Friday, 3 March 2023

THẾ GIỚI HÔM NAY : 03/03/2023 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 03/03/2023

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

03/03/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/03/03/the-gioi-hom-nay-03-03-2023/

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Hai ông đã trao đổi ngắn gọn bên lề cuộc họp gay gắt của các ngoại trưởng G20. Theo một quan chức bộ ngoại giao Mỹ, ông Blinken nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và nói Nga nên tái tham gia hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START.

 

Biểu tình bùng nổ trên khắp Hy Lạp sau vụ tai nạn tàu hỏa hôm thứ Ba khiến ít nhất 57 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Người biểu tình cho rằng chính phủ đã không bảo trì đường sắt. Tại thủ đô Athens thậm chí có đụng độ với cảnh sát bên ngoài trụ sở của công ty quản lý tàu lửa của Hy Lạp. Các quan chức Hy Lạp đã buộc tội một trưởng ga ở thành phố Larissa gần đó về tội ngộ sát do khinh suất.

 

Lạm phát ở khu vực đồng Euro giảm xuống 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 2, thấp hơn 0,1% so với tháng trước. Nguyên nhân là do giá nhiên liệu rẻ hơn, dù mức giảm thấp hơn dự kiến. Song lạm phát cơ bản, tức không tính năng lượng và lương thực, lại tăng 0,3% lên 5,6%. Lạm phát cao liên tục sẽ gây áp lực buộc ECB tăng lãi suất.

 

Tổng thống Vladimir Putin nói “những kẻ khủng bố” Ukraine đã tấn công vùng biên giới Bryansk của Nga. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin cáo buộc các nhóm vũ trang trên bắn vào thường dân Nga. Một cố vấn của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ cáo buộc và gọi nó là “sự khiêu khích có chủ ý” để biện minh cho chiến tranh. Một nhóm người Nga chống Putin, hoạt động ở Ukraine, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhưng vẫn chưa có xác nhận chính thức.

 

Tesla công bố kế hoạch cắt giảm một nửa chi phí lắp ráp ô tô nhằm chuẩn bị tung ra một loại xe điện rẻ hơn đáng kể. Tại hội nghị nhà đầu tư, lần đầu tiên được tổ chức tại một nhà máy ở Texas, ông chủ công ty Elon Musk đã không đưa ra nhiều thông tin chi tiết về thời điểm ra mắt mẫu xe mới. Các nhà đầu tư tỏ ra không bị thuyết phục, khi giá cổ phiếu Tesla giảm hơn 5% trong giao dịch sau giờ đóng cửa thị trường.

 

Mỹ phê duyệt gói bán vũ khí tiềm năng trị giá 619 triệu đô la cho Đài Loan, trong đó bao gồm tên lửa phòng không và đạn cho máy bay chiến đấu F-16. Thương vụ sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Trung Quốc, nước đã hai ngày liên tiếp tung máy bay chiến đấu vào không phận Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và đã nhiều lần yêu cầu Mỹ ngừng bán vũ khí cho hòn đảo tự trị này.

 

Bốn ngọn giáo thổ dân bị thực dân Anh thời kỳ đầu lấy đi từ Úc sẽ được trả lại cho bộ tộc địa phương ở Sydney. Số cổ vật này nằm trong trong số hàng chục ngọn giáo được thu thập bởi James Cook, người đến Úc vào năm 1770, và đang được lưu giữ tại Đại học Cambridge. Đại học Trinity của Cambridge đã đồng ý trả lại chúng sau chiến dịch kêu gọi kéo dài 20 năm của các bộ tộc thổ dân. Các ngọn giáo sẽ được trưng bày tại một trung tâm du khách mới.

 

Con số trong ngày: 45 nghìn tỷ đô la, là tổng giá trị nhà ở tại Mỹ.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Thủ tướng Đức thăm Mỹ

Dù ngắn ngủi, chuyến thăm 24 giờ của Olaf Scholz tới Washington vào thứ Sáu có thể sẽ không đơn giản. Thủ tướng Đức cần thuyết phục được Tổng thống Joe Biden, người hồi tháng 1 phải hứa cung cấp xe tăng cho Ukraine vì ông Scholz ra yêu sách chỉ gửi xe tăng một khi Mỹ cam kết gửi trước. Nếu bị nói là chần chừ, thủ tướng sẽ không ngại chỉ ra rằng viện trợ của Đức cho Ukraine – tổng cộng 14 tỷ euro (14,83 tỷ USD) cho đến nay – chỉ đứng thứ hai, sau Mỹ.

 

Nhưng ông Biden có thể phản bác ngược lại là các nước NATO nhỏ đã chi hào phóng hơn rất nhiều so với GDP của họ. Trước chuyến đi, ông Scholz nhấn mạnh quan hệ Đức-Mỹ đang tốt hơn bao giờ hết. Ông cũng có đường lối ngày càng cứng rắn với Trung Quốc như ông Biden. Các báo cáo mới cho thấy Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu nước này gửi vũ khí cho Nga. Song ông Scholz có thể sẽ phản đối, vì các công ty hàng đầu của Đức bị ảnh hưởng nhiều bởi Trung Quốc, nhất là sau khi đã mất đi thị trường lớn của Nga.

 

Hệ lụy từ tai nạn đường sắt thảm khốc ở Hy Lạp

Thứ Bảy này một trưởng ga của Hellenic Train, công ty điều hành đường sắt Hy Lạp, sẽ ra tòa về tội ngộ sát sau cái chết của ít nhất 57 người trong vụ tai nạn kinh hoàng gần Larissa hôm thứ Ba. Một đoàn tàu chở hàng đã va chạm với đoàn tàu cao tốc trên tuyến đường sắt chính nối Hy Lạp và Trung Âu. Một quan chức cứu hỏa nói “hầu như không còn hy vọng” giải cứu thêm người. Hàng chục người nhà nạn nhân đã kéo đến các bệnh viện địa phương để làm xét nghiệm ADN xác định danh tính nạn nhân.

 

Giorgos Gerapetritis, bộ trưởng giao thông mới được bổ nhiệm, sẽ giám sát cuộc điều tra về thảm họa. Một số chuyên gia cho rằng lỗi chuyển đổi thủ công tại ga Larissa đã khiến hai đoàn tàu va trực diện vào nhau. Vì chậm trễ nhiều năm qua trong việc nâng cấp tuyến chính theo tiêu chuẩn EU, nhiều đoạn đường sắt của Hy Lạp hiện vẫn chưa có tín hiệu điện tử. Thảm kịch đã gây ra biểu tình bạo lực trên khắp đất nước, và cử tri nhiều khả năng sẽ trừng phạt đảng Dân chủ Mới cầm quyền tại cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7.

 

Lufthansa đi qua giai đoạn khó khăn

Lufthansa, tập đoàn hàng không lớn thứ hai châu Âu tính theo số lượng hành khách — vốn sở hữu Austria Airlines, SWISS, Eurowings và Brussels Airlines — sẽ báo cáo kết quả kinh doanh năm ngoái vào thứ Sáu. Các con số có thể sẽ tốt hơn nhiều so với hai năm trước. Và sau khi thua lỗ quý cuối năm 2021, các nhà phân tích đang kỳ vọng vào một quý cuối năm 2022 có lãi.

 

Trong tâm dịch covid-19, lượng hành khách đã giảm đáng kể đến mức vào tháng 5 năm 2020, chính phủ Đức phải can thiệp bằng gói cứu trợ trị giá 9 tỷ euro (10 tỷ USD). Gói này bao gồm mua lại 20% cổ phần của hãng, mà chính phủ đã thanh lý vào tháng 9 năm ngoái. Với dự đoán về những ngày tốt đẹp phía trước, hôm thứ Năm hội đồng quản trị công ty đã thông báo gia hạn thêm 5 năm hợp đồng cho CEO Carsten Spohr, người cũng là một phi công, và giám đốc tài chính Remco Steenbergen. Đây là phần thưởng cho hai ông vì đã lèo lái hãng hàng không vượt qua giai đoạn có lẽ là khó khăn nhất trong lịch sử.

 

Liệu thị trường bất động sản Mỹ có đang phục hồi?

Lãi suất thế chấp tăng vọt trong năm ngoái đã khiến thị trường nhà ở của Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực, với các giao dịch, giá cả, và hoạt động xây dựng đều sụt giảm. Nhưng nó bắt đầu phục hồi trong những tuần gần đây, khi doanh số bán nhà mới trong tháng 1 tăng lên mức cao nhất trong mười tháng. Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, vì bất động sản là chỉ dấu cho thấy cách nước Mỹ đối phó với lãi suất cao.

 

Vài tháng tới sẽ cho thấy liệu sự phục hồi của bất động sản có bền vững hay không, đặc biệt vì mùa xuân thường là thời điểm bận rộn nhất trong năm của ngành. Nếu nhìn lạc quan thì thị trường bất động sản Mỹ có lẽ đã chạm đáy. Còn cái nhìn bi quan là Cục Dự trữ Liên bang sẽ mạnh tay hơn nếu một lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như thế vẫn hoạt động bình thường. Trong kịch bản ảm đạm nhưng đáng tiếc là thực tế hơn này, giai đoạn phục hồi sẽ sớm biến mất.







No comments:

Post a Comment

View My Stats