà cả Hà Nội và Tokyo đều quan tâm; đặc biệt ông Chính
theo nghị trình sẽ dự và có phát biểu tại cuộc Tọa đàm với lãnh đạo các doanh
nghiệp lớn của Nhật Bản, cũng như sẽ có các cuộc tiếp những tổ chức kinh tế,
doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước chủ nhà.
Tôi nghĩ đây là một dịp tốt mà Nhật Bản đã tạo điều kiện cho Việt Nam để
Việt Nam có cơ hội củng cố, mở rộng, làm sâu sắc các hợp tác an ninh và phát
triển của mình tại khu vực và mở ra với quốc tế.
Tôi xin nói thêm rằng với quan hệ song phương Nhật – Việt, hai bên đều
đang rất cần nhau, Việt Nam cần sự giúp đỡ của Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực từ
hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp, đầu tư, tới an ninh, quốc phòng, đặc
biệt là an ninh trên biển, và kể cả những hợp tác về thông tin tình báo trong
những lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh, cũng như lâu nay Nhật Bản đã hoạt động
trao đổi, hợp tác trong nhóm ‘Ngũ nhãn’ (Five Eyes).
Đặc biệt, Nhật Bản có thể giúp đỡ Việt Nam trên phương diện củng cố an
ninh bờ biển, Nhật Bản có thế mạnh và kinh nghiệm đóng tàu, ngoài việc giúp đỡ
một số quốc gia trong khu vực như Philippines ở Đông Nam Á, Nhật Bản trong nhiều
giúp đỡ khác đã và đang tiến hành và bàn thảo, cũng giúp đỡ cho Việt Nam về các
phương tiện tàu thuyền tuần duyên để giúp tăng cường sức mạnh này cho Việt Nam
trước những mối đe dòa tiềm tàng từ Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngoài ra, thủ tướng Kishida Fumio tiếp nối chính sách của người tiền
nhiệm, cố Thủ tướng Abe Shinzo, cũng có kế hoạch tăng tỷ lệ ngân sách quốc
phòng của Nhật Bản, và đẩy mạnh khả năng hỗ trợ hợp tác về công nghiệp, công
nghệ quốc phòng, trong đó có cả một số loại vũ khí cho một số quốc gia đối tác
trên thế giới và ở khu vực, tôi nghĩ sau những gì xảy ra ở Ukraine với những điều
mà mọi người biết được về thực lực quân sự, công nghệ quốc phòng, vũ khí của
Nga, thì nhiều nước, không riêng Việt Nam, có thể quan tâm tới những kế hoạch
và khả năng giúp đỡ, hỗ trợ, hợp tác về những khía cạnh này của Nhật Bản, khi
Nhật Bản bên trong thì tăng cường thực lực quốc phòng, còn bên ngoài, thì cũng
muốn vươn ra giúp đỡ, hỗ trợ các đối tác của mình, còn các nước đó, trong đó có
Việt Nam muốn đa dạng hóa kho vũ khí, các chủng loại vũ khí ‘trong kho’ của
mình.
Tôi nghĩ Nhật Bản cũng đang rất cần Việt Nam, trước sự vươn lên ‘hung
hăng’, ‘quyết đoán’ và có phần ‘đe dọa’ của Trung Quốc, quốc gia mà nay là một
đối thủ cạnh tranh về nhiều mặt đối với Nhật Bản ở khu vực và cũng là một mối
nguy khó lường về an ninh trên biển của nhiều quốc gia khác ở cả khu vực Đông
Á, lẫn Biển Đông, Đông Nam Á, chưa kể trên bình diện an ninh khu vực Ấn Độ
Dương – Thái Bình Dương.
Tôi nghĩ thượng định G7 sẽ có đề cập một số vấn đề quan trọng, nhưng mục
tiêu chính, việc chính là làm sao giúp cho tiến tới một thế giới hòa bình, ổn định
và thịnh vượng, hợp tác xử lý tốt cùng nhau những khủng hoảng, trong đó cả Nhật
Bản và Hoa Kỳ là hai quốc gia trong một trục chính lúc này giúp kéo các nước đi
theo một hướng đi tốt để cùng giải quyết các thách thức, khủng hoảng đó, bên cạnh
vấn đề hướng tới hòa bình và thịnh vượng như đã đề cập.
Riêng đối với ông Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, thì trong các tiếp xúc,
gặp gỡ được kỳ vọng, trong đó có gặp gỡ với nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ
một số quốc gia hàng đầu về công nghiệp trên thế giới và khu vực, các cuộc gặp
của ông với phía Nhật Bản hay với phía Mỹ là hai trong số sự kiện được quan tâm
tại kỳ G7 mở rộng năm 2023 này tại Hiroshima đối với công chúng quan tâm về Việt
Nam,” ông Đỗ Thông Minh nói với Đài Á Châu Tự do hôm thứ Sáu từ Tokyo.
Còn truyền thông chính thống Việt Nam cùng ngày đưa tin cho hay: “Chuyến
công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng trong
bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973 - 2023).
Chuyến đi thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ song
phương. Việt Nam đã ba lần được mời đến hội nghị G7 mở rộng. Lần đầu tiên là
vào năm 2016, cũng vào năm Nhật Bản giữ chức chủ tịch của nhóm,” báo Tuổi Trẻ
online hôm 19/5/2023 cho biết.
Lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam đại diện cho quốc gia
Đông Nam Á, với dân số lên tới 100 triệu, tham dự hội nghị G7 mở rộng.
No comments:
Post a Comment