Sunday, 19 March 2023

KHÔNG CHO NGƯỜI TA GÓP Ý KHÁC 'Ý ĐẢNG' THÌ HỎI Ý KIẾN DÂN LÀM GÌ! (Người Việt Online)

 



Không cho người ta góp ý khác ‘ý đảng’ thì hỏi ý kiến dân làm gì!

Người Việt Online

March 19, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/khong-cho-nguoi-ta-gop-y-khac-y-dang-thi-hoi-y-kien-dan-lam-gi/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) .- Cho dân đóng góp ý kiến khi sửa “Luật đất đai” nhưng lại giới hạn “không tiếp thu” những ý kiến trái với “chủ trương, đường lối của đảng”.

 

Một bản dự thảo “Luật đất đai” đang được chế độ Hà Nội chuẩn bị đưa ra Quốc hội biểu quyết vào cuối năm nay. Luật Đất Đai hiện hành có từ năm 2013 dù đã từng được sửa đổi vẫn đầy những lỗ hổng giúp đám quan chức đảng viên cơ hội tham nhũng, làm giầu bất chính.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/VN-bieu-tinh-cuong-che-dat-Hanoi-HoangDinhNam-AFP-082912-1536x1084.jpg

Dân Hải Dương kéo tới Hà Nội biểu tình chống cưỡng chế đất bất công. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

 

Suốt nhiều năm qua, báo chí tại Việt Nam dẫn lời quan chức thanh tra hay tư pháp của chế độ nhìn nhận hơn 70% các vụ khiếu kiện trên cả nước liên quan tới đất đai. Giải tỏa, đền bù giá rẻ mạt, thậm chí cướp không đất của dân, rồi bán lại cho các công ty “sân sau” hoặc tư bản đỏ, để ăn hối lộ đã gây căm phẫn mà người ta nhìn thấy qua các cuộc biểu tình chống đối.

 

Tại một hội nghị lấy ý kiến của giới “chuyên viên pháp luật và các chuyên gia, nhà khoa học” ngày 20 Tháng Hai, đài VOV dẫn lời một chuyên gia pháp lý nhìn nhận “Không có tham nhũng nào lớn bằng tham nhũng đất đai và không có lãng phí nào lớn bằng lãng phí về đất đai”.

 

Dự thảo “Luật đất đai” có mục đích loại trừ những “bất cập” cho công bằng hơn nhưng thực tế những gì đang diễn ra không giúp người ta hy vọng gì. Ngày Thứ Bảy 18 Tháng Ba, nhiều báo tại Việt Nam đưa tin ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên tiếng về chiến dịch “lấy ý kiến” nhân dân để sửa luật vừa kể.

 

Ông Huệ được thuật lời là “các ý kiến góp ý Luật Đất đai sửa đổi trái với chủ trương, đường lối của đảng, trái hiến pháp thì không tiếp thu…”. Điều này nghĩa là ai đề nghị ngược với ý muốn những kẻ cầm quyền trong tay thì sẽ bị ném vào sọt rác. Tuy vậy, một hai ngày trước đó, tờ Thanh Niên vẫn tuyên truyền rằng mọi ý kiến đóng góp đều được “cầu thị” và “tiếp thu”.

 

Các đạo luật tại nước Việt Nam cộng sản xưa nay không do các dân cử ở Quốc hội soạn thảo theo nguyện vọng của người dân. Chúng được các bộ, ngành của nhà cầm quyền soạn thảo nhằm phục vụ guồng máy cai trị độc tài. Các ông bà “đại biểu nhân dân” đều là đảng viên CSVN được “cơ cấu” để biểu quyết thông qua các dự luật nên bị gọi là bù nhìn hay con dấu cao su.

 

Tuy luật đem sửa đổi, cái mấu chốt là quyền tư hữu đất đai của người dân vẫn bị tước đoạt. Người dân vẫn chỉ được có “quyền sử dụng đất” mà thôi và nhà nước có thể lấy lại cái quyền sử dụng đó bất cứ lúc nào, nhân danh công ích. Điều này dẫn đến sự lạm dụng của đám quan chức đảng viên có chức có quyền để tham nhũng.

 

Vì cho góp ý nhưng chỉ cho người ta góp ý vuốt đuôi theo ý đảng, trên mạng xã hội, hàng trăm người đã phản ứng phẫn nộ với cái kiểu lấy ý kiến cho có hình thức để tuyên truyền. Trong số đó có 210 bình luận trên trang Facebook cá nhân của ông Mạc Văn Trang, một nhà giáo nghỉ hưu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/VN-bieu-tinh-chong-cuongche-dat-Hanoi-FrankZeller-AFP-011607-1536x1024.jpg

Dân Hà Đông biểu tình ở Hà Nội chống cưỡng chế đất. (Hình: Frank Zeller/AFP/Getty Images)

 

“Ngày xưa không hiểu từ ”Dân chủ giả cầy’, hóa ra món giả cầy không phải là thịt chó mà là giả chó.” Facebooker Anh Tran viết. Còn Facebooker Phan Lữ viết “Vậy thì góp ý làm đéo (xin lỗi nói tục) gì cho phí lời!”. Facebooker tên Xuan Pham viết “Quen thói là bố của dân lâu rồi, vì thế cụ Kình mới bị giết”. Facebooker Chau My Chau viết “Một cái đất nước kỳ lạ. Luật gì cũng có nhưng tất cả vẫn phải theo chủ trương…Đã vậy thì vất cha nó luật đi!”

 

Tuần qua, người ta còn thấy nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn lấy ý kiến cả trẻ em để sửa “Luật Đất đai” dẫn đến nhiều lời diễu cợt trên mạng. Hàng chục vụ chống cưỡng chế đất đổ máu xảy ra trên cả nước trong những năm qua nổi tiếng dư luận trong ngoài nước như vụ cưỡng chế tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức Hà Nội đầu năm 2020.

 

Trong một buổi lấy ý kiến ở Sài Gòn hồi đầu tháng, tờ Thanh Niên dẫn ý kiến của một luật sư nói rằng cái luật sẽ thông qua rồi vẫn bị quan chức chế độ “lợi dụng để thu hồi đất một cách tùy tiện, thiếu minh bạch hoặc không đúng mục đích” để ăn bẩn.(TN)






No comments:

Post a Comment

View My Stats