Tại sao Đài Loan đang mất dần
đồng minh?
Tạ Hà Chi, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/05/18/tai-sao-dai-loan-dang-mat-dan-dong-minh/
Trung Quốc đang dần thu hút các đồng minh của hòn đảo
này thông qua chính sách “ngoại giao ngân phiếu”
.
Các sản phẩm từ Đài Loan đang giúp vận hành mọi
thứ, từ iPhone và tủ lạnh cho tới tên lửa đạn đạo. Hòn đảo này sản xuất tới hơn
60% lượng chip bán dẫn trên toàn thế giới. Đồng thời, chính nó cũng đóng vai
trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường Trung – Mỹ. Dù có vị
trí quan trọng như vậy, nhưng chỉ có một ít quốc gia công nhận chính phủ Đài
Loan. Hiện chỉ có 13 quốc
gia có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, chủ yếu là các quốc gia nhỏ ở vùng
Caribbean, Mỹ Latinh và Thái Bình Dương. Và con số này đang giảm dần: kể
từ năm 1990 đến nay đã có ít nhất 15 quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với
Đài Loan – trong đó gần đây nhất là Honduras vào ngày 25 tháng 3 – và khoảng 50
quốc gia đã làm như vậy trong những năm 1970. Vậy tại sao hòn đảo này lại đang
mất dần đồng minh?
Câu trả lời nằm ở sự đối đầu kéo dài của Đài
Loan với Trung Quốc. Hòn đảo này từng là thuộc địa của Nhật Bản trong 50 năm
trước khi được trao trả lại cho chính quyền Trung Hoa Dân Quốc sau thất bại của
chính Nhật Bản trong Thế chiến 2. Sau khi thua trong cuộc nội chiến với Đảng Cộng
sản, chính quyền này buộc phải chạy ra đảo Đài Loan và vẫn tuyên bố mình là
chính phủ hợp pháp của toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc
không thừa nhận điều này. Họ kiên định với quan điểm rằng Đài Loan là một phần
của lãnh thổ Trung Quốc và chỉ có Đảng Cộng sản mới có quyền lãnh đạo Trung Quốc.
Họ cũng từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia công nhận tuyên bố
của Đài Loan. Sau khi Liên Hợp Quốc trục xuất Đài Loan vào năm 1971 và trao cho
chính quyền Bắc Kinh vị trí thường trực trong Hội đồng Bảo an, thêm nhiều quốc
gia đã từ bỏ Đài Loan. Mỹ cũng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này
vào năm 1979 khi công nhận chính quyền Bắc Kinh.
Khi mới bắt đầu, cuộc cạnh tranh ngoại giao
này là về việc ai lãnh đạo Trung Quốc. Cả hai chính phủ đều chấp nhận việc Đài
Loan là một phần của Trung Quốc, quốc gia mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền.
Nhưng, trải qua nhiều năm, Đài Loan đã thay đổi. Họ đã từ bỏ hy vọng chiếm lại
đại lục từ lâu và không còn tuyên bố chủ quyền với đại lục nữa. Vì vậy, họ chấp
nhận việc các quốc gia có mối quan hệ ngoại giao với họ lẫn chính quyền Bắc
Kinh. Nhưng đó sẽ là một sự đe doạ đối với Trung Quốc vì điều này sẽ ủng hộ ý
tưởng cho rằng Đài Loan về mặt luật pháp cũng như về mặt thực tiễn, kể từ năm
1949, đã là một quốc gia độc lập.
Kể từ đó, Trung Quốc đã giành giật những đối
tác chính thức còn sót lại của Đài Loan, phần nào bằng “ngoại giao ngân phiếu”
– cung cấp cho các quốc gia này tiền mặt hoặc những khoản vay để đổi lấy sự
trung thành. Ví dụ như với Honduras, quốc gia này từng tuyên bố sẽ cắt đứt quan
hệ với Đài Loan vì đang “ngập” trong nợ và muốn nhận khoản đầu tư thêm mà Trung
Quốc cung cấp. Trung Quốc đã chấm dứt thời kỳ “đình chiến” trong cuộc chiến
tiêu hao về ngoại giao của mình khi bà Thái Anh Văn – một tổng thống có tư tưởng
độc lập, đắc cử tại Đài Loan vào năm 2016.
Trung Quốc cũng sử dụng nhiều phương pháp ngầm
hơn để lôi kéo các đồng minh của Đài Loan. David Panuelo, tổng thống sắp mãn
nhiệm của Micronesia – quốc gia hiện công nhận Trung Quốc, nhưng đang xem xét
chuyển sang công nhận Đài Loan – mô tả những đề nghị hối lộ của Trung Quốc dành
cho các chính trị gia, trong đó bao gồm việc đưa phong bì tiền và cung cấp những
chuyến đi bằng máy bay riêng. Trung Quốc có thể thu hồi củ cà rốt, nhưng cũng
có thể chìa chúng ra. Một lựa chọn nữa là chuyển hướng các đoàn khách du lịch
chi tiêu hào phòng của họ sang nước khác. Khi củ cà rốt không phát huy tác dụng,
cây gậy sẽ xuất hiện. Ông Panuelo tuyên bố đã phải nhận những lời đe doạ tới an
toàn cá nhân của mình từ các quan chức Trung Quốc.
Đài Loan cũng không ngần ngại sử dụng củ cà rốt
của riêng mình. Vào tháng 3 năm 2023, hòn đảo này đã hứa tặng Micronesia một
món quà trị giá 50 triệu đô la Mỹ, cộng thêm với một khoản thanh toán hàng năm
trị giá 15 triệu đô la, để quốc gia này chuyển sang công nhận Đài Loan. Những bức
điện ngoại giao của Mỹ do Wikileaks tiết lộ khẳng định rằng Đài Loan đã chi trả
cho các quan chức chính phủ Nauru, một đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, một khoản
trợ cấp hàng tháng để đổi lấy sự hỗ trợ. Và cũng như Trung Quốc, Đài Loan cũng
tài trợ học bổng theo học tại các trường đại học của họ cho con của các nhà
lãnh đạo nước ngoài.
Theo Graeme Smith tại Đại học Quốc gia
Australia ở Canberra, với rất ít các đồng minh ngoại giao, Đài Loan có thể chi
tiêu mạnh tay hơn cho các nước này, nhưng đã không còn những ngày mà Đài Loan
có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong một cuộc chiến giành giật sự công nhận
ngoại giao – như hồi những năm 1970, khi nền kinh tế phát triển nhanh chóng của
họ được mệnh danh là “phép màu Đài Loan”. Hiện nhiều quốc gia phụ thuộc vào
Trung Quốc về thương mại, khiến cho mối đe doạ kinh tế từ quốc gia này đáng lo
ngại hơn nhiều so với mối đe doạ từ Đài Loan. Với chiếc ví ngày một dày hơn của
Trung Quốc, Đài Loan có thể sẽ phải hy vọng dựa vào các mối quan hệ lịch sử để
giúp duy trì lòng trung thành của các đồng minh ngoại giao ít ỏi còn lại.
Mặc dù Đài Loan đang mất dần sự công nhận
chính thức, nhưng các đồng minh không chính thức đã tăng cường hỗ trợ cho hòn đảo
này. Trên lý thuyết, Đài Loan có thể tồn tại mà không cần sự công nhận chính thức,
nhờ vào các nguồn hỗ trợ không chính thức, đặc biệt là từ Mỹ. Nhà Trắng đang
thuyết phục các quốc gia hiện vẫn công nhận Đài Loan, đặc biệt là các quốc gia
tại Mỹ Latinh, tiếp tục duy trì sự công nhận này. Mỹ nói rằng họ sẽ tuân thủ Đạo
luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, vốn bắt buộc Mỹ phải giúp Đài Loan tự vệ. Nhưng
Tổng thống Joe Biden dường như còn đi xa hơn khi nói rằng quân đội Mỹ sẽ bảo vệ
Đài Loan khỏi bất kỳ một “cuộc tấn công bất ngờ” nào. Điều đáng lo ngại là khả
năng đó không còn xa vời nữa.
.
Nguồn: “Why is Taiwan losing its friends?”, The
Economist, 28/03/2023.
No comments:
Post a Comment