Nga
sẽ "không" ủng hộ Việt Nam nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc ở Biển
Đông ?
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 15/05/2023 - 12:19
Trung Quốc lại huy động « một số lượng
lớn tầu dân quân và tầu hải cảnh » đến gần khu vực khai thác khí
đốt của Việt Nam ở Biển Đông trong ngày 10/05/2023. Theo chuyên gia Ray Powell,
Đại học Stanford (Mỹ), hoạt động này có tính chất « bất thường »,
có thể được coi là « thông điệp về quyền tài phán của Trung Quốc đối
với các hoạt động dầu khí của Việt Nam ».
Ảnh minh họa: Một nhà giàn khai thác dầu khí của Việt Nam ở Trường Sa, Biển
Đông Reuters
Bắc Kinh sau đó xác nhận điều này, khi khẳng định
tầu của Trung Quốc chỉ hoạt động « bình thường » trong
vùng biển « thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ».
Đội tầu của Trung Quốc hoạt động cách lô 04-03
của Vietsovpetro khoảng 32 km.
Vietsovpetro là liên doanh giữa tập đoàn Nga
Zarubezhneft và PetroVietnam. Sự
kiện này xảy ra vào lúc Matxcơva đang xích lại gần với Bắc Kinh nhằm tìm kiếm hậu
thuẫn và hình thành một liên minh đối trọng với phương Tây, trong khi Nga cũng
là đối tác quan trọng của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quân sự và
khai thác dầu khí.
Liệu sự phụ thuộc chặt chẽ
hơn vào Bắc Kinh có khiến Matxcơva điều chỉnh thái độ với Hà Nội ? Nga sẽ nhắm
mắt làm ngơ trước yêu sách của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông ? RFI Tiếng Việt
đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Trường Sư Phạm Lyon, Pháp.
RFI : Nhiều doanh nghiệp Nga tham gia
khai thác dầu khí ở Biển Đông, trong khi Việt Nam dường như từng phải hủy một số
dự án với các công ty nước ngoài khác, ví dụ với tập đoàn Tây Ban Nha Repsol.
Các tập đoàn dầu khí Nga có phải là một phương tiện hỗ trợ Việt Nam bảo vệ chủ
quyền ở Biển Đông ?
Laurent Gédéon : Đúng là Trung Quốc không ngừng gây sức ép làm Việt Nam nản lòng
trong việc tự thăm dò dầu khí, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Vì thế
Bắc Kinh đã dùng cả những biện pháp đe dọa quân sự trực tiếp, gây áp lực với
các công ty nước ngoài tham gia những dự án đó. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc
trong phạm vi đường 9 đoạn đã được định hình lại năm 2017 và gộp cả phần lớn
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có gần 70 mỏ dầu khí. Chúng ta
còn nhớ là vào tháng 07/2019, đội tầu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc, gồm
1 tầu khảo sát và 4 tầu hải cảnh, đã qua lại thường xuyên gần hai cụm dầu khí nằm
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây xáo trộn hoạt động thăm dò.
Có thể thấy Bắc Kinh tiến hành một
cách bài bản chiến lược gây áp lực với đối tác nước ngoài tham gia
vào những dự án dầu khí ở Việt Nam nhằm buộc họ từ bỏ thị trường và cản trở hoạt
động khai thác dầu mỏ của Việt Nam. Chiến lược này đã được áp dụng hiệu quả đối
với công ty Repsol. Năm 2018, chi nhánh của công ty Tây Ban Nha tại Việt Nam đã
phải tạm dừng hoạt động do bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp. Đến năm 2019, Repsol
rút khỏi thị trường Việt Nam. Không chỉ riêng Repsol, Trung Quốc gây áp lực với
nhiều công ty dầu khí nước ngoài khác tham gia ở Việt Nam, như Mubadala
Petroleum đến từ Abu Dhabi (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất).
Tuy nhiên, vấn đề lại phức tạp hơn đối với các
đối tác Nga. Ví dụ, tháng 05/2018, tập đoàn Rosneft bày tỏ quan ngại với Hà Nội
về việc Bắc Kinh tái xác định đường 9 đoạn với hệ quả là gộp cả mỏ Lan Đỏ do tập
đoàn Nga khai thác vào khu vực Trung Quốc đòi chủ quyền. Quan ngại được đưa ra
trong bối cảnh suốt nhiều năm trước, Bắc Kinh đã không thuyết phục được
Matxcơva chấm dứt hoạt động của Rosneft ở Biển Đông, cũng như ở trong vùng. Năm
2013, Bắc Kinh từng phản đối khi Rosneft bắt đầu thăm dò ở mỏ Lan Đỏ.
Trái lại, Trung Quốc đã thu được một thành công khi một dự án hợp tác giữa
PetroVietnam và nhà sản xuất khí đốt Nga Gazprom bị đình chỉ năm 2016.
Trong bối cảnh nhạy cảm đó, người ta thấy là từ
vài năm gần đây, các tập đoàn Nga - tất cả đều thân với chính quyền Matxcơva -
tiến hành chiến lược tránh rời khỏi « chiến tuyến » và
dốc sức để không bị « hất » khỏi thị trường Việt
Nam. Nga muốn trở thành một nhân tố năng động hơn về kinh tế lẫn chiến lược ở
Đông Nam Á. Matxcơva cũng không muốn Bắc Kinh kiểm soát những tuyến đường hàng
hải chiến lược về địa-chính trị nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Theo tôi, tham vọng này của Nga càng được củng
cố thêm trong bối cảnh xung đột ở Ukraina, đồng thời bổ trợ cho chiến lược
của Hà Nội đang tìm cách gia tăng quan hệ với các đối tác ngoài khu vực để giảm
phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Theo tôi, có thể khẳng định rằng có sự đồng
nhất về lợi ích giữa Việt Nam và Nga thông qua trung gian là các công ty dầu
khí. Mục đích là không để cho Trung Quốc có quá nhiều không gian kinh tế và chiến
lược ở Biển Đông. Cho nên chừng nào vị thế của Nga chưa bị suy yếu quá nhiều,
ví dụ do tác động từ thất bại ở Ukraina nếu xảy ra chẳng hạn, Hà Nội vẫn có thể
dựa vào đối tác hùng mạnh này để chống đỡ áp lực từ Trung Quốc.
·
Đọc
thêm : Biển Đông : Việt Nam dừng thêm một dự án dầu khí vì sức ép từ Bắc Kinh
RFI : Tuy nhiên, chúng ta thấy là Nga
có xu hướng ngả theo Bắc Kinh và đang củng cố mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực với
Trung Quốc. Những tập đoàn dầu khí Nga hoạt động ở Biển Đông sẽ bị tác động như
thế nào, trong khi thường họ có thể « theo lệnh » từ Matxcơva ?
Laurent Gédéon : Để trả lời cho câu hỏi này, phải biết là mối quan hệ giữa
Matxcơva và Bắc Kinh được đánh dấu bằng sự phụ thuộc vào nhau rất mạnh về địa-chính
trị và sự thuộc lẫn nhau đó lại không liên quan đến tình trạng bất đối xứng đặc
trưng cho hai nước này. Sự phụ thuộc này bắt nguồn từ ý đồ của Trung Quốc muốn
hướng tới tái cân bằng các cực quyền lực trên thế giới.
Như chúng ta biết chiến lược của Trung Quốc đã
khiến Washington ngày càng mất niềm tin. Hoa Kỳ từng bước đưa ra một khuôn khổ
nhằm kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh, đặc biệt là ở các vùng biển sát với
Trung Quốc, có nghĩa là trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Được bắt đầu dưới thời
tổng thống Barack Obama với tên gọi « chiến lược xoay trục sang
châu Á », chính sách này tiếp tục được mở rộng dưới thời tổng thống
Donald Trump với « thương chiến Mỹ-Trung » và hiện
giờ dưới thời Joe Biden là Hoa Kỳ thắt chặt quan hệ chiến lược với các đồng
minh trong vùng, triển khai những cơ chế liên minh mới, như liên minh quân sự
AUKUS được ba nước Mỹ, Úc, Anh công bố ngày 15/09/2021.
Trong toàn cảnh như vậy, Trung Quốc không thể
đơn độc đối đầu với cả khối phương Tây. « Phương Tây » ở đây được hiểu
theo nghĩa rộng, nghĩa là gồm cả những nước có liên quan đến khối này, kể cả những
nước ở châu Á. Bắc Kinh phải huy động mọi sự ủng hộ quốc tế. Để làm được việc
này, đối với Trung Quốc, chắc chắn Nga đại điện cho sức mạnh về quân sự, ngoại
giao và chính trị, như tôi đã đề cập ở trên về việc hai nước này phụ thuộc chặt
chẽ vào nhau về địa-chính trị. Để thấy điều này, chỉ cần nhìn vào sự trùng hợp
giữa các lá phiếu của Nga và Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc trong thập niên vừa
qua.
Dù hiện giờ người ta nhắc đến khả năng Nga lâm
thế phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc nhưng còn lâu mới thấy cảnh Matxcơva tuân
lệnh Bắc Kinh về chính sách đối ngoại hoặc kinh tế. Tôi cho rằng điều này cũng
sẽ liên quan đến các doanh nghiệp dầu khí Nga ở Việt Nam. Khả năng hành động của
những công ty này phụ thuộc vào Nhà nước Nga, vào sự cân bằng quyền lực
ngoại giao tế nhị giữa Matxcơva và Bắc Kinh. Dẫu sao chắc chắn là sự hiện diện
của những công ty này cho phép Nga đánh dấu sự khác biệt của họ. Rất có thể nếu
thế cân bằng Nga-Trung được duy trì nguyên trạng thì các công ty dầu mỏ Nga sẽ
duy trì hoạt động ở Việt Nam.
·
Đọc
thêm : Quan hệ Nga - Trung : Liên minh quân sự để bắt đầu một “kỷ nguyên
mới”
RFI : Có nghĩa là hiện giờ Việt Nam
không cần quá lo lắng về nguy cơ Nga ủng hộ những yêu sách về chủ quyền của
Trung Quốc trong đường 9 đoạn ở Biển Đông ?
Laurent Gédéon : Trong bối cảnh phụ thuộc vào nhau về địa-chính trị như tôi vừa
nêu, Nga không thể đi xa hơn việc ủng hộ những yêu sách của Trung Quốc đối với
Đài Loan lẫn Biển Đông. Chúng ta thấy là Trung Quốc từ chối lên án cuộc xâm lược
Ukraina và chỉ kêu gọi các bên tham chiến đối thoại. Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh
đến sức mạnh và đặc thù của mối quan hệ Nga - Trung nên rất khó cho Matxcơva
lên tiếng chỉ trích những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh.
Thêm vào đó phải kể đến những yếu tố mang tính
pháp lý và lịch sử bởi vì Matxcơva biện minh cho cuộc xâm chiếm bán đảo Crimée
vì đó là vùng đất lịch sử của Nga, ít nhất là từ năm 1792. Tương tự, Trung Quốc
cũng viện đến lập luận lịch sử để đòi chủ quyền với hầu hết vùng Biển Đông.
Nhìn từ phía Nga, có thể thấy mối quan hệ song song giữa Crimée - vùng đất lịch
sử của Nga với Biển Đông - vùng biển lịch sử của Trung Quốc nếu tin theo lập luận
của Bắc Kinh. Vì những lý do chiến thuật đó, Matxcơva có thể có xu hướng ủng hộ
Bắc Kinh theo hướng này.
Theo tôi, dù có lập luận như thế, không có
nghĩa là Matxcơva sẽ tự động và ủng hộ hết mình một « cuộc đảo
chính » của Trung Quốc ở Biển Đông. Thực vậy, Nga cũng ý thức rằng
khả năng địa-chính trị của nước láng giềng hùng mạnh trong chừng mực nào đó phải
bị hạn chế bởi vì mọi sự củng cố sức mạnh của Trung Quốc sẽ có nguy cơ gây bất
lợi cho Nga trong quan hệ song phương bất đối xứng hiện nay.
Chúng ta có thể sẽ thấy là Nga sẽ không ủng hộ
mạnh mẽ hành động của Trung Quốc như Bắc Kinh mong đợi. Thêm vào đó Nga gắn bó
với Việt Nam từ lâu, từ thời kỳ Liên Xô hỗ trợ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
sau đó là nước CHXHCN Việt Nam, giúp Việt Nam trong chiến tranh biên giới với
Trung Quốc năm 1979. Có thể thấy rằng Việt Nam không phải chỉ là một cơ hội
chính trị và chiến thuật đối với Nga mà còn nằm trong khuôn khổ quan hệ lâu dài
cho thấy mối quan hệ mật thiết, bền vững giữa hai nước.
·
Đọc
thêm : Biển Đông : Nga-Việt Nam kêu gọi nhanh chóng thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử
RFI : Việt Nam và Nga nhất trí là
không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau. Giả sử xảy ra xung đột liên quan đến
tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, liệu Việt Nam có thể
trông cậy vào hỗ trợ của Nga ?
Laurent Gédéon : Trong trường hợp như vậy thì ví dụ ở vùng Thượng Karabakh không cho
thấy lạc quan lắm. Hiện giờ, Nga bị kéo vào cuộc xung đột khó khăn ở
Ukraina và duy trì mối quan hệ ngoại giao phức tạp với các cường quốc khác. Những
nước này không công khai ủng hộ hành động của Nga ở Ukraina nhưng từ chối lên
án và cũng không tham gia phần nào vào cơ chế trừng phạt Matxcơva do phương Tây
áp đặt. Tuy nhiên, sự ủng hộ này, xuất phát từ việc có chung lập trường chính
trị hoặc có chung lợi ích chiến lược và địa-chính trị, cũng phải có qua có lại.
Đây là điểm liên quan đặc biệt đến hai nước Nga và Trung Quốc.
Tôi lấy ví dụ vùng Thượng Karabakh là bởi vì
Nga vẫn được Armenia coi là một trụ cột hỗ trợ vững chắc, kể cả lúc khủng hoảng
tháng 10/2020. Nga chủ trì cuộc hưu chiến ngày 10/11/2020 và chính lính Nga được
triển khai trong vùng lãnh thổ tranh chấp và ở hành lang Latchine nối vùng này
với Armenia để duy trì lệnh ngừng bắn đó. Nhưng chúng ta thấy từ một năm nay,
có nghĩa là từ đầu chiến tranh Ukraina, phía Azerbadjan liên tục gây sự cố. Vụ
mới nhất là phong tỏa hành lang Latchine do chính quân đội Nga bảo đảm an ninh.
Lý do giải thích tình trạng xuống cấp này và
việc ảnh hưởng của Nga dường như đã bị suy giảm liên quan chủ yếu đến việc lập
trường nước đôi của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho Matxcơva hạn chế áp lực ngoại giao,
và cũng do sức ép kinh tế từ NATO. Việc Thổ Nhĩ Kỳ tạo thuận lợi có thể là
điều kiện « có đi có lại », có nghĩa là Nga phải trung lập
hơn trước áp lực ngày càng lớn của Azerbaijan - một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ -
đối với Armenia để gộp toàn bộ vùng Thượng Karabakh vào nước Cộng Hòa
Azerbaijan.
Nếu giờ chúng ta đưa ví dụ này vào tình hình
Biển Đông, trong giả thuyết xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp giữa Việt Nam và
Trung Quốc trong tương lai gần, thì e rằng Nga sẽ lại rơi vào tình huống tương
tự như chúng ta thấy ở vùng Kavkaz. Thực vậy, sự phụ thuộc nhau về địa-chính trị
với Trung Quốc mà chúng ta đề cập ở trên, cũng như việc Nga phải tiếp tục hưởng
sự hỗ trợ ngoại giao, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác từ cường quốc láng giềng,
có thể dẫn đến việc các nhà lãnh đạo Nga phải hạn chế phản đối và thậm chí im lặng
trước hành động của Trung Quốc, bất chấp việc Việt Nam là một nước có lợi cho
Matxcơva như chúng ta đã nói.
Vì thế, tất cả sẽ còn phụ thuộc vào mức độ lệ
thuộc địa chính trị Nga-Trung, vào thời điểm nổ ra xung đột trong trường hợp xảy
ra. Do đó, có lẽ Việt Nam cần kích hoạt trước những kênh ngoại giao với
Matxcơva để triển khai một khuôn khổ hợp tác khủng hoảng với Nga và nếu có thể,
tác động đến phân tích của Nga về tình hình Đông Nam Á.
·
Đọc
thêm : "Việt Nam muốn khẳng định chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ"
khi tiếp ngoại trưởng Nga
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường
Sư phạm Lyon, Pháp.
-------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
VIỆT
NAM - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG
Biển
Đông: Hơn 10 chiếc tàu Trung Quốc tiến gần giàn khoan Nga ngoài khơi Việt Nam
Đọ
sức Việt-Trung tại Biển Đông: Việt Nam có chỗ dựa là Nga?
VIỆT
NAM - TRUNG QUỐC - DẦU KHÍ
Biển
Đông : Tạo rủi ro khi khoan dầu, Trung Quốc muốn bóp nghẹt kinh tế Việt Nam
No comments:
Post a Comment