Wednesday, 8 March 2023

TUYÊN GIÁO VIỆT NAM CÓ QUÊN 'DỌN RÁC' KHI KIỂM SOÁT MẠNG? (Tidoo Nguyễn, từ Sài Gòn)

 



Tuyên giáo Việt Nam có quên 'dọn rác' khi kiểm soát mạng? 

Tidoo Nguyễn

Gửi bài từ Sài Gòn, VN

7 tháng 3 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-64781728

 

Sau 1975, nhiều sách báo và phim ảnh được xuất bản trước 1975 đã bị nhà nước Việt Nam tịch thu và tiêu hủy vì là "tàn dư của chế độ cũ".

 

Ngày nay, truyền thông nhờ Đổi mới đã cởi mở hơn, nhưng lại có chuyện các kênh truyền hình HTV và VTV, các bài viết và video trên mạng xã hội đây đó chứa đựng nội dung về hành vi gợi dục và có ngôn từ gây hấn.

 

Kiểm duyệt hay không?

 

Chính phủ Việt Nam luôn nói nước này có nền báo chí "tự do" và rất ngại bị chê là kiểm duyệt.

 

Tour xuyên Việt của của Khánh Ly- 'đường gập ghềnh... chưa xóa nhòa'

Vì sao 29 bức tranh của họa sĩ Bùi Chát bị buộc phải tiêu hủy?

Đi Mỹ gây quỹ cho phế binh VNCH, một linh mục bị chính quyền VN cấm xuất cảnh

VN: Các nhà làm phim nói gì về 'kiểm duyệt' và 'lạm quyền'?

 

Nhưng cùng lúc, ai cũng thấy là cả bộ máy nhà nước kiểm duyệt khắt khe thông tin trên các phương tiện truyền thông, và thậm chí xử phạt những cá nhân đưa ra ý kiến trái chiều đối với nhà nước. Quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam là vấn đề mà Human Rights Watch (HRW-Tổ chức Theo dõi Nhân quyền) phải "để mắt" đến.

 

Ví dụ HRW đã có một báo cáo về các sự kiện năm 2022 ở Việt Nam cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 các nhà bất đồng chính kiến với nhà nước Việt Nam. Đó là các ông ôbg Lê Văn Dũng, ông Đinh Văn Hải, blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang, ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm.

 

Đồng thời, nhà tù Việt Nam đang tạm giữ ít nhất là 14 người chưa được xét xử như bà Nguyễn Thúy Hạnh, ông Nguyễn Lân Thắng, ông Bùi Văn Thuận và ông Bùi Tuấn Lâm. Các bằng chứng kết tội họ thường là những thông tin họ đăng tải trên mạng xã hội.

 

 

Truyền hình đang quảng bá thứ 'văn hóa' gì?

 

Thế nhưng, ở Việt Nam có nghịch lý là nhà chức trách như "ngó lơ" các chương trình truyền hình mang tính chất giải trí - mua bản quyền theo định dạng các chương trình truyền hình của nước ngoài, và localize (cải biên, địa phương hóa) theo thị hiếu của khán giả trong nước.

 

Chẳng hạn như game show "2 ngày 1 đêm" được phát sóng trên HTV7 có những đoạn phải nói là chứa đựng hành vi gợi dục, đối thoại nhặng xị; chương trình truyền hình thực tế "Bạn muốn hẹn hò" được phát sóng trên HTV7 với nhiều cuộc đối thoại có ngôn từ trần trụi, thô tục.

 

Ban Tuyên giáo mặc kệ hoạt động giải trí "vô hại" về chính trị nên những chương trình như vậy vẫn được phát sóng trên đài truyền hình hàng đêm cho dân xem.

 

Khi tôi xem một video được đăng lại trên YouTube thuộc game show "2 ngày 1 đêm", ở mốc thời gian 1:13:38, nhân vật nam tham gia trong chương trình đã thực hiện màn thoát y như Chử Đồng Tử.

 

Ngay cả tựa đề cho video này trên Youtube cũng kém văn hóa "HIEUTHUHAI lần đầu bị LỘT SẠCH QUẦN ÁO giữa trời đông rét buốt" (sao y). Vậy mà, video này thu hút rất nhiều lượt view (952 ngàn lượt), 4,500 lượt like, và 280 lời bình luận cổ súy sau 10 ngày được đăng tải.

 

Khi nhân vật nam tham gia trong chương trình phô bày thân thể trần truồng, còn đám đông khán giả cổ vũ cho hành động đó, có nghĩa là họ đã có "lòng dục vọng".

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/DD57/production/_128836665_racsaigon1-002.jpg

Người dân tự do xả rác la liệt trước cổng trường quốc tế Việt Úc ở chi nhánh trên đường Phan Xích Long, quận Bình Thạnh và tự do "xả rác" trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội v.v làm "ô nhiễm môi trường sống" mà ngỡ là đã có được tự do

 

Còn khi tôi thử xem một vài videos trên YouTube phát lại chương trình truyền hình thực tế "Bạn muốn hẹn hò" được phát sóng cũng trên HTV7 cũng đan xen những cuộc đối thoại mang tính chất riêng tư, sử dụng ngôn từ suồng sã đề cập đến vấn đề trinh tiết.

 

Ví dụ video mang tựa đề "Hotgirl Khẳng Định Còn Trinh 100% Khiến Chàng Đỏ Mặt"; hay đề cập đến lông trên cơ thể người đàn ông và bộ phận sinh dục của đàn ông như video mang tựa đề "QUYỀN LINH ĐỎ MẶT VÌ BỊ CÔ GIÁO CHÊ YẾU NÓI RA SỰ THẬT MẤT LÒNG".

 

Ở mốc thời gian 5: 44 trong video "CHỦ TỊCH CẦM ĐỒ KHOE HÀNG ĐỘ 14 LI khiến bạn gái thích thú vì tiêu chí MÊ TRAI ĐẸP" chứa đầy những phát ngôn suồng sã đến mức tục tĩu của hai nhân vật nữ và hai nhân vật nam, thậm chí còn lặp đi lặp lại nhiều lần để ám chỉ kích thước dương vật của người đàn ông!!!

 

Hồi năm 2020, trang Người Lao Động có bài viết "Gameshow trên VTV3 bị "ném đá" vì cảnh dung tục, phản cảm" đã phê phán chương trình game show "Kèo này ai thắng" trên VTV3 mang tính dung tục vì nhân vật nữ tham gia trò chơi ngậm củ cải trắng trong miệng. Trong bài viết này cũng nêu ví dụ MC Sam trong chương trình game show "Trí khôn ta đây" đưa ra câu hỏi vô duyên, gợi hình ảnh trần trụi là "Cái gì nằm giữa hai chân người đàn ông?".

 

Làm gì với mạng xã hội đầy những drama và 'thánh chửi'?

 

Trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube v.v. đang tràn lan những đoạn video ngắn mang tính drama (bi kịch) với nội dung xoay quanh lối sống sa đọa của các cô nàng "trà xanh" (ám chỉ những cô gái trẻ đẹp dùng nhan sắc kiếm tiền bằng cách làm tình nhân hay vợ bé của người đã kết hôn); đề cao "gái ngành" (ám chỉ những cô gái bán dâm để kiếm tiền); khai thác những mối quan hệ loạn luân trong gia đình (cha chồng và con dâu); chế giễu mối quan hệ giữa phụ nữ lớn tuổi và các chàng trai trẻ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/549/cpsprodpb/12B77/production/_128836667_ongdia_.jpg

Người Việt vẫn cầu cúng ông Địa và Thần Tài để xin số đề. Ảnh chụp dưới gầm cầu Hoàng Hoa Thám bắt ngang đường Trường Sa, quận Bình Thạnh đầu tháng 3/2023.

 

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều videos có phát ngôn gây hấn của "những thánh chửi" v.v.

 

Mới đây, báo Tuổi Trẻ trong bài viết "Những cái máy chửi thời mạng" cũng đã báo động vấn nạn "Chí Phèo chửi bậy thời mạng xã hội" từ Bắc chí Nam trong những năm gần đây. Những nhân vật "Chí Phèo" thời nay trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội, và tận dụng "cơ hội" đó để kinh doanh, kiếm tiền và đổi đời nhờ chửi. Và điều đáng nói là những "thánh chửi" đó thu hút lượng view rất lớn, nên không ít thì nhiều có thể cổ súy cách nói năng tùy tiện, vô văn hóa đến giới trẻ.

 

Phát ngôn của một người phản ảnh tính cách, văn hóa ứng xử của người đó. Ngạn ngữ có câu "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", hay ca dao có câu "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe" đều minh chứng rằng phát ngôn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người từ ngàn xưa.

 

Hành vi gợi dục và những phát ngôn tục tĩu khơi gợi "lòng dục vọng" của con người. Còn những "pha chửi" trên mạng xã hội liên quan đến sự thù hằn của nhân loại.

 

Theo tôi được biết, các môn thần học Ki-tô giáo và Phật giáo đều coi "lòng dục vọng" và "sự thù hằn" là các tội lỗi dễ mắc phải của con người, là nguồn gốc cho nhiều loại tội lỗi khác phát sinh. Chỉ có những ai vô thần vô thánh thì mới không nhìn nhận vấn đề gây ra từ việc gợi ra công khai các hành vi, ngôn từ chứa đựng dục vọng.

 

Việc ngăn trẻ em tiếp cận các nội dung nói trên đang ra sao ở Việt Nam, thực sự là không ai biết.

 

Thiển nghĩ, đã đến lúc công dân Việt Nam cần nhận thức ý nghĩa đúng đắn về sự "tự do". Chữ tự do kia cũng có ba bảy đường (phỏng theo thơ Kiều - Nguyễn Du: Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường): một mặt là tự do làm điều tốt để nâng cao giá trị - đời sống - nhân quyền của bản thân, mặt khác là tự do làm điều xấu tự hại bản thân như con thiêu thân.

 

Là công dân Việt Nam, chúng ta nên coi trọng sự tự do ở vế một, và cần nhận ra hành vi tự do phát ngôn bừa bãi, tự do khoe thân, tự do theo lối sống sa đọa thì không phải là tự do mà là "tự thiêu" chính mình và "thiêu" cả tương lai của chính con cháu mình.

 

-------------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của cây bút độc lập Tidoo Nguyễn, hiện sống ở Sài Gòn.

.

TIN LIÊN QUAN

 

'Gia tài của mẹ' làm tour xuyên Việt của Khánh Ly 'gập ghềnh'?

1 tháng 7 năm 2022

.

Họa sĩ Bùi Chát: Vì sao 29 bức tranh bị buộc phải tiêu hủy?

17 tháng 8 năm 2022

.

Đi Mỹ gây quỹ cho phế binh VNCH, một linh mục bị chính quyền VN cấm xuất cảnh

25 tháng 10 năm 2022

.

VN: Các nhà làm phim nói gì về 'kiểm duyệt' và 'lạm quyền'?

5 tháng 10 năm 2021

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats