Tuesday, 2 May 2023

NGƯỜI TRUNG QUỐC PHẢN ỨNG và TRANH CÃI XUNG QUANH CÁC PHÁT BIỂU CỦA KUBIN VỀ VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI TRUNG QUỐC (Nguyễn Hải Hoành)

 



Người Trung Quốc phản ứng và tranh cãi xung quanh các phát biểu của Kubin về văn học đương đại Trung Quốc    

Nguyễn Hải Hoành  

26-4-2023 21:06    

https://www.facebook.com/haihoanh.nguyen/posts/pfbid0saxjNMXD9cPqx7cwwUUaCKZupeWxk13vYDWG7g9V5fwNFXSFmWeNnXA2k7hkt7Tzl

 

Cách đưa tin xuyên tạc "Kubin nói văn học đương đại Trung Quốc đều là rác rưởi" nhằm câu khách của Báo Buổi sáng Trùng Khánh đã gây ồn ào dư luận Trung Quốc. Nhân dân nhật báo phê phán báo này đưa tin giả, rất có hại, nghiêm trọng bóp méo hình ảnh văn học Trung Quốc và gây ra « hiệu ứng con bướm ». Tuy vậy, các phát biểu tiếp theo của Kubin đã làm cho người Trung Quốc đều sững sờ, một số học giả, nhà văn lên tiếng phản ứng, bùng lên một cuộc tranh cãi chưa từng có ở Trung Quốc.

 

GS Trần Bình Nguyên (ĐH Bắc Kinh) nói Kubin phê bình văn học đương đại Trung Quốc nhằm phỉnh phờ lấy lòng quần chúng, không đáng để xem xét ; tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc nổi tiếng đều được dư luận trong nước đánh giá rất cao, như Tô tem sói được khen hay, thế mà Kubin lại nói là có màu sắc phát xít, làm người Trung Quốc bẽ mặt. Kubin đã « vượt giới hạn », có lẽ vì người Trung Quốc quá khiêm tốn nên Kubin mới có thể phê bình quá lời như thế.

 

GS Trần Hiểu Minh (ĐH Bắc Kinh) nói văn học đương đại Trung Quốc không phải đều là rác rưởi mà một số tác phẩm đã đạt độ cao chưa từng thấy trong 60 năm qua. Ông phản đối sự đánh giá của Kubin và nói người Trung Quốc phải có lập trường của mình, chỉ học giả Trung Quốc mới có thể đánh giá văn học đương đại Trung Quốc – nhưng quan điểm này bị một số đồng nghiệp phản đối.

 

Đặc biệt bài của Kubin « Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện và cuộc khủng hoảng văn học » đăng trên Nguyệt san Minh báo (Hong Kong, 8/2013) đã gây ra nhiều phản ứng, chủ yếu do Kubin đánh giá thấp Mạc và Cao. Báo này số tiếp sau đã đăng liền 4 bài phản bác Kubin, trong đó bài viết dài của Lưu Tái Phục công kích Kubin với từ ngữ nặng nề, chụp mũ Kubin là « tên thực dân » to mồm xỉ vả văn học Trung Quốc để phỉnh phờ lấy lòng dân Trung Quốc.

 

Thái độ của Lưu Tái Phục bị một số học giả phê phán. Lưu Kiến Quân cho rằng Kubin nhận xét Mạc Ngôn rất chính xác. Lý Nhuệ viết trên Bắc phương tân báo (8/6/2015) : Một người nước ngoài không quản xa xôi đến Trung Quốc đưa ra những ý kiến sắc bén, chính xác và chân thành, đó là tinh thần phê bình văn học mà ta đang thiếu, ta nên cảm ơn, học tập và khen ngợi. Thế mà Lưu Tái Phục lại viết một bài dài chẳng có lý luận gì để bác bỏ, chửi bới Kubin.

 

GS Tiêu Ưng ở Khoa Triết ĐH Thanh Hoa cho rằng ý kiến của Kubin đánh trúng chỗ hiểm của văn học đương đại Trung Quốc. Ngụy Dục Thanh nói : trình độ ngoại ngữ của nhà văn Trung Quốc sau thập niên 60 kém xa các nhà văn thập niên 30, tuy thế hệ trẻ hiện nay đã khá hơn. Ông đặc biệt tán thành việc Kubin coi trọng ngôn ngữ, Ngôn ngữ quan trọng ở chỗ không chỉ là công cụ truyền thông tin mà còn ảnh hưởng tới tư duy.

 

Lý Nhuệ có nhiều điểm tương đồng với Kubin, ví dụ như nhận xét về Kim Dung, Mạc Ngôn. Lý nói giới văn học Trung Quốc rất coi trọng các giải thưởng của nước ngoài, sau khi Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn, ai phê bình ông ấy thì bị coi là đại nghịch vô đạo. Khi người Pháp gốc Hoa Cao Hành Kiện nhận giải Nobel Văn, người Trung Quốc im thin thít, chỉ Kubin dám nói tác phẩm của Cao « rất xoàng ». Giới văn học Trung Quốc sùng ngoại, thích nghe người nước ngoài khen mình, nhưng khi mình bị họ phê bình thì lại ghét cay ghét đắng họ.

 

Mấy chục năm nay văn học Trung Quốc phát triển như vũ bão về số lượng tác giả và tác phẩm nhưng không được người Trung Quốc ưa thích, tuy vậy vì giới phê bình văn học chỉ một chiều ca ngợi nên người Trung Quốc không biết nói gì. Nay có người nước ngoài công khai phê phán nên họ mới quan tâm và tranh cãi.

 

Phần lớn dân mạng Trung Quốc đánh giá thấp văn học đương đại Trung Quốc, nghiêng về « Thuyết rác rưởi ». Báo Buổi sớm Bắc Kinh 9/11/2011 cho biết theo kết quả một cuộc điều tra, 89,9% dân mạng nói văn học đương đại Trung Quốc chưa đạt tới « độ cao chưa từng thấy », chủ yếu do chất lượng tác phẩm kém tuy số lượng tăng. Nhiều người nói hiện Trung Quốc không có nhà văn nghệ mà chỉ có nhà buôn văn nghệ nhằm kiếm tiền.

 

Từ lâu giới nhà văn Trung Quốc có bất đồng lớn trong đánh giá văn học đương đại Trung Quốc: một số người (đại diện là Tiêu Ưng) đánh giá thấp, một số người (đại diện là Trần Hiểu Minh) đánh giá cao.

 

Tại Hội chợ sách Frankfurt 10/2011, Vương Mông (nguyên Bộ trưởng Văn hóa Trung Quốc) phát biểu: văn học Trung Quốc đang ở vào thời kỳ tốt nhất. Một số học giả phản bác mạnh nhận xét này.

 

Tiêu Ưng nói : Vương Mông có địa vị cao ở văn đàn Trung Quốc mà nói kiểu pha trò như thế trên diễn đàn quốc tế là không nghiêm túc ; thực ra văn học đương đại Trung Quốc đang ở vào điểm cực thấp không đáng có. Về sau Vương Mông thanh minh : Thời kỳ tốt nhất chỉ là nói về hoàn cảnh sinh tồn và sáng tác của nhà văn Trung Quốc hiện nay. Tiêu Ưng lại nói: Nếu đã có hoàn cảnh sáng tác tốt nhất, tại sao chưa có tác phẩm xuất sắc ? Môi trường sáng tác không có quan hệ nhân quả với chất lượng tác phẩm văn học ; trên thực tế, các nhà văn có tiền có quyền chẳng những không thể sáng tác được tác phẩm hay mà thái độ tâng bốc xu nịnh theo đuôi kẻ quyền quý của họ đang làm hỏng văn học Trung Quốc.

 

Bành Lương Cử nhận xét : Vương Mông nói thế là lừa mình dối người, văn học Trung Quốc từ thập niên 50 tới nay là văn học chính trị, không có văn học nhân đạo và văn học nhân tính, không có văn học hiện thực thật sự, càng khó có được tác phẩm kinh điển lớn.

 

Trương Ninh (GS ĐH Sư phạm Bắc Kinh) nhận xét : Vương Mông nói văn học đương đại Trung Quốc ngày nay có môi trường sáng tác rộng rãi chưa từng thấy ; nay Trần Hiểu Minh lại nhận định văn học đương đại Trung Quốc đạt độ cao chưa từng thấy. Hai cái chưa từng thấy ấy cộng lại khiến chúng ta khó xử chưa từng thấy.

 

Nhìn chung đa số không phủ nhận văn học Trung Quốc còn yếu kém so với văn học thế giới. Sách văn học Trung Quốc dịch ra ngoại ngữ chỉ bằng một phần rất nhỏ số sách nước ngoài dịch ra Hán ngữ. văn học đương đại Trung Quốc chưa có nhà văn cỡ thế giới và tác phẩm lớn. Mới đây Vương Mông hài hước nói Trung Quốc ít có nhà văn vĩ đại là do số nhà văn Trung Quốc tự tử quá ít ; việc sáng tác chẳng khác con chó dại đuổi theo nhà văn, ý thức tinh hoa khiến họ cảm thấy cô đơn và chịu sức ép.

 

Báo Nam phương dạ vũ viết : Hơn 30 năm qua văn học Trung Quốc phát triển mạnh về số lượng, nhưng chất lượng sa sút nhanh, chủ yếu do giới sáng tác và xuất bản chạy theo danh và lợi. Hiện nay Trung Quốc mỗi năm xuất bản hơn 2000 tiểu thuyết dài. Phát triển nhanh nhất là văn học mạng, tuy có ích cho việc nâng cao trình độ viết của toàn dân, song lại làm cho rác văn học tràn lan. Có học giả đề nghị hoãn 10 năm việc bình chọn giải văn học Mao Thuẫn.

 

Goldblatt nhận xét : tiểu thuyết văn học đương đại Trung Quốc không được hoan nghênh trong thế giới Anh ngữ, các nhà xuất bản không muốn in ; nhà văn Trung Quốc rất không chuyên nghiệp, họ viết nhanh quá, gây ấn tượng viết ẩu, sau khi xuất bản lại thiếu sự phê bình ; một bệnh lớn nữa là viết quá dài, vì nhuận bút tính theo số chữ.

 

Việc Mạc Ngôn được giải Nobel không làm thay đổi cách đánh giá văn học đương đại Trung Quốc. Tân Kinh Báo viết : Giải Nobel chỉ khẳng định cá nhân Mạc Ngôn chứ không khẳng định nền văn học Trung Quốc. Nhà văn Vương Quý Thành nói : một Nobel Văn của Mạc Ngôn không thể thay đổi được sự hoang vu yếu đuối và số phận rác rưởi của sinh thái văn học đương đại Trung Quốc; chế độ nhà nước nuôi nhà văn là một nguyên nhân làm cho văn học đương đại Trung Quốc trở thành rác rưởi.

 

Bà Thiết Ngưng Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc nói : Tôi e rằng nước ta hiện nay chưa thể bỏ « chế độ nuôi nhà văn » ; nước lớn thế này, chính phủ có thể bỏ tiền nuôi một bộ phận nhà văn ưu tú, nếu không nuôi nổi họ thì sẽ là chuyện buồn. Phương Châu Thủy Thủ viết : Giải Nobel Văn yêu cầu tác giả phải có giá trị quan độc lập, nhưng trong một nước mà người viết có thể bị bắt đi thẩm vấn thì điều đó còn có ý nghĩa gì ?

 

Tào Trường Thanh, Tiêu Ưng, Lý Nhuệ ... đều cho rằng nội dung Kubin phê bình Mạc Ngôn là xác đáng ; nếu tác phẩm của Mạc không được Goldblatt dịch theo kiểu sáng tạo như vậy thì chưa chắc Mạc đã được giải Nobel. Vương An Ức cho rằng văn học Trung Quốc muốn đi ra thế giới có lẽ phải chờ vài chục năm nữa.

 

Trong các tranh cãi về văn học đương đại Trung Quốc người ta hay viện dẫn ý kiến của Kubin. Qua đây có thể thấy giới học giả Trung Quốc đều biết Kubin nhận định đúng về văn học đương đại Trung Quốc, nhưng với cơ chế hiện nay, nhà văn Trung Quốc không thể tránh được các khuyết điểm đó. Ví dụ họ chỉ được phép có một tư tưởng là chủ nghĩa cộng sản chứ không thể khác, họ được chính quyền trả lương để sáng tác nên không thể phê phán chính quyền... Nếu làm khác thì tác phẩm sẽ bị cấm xuất bản. Mạc Ngôn là đảng viên và Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, cho nên càng không thể có tư tưởng riêng. Ông phải chọn cách sáng tác kết hợp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với các câu chuyện dân gian, lịch sử, mà không thể dùng chủ nghĩa hiện thực đích thực. Với chế độ chính trị hiện nay, Trung Quốc khó có thể có những nhà văn thực sự nói lên tiếng nói của nhân dân.

 

Không ít nhà văn Trung Quốc, kể cả người bị phê bình đích danh, đều tránh bình luận các nhận xét của Kubin, hoặc chỉ nói qua loa. Có lẽ vì họ thấy Kubin nói đúng, và ông nghiên cứu văn họcTrung Quốc sâu hơn họ. Kubin có thái độ nghiêm túc, nói có sách mách có chứng, không dễ thỏa hiệp, luôn kiên định một quan điểm khó có thể bác bỏ : Nhà văn chân chính thì chớ quan tâm đến thị trường, tức chớ nên lo kiếm tiền.

 

---------

Ghi chú

 

[1] Văn học đương đại Trung Quốc ở đây là văn học Trung Quốc sau năm 1949.

 

[2] Wolfgang Kubin : nhà văn, nhà thơ, nhà dịch thuật, hội viên Hội Dịch giả Đức và Hội Nhà văn Đức, GS Chủ nhiệm Khoa Hán học ĐH Bonn. Sinh 1945, từ 1966 học Thần học tại ĐH Münster. 1968 học Nhật học (Japanology) và Cổ văn Trung Quốc tại ĐH Vienna. 1969-73 học Hán học (Sinology), triết học, văn học Đức tại ĐH Ruhr Bochum. Làm luận án tiến sĩ (1973) về thơ trữ tình của Đỗ Mục. 1974-75 học Hán ngữ ở ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh. 1981 bảo vệ luận án tư cách GS, đề tài Không Sơn – quan điểm tự nhiên của văn nhân Trung Quốc. Biết tiếng Latin, Pháp, Anh, Trung. Viết văn, thơ bằng tiếng Đức, Trung Quốc, Anh. Đã viết hoặc dịch hơn 50 tác phẩm văn học. Dịch Luận ngữ, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử..., dịch tác phẩm của hơn 50 nhà thơ Trung Quốc như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bắc Đảo, Cố Thành,... Dịch Tuyển tập Lỗ Tấn 6 tập, viết Diễn biến quan điểm tự nhiên trong văn họcTrung Quốc, Lịch sử thi ca cổ điển Trung Quốc, và Lịch sử văn họcTrung Quốc thế kỷ XX (10 tập) – bản dịch tiếng Trung Quốc cuốn này khi xuất bản ở Trung Quốc đã gây phản ứng không nhỏ. Được tặng nhiều giải thưởng văn học trong, ngoài nước, như giải Johann-Heinrich-Voß-Preis là giải thưởng dịch thuật cao nhất nước Đức. Có vợ người Trung Quốc.

 

[3] Tác giả Tô tem Sói là Khương Nhung (bút danh), hầu như chưa hề xuất hiện công khai, tuy vợ là nhà văn nữ Trương Kháng Kháng, Phó CT Hội Nhà văn. Có người nói Khương đề cao bản tính loài sói là đi ngược với quan điểm truyền thống cho rằng dân tộc Hán xuất thân làm nông nghiệp, bản tính hiền lành, xưa nay chưa từng xâm lược nước ngoài.

----------

230427NHHFB 8h05AM

 

.

5 BÌNH LUẬN  

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats