Wednesday, 1 March 2023

"KẾ HOẠCH HÒA BÌNH" CỦA BẮC KINH : CÁO MẶC ÁO CỪU (Mỹ Anh / Saigon Nhỏ)

 



“Kế hoạch hòa bình” của Bắc Kinh: Cáo mặc áo cừu

Mỹ Anh  -  Saigon Nhỏ

 

28 tháng 2, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/ke-hoach-hoa-binh-cua-bac-kinh-cao-mac-ao-cuu/

 

Một năm sau cuộc chiến Ukraine, từ thái độ lúng túng ban đầu, Bắc Kinh dần học được nhiều bài học và bắt đầu định hình rõ hơn vị trí của họ trên bàn cờ. Ngày 24 Tháng Hai 2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí trơ trẽn đưa ra cái gọi là 12 điểm cho kế hoạch tái lập hòa bình giữa Nga và Ukraine.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-1139368218.jpg

Tập Cận Bình và Vladimir Putin (ảnh: Kenzaburo Fukuhara – Pool/Getty Images)

 

Bản kế hoạch nhanh chóng bị Kremlin ném vào sọt rác nhưng điều đó có thể không làm Bắc Kinh phật lòng và thậm chí có thể họ lường trước khả năng đó. Trong thực tế, hòa bình không phải là thứ Bắc Kinh đang tìm kiếm. Mục đích của Bắc Kinh là không muốn chiến tranh nhanh chóng kết thúc mà là càng kéo dài bao lâu càng tốt cho họ bấy nhiêu.

 

Chẳng nước nào muốn cuộc chiến Ukraine kéo dài bằng Trung Quốc. Cuộc chiến càng kéo dài, Tập Cận Bình càng học được nhiều “chiêu” của phương Tây và những bài học này sẽ là kinh nghiệm đối phó phương Tây một khi Trung Quốc đánh Đài Loan. Hơn nữa, Trung Quốc đang kiếm bộn bạc từ cuộc chiến Ukraine khi lén lút cung cấp những thứ hàng hóa “nhạy cảm” mà phương Tây cấm vận Nga.

 

Quan trọng hơn nữa, cuộc chiến càng dây dưa thì nguồn lực viện trợ lẫn viện trợ kinh tế của Mỹ và châu Âu đổ vào Ukraine càng cạn kiệt. Và khi cuộc chiến kéo dài, việc định hình trật tự thế giới mới với Bắc Kinh ở trung tâm càng dễ được thực hiện. Tái cân bằng quyền lực với sự xuống dốc của Mỹ và sự “thăng hoa” của Trung Quốc luôn là tham vọng lớn nhất của Tập Cận Bình.

 

Cần nhắc lại, đầu năm 2022, Trung Quốc đã công bố một khuôn khổ chiến lược mới, mà nước này gọi là “sáng kiến an ninh toàn cầu” (global security initiative – GSI). Mặc dù vẫn còn ở giai đoạn đầu, GSI củng cố một số khía cạnh trong việc xây dựng khái niệm mới về trật tự toàn cầu. Nó cho thấy Tập Cận Bình luôn muốn làm xói mòn niềm tin quốc tế dành cho Mỹ, vốn quen thuộc với hình ảnh một cường quốc mang lại sự ổn định cho khu vực lẫn toàn cầu; đồng thời tạo ra một nền tảng mới để Trung Quốc có thể biện minh cho việc tăng cường quan hệ đối tác của chính họ. GSI cũng phản bác những gì Bắc Kinh cho là mô tả sai lệch về tính hiếu chiến và chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc.

 

Tập Cận Bình lần đầu tiên vạch ra GSI trong một bài phát biểu vào Tháng Tư 2022. Khi công bố GSI, Tập thể hiện rằng Trung Quốc mới là quốc gia có “tư cách” kiểm soát việc minh định những chiến lược an ninh toàn cầu chứ không phải Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; rằng các nước nên “tỉnh táo” không tham gia các khối hoặc nhóm quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo. Với “sáng kiến” GSI, Tập Cận Bình đặt lên bàn đàm phán một thứ luận điểm có thể cạnh tranh với thứ ngôn ngữ mà Mỹ luôn dẫn đầu khi nói về bức tranh trật tự quốc tế như thế nào sau cuộc chiến Ukraine.

 

Điều quan trọng không kém là Bắc Kinh tiếp tục định vị mình là tay chơi biết “đổi mới” và đủ tư cách và lãnh đạo toàn cầu trong thế kỷ 21. Suốt từ khi xuất hiện, GSI đã trở thành một “bảng chuẩn” mà Bắc Kinh đưa vào các cuộc họp bàn cũng như các cuộc hội thảo liên quan những cam kết song phương và đa phương của Trung Quốc trên khắp châu Phi, Mỹ Latin và Đông Nam Á. Tác động GSI dĩ nhiên chẳng ăn thua gì ở những nơi như Tokyo, Canberra hay Brussels, nhưng ít nhiều nó có ảnh hưởng ở một số nước “yếu bóng vía” như Jakarta, Islamabad và Montevideo, những quốc gia vốn thất vọng đối với các chính sách đối ngoại của Mỹ.

 

Bài phát biểu Tháng Tư 2022 của Tập Cận Bình cũng khẳng định sự liên kết chiến lược giữa Trung Quốc và Nga; trong đó, Tập đề cập đến cái gọi là “an ninh không thể chia cắt”, cụm từ xuất hiện từ đầu thập niên 1970 trong các cuộc đàm phán giữa Liên Xô và phương Tây trong khuôn khổ Tiến trình Helsinki (Helsinki Process).

 

Dưới mắt Putin, sự mở rộng của NATO luôn trực tiếp gây nguy hiểm cho sự an toàn của Nga. Dưới mắt Tập, Bắc Kinh nhận thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa sự hiện diện ngày càng mở rộng của NATO ở châu Âu và các liên minh an ninh đang phát triển của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Như Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), một (cựu) quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói: “Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ liên tục phô trương cơ bắp trước ngưỡng cửa Trung Quốc, tạo ra các nhóm độc quyền chống lại Trung Quốc và thổi phồng vấn đề Đài Loan để thách thức lằn ranh đỏ của Trung Quốc. Nếu đây không phải là phiên bản mở rộng về phía Đông của NATO ở châu Á-Thái Bình Dương thì đó là gì?”

 

Trở lại với bối cảnh Ukraine. Như đã nói, Tập Cận Bình không bao giờ “tử tế” đến mức muốn nhìn thấy một bức tranh hòa bình giữa Nga và Ukraine. Cuộc chiến càng kéo dài, Mỹ và châu Âu càng “hao binh tổn tướng” một cách gián tiếp. Cuộc chiến càng kéo dài, Nga càng suy kiệt và càng cần Bắc Kinh. Cuộc chiến càng kéo dài, Bắc Kinh càng học được nhiều kịch bản đối phó của phương Tây để họ phác thảo kịch bản của riêng mình một khi Trung Quốc quyết định tấn công Đài Loan.

 

Từ thái độ dè dặt ban đầu, nay Trung Quốc đã công khai đứng về phía Moscow. Chẳng phải tự nhiên mà ngày 21 Tháng Hai 2023 Vương Nghị thân chinh đến Moscow. Không phải tự nhiên mà Bắc Kinh trải thảm đỏ đón Tổng thống Belarusia Alexander Lukashenko ngày 28 Tháng Hai 2023 – một đồng minh thân cận và sát sườn nhất của Vladimir Putin; và chẳng phải tự nhiên mà đích thân Tập Cận Bình sẽ đến Moscow những ngày sắp tới (chưa có lịch cụ thể).

 

Hơn nữa, cái gọi là “kế hoạch hòa bình” của Trung Quốc chẳng hề nêu ra được điều gì cụ thể. Nó là một “phác thảo” gần như vô nghĩa được đưa ra chỉ để cho thấy Bắc Kinh muốn tô vẽ cho hình ảnh một cường quốc “biết” tôn trọng luật pháp quốc tế, rằng họ “không bao giờ” là một quốc gia hiếu chiến.

________

 

12 điểm trong Kế hoạch Hòa bình của Bắc Kinh (theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

 

1/. Tôn trọng chủ quyền của các nước. Luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, bao gồm các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được bảo vệ một cách hiệu quả. Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều là thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế. Tất cả các bên nên cùng nhau duy trì các chuẩn mực cơ bản chi phối quan hệ quốc tế và bảo vệ sự công bằng và công lý quốc tế. Cần thúc đẩy việc áp dụng bình đẳng và thống nhất luật pháp quốc tế, đồng thời bác bỏ các tiêu chuẩn kép.

 

2/. Từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh. An ninh của một quốc gia không nên được theo đuổi bằng chi phí của nước khác. An ninh của một khu vực không nên đạt được bằng cách củng cố hoặc mở rộng các khối quân sự. Các lợi ích và mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia phải được coi trọng và giải quyết đúng đắn. Không có giải pháp đơn giản cho một vấn đề phức tạp.

Tất cả các bên nên tuân theo tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, đồng thời lưu ý đến hòa bình và ổn định lâu dài của thế giới, giúp tạo nên một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững. Tất cả các bên nên phản đối việc theo đuổi an ninh của chính mình bằng cái giá phải trả là an ninh của nước khác, ngăn chặn đối đầu khối và cùng nhau hợp tác vì hòa bình và ổn định trên Lục địa Á-Âu.

 

3/. Chấm dứt chiến sự. Xung đột và chiến tranh không mang lại lợi ích cho ai. Tất cả các bên phải duy trì lý trí và kiềm chế, tránh thổi bùng ngọn lửa và làm trầm trọng thêm căng thẳng, đồng thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngày càng xấu đi hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát. Tất cả các bên nên ủng hộ Nga và Ukraine hợp tác theo cùng một hướng và nối lại đối thoại trực tiếp càng nhanh càng tốt, để dần dần hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.

 

4/. Nối lại hòa đàm. Đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tất cả nỗ lực có lợi cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình phải được khuyến khích và hỗ trợ. Cộng đồng quốc tế nên cam kết thực hiện cách tiếp cận đúng đắn trong việc thúc đẩy đàm phán vì hòa bình, giúp đỡ các bên xung đột mở ra cánh cửa cho một giải pháp chính trị càng sớm càng tốt, đồng thời tạo điều kiện và nền tảng cho việc nối lại đàm phán. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này.

 

5/. Giải quyết khủng hoảng nhân đạo. Tất cả biện pháp có lợi để giảm bớt khủng hoảng nhân đạo phải được khuyến khích và hỗ trợ. Các hoạt động nhân đạo phải tuân theo các nguyên tắc trung lập và không thiên vị, và các vấn đề nhân đạo không nên bị chính trị hóa. Sự an toàn của dân thường phải được bảo vệ một cách hiệu quả và các hành lang nhân đạo phải được thiết lập để sơ tán dân thường khỏi các vùng xung đột.

Cần có những nỗ lực để tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực liên quan, cải thiện các điều kiện nhân đạo và cung cấp khả năng tiếp cận nhân đạo nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên quy mô lớn hơn. Liên hợp quốc cần được hỗ trợ trong việc đóng vai trò điều phối trong việc chuyển viện trợ nhân đạo tới các khu vực xung đột.

 

6/. Bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh. Các bên trong cuộc xung đột nên tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế, tránh tấn công dân thường hoặc các cơ sở dân sự, bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nạn nhân khác của cuộc xung đột, đồng thời tôn trọng các quyền cơ bản của tù binh. Trung Quốc ủng hộ việc trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mục đích này.

 

7/. Bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân. Trung Quốc phản đối các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các nhà máy điện hạt nhân hoặc các cơ sở hạt nhân hòa bình khác, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước về An toàn hạt nhân và kiên quyết tránh các tai nạn hạt nhân do con người gây ra. Trung Quốc ủng hộ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy sự an toàn và an ninh của các cơ sở hạt nhân vì mục đích hòa bình.

 

8/. Giảm rủi ro chiến lược. Không được sử dụng vũ khí hạt nhân và không được tiến hành chiến tranh hạt nhân. Việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân nên được phản đối. Phổ biến hạt nhân phải được ngăn chặn và tránh khủng hoảng hạt nhân. Trung Quốc phản đối việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng vũ khí hóa học và sinh học của bất kỳ quốc gia nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

 

9/. Tạo thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc. Tất cả các bên cần thực hiện Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ ký kết một cách đầy đủ và hiệu quả một cách cân bằng, đồng thời ủng hộ LHQ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Sáng kiến hợp tác về an ninh lương thực toàn cầu do Trung Quốc đề xuất cung cấp một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

 

10/. Chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương. Các biện pháp trừng phạt đơn phương và áp lực tối đa không giải quyết được vấn đề; chúng chỉ tạo ra những vấn đề mới. Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương trái phép của Hội đồng bảo an LHQ. Các quốc gia liên quan nên ngừng lạm dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và “quyền tài phán dài hạn” đối với các quốc gia khác, để góp phần làm dịu cuộc khủng hoảng Ukraine và tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có thể phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống người dân.

 

11/. Giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp. Tất cả các bên nên nghiêm túc duy trì hệ thống kinh tế thế giới hiện tại và phản đối việc sử dụng nền kinh tế thế giới như một công cụ hoặc vũ khí cho các mục đích chính trị. Cần có những nỗ lực chung để giảm thiểu tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng và ngăn chặn nó làm gián đoạn hợp tác quốc tế về năng lượng, tài chính, thương mại lương thực và vận tải cũng như phá hoại sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

 

12/. Thúc đẩy tái thiết sau xung đột. Cộng đồng quốc tế cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ tái thiết sau xung đột tại các khu vực xung đột. Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ và đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực này.

 

                                                          ____________

 

Nga giội nước lạnh vào kế hoạch hòa bình của Trung Quốc

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ

27 tháng 2, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/nga-gioi-nuoc-lanh-vao-ke-hoach-hoa-binh-cua-trung-quoc/

 

Đúng một năm sau ngày chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, Trung Quốc đề nghị một giải pháp chấm dứt xung đột, vãn hồi hòa bình. Kế hoạch này đã vấp phải sự hoài nghi của phương Tây còn Moscow cũng tỏ ra không mặn mà với “thiện chí” của Bắc Kinh.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-1245899445.jpg

Vì đứng cùng với Nga trong cuộc xâm lược nên Trung Quốc không thể là nhà trung gian hòa giải cho xung đột Nga-Ukraine. Kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh chỉ làm lợi cho Nga. Ảnh: Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc, Vladimir Putin và Tập Cận Bình thường xuyên trao đổi ý kiến với nhau về quan hệ “không giới hạn” giữa hai nước. Ảnh Yue Yuewei/Xinhua via Getty Images

 

Trang Business Inside hôm thứ Hai 27 tháng Hai 2023 nói Điện Kremlin đã giội một thùng nước lạnh vào kế hoạch hòa bình Ukraine mà Trung Quốc đưa ra hôm thứ Sáu tuần trước, và cho rằng các điều kiện hiện nay không phù hợp để theo đuổi kế hoạch như vậy.

 

“Chúng tôi rất chú ý đến kế hoạch của những người bạn Trung Quốc. Nhưng hiện tại, chúng tôi không thấy có bất kỳ điều kiện nào cần thiết để đưa toàn bộ câu chuyện này hướng tới hòa bình,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Hai, và được báo Moscow Times trích dẫn.

 

Hôm thứ Sáu, sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch 12 điểm, yêu cầu các bên chấm dứt xung đột ở Ukraine, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng cảm ơn Bắc Kinh về đề xuất mới nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần phải công nhận “thực tế lãnh thổ mới” ở Ukraine. 

 

Vào tháng Chín 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập bất hợp pháp bốn khu vực của Ukraine và tuyên bố chúng là một phần của Nga. Moscow cũng tuyên bố kiểm soát Crimea, một bán đảo trên Biển Đen của Ukraine mà Nga đã sáp nhập bất hợp pháp sau cuộc xâm lược vào năm 2014.

 

Ukraine nhiều lần khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào yêu cầu nước này phải nhượng lãnh thổ cho Nga. Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc kêu gọi duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia nhưng không đòi hỏi quân đội Nga rời khỏi các lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng.

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không từ chối thẳng thừng đề xuất của Trung Quốc mà phản ứng một cách thận trọng. Khi Ukraine kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Nga vào thứ Sáu, ông Zelensky nói ông muốn gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về kế hoạch. “Tôi tin rằng việc Trung Quốc bắt đầu nói về Ukraine không phải là điều xấu. Nhưng vấn đề là những gì sẽ theo sau lời nói. Vấn đề là ở các bước thực hiện và chúng sẽ dẫn đến đâu,” ông Zelensky nói với hãng tin AP ngay sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch 12 điểm.

 

Cho đến nay Trung Quốc vẫn tuyên bố “trung lập” trong cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine, nhưng phương Tây chế giễu tuyên bố này và cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ cuộc xâm lược vô cớ của Nga. Trung Quốc vẫn luôn đứng về phía Nga trong các vấn đề địa chính trị, liên minh với Nga để chống lại “đối thủ chung” là Hoa Kỳ và khẳng định họ có quan hệ đối tác “không giới hạn” với Moscow.

 

Bắc Kinh đã tránh chỉ trích Nga về cuộc xâm lược Ukraine trong khi chỉ trích phương Tây ban hành lệnh trừng phạt chống lại Moscow và thường xuyên bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đòi Nga phải ngừng chiến tranh, rút quân khỏi Ukraine. 

Ở trong nước, truyền thông nhà nước Trung Quốc thường xuyên lặp lại tuyên truyền của Điện Kremlin về cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, đổ lỗi cho Hoa Kỳ và phương Tây gây ra cuộc xung đột.

 

Khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ hai, Bắc Kinh dường như đang có cách tiếp cận tích cực hơn, công bố một đề nghị có tên “Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” gồm 12 điểm, bất chấp thực tế rằng, do Trung Quốc đứng về phía Nga nên Bắc Kinh không thể được coi là một nhà trung gian hòa giải độc lập. 

 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào Chủ Nhật đã nói với ABC News rằng kế hoạch của Trung Quốc chỉ mang lại lợi ích lớn cho Nga. “Tôi không thấy trong kế hoạch đó có điều gì đó có lợi cho bất kỳ ai khác ngoài Nga,” ông Biden nói.

 

Ngoại trưởng Antony Blinken đánh giá kế hoạch hòa bình của Trung Quốc có thể là một trò bắt cá hai tay. Trung Quốc “một mặt muốn tự thể hiện công khai là nước trung lập, tìm kiếm hòa bình, nhưng mặt khác lại đồng thời cổ xúy câu chuyện sai lầm của Nga về cuộc chiến,” ông Blinken nói. 

 

Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc cũng được tiết lộ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cảnh báo Bắc Kinh có thể gửi vũ khí sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine. Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ CIA cũng đã đưa ra những cảnh báo tương tự. “Chúng tôi tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét việc cung cấp thiết bị sát thương dù đến nay họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng” về việc có cung cấp viện trợ sát thương cho Moscow hay không, Giám đốc CIA Bill Burns nói với CBS News trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm thứ Sáu.

 

Và đến thứ Hai 27 tháng Hai thì chính Moscow cũng không chấp nhận đề nghị hòa bình của Trung Quốc.

 

-------------

Đọc thêm:

·        Cuộc chiến của Putin

 

 

================================

 

Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc bị Nga 'dội gáo nước lạnh' | SBTN Điểm Tin Đầu Tuần

SBTNOfficial

 28/2/2023

 

.

Mỹ và Canada bắt đầu 'siết' Tik-Tok của Trung Quốc | SBTN Morning

SBTNOfficial

 28/2/2023

.

Tập Nhảy Vào Cứu Putin - Ông Trump Kêu Gọi Mỹ Nên Chấm Dứt Can Thiệp Vào Ukraine | SBTN Ukraine News

SBTNOfficial

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats