Wednesday, 8 March 2023

XUNG ĐỘT MỸ - TRUNG CÓ DẪN ĐẾN CHIẾN TRANH? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



NỘI DUNG :

 

Xung đột Mỹ-Trung có dẫn đến chiến tranh?

Hiếu Chân/Người Việt

.

Trung Quốc ‘sẵn sàng gây chiến tranh’ với Mỹ?

Việt Linh

.

=====================================================

.

.

Xung đột Mỹ-Trung có dẫn đến chiến tranh?

Hiếu Chân/Người Việt

March 7, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/xung-dot-my-trung-co-dan-den-chien-tranh/

 

Trong lúc cuộc chiến tranh Nga-Ukraine diễn ra ngày càng khốc liệt ở Châu Âu, đe dọa một cuộc chiến tranh nguyên tử giữa Nga và NATO thì thế giới lại chứng kiến cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc càng lúc càng căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ xung đột nóng ở Châu Á-Thái Bình Dương.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/BL-Xung-Dot-My-Trung-1536x1024.jpg

Ngoại Trưởng Tần Cương của Trung Quốc tại cuộc họp báo hôm Thứ Ba, 7 Tháng Ba. (Hình: Lintao Zhang/Getty Images)

 

Bắc Kinh: “Xung đột không thể tránh khỏi”

 

Bên lề kỳ họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc khóa 14 đang diễn ra ở Bắc Kinh, Ngoại Trưởng Tần Cương cảnh báo nước ông và Hoa Kỳ đang lao nhanh tới một cuộc xung đột không thể tránh khỏi (inevitable collision).

 

Tại cuộc họp báo hôm Thứ Ba, 7 Tháng Ba, ông Tần – mấy tháng trước còn là đại sứ Trung Quốc tại Washington, trở thành ngoại trưởng hồi Tháng Mười Hai năm ngoái – đã dùng cách nói ẩn dụ để thể hiện tính chất trầm trọng của sự căng thẳng trong quan hệ hai nước. Ông mô tả Hoa Kỳ như một chiếc xe hơi đang lao nhanh mà “nếu Washington không đạp thắng mà cứ tiếp tục đi vào con đường sai trái thì không hàng rào bảo vệ nào có thể ngăn chặn được nó lao xuống hố và lật nhào. Chuyện không tránh được là chúng ta sẽ rơi vào xung đột và đối đầu,” ông Tần nói trong buổi họp báo đầu tiên của ông trên cương vị ngoại trưởng Trung Quốc.

 

Ông cũng ví các biện pháp cấm vận mà Mỹ áp đặt lên các công ty Trung Quốc mà ông cho là bất công giống như một cuộc chạy đua Thế Vận Hội, trong đó “một bên [ám chỉ Hoa Kỳ] không lo chạy nhanh hết sức mà chỉ tìm cách gạt bên khác ra ngoài đường đua, thậm chí muốn gây thương tích cho đối thủ.”

 

Lời lẽ và giọng điệu của ông Tần trái ngược với những phát biểu của ông ở Washington năm ngoái, khi Trung Quốc tìm cách xoa dịu thái độ cứng rắn của Washington vì những hành động của Bắc Kinh.

 

Một ngày trước cuộc họp báo của ông Tần, ông Tập Cận Bình, lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, cũng có những phát biểu khét lẹt trước 3,000 đại biểu Quốc Hội nước này.

 

“Các nước phương Tây – do Mỹ cầm đầu – đã áp dụng chính sách ngăn chặn toàn diện, bao vây mọi phía và đàn áp chúng ta, tạo ra những thách thức trầm trọng chưa từng có cho sự phát triển của đất nước chúng ta,” ông Tập được hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã tường thuật hôm Thứ Hai. Để đối phó, ông Tập kêu gọi đồng bào ông “hãy có dũng khí chiến đấu khi đất nước đối mặt với những thay đổi phức tạp và sâu sắc cả trong bối cảnh quốc nội và quốc tế.”

 

Chuyện các nhà lãnh đạo Trung Quốc lên án các chính sách của Hoa Kỳ không phải là mới. Nhưng giới quan sát ngạc nhiên thấy đây là lần đầu tiên ông Tập gay gắt như vậy vì ông thường cân nhắc lời ăn tiếng nói, không bao giờ phê phán đích danh Hoa Kỳ ở nơi công cộng dù thời gian cầm quyền hơn 10 năm qua của ông đã đẩy quan hệ Mỹ-Trung xuống mức thấp nhất.

 

Những phát ngôn cứng rắn của ông Tập và ông Tần được đưa ra trong bối cảnh Quốc Hội Trung Quốc vừa quyết định tăng ngân sách quân sự thêm 7.2%, lên $225 tỷ, cho năm 2023, và tăng chi tiêu cho các nỗ lực ngoại giao thêm 12.2% so với năm ngoái. Điều này cho thấy một sự thay đổi quyết tâm của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, phát ngôn của ông Tập là chỉ dẫn quan trọng cho chính sách đối ngoại của đất nước trong giai đoạn có những biến đổi sâu sắc trong môi trường quốc tế. Trung Quốc sẽ quyết đoán hơn và không ngại đối đầu với Hoa Kỳ.

 

Washington: “Cuộc đấu tranh sinh tử”

 

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, một thái độ đối đầu khác cũng đã bắt đầu hình thành. Với số phiếu 365 thuận và 65 chống, Hạ Viện Hoa Kỳ do đảng Cộng Hòa kiểm soát vừa cho ra đời một ủy ban lưỡng đảng chuyên về Trung Quốc có cái tên dài dòng là Ủy Ban Đặc Biệt của Hạ Viện về Cạnh Tranh Chiến Lược Giữa Hoa Kỳ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay tóm tắt là “Ủy Ban Chống Trung Quốc.”

 

Tại phiên điều trần đầu tiên hôm Thứ Ba, 28 Tháng Hai, Dân Biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch ủy ban, kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ hành động khẩn cấp và coi cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là “một cuộc đấu tranh sinh tử (existential).” Bốn nhân chứng ra điều trần là Tướng H.R. McMaster, cựu cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng Thống Donald Trump; ông Matthew Pottinger, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump; ông Scott Paul, nhà vận động hành lang cho các nghiệp đoàn Mỹ; và bà Tống Nghị, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đều cổ vũ cho những hành động cứng rắn nhất đối với Bắc Kinh.

 

Cả ông McMaster và ông Pottinger đều cảnh báo về những thách thức mà Hoa Kỳ phải đối mặt từ Trung Quốc, từ việc chống lại ảnh hưởng của mạng TikTok đối với nội dung thông tin trực tuyến của người Mỹ, giảm sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng cho đến việc củng cố Đài Loan để khiến quân đội Trung Quốc không thể chiếm được. “Chúng ta phải phản ứng với thực tế là lợi ích quốc gia của chúng ta đã bị xói mòn sâu sắc trong suốt một phần tư thế kỷ qua,” ông Pottinger nói.

 

Một cuộc thăm dò ý kiến năm ngoái của Pew Research Center ghi nhận có tới 82% người Mỹ có quan điểm không thân thiện với Trung Quốc, và tỉ lệ này còn tăng lên sau vụ khinh khí cầu do thám của Bắc Kinh bay vào nội địa nước Mỹ và bị bắn hạ vào tháng trước.

 

Rõ ràng những sự kiện đó cho thấy sự trượt dốc của mối quan hệ Mỹ-Trung và gây áp lực nặng nề lên chính quyền của Tổng Thống Joe Biden, vốn chủ trương sẵn sàng cạnh tranh với Bắc Kinh nhưng không muốn đối đầu, không muốn tái diễn một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Để không bị coi là mềm yếu với Trung Quốc, Tổng Thống Biden phải tỏ ra cứng rắn hơn nữa sau khi ông đã có những quyết sách làm cho Bắc Kinh hết sức phẫn nộ, từ cam kết bảo vệ Đài Loan đến hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ bán dẫn tinh vi của Mỹ và đồng minh.

 

Có chiến tranh không?

 

Ông Fareed Zakaria, nhà bình luận chính trị nổi tiếng của The Washington Post và CNN, lo ngại về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, mà ông đánh giá là dựa trên nỗi sợ hãi và hoang tưởng. “Có phải chúng ta đang đi theo một con đường sẽ dẫn tới nhiều thập niên chạy đua vũ trang, khủng hoảng, thậm chí chiến tranh hay không?” ông Zakaria đặt câu hỏi sau khi đánh giá chính sách của Hoa Kỳ là “quá kích động” (hysteria).

 

Đối chiếu thái độ thù địch lẫn nhau hiện nay của cả Bắc Kinh và Washington thì mối lo của ông Zakaria là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng đối đầu và quay trở lại với quan hệ bình thường giữa hai cường quốc là chuyện nói dễ làm khó khi cả hai bên đều cương quyết theo đuổi chiến lược của mình. Sự đối nghịch đó có ở mọi lĩnh vực và làm cho mọi kỳ vọng nhân nhượng lẫn nhau trở nên bất khả thi.

 

Một ví dụ, Hoa Kỳ có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tập hợp các đồng minh và đối tác khu vực để duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước. Nhưng Trung Quốc coi chiến lược này của Mỹ là lập ra “một bản sao của NATO ở Châu Á-Thái Bình Dương” như lời ông Tần Cương. “Mục tiêu của chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương là ngăn chặn Trung Quốc. Châu Á sẽ không lặp lại Chiến Tranh Lạnh, và không có cuộc khủng hoảng kiểu Ukraine nào lặp lại ở Châu Á,” ông Tần nói trong cuộc họp báo nêu trên.

 

Có vô số những sự bất đồng quan điểm như vậy giữa Trung Quốc và Mỹ ở hầu hết các lĩnh vực, từ vấn đề Đài Loan, cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ và nhiều chuyện khác. Suy cho cùng, Bắc Kinh đòi Washington phải thay đổi chính sách, chấm dứt “can thiệp vào chuyện nội bộ Trung Quốc,” trong khi một số thành phần lãnh đạo ở Washington muốn thay đổi chế độ độc tài ở Bắc Kinh. Cuộc xung đột mang tầm thế kỷ này phải chăng là không thể tránh khỏi và liệu hai cường quốc vũ khí nguyên tử có tìm được phương cách chung sống hòa bình hay sẽ dẫn thế giới đến chỗ hủy diệt có lẽ là nỗi băn khoăn lớn nhất của bất cứ ai quan tâm tới thời cuộc hiện nay. [đ.d.]

 

====================================================

.

Trung Quốc ‘sẵn sàng gây chiến tranh’ với Mỹ?

Việt Linh

March 6, 2023

https://www.baocalitoday.com/binh-luan/trung-quoc-san-sang-gay-chien-tranh-voi-my.html

 

Một cuộc trao đổi xuất hiện trên một chương trình tin tức của Nga và được chia sẻ trên mạng xã hội bởi Russian Media Monitor, là một nhóm giám sát chuyên đưa tin về bộ máy tin tức do nhà nước kiểm soát của đất nước, vào thứ Sáu. Theo người sáng lập của nhóm, Julia Davis, cuộc thảo luận trong clip xoay quanh khả năng viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Nga trong bối cảnh đất nước đang diễn ra cuộc chiến với Ukraine và nó có thể bị ảnh hưởng như thế nào bởi đề xuất hòa bình gần đây của Trung Quốc cho cuộc xung đột.

 

Cuối tháng trước, chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch 12 điểm nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Mặc dù kế hoạch có một số điều khoản có lợi cho Ukraine, bao gồm lời kêu gọi tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia liên quan, nhưng nó cũng có một số điều khoản có thể khiến kế hoạch bị bác bỏ hoàn toàn. Đáng chú ý, kế hoạch này không kêu gọi các lực lượng Nga rút khỏi Ukraine và không kêu gọi Điện Kremlin từ bỏ vùng đất của Ukraine mà họ đã cố gắng sáp nhập trong cuộc xung đột.

 

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

 

Các nhà phân tích trên truyền hình nhà nước Nga đã có cùng một quan điểm mang tính cách khẳng định rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị khá sẵn sàng cho một cuộc chiến trong tương lai với phương Tây.

 

Trong khi đó ở Nga, các chuyên gia đã thảo luận về đề xuất hòa bình của Trung Quốc và nhiều cách khác nhau mà viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Nga có thể được bí mật cung cấp, điều này chứng tỏ Trung Quốc không ngán lời đe dọa của phương Tây và Mỹ sẽ có hành động mạnh tay nếu Trung Quốc viện trợ vũ khí gây sát thương cho Nga để đẩy mạnh cuộc xâm lược Ukraine.

 

Nikolai Vavilov, một chuyên gia về Trung Quốc, nhắc đến ý định của Trung Quốc với đề xuất hòa bình. Cuối cùng, cuộc trò chuyện chuyển sang mối quan hệ luôn thù địch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà Vavilov tuyên bố rằng Tập cận Bình đã chuẩn bị cho chiến tranh kể từ khi lên nắm quyền hơn một thập niên trước.

 

Vavilov nói rằng: “Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập cận Bình đã bắt đầu nuôi dưỡng cho một cuộc chiến tranh, thậm chí là một Thế chiến thứ 3. Ông ấy đã ra lệnh chuẩn bị một đội quân có khả năng chiến thắng. Tập Cận Bình không nghi ngờ gì về kế hoạch của người Mỹ.”

 

Trong cuộc thảo luận, chuyên gia này cũng đề cập đến những cách thức mà Trung Quốc có thể cung cấp viện trợ quân sự cho Nga, bất chấp lời đề nghị hòa bình của nước này, và đây chính là điểm mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc, miệng thì kêu gọi hòa bình nhưng sau lưng thì viện trợ thêm vũ khí cho Nga để tiếp tục cuộc chiến, người Trung Quốc đã đưa ra lời biện minh thật đơn giản, họ cho rằng vì Ukraine đã nhận được viện trợ quân sự từ nhiều nước phương Tây nên Nga có nhận viện trợ quân sự từ các quốc gia khác cũng là những hành động mang giá trị tương đương.

 

Trung Quốc rất có thể sẽ vẫn ở trong ranh giới của luật pháp quốc tế và sẽ không trực tiếp cung cấp vũ khí cho một bên đã khởi xướng chiến tranh và bị thế giới lên án.

 

Tuy nhiên, như chúng ta biết, người Trung Quốc rất khéo léo và biết cách để phá vỡ mọi ràng buộc luật pháp và sự chỉ trích của thế giới. Rất có thể, các cơ sở sản xuất có thể được tạo ra ở một trong những quốc gia có chung biên giới với Liên bang Nga, nơi có quan hệ hợp tác quân sự mật thiết với Trung Quốc. Từ quan điểm của luật pháp quốc tế, hoạt động sản xuất này của những quốc gia khác viện trợ cho Nga sẽ không làm suy yếu hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là một nước lớn có trách nhiệm chung tay gìn giữ hòa bình.

 

Khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là mối lo lắng thường xuyên và ngày càng tăng đối với các quan chức quốc phòng và chính sách đối ngoại.

 

Đầu tuần này, Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth đã cảnh báo rằng một cuộc xung đột với Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm lớn cho Hoa Kỳ do các cuộc tấn công từ không gian, tấn công mạng vào lưới điện, hệ thống nước, hàng không và ngân hàng.

 

Hoa Kỳ sẽ khó đứng vững nếu Trung Quốc thực sự ra tay, tấn công nhiều lĩnh vực quan trọng của Hoa Kỳ cùng lúc, đó là bài học đắt giá cho người Mỹ vì đã mãi ngủ mê trên chiến thắng và sức mạnh trừu tượng hàng chục năm qua. Trung Quốc của Tập cận Bình ngày nay mạnh hơn người Mỹ nghĩ rất nhiều.

 

Nhưng trước khi đụng trận trực tiếp liên quan đến lãnh thổ Hoa Kỳ thì hãy nói đến một Đồng Minh của Hoa Kỳ là Đài Loan, đây chính là trận thử sức chính thức.

 

Nếu Trung Quốc xua quân bất ngờ tấn công Đài Loan và nếu Mỹ không viện trợ cho Đài Loan thì điều này sẽ tàn phá uy tín của Hoa Kỳ và có thể gây tổn hại nếu không muốn nói là phá hủy toàn bộ mạng lưới liên minh của Hoa Kỳ. Và sự thụ động của Hoa Kỳ vô hình chung sẽ khuyến khích Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên và các nước khác trở nên hung hăng hơn.

Nếu Hoa Kỳ cố gắng giúp Đài Loan nhưng thất bại, thì mọi con mắt sẽ đổ dồn vào những gì Washington sẽ làm tiếp theo. Nếu quyết định rút lui về “Pháo đài Mỹ”, tổn thất đối với uy tín của Mỹ và liên minh lại càng tồi tệ hơn.

 

Do phải tính đến khả năng can thiệp thất bại, Hoa Kỳ cũng nên suy nghĩ về các bước đi tiếp theo của mình để lôi kéo các đồng minh và đối tác của mình nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan. Hoa Kỳ nên làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để giúp đảo ngược sự việc đã rồi của CHND Trung Hoa, nhưng uy tín và sức mạnh của Hoa Kỳ sẽ mất hoàn toàn nếu buông tay Đài Loan, không dám đối đầu trực diện với Trung Quốc và lui về thế thủ.

 

Trung Quốc sẽ trở nên hung hăng hơn đối với các nước láng giềng nếu nước này thành công trong việc chiếm Đài Loan mà không gặp phải sự kháng cự của Mỹ và Đồng Minh. Nếu tình thế này xảy ra thì Nhật Bản và Nam Hàn sẽ là những nước tiếp theo. Trong thế kỷ 21, Biển Đông là một khu vực có khả năng gia tăng sự quyết đoán của Trung Quốc.

 

Hơn ai hết, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều nhìn thấy Đài Loan nằm ở một vị trí chiến lược rất quan trọng. Năng lực quân sự và tình báo của họ có thể giúp Nhật Bản và các nước Đông Á khác tránh được mối đe dọa từ chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.

 

Nếu Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có được các căn cứ quân sự và cơ sở tình báo độc nhất và sẽ có quyền tiếp cận sâu vào Thái Bình Dương mà không bị cản trở. Bắc Kinh sẽ có thể khiến lực lượng Mỹ ở Okinawa và Guam gặp nguy hiểm và xâm chiếm các vùng lãnh thổ rộng lớn của Nhật Bản và Philippines, đồng thời củng cố sự thống trị của mình ở Biển Đông và Đông Nam Á. Bắc Kinh cũng có thể từ chối khả năng duy trì sự hiện diện của Hoa Kỳ và các đồng minh ở Thái Bình Dương. Nói đơn giản hơn, là chính lúc đó, sự hiện diện của Mỹ sẽ bị đẩy lui ra xa vài ngàn hải lý.

 

Nếu biến cố Đài Loan xảy ra và không nhận được sự bảo vệ kịp thời của Mỹ hay trong tình hình xấu hơn thế, đó là Mỹ buông tay người anh em, thì vấn đề “Phổ biến vũ khí hạt nhân” ở các khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc có thể sẽ  xem xét phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân sau sự sụp đổ của Đài Loan vì họ lo sợ sẽ trở thành các mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc và sẽ có lý do để nghi ngờ khả năng của Hoa Kỳ để bảo vệ họ.

Việc Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc chắc chắn sẽ phá vỡ một số liên minh của Hoa Kỳ và định hình lại các mối quan hệ chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Philippines và Thái Lan có thể sẽ phá vỡ mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ và đầu hàng trước sức mạnh của Trung Quốc.

 

Mặc dù sự khác biệt giữa Ukraine và Đài Loan là rõ ràng, nhưng có một nguy cơ là Trung Quốc có thể đánh đồng sự miễn cưỡng của Washington và NATO trong việc giao chiến trực tiếp với một nước Nga được trang bị vũ khí hạt nhân, đặc biệt nếu Nga đang công khai đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, với một hành động tương tự. miễn cưỡng hoặc từ chối đối đầu với một Trung Quốc cũng được trang bị vũ khí hạt nhân. Do đó, Hoa Kỳ nên tăng cường khả năng răn đe, bao gồm cả răn đe hạt nhân và củng có chủ thuyết “tấn công hạt nhân phủ đầu” không còn là quyền riêng biệt của bất cứ quốc gia nào đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nhiều chuyên gia quân sự mong rằng Hoa Kỳ cần phải nói rõ ràng và thể hiện quyết tâm cũng như sự sẵn sàng đáp trả một cuộc tấn công của Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan.

 

Trung Quốc chắc chắn không có đủ tự tin cho rằng Hoa Kỳ sẽ tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc một khi xung đột nổ ra, cả Tập cận Bình và giới diều hâu trong quân đội PLA đều hiểu rằng, Hoa Kỳ sẽ không buông tay Đài Loan.

 

Vì hành động bỏ rơi một quốc gia Đồng Minh quan trọng như Đài Loan cũng chính là hành động tự sát của Hoa Kỳ trước thế giới và các quốc gia Đồng Minh. Hoa Kỳ sẽ mất rất rất nhiều thứ kể cả ngôi vị cường quốc số một thế giới, tất cả sẽ chìm vào dĩ vãng. Lịch sử sẽ sang trang mà không hề xảy ra một cuộc thế chiến thứ ba để định đoạt ngôi vị bá chủ thế giới.

 

Lời kết:

 

Cả Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, ba cường quốc thủ đắc vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, ai sẽ là người yếu tim và chớp mắt trước đây?

 

Việt Linh 06.03.2023





No comments:

Post a Comment

View My Stats