Sunday, 5 March 2023

NHÓM HIẾN PHÁP : BÀ NGUYỄN UYÊN THÙY SỐNG TRONG LO LẮNG TẠI THÁI LAN (Hải Di Nguyễn)

 



Nhóm Hiến Pháp: Bà Nguyễn Uyên Thùy sống trong lo lắng tại Thái Lan

Hải Di Nguyễn

Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ London

5 tháng 3 2023

 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c6pne25z20do

 

Ngày 10/6/2018, bà Nguyễn Uyên Thùy và nhóm Hiến Pháp, tổ chức bà sáng lập và đứng đầu, tổ chức biểu tình chống Luật Đặc khu.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6a36/live/671f32e0-bb02-11ed-8c05-85c0fa62b06e.jpg

Tháng 9/2018, bà Nguyễn Uyên Thùy cùng chồng, ông Hồ Nhựt Hùng, sang Thái Lan xin tỵ nạn

 

Ngày 16/9/2018, sau khi tám thành viên của nhóm Hiến Pháp lần lượt bị bắt, bà Nguyễn Uyên Thùy cùng chồng là ông Hồ Nhựt Hùng sang Thái Lan xin tỵ nạn.

 

Theo bà, từ đó đến nay hai vợ chồng phải sống trong tình trạng bấp bênh và đầy lo lắng, dù đã được cấp giấy tỵ nạn từ Liên Hiệp Quốc (LHQ).

 

Ngày 22/2/2023, tôi phỏng vấn qua điện thoại bà Nguyễn Uyên Thùy về đời sống tỵ nạn và thời gian ở tù tại Thái Lan.

 

Vì sao phải sang Thái Lan tỵ nạn?

 

Bà Nguyễn Uyên Thùy khẳng định nhóm Hiến Pháp được thành lập với “tiêu chí đấu tranh là bằng ngôn luận, đối thoại, không đối đầu, bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, đặc biệt là Điều 25 của Hiến pháp.”

 

Điều 25 nói “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình.”

 

Tháng 6/2018, bà cùng các thành viên của nhóm Hiến Pháp và nhiều người khác tham gia biểu tình ôn hòa phản đối Luật Đặc khu – dự luật cho Trung Quốc thuê ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trong 99 năm.

 

Tuy nhiên, tám trong tổng số 18 thành viên của nhóm Hiến Pháp lần lượt bị bắt, nhiều trường hợp gia đình không được thông báo: ông Trần Thanh Phương, ông Đỗ Thế Hóa, bà Trần Hoàng Lan, ông Huỳnh Trương Ca, ông Ngô Văn Dũng, ông Hồ Đình Cương, ông Lê Minh Thể, và bà Lê Thị Bình. Trong đó có bốn người tới nay đã ra tù, là ông Lê Minh Thể, ông Trần Thanh Phương, bà Lê Thị Bình, và ông Đỗ Thế Hóa, nhưng ông Lê Minh Thể bị bắt giữ lần hai ngày 22/2/2023.

 

Tháng 9/2018, bà Nguyễn Uyên Thùy cùng chồng, ông Hồ Nhựt Hùng, sang Thái Lan xin tỵ nạn.

 

Tháng 11/2018, Công an Thừa Thiên-Huế ra lệnh truy nã bà vì “Sử dụng Facebook cá nhân để phát trực tiếp các nội dung vu khống, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kích động biểu tình trái phép, tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lât đổ chính quyền có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.”

 

Bà nói “Tôi không làm gì sai…Tôi chả chống nhà nước, tôi chỉ yêu cầu Quốc hội trả lại quyền tự quyết cho nhân dân, rút kinh nghiệm từ Formosa, rút kinh nghiệm từ nhiệt điện Vĩnh Tân, rút kinh nghiệm từ bauxite Tây Nguyên. Tôi kêu gọi người dân yêu cầu chính phủ không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày.”

 

“Tôi là một người yêu nước, không có gì để chống phá nhà nước.”

 

Tỵ nạn tại Thái Lan

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9e44/live/69030380-bb01-11ed-89f4-f3657d2bfa3b.jpg

Bà Nguyễn Uyên Thùy nói tháng 7/2022, bà và chồng bị bắt tại Thái Lan. “Cảnh sát hoàng gia Thái Lan ập vào nhà, không mặc sắc phục và cũng không có lệnh, bắt tôi đi.”

 

Đến Thái Lan, bà và chồng rơi vào tình trạng rất bấp bênh.

 

“Tôi hoàn toàn không biết ở đây người tỵ nạn không được lao động… Tôi cứ nghĩ khi được Cao ủy Tỵ nạn cấp quy chế thì dù ít hay nhiều, cũng được chút nào đó cưu mang từ Cao ủy Tỵ nạn LHQ.”

 

Tuy nhiên từ lúc sang Thái Lan, bà nói, hai vợ chồng hoàn toàn không được gì ngoài tấm thẻ quy chế tỵ nạn, và không được phép đi làm tự nuôi sống bản thân.

 

Họ phải nhờ người thân bán tài sản tại Việt Nam.

 

“Có những tháng ngày không còn gì để bán, chúng tôi phải đi lượm rác để ăn.”

 

Thời gian ở tù tại Thái Lan

 

Bà Nguyễn Uyên Thùy nói tháng 7/2022, bà và chồng bị bắt tại Thái Lan. “Cảnh sát hoàng gia Thái Lan ập vào nhà, không mặc sắc phục và cũng không có lệnh, bắt tôi đi.”

 

Theo bà, cảnh sát Thái Lan nói họ “nhận được một nguồn tin mật báo”.

 

Bà và chồng bị đưa vào nhà tù nhỏ của địa phương, rồi sang khu trung tâm tạm giam người di cư IDC (Immigration Detention Centre) dành cho người nhập cư trái phép, người xin tỵ nạn và người tỵ nạn vi phạm luật pháp ở Bangkok.

 

Bà nói mình bị bắt vì cảnh sát Thái Lan nói giấy quy chế tỵ nạn đã hết hạn, còn bà nói chưa kịp có giấy mới vì mọi thứ đóng cửa trong đại dịch nhưng họ nhận được email nói giấy tờ đã được tự động gia hạn. Tôi đã xem được một email từ Cao ủy Tỵ nạn LHQ Thái Lan về gia hạn giấy tờ bà Nguyễn Uyên Thùy.

 

“Chúng tôi bị rơi vào cảnh gần như địa ngục. Trong một căn phòng khoảng 60-65 mét vuông, họ nhốt đến gần 80 người… Có những ngày nước không chảy, và mọi sinh hoạt rất khó khăn. Đồng thời thức ăn giống như thức ăn cho súc vật. Chúng tôi vừa không biết tiếng, vừa không thể liên lạc với LHQ.”

 

Bà cũng nói mình bị nhốt chung với một người nghiện ma túy và hai người bị vấn đề tâm thần – “họ la hét, và khi họ mất kiểm soát, mình thấy rất sợ.”

 

Tổ chức Ân xá Quốc tế năm 2017 và một số tờ báo như Southeast Asia Globe năm 2022 đã có báo cáo về điều kiện giam giữ ở IDC – tình trạng quá tải và thiếu vệ sinh, điều kiện nguy hiểm, thậm chí cáo buộc người giam giữ bị đánh đập.

 

Tôi đã liên lạc với cảnh sát hoàng gia Thái Lan để hỏi về điều kiện nhà tù IDC và lời cáo buộc của bà Nguyễn Uyên Thùy, nhưng không nhận được câu trả lời.

 

Sau một tháng chín ngày, bà Nguyễn Uyên Thùy và ông Hồ Nhựt Hùng được trả tự do sau khi đóng tiền phạt 50.000 baht (khoảng 1.400 USD) mỗi người và được luật sư bảo lãnh.

 

Trở về Việt Nam?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3c6d/live/95914380-bb01-11ed-89f4-f3657d2bfa3b.jpg

Bà Nguyễn Uyên Thùy nói hiện nay bà và chồng là ông Hồ Nhựt Hùng sống trong tình trạng bấp bênh, không biết ngày mai ra sao

 

Theo bà, trong thời gian họ ở tù IDC, có nhân viên từ Đại sứ quán Việt Nam tới nói sẽ “tạo điều kiện tốt nhất để đưa tôi và anh Hồ Nhựt Hùng về Việt Nam.”

 

Tuy nhiên họ đã có quy chế tỵ nạn, và biết sẽ bị bắt nếu trở về – vì có thành viên nhóm Hiến Pháp chịu án tù bảy năm, bà nói “bản thân tôi là người đứng đầu, tôi ước lượng phải 12 năm.”

 

Đời sống hiện nay và lo sợ về an toàn

 

Hiện nay không có thu nhập nhưng ngoài tiền ăn tiền ở, hai vợ chồng phải có thêm một khoản chi phí khác: mỗi tháng phải hai lần đi trình diện ở Sở Di trú Thái Lan để chứng minh mình vẫn còn trong nước.

 

Mỗi chuyến đi phải qua ba lần xe, từ nơi đang ở hiện nay tới Simummuang, tới Tượng đài Chiến thắng Bangkok, rồi tới Sở Di trú Thái Lan, tổng cộng mất khoảng ba tiếng đồng hồ.

Bà nói, chỉ cần một lần vắng mặt, mọi thứ “sẽ quay về số không và cảnh sát lại bắt chúng tôi vào lần hai.”

 

Bà không dám đi làm chui như một số người Việt khác ở Thái Lan vì sợ lại bị đưa vào nhà tù IDC và đóng tiền phạt 50.000 baht.

 

Đó không phải là nỗi lo duy nhất. Bà cũng nói trong dịp Tết vừa qua có một người Việt từ Thụy Điển sang gặp bà và nhiều người Việt tỵ nạn khác tại Bangkok, sau đó về Việt Nam bị bắt và bị tịch thu điện thoại.

 

“Cái định vị, vị trí gia đình chúng tôi đã bị nhà cầm quyền Việt Nam nắm lấy. Như vậy là thêm một mối nguy cơ nữa, rất nguy hiểm cho tôi và anh Hùng.”

 

Bà Nguyễn Uyên Thùy nói hiện nay hai vợ chồng sống trong tình trạng bấp bênh, không biết ngày mai ra sao.

 

“Một mặt trở về tổ quốc không được, một mặt ở đây cũng không xong.”

 

--------------

Bài do cộng tác viên Hải Di Nguyễn thực hiện.

 

TIN LIÊN QUAN

 

8 người 'nhóm Hiến pháp' hầu tòa

31 tháng 7 năm 2020[GH1] 

.

Nhóm Hiến Pháp: Trần Thanh Phương 'tiếp tục chịu khó khăn sau án tù'

10 tháng 11 năm 2022

.

Vụ án tử tù Hồ Duy Hải: Dấu vân tay ở hiện trường là của ai?

18 tháng 2 năm 2023

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats