Wednesday, 8 March 2023

TIẾN SĨ và 'NGHỆ SĨ NHÂN DÂN' (Nguyễn Văn Tuấn)

 



Tiến sĩ và ‘Nghệ sĩ nhân dân’

Nguyễn Văn Tuấn

Posted on 07/03/2023 by Boxit VN

https://boxitvn.online/?p=83258#more-83258

 

Hình : https://drive.google.com/uc?id=1fOT_2cqqBg3Mfdkuvp8bC8s9iyku1MUn

 

Thỉnh thoảng, giới nghệ sĩ có ý tưởng ngồ ngộ: đề xuất rằng những ‘Nghệ sĩ nhân dân’ (NSND) nên được xem là tương đương tiến sĩ [1]. Nhưng ý tưởng này thể hiện sự hiểu sai về danh hiệu và bằng cấp (học vị).

 

NSND là một danh hiệu hay tước hiệu (title) có nguồn gốc từ Liên Xô cũ. Theo như qui chế hiện hành thì danh hiệu này được trao tặng hay ‘phong’ cho những nghệ sĩ có những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật và xã hội. Một tiêu chí quan trọng trong qui định này là “Trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, có tài năng xuất sắc, có cống hiến nhiều cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam“. Tức là danh hiệu này mang tính chánh trị. Những nghệ sĩ lừng danh như Hùng Cường chắc chắn không đáp ứng tiêu chí này.

 

Tiến sĩ là một bằng cấp do một đại học cấp sau khi đương sự đã đạt những tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học và học thuật. Thường, người được cấp bằng tiến sĩ phải trải qua ít nhứt là 3 năm học hành và nghiên cứu, và nghiên cứu phải thể hiện một đóng góp có ý nghĩa trong chuyên ngành. Người tốt nghiệp tiến sĩ (Doctor of Philosophy hay PhD) được phép dùng danh hiệu ‘Doctor’ mà Việt Nam dịch là ‘Tiến sĩ’. Tiêu chí cấp bằng tiến sĩ không có liên quan gì đến quan điểm chánh trị của đương sự.

 

Ngoài ra, còn có nhiều khác biệt giữa NSND và tiến sĩ. NSND không phải học trong môi trường khoa bảng; còn tiến sĩ phải qua đào tạo trong môi trường khoa bảng. NSND không cần viết luận án và bảo vệ luận án; tiến sĩ phải thực hiện hai việc đó. NSND có đóng góp rộng lớn trong xã hội; tuyệt đại đa số tiến sĩ chẳng có đóng góp gì ở cấp xã hội mà chỉ có những đóng góp rất nhỏ trong chuyên ngành. NSND — nếu đúng định nghĩa — thể hiện một cái mà phương Tây gọi là ‘accomplishment’; còn tuyệt đại đa số tiến sĩ không bao giờ đạt được cấp độ đó, mà chỉ ở mức ‘attainment’ thôi. Xét về mức độ ảnh hưởng tôi nghĩ NSND có ảnh hưởng hơn nhiều so với đa số tiến sĩ.

 

Nói chung, ở Việt Nam có nhiều hiểu lầm về văn bằng tiến sĩ. Mấy năm trước có qui định rằng trong ngành y các giảng viên đại học có bằng bác sĩ ‘chuyên khoa II’ được xem là tương đương tiến sĩ, và đây cũng là một sự hiểu sai. Nay đến các vị bên ngành nghệ thuật cũng hiểu sai và đòi ‘tương đương hoá’ như thế. Người ta phải hỏi nếu NSND là tương đương với tiến sĩ thì NSƯT tương đương với bằng cấp gì? Một nghệ sĩ có bằng tiến sĩ nhưng có thể suốt đời không bao giờ đạt được danh hiệu NSND; ngược lại, một NSND không có bằng cấp thì không thể là tiến sĩ.

 

Chẳng hiểu sao ở Việt Nam người ta (kể cả mấy vị trong Nhà nước) thích lấy cái bằng tiến sĩ làm ‘benchmark’. Bệnh viện, đại học lấy cái bằng đó làm tiêu chuẩn bổ nhiệm và đề bạt. Trước đây, có ý kiến cho rằng phải có bằng tiến sĩ mới ‘đột phá tư duy’. Thế rồi, như là một hệ quả, người ta ‘thần thánh hoá’ cái văn bằng tiến sĩ và ‘thần tượng hoá’ những người có bằng tiến sĩ, xem họ như những người xuất chúng. Nhưng đó là một nhận thức sai. Chúng ta đã thấy nhiều vị tiến sĩ, nhứt là trong bộ máy Nhà nước, phát biểu những câu hay có những cách nhìn không xứng tầm của người được trao học vị đó. Cái danh nó không nói lên mức độ đóng góp, càng không nói lên trình độ.

 

Tôi nghĩ một phần của vấn đề là do người Việt chúng ta xem sự học là để ‘an thân’. Tôi xin nói thêm rằng ‘học để an thân’ ở đây là học để có cái danh, để làm nhiều tiền, và từ đó được người đời ngưỡng mộ. Nói cách khác, người Việt có xu hướng nghĩ rằng sự học là để ‘vinh thân phì gia’. Tôi nghĩ đó là một quan điểm sai. Học không phải để vinh thân phì gia, mà là để tự mình khai sáng (tức xoá bỏ cái vô minh), để phụng sự xã hội, và để lãnh đạo. Ở thế kỉ 21 mà vẫn xem sự học là để vinh thân phì gia thì thật là… lạc hậu vậy.

 

Quay lại ý tưởng tương đương hoá nghệ sĩ nhân dân và tiến sĩ, tôi nghĩ người đề ra ý tưởng này hiểu sai về bản chất của hai thực thể. Không nên và không thể xem nghệ sĩ nhân dân tương đương với tiến sĩ. Nếu cần thì nên ban hành qui chế về bằng ‘Tiến sĩ danh dự’, chứ không thể đánh đồng NSND là tiến sĩ được.

 

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

 

====================================================

Xem thêm:

 

Xấu hổ với đề xuất của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội

Chu Mộng Long

6-3-2023

 

Bằng cấp là thang đo trình độ học vấn trong hệ thống giáo dục và đào tạo hiện đại. Sau bằng tốt nghiệp phổ thông, người học chuyên sâu một lĩnh vực học thuật, sẽ được cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Lưu ý, khái niệm “học thuật” chỉ toàn bộ những giá trị được học tập, nghiên cứu và khám phá trong một chuyên môn nào đó như thần học, toán học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn…

 

Danh hiệu là tên gọi được phong tặng cho cá nhân hoặc tập thể có thành tích trong bất cứ hoạt động nào, không chỉ là hoạt động giáo dục, y tế, nghệ thuật… mà có thể cho một anh nông dân, anh chăn bò, chăn vịt, thậm chí quét rác, moi ống cống… Danh hiệu không liên quan đến học thuật.

 

Quan hệ giữa Tiến sĩ và Nghệ sĩ nhân dân được hình dung như sau:

 

Tiến sĩ là văn bằng ghi nhận một trình độ học thuật, còn gọi là học vị, do hệ thống giáo dục và đào tạo cấp. Có thể anh ta nghiên cứu về Sân khấu, Điện ảnh, tức giá trị học thuật. Còn danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ sĩ nhân dân do Nhà nước phong tặng cá nhân có thành tích trong sáng tác hoặc biểu diễn. Danh hiệu này không liên quan đến hệ thống giáo dục và đào tạo, vì Nhà nước có thể cấp cho một anh hề chèo, một người hát xẩm, một nghệ nhân dân gian. Anh hề chèo, người hát xẩm hay nghệ nhân dân gian ấy có thể mù chữ.

 

Tiến sĩ phải có một luận án khoa học được Hội đồng khoa học đánh giá đạt chuẩn học thuật. Luật giáo dục đại học Việt Nam cũng quy định vậy, ai dám sửa hay xé luật?

 

Nay Trường Đại học sân khấu – điện ảnh Hà Nội đề xuất danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân tương đương với Tiến sĩ, khác nào đặt ngang hàng đứa mù chữ với người có trình độ học thuật? Chứng tỏ cả đội ngũ của trường này không có chút hiểu biết tối thiểu. Xấu hổ chết đi được!

Cách mạng trí thức hóa đứa không cần học đấy ư?

 

Lỗi nằm ở gốc của cuộc cách mạng đó thật. Chế Lan Viên từng tự hào khi viết: “Những kẻ quê mùa cũng thành trí thức”. Và đã đến lúc trí thức hóa tuốt!

 

Gốc thế này. Đúng tên phải là Trường Sân khấu – Điện ảnh, cũng như Trường Múa, Trường Âm nhạc, Trường Dạy võ, Trường Viết văn Nguyễn Du… Nôm na, đó là các “trường nghề”. Thay vì truyền nghề trong dân gian thì nhà nước mở trường lớp cho, đơn giản vậy. Những trường này chuyên đào tạo nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn.

 

Còn khi gắn vào đó chữ “đại học” mà vẫn đào tạo nghệ sĩ chứ không phải đào tạo chuyên gia nghiên cứu với tư cách là trình độ học thuật về các lĩnh vực nghệ thuật này thì cái đứa nghĩ ra sự chuyển đổi này ắt có cái đầu củ chuối. Kẻ nào đã nghĩ ra sự đánh lận này? Khai mau!

 

Gốc là một sự đánh lận từ cách gọi tên trường. Cho nên bây giờ mới có chuyện cái trường mang tên “Đại học” ở đất thổ đu đòi đánh đồng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân với Tiến sĩ!

Thảo nào lâu nay nghe danh xưng Tiến sĩ Thả diều, Tiến sĩ Cầu lông, Tiến sĩ Cải lương, Tiến sĩ Chèo… thấy ngồ ngộ!

 

Thật là mạt vận cho giáo dục và đào tạo Việt Nam! Thảo nào ngài Bộ trưởng Bộ 4T nổ: “Ta đi trên con đường mà thế giới không thể bắt chước được!” Đi trên đường tiến hóa chứ chạy ngược thành tha hóa thì chỉ có heo mới thèm bắt chước!

 

Hàng ngàn ca sĩ, hàng ngàn anh hề mấy chục năm qua được trao danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân có lẽ đang ăn mừng, vì sau một đêm không cần học tập – nghiên cứu gì, bỗng trở thành Tiến sĩ! Nay mai một bà mẹ Việt Nam anh hùng, một anh chăn bò như Hồ Giáo hay một lao công dọn rác được trao Huân chương lao động, cũng đòi quy đổi thành Tiến sĩ?

 

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long





No comments:

Post a Comment

View My Stats