Sunday 14 May 2023

LIÊN HIỆP CHÂU ÂU HƯỚNG ĐẾN MỘT CHÍNH SÁCH CỨNG RẮN HƠN VỚI TRUNG QUỐC (Trọng Thành / RFI)

 



EU hướng đến một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 13/05/2023 - 13:54

 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230513-eu-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-%C4%91%E1%BA%BFn-m%E1%BB%99t-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-c%E1%BB%A9ng-r%E1%BA%AFn-h%C6%A1n-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

Ngoại trưởng của khối 27 nước, họp hôm qua, 12/05/2023, tại Stockholm, Thụy Điển, đã ‘‘nhất trí’’ với bản dự thảo điều chỉnh chính sách của Liên Âu với Trung Quốc, do cơ quan ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đề xuất. Chính sách với Trung Quốc được điều chỉnh nói trên nhấn mạnh nhiều hơn đến việc coi Bắc Kinh như một ‘‘đối thủ mang tính hệ thống’’. Giảm lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và đòi hỏi Bắc Kinh kiên quyết hơn với Nga trong hồ sơ Ukraina là các nội dung chính.

 

https://s.rfi.fr/media/display/dd0088c0-f184-11ed-9044-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23132473750634-1.webp

Ngoại trưởng các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu chụp ảnh kỷ niệm trước cuộc họp, ngày 12/05/2023, Stockholm, Thụy Điển. © AP

 

Theo AFP, một trong những căng thẳng lớn nhất giữa Liên Âu và Trung Quốc là ‘‘lập trường mập mờ’’ của Trung Quốc về cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, Bắc Kinh đã không lên án Nga trong lúc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã giúp Nga lách các trừng phạt của châu Âu. Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, Joseph Borell, cảnh báo: ‘‘Chúng ta sẽ không thể có được quan hệ bình thường với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để chấm dứt cuộc chiến tranh này’’. 

 

Trả lời AFP, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna xác nhận: văn bản được cơ quan ngoại giao Liên Âu đề xuất đã được 27 ngoại trưởng Liên Âu thông qua. Theo ngoại trưởng Pháp, chính sách điều chỉnh đã được tất cả nhìn nhận là ‘‘hoàn toàn phù hợp’’. 

 

Từ năm 2019, Liên Âu đã xác định chính sách ứng xử ba mặt với Bắc Kinh, khi coi Trung Quốc vừa là ‘‘đối tác’’ trong nhiều lĩnh vực, vừa là đối thủ cạnh tranh về các ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng cũng là ‘‘đối thủ mang tính hệ thống’’ về mô hình chính trị. Theo tài liệu của cơ quan ngoại giao Liên Âu, đường hướng chung nói trên không thay đổi, nhưng ‘‘cần được điều chỉnh’’ trong bối cảnh ‘‘thế đối địch với Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây’’.

 

Văn bản vừa được các ngoại trưởng EU thông qua, trong ngày họp không chính thức đầu tiên theo công thức ‘‘Gymnich’’, là cơ sở cho chính sách chính thức với Trung Quốc, sẽ được các lãnh đạo 27 nước châu Âu thông qua trong thượng đỉnh cuối tháng 6. Hội nghị không chính thức ngoại trưởng châu Âu theo công thức Gymnich diễn ra hai năm một lần. Quốc gia chủ tịch luân phiên Liên Âu phụ trách tổ chức. Gymnich là tên của địa danh Đức, nơi diễn ra hội nghị đầu tiên năm 1974.

 

Trung Quốc kêu gọi Liên Âu ‘‘từ bỏ tâm lý thời Chiến tranh Lạnh’’

 

Cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng EU diễn ra đúng lúc ngoại trưởng Trung Quốc có vòng công du châu Âu. Hôm qua, tại Oslo, Na Uy, ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) cảnh báo ‘‘nếu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới xảy ra, các hậu quả sẽ ghê gớm hơn’’ lần trước. Ông Tần Cương kêu gọi Liên Âu và Trung Quốc nên cùng nhau ‘‘từ bỏ tâm lý thời Chiến tranh Lạnh’’.

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - TRUNG QUỐC

Chính sách với Trung Quốc: 27 nước Liên Âu tìm tiếng nói chung

 

PHÂN TÍCH

Trung Quốc tìm cách chia rẽ Liên Âu với Hoa Kỳ

 

EU - TRUNG QUỐC

Liên Âu cân nhắc trừng phạt công ty Trung Quốc giúp Nga trong cuộc chiến Ukraina

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats