Friday, 10 March 2023

KHI NHỮNG "ĐẠI BÀNG" RỜI BỎ VIỆT NAM (Tùng Phong / Saigon Nhỏ)

 



Khi những “đại bàng” rời bỏ Việt Nam  

Tùng Phong
9 tháng 3, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/khi-nhung-dai-bang-roi-bo-viet-nam/

 

Hơn 51,000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, trong đó có tới 1,900 doanh nghiệp bất động sản đã “bỏ cuộc chơi” chỉ trong hai tháng đầu năm; Thu thuế xuất nhập khẩu giảm 19.4% so với cùng kỳ; Samsung chuyển dây chuyền sản xuất các dòng flagship như Galaxy S23 sang Ấn Độ; PouYuen cắt giảm 6,000 công nhân trong quí 1 năm 2023; 83% doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đang trong tình trạng rất khó khăn về thị trường, nguồn vốn…

 

Đó là những gam màu xám trên bức tranh kinh tế Việt Nam, đối lập với những báo cáo kinh tế vĩ mô và những phát ngôn tung trời của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính.

 

Các điểm tin báo chí thể hiện được phần nào thực trạng nền kinh tế “tăng trưởng GDP top đầu thế giới”. Còn để trực tiếp cảm nhận hơi thở của cuộc sống, cách tốt nhất là đặt một chiếc Grab đi dạo quanh phố phường Sài thành, từ những con phố buôn bán ở Quận Nhứt, Quận 5, các trung tâm thương mại nổi tiếng, đến những xóm trọ Pouyuen Bình Tân để tận mắt thấy hàng dãy phố dán kín biển bán nhà, cho thuê, khung cảnh đìu hiu thưa vắng tới ngỡ ngàng ở những ngôi chợ hàng trăm năm tuổi mang tính biểu tượng như Bến Thành, An Đông…, tận mắt thấy những gương mặt lo lắng quay quắt của đám đông tiểu thương, người lao động bị mất việc và trò chuyện với họ thì mới có thể hiểu được sự khó khăn tới cùng cực mà người dân đang phải chịu đựng.

 

Truyền thông trong nước trong những ngày qua xoay quanh thông tin về ông tân “Chủ tiệm nước” Võ Văn Thưởng. Mạng xã hội bàn tán về nguồn gốc xuất thân bất minh và nghi ngờ năng lực của một cán bộ đoàn tầm thường và giáo điều, cũng như lập trường kiên định thứ chủ nghĩa ngoại lai đã bị thế giới vứt vào thùng rác lịch sử từ lâu, chắc chắn sẽ không đem tới một sự thay đổi nào tốt đẹp.

 

Hệ thống y tế công tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng và bà Bộ trưởng Đào Hồng Lan vẫn tiếp tục “biệt lai vô dạng”. Có thể nhận thấy một trạng thái kỳ lạ của bộ máy công quyền hiện nay ở Việt Nam là nhiều tổ chức, đoàn thể, bộ ngành đang tê liệt. Tê liệt vì giới chức run sợ bởi các sai phạm đang trong tầm ngắm của “cái lò ông Trọng”, tê liệt vì sợ sai, sợ trách nhiệm, vì thiếu kinh phí, vì những khó khăn và biến động khách quan mà họ không đủ năng lực giải quyết.

 

Với “nền kinh tế rỗng” như Việt Nam, điều tệ hại nhất đang diễn ra. Đó là sự rút lui của các tập đoàn lớn như Samsung, Pouyuen, Nike… Sau nhiều thập niên thu hút đầu tư nước ngoài bằng lợi thế nhân công giá rẻ, ưu đãi về đất đai và các qui định dễ dãi về môi trường và nhân quyền…, giờ đây những điều này không còn mang nhiều ý nghĩa nữa.

 

Ấn Độ đang là điểm tới hấp dẫn với giới đầu tư quốc tế bởi nguồn nhân công đông đảo có chất lượng, giá rẻ hơn, có nền tảng công nghiệp phụ trợ tốt hơn. Một điểm khác biệt quan trọng so với chính sách đu dây và “bốn không” của Việt Nam là Ấn Độ vừa là nền kinh tế thứ năm thế giới, một thị trường với 1.1 tỷ dân và quốc gia này nằm trong bộ tứ QUAD của chiến lược hướng về Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Bao giờ cùng vậy, chiến lược kinh tế dài hạn phải gắn liền với chính sách địa chính trị bền vững của các siêu cường.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/Picture1.png

Nguồn vốn FDI tiếp tục giảm kể từ 2020. Nguồn Bizlive tổng hợp theo báo cáo Bộ KHĐT

 

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20 Tháng Chín 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt $16.8 tỷ, giảm 15.3% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 3% so với 8 tháng. Đáng chú ý, tới cuối Tháng Chín, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt $7.12 tỷ, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng nghĩa, đây là tháng thứ tám liên tiếp kể từ đầu năm, vốn FDI đăng ký mới sụt giảm so với cùng kỳ.

 

Cộng đồng doanh nghiệp vốn FDI đóng góp 1/3 GDP nhưng lại chiếm tỷ trọng ưu thế tuyệt đối về xuất cảng với hơn 74% giá trị xuất khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp vốn FDI được kỳ vọng đem tới động lực tăng trưởng và công nghệ cho nền kinh tế sau hơn 30 năm Mở Cửa. Nhưng Việt Nam vẫn dừng lại ở thứ bậc rất thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài việc cung cấp lao động giản đơn cho các ngành thâm dụng lao động như may mặc, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến gỗ, thủy sản… Quốc gia có nền kinh tế “định hướng XHCN” vẫn chưa thể sở hữu bất cứ công nghệ nguồn nào. Các chính sách thiển cận và bộ máy quan liêu nhũng lạm, chồng chéo tiếp tục vẫn là hòn đá tảng chặn bước tiến của nền kinh tế và giới đầu tư cả trong và ngoài nước.

 

Điều mà giới chức Việt Nam nỗ lực là tham gia càng nhiều càng tốt các hiệp định thương mại song phương và đa phương như EVFTA, RCEP, CPTTP… triệt để lợi dụng vị trí địa kinh tế thuận lợi, kề cận với “công xưởng thế giới” và là trung tâm của ASEAN để đẩy mạnh giao thương. Phải ghi nhận rằng, những chính sách này đem tới những hiệu quả trong ngắn hạn. Đặc biệt trong cuộc thương chiến Mỹ Trung, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhấtDòng vốn FDI vào Việt Nam (phần lớn từ Đài loan, Hong Kong, Singapore) cách đây vài năm đã liên tục tăng theo như biểu đồ của Bizlive tổng hợp từ báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Nhưng kể từ 2019 cho tới nay, vốn FDI đã giảm đáng kể, đặc biệt rõ rệt vào năm 2022.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/gg.jpg

Cho đến nay, “sức mạnh” kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (baochinhphu.vn)

 

Để hiểu vai trò của dòng vốn FDI đối với nền kinh tế Việt Nam, có lẽ cần quay trở lại những năm 2008, 2012 và 2017. Sau cú “đại nhảy vọt” dưới trào Nguyễn Tấn Dũng, mô hình phát triển tập trung cho các tập đoàn nhà nước như Vinashin, Vinaline, Vinachem, Vinacomin… trở thành những “chaebol Đỏ” không những đốt sạch quĩ dự trữ quốc gia, gây lên một khoản nợ khổng lồ khoảng 1.2 triệu tỷ đồng (Cho tới thời điểm hiện tại, nợ của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước đã tăng hơn 2.7 triệu tỷ đồng).

 

Dự trữ ngoại hối tại thời điểm 19 Tháng Sáu 2008 chỉ còn $20.7 tỷ. Vào thời điểm “trứng treo đầu đẳng” của nền kinh tế Việt Nam, Samsung quyết định đầu tư nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, Việt Nam khi đó như “chết đuối vớ được cọc”. Chỉ ba năm, Samsung Việt Nam đóng góp $12.6 tỷ xuất cảng, chiếm 11% xuất khẩu năm 2012. Đến năm 2017, doanh số của bốn nhà máy Samsung tại Việt Nam là $65.1 tỷ (GDP Việt Nam 2017 chỉ khoảng 281 tỷ USD).

 

Những tập đoàn như Samsung hay PouYuen có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với nền kinh tế và dân sinh Việt Nam. Ngoài việc đem tới công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và rất nhiều khoản thu cho ngân sách, các tập đoàn này là động lực thúc đẩy công nghiệp phụ trợ còn non trẻ của Việt Nam, mang về khoản thặng dư quyết định trong cán cân thương mại quốc gia, ổn định tỷ giá hối đoái…

 

Những năm 2008, 2009, GDP của Việt Nam chỉ khoảng $100 tỷ thì chỉ riêng các khoản đầu tư và doanh số của tập đoàn Samsung Việt Nam, có thời điểm chiếm tới gần 1/3 GDP quốc gia. Hẳn nhiên, chính quyền Việt Nam lấy đó làm thành tựu vượt bực nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của “đảng và nhà nước”.

 

Thế nhưng, thời điểm dịch bệnh COVID-19 xảy ra, ngài Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đi nhắc lại “lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ” khi buộc các doanh nghiệp FDI chịu chi trả xét nghiệm bằng kit Test Việt Á và các chính sách phòng dịch mà chỉ có những “thiên tài đảng ta” mới có thể nghĩ ra như “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, xét nghiệm sàng lọc, phân loại f1, f2, f3, khoanh vùng thần tốc... Thế là các tỉnh, thành, ban ngành giăng bẫy “thập diện mai phục” để kiếm chác. Tình trạng này đã thực sự làm nản lòng cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.

 

Đó là chưa kể, sau rất nhiều công cuộc “cải tiến” thủ tục hành chính như “Một Cửa”, chính phủ số…, hàng ngàn các giấy phép con, thông tư, nghị định dưới luật trong thực tế vẫn được ban hành. Năm 2016, một cuộc điều tra của VCCI (Liên đoàn công nghiệp-thương mại Việt Nam) cho biết có tới 7,000 giấy phép con của các bộ ngành và trong đó ½ là các giấy phép trái luật, không có cơ sở tồn tại. Công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam như điệu nhảy “cha cha cha”, cứ tiến lên được hai bước lại lùi ba bước. Nền kinh tế có cái đuôi định hướng XHCN vẫn loay hoay trong mớ bòng bong bởi cuộc tranh giành của lợi ích nhóm và tư duy tiểu nông của giới cầm quyền.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/chay-grab.jpg

Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học tiếp tục thất nghiệp và bổ sung vào lực lượng vốn dư thừa chạy Grab kiếm sống qua ngày (ảnh: JobsGO)

 

Và cho đến nay, biến động về địa chính trị toàn cầu khiến các tập đoàn đa quốc gia buộc phải thay đổi cơ cấu và chiến lược đầu tư. Việt Nam đã mất một thập niên kể từ cuộc suy thoái 2008 để khắc phục những hậu quả. Nhưng đáng tiếc là không nhiều thay đổi mang tính cơ bản được thực thi, trong khi nền kinh tế có đuôi “định hướng XHVN” tiếp tục lặp lại sai lầm của một thập niên trước đó, chi tiêu đầu tư công phung phí, tham nhũng tràn lan, tín dụng dễ dãi khiến bong bóng bất động sản, chứng khoán nổ tung.

 

Lần này, không còn cơ hội nào để Việt Nam có thể “rút kinh nghiệm” được nữa. Khi những “đại bàng” rời đi, Việt Nam phải đối diện với thực trạng mắc kẹt trong bẫy nợ, tài nguyên cạn kiệt, sự phụ thuộc kinh tế ngày một lớn vào Trung Quốc dẫn đến sự phụ thuộc vào chính trị. Việt Nam còn đánh mất “cơ cấu dân số vàng”, áp lực về dân sinh và viễn cảnh chưa kịp giàu đã già hiện hữu. Hậu quả, con thuyền Việt Nam tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng từ kinh tế đến dân sinh.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats