Sunday 14 May 2023

HOA KỲ : KHỦNG HOẢNG DI DÂN, TỪ BIÊN GIỚI ĐẾN BẦU CỬ 2024 (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Khủng hoảng di dân, từ biên giới đến bầu cử 2024

Hiếu Chân/Người Việt

May 13, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/khung-hoang-di-dan-tu-bien-gioi-den-bau-cu-2024/

 

Title 42 (Quy Định 42) của chính phủ Mỹ chính thức hết hiệu lực. Và đúng như dự đoán, làn sóng di dân đã ồ ạt đổ về biên giới phía Nam, buộc các lực lượng biên phòng phải căng sức giữ trật tự, đồng thời gây thêm căng thẳng chính trị giữa hành pháp và lập pháp. Khủng hoảng di dân là chuyện không mới, nhưng lần này nó được nêu lên thành trọng tâm tranh luận trước thềm cuộc bầu cử năm 2024.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/BL-Khung-Hoang-Bien-Gioi-1536x1014.jpg

Nhân viên Biên Phòng Mỹ kiểm tra giấy tờ một di dân tại Yuma, Arizona, hôm 11 Tháng Năm. (Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)

 

Title 42 là một quy định hành chính được thiết lập theo Điều 42 của Bộ Luật Hoa Kỳ về sức khỏe và phúc lợi công cộng. Title 42 được ban hành Tháng Ba, 2020, dưới thời Tổng Thống Donald Trump, cho phép biên phòng Mỹ từ chối di dân tại cửa khẩu biên giới để ngăn dịch bệnh COVID-19 truyền nhiễm. Trong ba năm đại dịch COVID-19, di dân gần như không có cơ hội vào Mỹ xin tị nạn. Vào lúc 11 giờ 59 phút tối Thứ Năm, 11 Tháng Năm, Mỹ chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19 và do đó Title 42 cũng hết hiệu lực.

 

Biên giới đông đúc nhưng không hỗn loạn

 

Truyền thông Mỹ cho biết, trong vài ngày qua, di dân ồ ạt đổ tới các cửa khẩu dọc biên giới dài gân 2,000 dặm giữa Mỹ và Mexico. Số người xin tị nạn tăng nhanh một phần do tình trạng nghèo đói và bạo lực ở một số quốc gia như Venezuela, Cuba, một phần do người ta hy vọng khi Title 42 được bãi bỏ, chính phủ Mỹ sẽ có chính sách nhập cư dễ dãi hơn.

 

Thông tin từ chính phủ cho biết, hiện mỗi ngày có đến 13,000 di dân đến các cửa khẩu biên giới, gấp đôi mức trung bình 6,000 người của những ngày bận rộn nhất trước đây. Di dân, phần lớn từ các nước Trung và Nam Mỹ, nhưng cũng có nhiều người từ Châu Á và các nơi khác, đến biên giới bằng đủ mọi cách, mọi phương tiện. Họ dựng lều giữa hai lớp hàng rào biên giới ngăn cách Tijuana của Mexico với San Diego của Mỹ, khoác những túi nhựa đen dùng đựng rác để chống lạnh. Họ vượt sông Rio Grande ngăn cách thị trấn Matamoros của Mexico với thành phố Brownsville, Texas, trên những chiếc xuồng cao su, cõng theo cả trẻ em, trong đêm tối, dùng ánh sáng từ máy điện thoại di động để soi đường.

 

Đến sáng Thứ Sáu, 12 Tháng Năm, làn sóng di dân giảm bớt. Các giới chức Bộ Nội An nói với báo chí rằng tình hình buổi sáng khá bận rộn nhưng không hỗn loạn như lo sợ, có ít người vượt qua biên giới hơn những ngày trước. Cơ quan Biên Phòng cho biết họ đang tạm giữ 28,000 di dân trong các trại tạm giữ và khoảng 60,000 người khác đang chờ đợi dọc theo biên giới, để nộp đơn xin tị nạn ở Mỹ.

 

Trái với kỳ vọng của di dân, chính sách nhập cư không được nới lỏng mà chính quyền Biden đã ban hành những quy định mới, cứng rắn hơn. Vài phút sau khi Title 42 hết hiệu lực, Bộ Trưởng Bộ Nội An Alejandro Mayorkas ra tuyên bố khuyến cáo di dân “Đừng tin vào những lời dối trá của bọn buôn người. Biên giới không mở.” Theo Bộ Trưởng Mayorkas, những người vượt qua biên giới Mỹ bất hợp pháp sẽ bị tước quyền xin tị nạn và phải đối mặt với những “hậu quả nặng nề,” kể cả bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong năm năm hoặc bị truy tố tội hình sự.

 

Bộ Trưởng Mayorkas cũng cho biết, ngoài lực lượng 24,000 nhân viên tuần tra biên giới phía Nam, bộ này bổ sung thêm 1,400 nhân viên Bộ Nội An, 1,000 nhân viên giải quyết đơn xin tị nạn cùng với hơn 1,500 binh sĩ của Bộ Quốc Phòng. Điểm mới trong các quy định này là di dân có thể lấy hẹn làm việc với Biên Phòng Mỹ qua một ứng dụng điện toán (app) mà không cần đến xếp hàng tại cửa khẩu. Di dân cũng được khuyến khích nộp đơn tại các trung tâm tiếp nhận mà chính phủ Hoa Kỳ mở tại quốc gia của họ thay vì lặn lội đến biên giới nước Mỹ vừa gian nan vừa nguy hiểm.

 

Lo ngại trước khả năng xảy ra hỗn loạn và bạo lực ở biên giới trong những ngày đầu tiên khi Title 42 được bãi bỏ, Tổng Thống Joe Biden đã điện đàm với Tổng Thống Andres Manuel Lopez Obrador của Mexico yêu cầu hợp tác. Hôm Thứ Năm, ông Obrador cho biết đã đưa Vệ Binh Quốc Gia Mexico tới biên giới với Guatemala ở phía Nam, và họ cũng đang nỗ lực chống lại những kẻ buôn người gia tăng mời gọi đưa di dân qua Mỹ với giá cắt cổ, với hứa hẹn rằng biên giới Mỹ đang mở cửa.

 

Quy định mới, cứng rắn hơn của Bộ Nội An có thể là yếu tố khiến làn sóng di dân lắng dịu sau vài ngày căng thẳng, nhưng về lâu dài nó không giải quyết được cuộc khủng hoảng triền miên ở biên giới nếu chính sách nhập cư của Mỹ không được cải cách tận gốc rễ.

 

Bất đồng chính sách nhập cư

 

Công bằng mà nói, chính sách nhập cư của Mỹ rất tiến bộ và nhân đạo, nhưng cũng có nhiều lỗ hổng có thể bị lợi dụng để buôn người vào Mỹ bất hợp pháp, thêm gánh nặng cho xã hội, thậm chí gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Những người bảo thủ cực đoan lợi dụng làn sóng di dân để tung ra những thuyết âm mưu nguy hiểm, chẳng hạn như lý thuyết về sự thay thế vĩ đại (great replacement theory), cho rằng người nhập cư da màu sẽ tràn ngập nước Mỹ, thay thế người da trắng bằng những tộc người thấp kém hơn. Hiện tượng kỳ thị sắc tộc, kỳ thị người gốc Á… ngày càng tràn lan có phần do các nhóm thượng tôn da trắng bất bình với làn sóng nhập cư của người nước ngoài tại Mỹ.

 

Nhưng trong ba thập niên qua, những nỗ lực cải cách nhập cư không thành công và bây giờ cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới một lần nữa thôi thúc các chính trị gia của hai đảng phải tìm được giải pháp bền vững cho vấn đề.

 

Thời ông Donald Trump, chính phủ Mỹ có nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn làn sóng nhập cư vào Mỹ, như xây bức tường biên giới với Mexico hoặc ban hành quy định Title 42 nêu trên. Sau khi đắc cử, Tổng Thống Joe Biden đình chỉ dự án xây tường biên giới, chấm dứt quy chế MPP mà chính quyền Trump ký kết với Mexico, theo đó di dân sẽ tạm trú tại Mexico trong thời gian chờ đợi đơn xin tị nạn của họ được xem xét. Chấm dứt các thỏa thuận hợp tác về tị nạn (ACA) với ba nước Trung Mỹ Guatemala, Honduras, và El Salvador mà chính quyền Trump đã ký năm 2019, theo đó chính phủ các nước này sẽ hợp tác ngăn chặn phong trào di cư của công dân họ đến Mỹ.

 

Không đồng ý với ông Biden, Hạ Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát hôm 11 Tháng Năm thông qua một dự luật “an ninh biên giới,” hạn chế di dân, siết chặt điều kiện xin tị nạn và luật hóa những chính sách nhập cư khắc nghiệt thời ông Trump như xây bức tường biên giới, buộc người xin tị nạn phải chờ đợi trong lãnh thổ Mexico,… Dự luật được thông qua với số phiếu 219/213 theo lằn ranh đảng phái, nhưng không có triển vọng qua được cửa Thượng Viện cũng như chắc chắn sẽ bị Tổng Thống Biden phủ quyết, vì theo Tòa Bạch Ốc, nó “sẽ làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn chứ không tốt hơn.”

 

Trọng tâm tranh cử 2024

 

Sự bất đồng quan điểm giữa hai đảng chính trị, giữa lập pháp và hành pháp, về vấn đề nhập cư không chỉ chi phối cách giải quyết làn sóng di dân ở biên giới hiện nay mà còn là một chủ đề lớn của cuộc tranh cử tổng thống vào năm tới, dự báo là một cuộc “tái đấu” giữa ông Trump và ông Biden.

 

Ông Trump giành chiến thắng năm 2016 một phần nhờ báo động nguy cơ an ninh biên giới và hứa hẹn những biện pháp cấm nhập cư khắc nghiệt. Đảng Cộng Hòa sẽ tiếp tục đưa vấn đề di dân thành trọng tâm trong cuộc vận động tranh cử hiện nay, tiếp tục những biện pháp mà họ đề ra trong dự luật của Hạ Viện nêu trên.

 

Ông Trump, trong một cuộc họp truyền hình kiểu “town-hall” do đài CNN tổ chức hôm Thứ Năm, 11 Tháng Năm, một lần nữa cho thấy điều đó. Ông gọi ngày chấm dứt quy định Title 42 là “một ngày ô nhục,” và khẳng định nếu đắc cử tổng thống năm 2024, ông sẽ tiếp tục các chính sách cấm đoán cũ, kể cả biện pháp vô nhân đạo tách trẻ em khỏi cha mẹ, từng bị cả nước phản đối.

 

Trong khi đó, ông Biden dường như bị bủa vây trong nhiều vấn đề cấp bách khác như cạnh tranh với Trung Quốc, cuộc chiến Nga-Ukraine, lạm phát, nợ công, thâm hụt ngân sách v.v… mà không tập trung vào chính sách nhập cư và an ninh biên giới. Đây có thể là một điểm yếu của ông Biden và đảng Dân Chủ mà đối thủ Cộng Hòa sẽ khai thác để thu hút lá phiếu của cử tri. Đài VOA dẫn kết quả một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố trong tuần này cho thấy 54% số người được hỏi phản đối việc mở cửa biên giới cho nhiều di dân hơn và chỉ 26% tán thành cách giải quyết của ông Biden trong vấn đề nhập cư.

 

May cho ông Biden và đảng Dân Chủ là phải 18 tháng nữa cử tri Mỹ mới đi bỏ phiếu bầu tổng thống và thời gian có thể giúp họ xoay chuyển tình thế. [đ.d.]

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats