‘Công
lý’ hay ‘tư lý’ từ vụ cô giáo Lê Thị Dung
16/05/2023
https://www.voatiengviet.com/a/cong-ly-hay-tu-ly-tu-vu-co-giao-le-thi-dung/7094498.html
Một giáo viên tốt và là một đảng viên đã dũng cảm để
đứng lên tố cáo những sai phạm giờ bị kết án nặng nề chính là vết nứt của một
chính quyền cơ sở. Nó đang lan ra cùng với sự xôn xao của dư luận.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-fe47-08db4a5081eb_w1023_r1_s.jpg
Bà Lê Thị Dung khi còn là giám đốc một trung tâm giáo dục ở huyện Hưng
Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Vụ việc cô giáo Lê Thị Dung, ở Trung tâm giáo
dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đang gây ồn ào trong dư luận.
Mạng xã hội xôn xao, các chuyên gia pháp lý cũng đăng đàn phát biểu và bàn tán
riêng tư khá nhiều.
Ban Tuyên giáo Nghệ An cho biết đã có 26 tờ
báo đưa tin về vụ việc này, Ban này cũng đã phải họp để chấn chỉnh báo
chí, yêu
cầu tránh “giật tít, câu view”.
Ngày 8/5/2023 thường trực tỉnh uỷ đã yêu cầu
các ngành, đơn vị liên quan báo cáo toàn bộ nội dung sự việc. Dư luận đang
ngóng chờ phiên phúc thẩm dự kiến sẽ sớm diễn ra.
Tại sao vụ việc được quan tâm?
Vụ việc được quan tâm vì phiên toà sơ thẩm cấp
huyện này chia ra thành ba đợt trong vòng 14 ngày (từ 7/4/2023 đến 24/4/2023, hai
luật sư bị đuổi ra khỏi toà, cô giáo Dung bị truy tố theo Điểm B, khoản 2, Điều
356 BLHS và bị tuyên phạt đến 5 năm tù do hành vi thanh toán sai quy định, hưởng
lợi chỉ 44,7 triệu đồng trong hơn 6 năm. Ngay từ đầu bà Dung đã chống lại vụ
án và sau phiên sơ thẩm bà kháng cáo yêu cầu tòa cấp trên hủy bỏ bản án sơ thẩm
số 17/2003/HS-ST.
Phiên toà này gây bão bất bình vì có vẻ như nó
minh chứng, thay vì bảo vệ và thực thi công lý, hệ thống tư pháp lại dung nạp
hai khuynh hướng mâu thuẫn với nhau: hoặc bao che hoặc trả thù. Phiên toà diễn
ra trong lúc cảm thức chung của nhân dân là những người dân thấp cổ bé miệng có
thể chịu những bản án nặng nề trong khi các quan chức làm thất thoát hàng triệu
đô la chịu những bản án nhẹ nhàng.
Bản án gây bất bình còn vì truy cứu trách nhiệm
hình sự một cá nhân nhưng bỏ qua tập thể có liên quan. Việc kết án đề cập đến
“Quy chế chi tiêu nội bộ” vốn là sản phẩm tập thể, đã được tập thể thông qua
nhưng chỉ có bà Dung phải chịu trách nhiệm và gây xôn xao vì hiện có hàng chục
ngàn đơn vị “sự nghiệp có thu” trên đất nước Việt Nam đang sống không chỉ bằng
tiền lương mà bằng chính “quy chế ăn chia” ngoài lương y hệt như vậy.
Có ý kiến cho rằng “nếu áp dụng đúng như trường
hợp của Dung thì có thể bắt tất cả các hiệu trưởng từ trường tiểu học đến đại học
và các giám đốc của bất cứ đơn vị sự nghiệp có thu nào trên đất nước Việt Nam”
vì hầu hết đều có “Quy chế chi tiêu nội bộ” thể hiện qua thỏa thuận miệng hoặc
chữ viết, có và không chính thức được công bố, phê chuẩn.
Bản án cũng đi ngược lại với cách thức xử lý
sai phạm phổ biến hiện nay: Đó là “cha chung không ai khóc” và “tập thể ăn
chung, chịu chung trách nhiệm”. Trong bối cảnh pháp lý và xã hội Việt Nam hiện
tại, hầu hết những tội phạm cỡ bự đều đã dễ dàng chui qua cửa “tập thể” để rũ bỏ
trách nhiệm cá nhân. Dường như chỉ có lần này bà Dung bị “sập” bẫy. Chính sự
khác biệt này khiến công chúng thắc mắc.
Căn cứ pháp lý và bản chất
Thẩm phán cho rằng bà Lê Thị Dung đã chủ trì
xây dựng “Quy chế chi tiêu nội bộ” để rồi căn cứ vào đó chi sai cho chính mình
và hưởng lợi với “hai lần trở lên”, nên áp dụng khoản 2, Điều 356 để xét xử bị
cáo với mức năm năm tù, đây là mức thấp nhất của khung quy định ở Khoản 2, vốn
từ 5 năm đến 10 năm tù giam.
Nhưng điều đó là trái với tinh thần của Khoản
2, Điều 8, Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án Tối cao khi
giải thích luật. Theo Nghị quyết đó thì phải thoả mãn cả hai tình tiết định khung:
“Mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm và tổng giá trị tài sản chiếm đoạt phải
thuộc khung hình phạt tăng nặng” (số tiền gây thiệt hại lẽ ra phải từ 200 triệu
đồng đến dưới 1 tỷ đồng trong khi “thiệt hại” của vụ án này chỉ là 44,7 triệu).
Thêm nữa, một căn cứ quan trọng của cấu thành
tội phạm hình sự là phải có lỗi. Trong trường hợp này phải là lỗi cố ý. Bà Dung
cương quyết không nhận tội vì theo bà, quy chế đã được công khai, được thông
qua tại đại hội công chức, viên chức và đã được nộp lên Phòng Tài chính và Kho
bạc Huyện Hưng Nguyên xem xét, giám sát. Quy chế này cũng đã được thực hiện hơn
sáu năm mà không hề có cơ quan nào thanh tra, kiểm tra, chỉ ra sai sót hoặc xác
định đó là vi phạm pháp luật.
Để hiểu bản chất của vụ án này cần phải mổ xẻ
hai văn bản pháp luật quan trọng là Quyết định số 169/QĐ-TW của Ban Bí thư BCH
TƯ đảng ban hành ngày 24/6/2008 về Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp uỷ
viên các cấp và Thông tư số 28/2009/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục ban hành ngày
21/10/2009 quy định về Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. Cơ quan
thanh tra giáo dục và cả Ban Bí thư cần minh định những văn bản vừa dẫn có giá
trị hay không. Nếu có, tại sao hành vi của bà Dung (làm theo hai văn bản ấy) lại
là có tội?
Mặt khác, trong phiên toà này, thẩm phán không
tôn trọng quyền có người bào chữa của bị cáo và bắt bị cáo phải tự bào chữa. Thẩm
phán còn cho cảnh sát tư pháp áp giải luật sư ra khỏi toà. Đây là hành vi xâm
phạm thô bạo luật tố tụng hình sự.
Điều bất nhân của hệ thống tư pháp còn thể hiện
ở chỗ tạm giam bà Dung cả năm trước khi đưa ra xét xử. Bà Dung bị “khởi tố và bắt
giam vào tháng 3/2022” và cả năm sau mới đem ra xét xử, là trái với Khoản 1,
Khoản 2 Điều 173 Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015.
Trong suốt quá trình xét xử, bà Dung tố cáo bà
bị bức cung, ép cung ở giai đoạn tạm giam nhưng đại diện Viện Kiểm sát lại cho
rằng đó là biểu hiện “ngoan cố” của bà Dung.
Lập luận nguy hiểm của Toà án Huyện Hưng Nguyên
Một trong những lý do toà án đưa ra là “Bà
Dung đã không nhận tội và không khắc phục hậu quả nên toà án đã tuyên mức án
như trên”. Lập luận này là hết sức sai lầm và nguy hiểm. Một
bị cáo kêu oan với toà, nghĩa là họ tin rằng có sự sai lầm trong điều tra, truy
tố, và xét xử. Điều bà tha thiết cầu mong là công lý. Thành khẩn không phải là
thừa nhận mình sai và xin khoan hồng dù mình tin mình không sai.
Trong rất nhiều vụ án, “nước mắt, sự ăn năn và
sự cầu xin” đã giúp hàng loạt tội phạm giảm được hàng chục năm tù, trong khi việc
“ngẩng cao đầu, tự tin vào công lý và hành vi của mình” đã đưa nhiều người vận
động cho tự do, dân chủ ở Việt Nam bị phạt kịch khung.
Với niềm tin vào công lý và sự đúng đắn trong
hành vi của mình thì sự thành khẩn nhất của bị cáo chính là kêu oan. Suy đoán
vô tội và tin vào sự “oan ức” của bị cáo phải là ưu tư cao nhất của các thẩm
phán khi đưa ra phán quyết chứ không phải là nỗ lực “khuất phục” đương sự bằng
một bản án thật nặng, kiểu “cứng đầu thì phạt cho bõ ghét”.
Các nhà làm luật luôn tạo ra một khoảng trong
mức phạt - khung hình phạt, đó chính là cơ sở cho thẩm phán có không gian lượng
hình khi xem xét các tình tiết cụ thể, nhưng thẩm phán của Toà Hưng Nguyên đã bỏ
qua tất cả những yếu tố đó và tuyên một bản án nặng nề với bà Dung.
Công lý, Đốt lò, hay trả thù nhau?
Khoản 1, Điều 2 Luật tổ chức Toà án Nhân dân
minh định rằng Toà án “có nhiệm vụ bảo vệ công lý”. Người dân tin vào toà án chỉ
khi phán quyết thể hiện cả sự công minh lẫn nhân bản, tiệm cận với công lý phổ
quát.
Bản án luôn là kết quả của tiến trình tìm kiếm
sự thật trên tất cả các phương diện, kể cả việc xem xét cách diễn giải các tình
tiết của hai bên buộc tội và gỡ tội. Bản án cũng chính là ví dụ sống động về
cách thể hiện quyền lực nhà nước trong việc bảo vệ và thực thi pháp luật.
Nhìn vào bản án năm năm tù dành cho một cô
giáo bị cho là đã làm thất thoát 44,7 triệu, dân chúng chỉ cảm thấy sự bất
công, hệ thống tư pháp bị dùng để báo thù riêng và sự tùy tiện của một nền tư
pháp, nhìn thấy tư lý chứ không phải công lý. Càng đau đớn hơn khi người dân so
sánh với những con sâu mọt đang đục ruỗng ngân sách bằng những khoản tiền khổng
lồ vẫn mặc sơ mi và quần tây ra toà rồi ung dung quay về nhà khi phiên toà khép
lại.
Theo một số diễn đàn trên mạng và theo suy luận
logic thông thường thì bản chất của vụ việc là âm mưu trả thù dai dẳng của một
số quan chức địa phương đối với một cô giáo “cứng đầu ngoại tỉnh”. Chính họ đã
phối hợp với khối tư pháp để hãm hại bà Dung.
Quả thật, trước đây bà Lê Thị Dung từng bị
Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An Lê Văn Ngọ ép nhận một giáo viên môn ngữ văn
nhưng bà đã từ chối vì “vươt chỉ tiêu và trái với cơ cấu bộ môn”. UBND huyện
Hưng Nguyên đã kỷ luật bà, bà đã khiếu nại và UBND tỉnh Nghệ An đã thừa nhận bà
đúng nhưng án kỷ luật vẫn không bị thu hồi, bà tiếp tục khiếu nại và
sau đó là bị bắt đi tù. Ngoài ra, trên mạng xã hội còn cho rằng vụ án này
còn liên quan đến chuyện các quan chức địa phương đang muốn chiếm đoạt đất đai
của trung tâm.
Rất nhiều bạn bè và cá nhân tôi đã là nạn nhân
của nền tư pháp Việt Nam nhưng chúng tôi chấp nhận vì đối lập với nó về tư tưởng
nhưng bà Lê Thi Dung, là người trong hệ thống, là “đảng viên” nhưng có lẽ vì bà
là “đảng viên mà tốt” cho nên bà bị cỗ máy “tập thể” đó trả thù?.
Việc kết án như vậy làm nhiều người nghi ngờ về
chủ trương đốt lò, cho rằng thực chất đó chỉ là công cụ để thanh toán các đối
thủ, thậm chí để loại bỏ những người tốt một cách có hệ thống.
Một giáo viên tốt và là một đảng viên đã dũng
cảm để đứng lên tố cáo những sai phạm giờ bị kết án nặng nề chính là vết nứt của
một chính quyền cơ sở. Nó đang lan ra cùng với sự xôn xao của dư luận.
Liệu vết nứt “tư lý” này có được nhận diện và
sửa sai bằng “công lý” hay không? Nhân dân đang hy vọng và chờ đợi ở phiên phúc
thẩm sắp tới.
No comments:
Post a Comment