Rối rắm chữ nghĩa trong văn bản luật
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=603159171691106&id=100059910855657
Chùa Tam Chúc mới vài tuổi đời nhưng đã được công nhận là Di tích quốc gia?
1. Cục Di sản nói: không phải, “một số người phản ứng vì chưa hiểu đúng, tưởng xếp hạng di tích quốc gia cho chùa Tam Chúc”. Hãy nghe ông Ông Trần Đình Thành - phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa nói trên báo Tuổi trẻ:
“Thực ra là xếp hạng cho cả quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) rộng lớn bao gồm cả hồ, đầm lầy, hệ thống núi, rừng, hang động, với thảm động thực vật phong phú.
Trong đó giá trị về danh lam thắng cảnh mới là giá trị nổi trội, chứ không phải giá trị kiến trúc nghệ thuật, không liên quan tới công trình trong đó, bao gồm chùa Tam Chúc mới xây” (Hết trích).
2. Nhớ rằng Tam Chúc được công nhận là Di tích quốc gia theo Luật Di Sản Văn Hóa. Lạ là, đã là luật “di sản văn hóa” nhưng lại công nhận cả di sản thiên nhiên, vì theo ông phó cục trưởng thì việc công nhận này “không liên quan tới công trình trong đó, bao gồm chùa Tam Chúc mới xây”. Đó là cái rối rắm đầu tiên về từ ngữ.
3. Cái rối rắm thứ 2 là “danh lam thắng cảnh”. Danh lam là ngôi chùa đẹp nổi tiếng, thắng cảnh là cảnh đẹp nổi tiếng. Gộp “danh lam” và “thắng cảnh” lại làm 1 để công nhận cái gọi là “danh lam thắng cảnh” nói chung thì cũng thật lộn xộn. Chưa hết, bản thân “danh lam thắng cảnh” tự nó đã rối như đã nói, lại thêm việc đặt nó vào một cái rối lớn hơn là “di tích” (bao gồm cả di sản thiên nhiên lẫn di tích văn hóa!). Rối chồng lên rối.
Tóm lại, công nhận là Di tích quốc gia nhưng lại không có/không bao gồm công trình xây dựng - văn hóa; gọi là “danh lam thắng cảnh” nhưng lại không có chùa; gộp chung “Di tích lịch sử - văn hóa” và “danh lam thắng cảnh” vào làm 1 và gọi chung “di tích”, thật không thể hiểu được ngôn ngữ của những nhà làm luật.
Các vị trách dân rằng “chưa hiểu đúng” nhưng gọi Tam Chúc là “di tích” mà lại không bao gồm công trình xây dựng, thì ai mà hiểu cho nổi!
Tại sao không gọi là Luật Di Sản thôi, rồi trong đó phân ra thành di sản văn hóa và di sản thiên nhiên mà lại sử dụng một cái tên phiến diện (Luật Di Sản Văn Hóa) mà nội hàm thì lại bao gồm cả 2?
Tại sao đã có định danh “Di sản thiên nhiên” rất sáng sủa đó mà các vị không dùng, lại đi xài chữ “di tích”? Bây giờ mà công nhận “Di sản thiên nhiên Tam Chúc” thì ai mà đi thắc mắc làm gì nữa! Còn khi đã gọi “di tích” mà lại không có di tích trong đó, thì đúng là ngược đời.
Đây chỉ đơn thuần là sự kém cỏi về năng lực, ít nhất là năng lực sử dụng tiếng Việt, hay còn vì những lý do nào khác nữa để dẫn đến sự nhập nhèm này?
Thái Hạo
No comments:
Post a Comment