Wednesday, 8 March 2023

DƯƠNG TƯỜNG, NGƯỜI ĐƯA CÁC TÁC PHẨM PHƯƠNG TÂY ĐẾN VỚI ĐỘC GIẢ VIỆT NAM, ĐÃ QUA ĐỜI Ở TUỔI 90 (Seth Mydans  -  The New York Times

 



Dương Tường, người đưa các tác phẩm Phương Tây đến với độc giả Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 90

Seth Mydans  -  The New York Times

Cù Tuấn dịch

8-3-2023  06:51   

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid0uSiwUsE838f882ga3K8MksncJB5zkJJBp8fMFmpJ1T38H33c4i7jkMMjXNmkPUW7l

 

Tóm tắt: Ông đã dịch các tác phẩm của Proust, Nabokov, Tolstoy và Emily Brontë sang tiếng Việt, và ‘Truyện Kiều’ - một tác phẩm thơ cổ điển của Việt Nam - sang tiếng Anh.

 

Dương Tường, một dịch giả có nhiều đóng góp trong hơn nửa thế kỷ với việc giới thiệu nhiều tác phẩm văn học phương Tây tới độc giả Việt Nam, đã qua đời vào ngày 24 tháng 2 tại Hà Nội, Việt Nam, thọ 90 tuổi.

 

Con gái ông, Trần Phương Mai, xác nhận ông mất do nhiễm trùng đường hô hấp tại một bệnh viện quân đội.

 

Là một nhà thơ chuyển sang dịch thuật để nuôi sống gia đình, ông Tường đã dịch hơn 50 đầu sách lớn nhỏ từ tiếng Anh, tiếng Pháp, cũng như dịch thông qua ngôn ngữ khác các tác phẩm tiếng Nga, tiếng Đức và một số ngôn ngữ khác.

 

Nhà văn, nhà báo Ngô Thị Kim Cúc cho biết: “Ông đã mang sự kỳ diệu của những cuốn sách nổi tiếng nhất thế giới đến với độc giả Việt Nam."

 

Sở thích của ông Tường rất phong phú và ông nói ông thích thử thách, đảm nhận những tác giả khó tính như Proust, Nabokov, Camus, Sartre, Emily Brontë, Céline, Chekhov, Murakami, Günter Grass và Tolstoy.

 

Ông Tường có ảnh hưởng trong cả văn học và nghệ thuật khi thế giới văn hóa hậu chiến của Việt Nam mở rộng, bắt đầu từ những năm 1980 và 1990. Ông viết phê bình nghệ thuật và làm việc với một nhóm họa sĩ sáng tạo có tên là Nhóm 5 người.

 

“Từ trong một hệ thống cứng nhắc của Cộng sản Việt Nam mong muốn buộc văn hóa phải phục vụ lợi ích của nhà nước, Dương Tường đã dịch những kiệt tác đầy nhân văn như 'Anna Karenina' và nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật của những người trẻ tiến bộ và không theo quy củ,” giáo sư Peter Zinoman về lịch sử và nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học California, Berkeley, cho biết trong một email. “Ông ấy đã đóng một vai trò to lớn trong việc giải phóng văn hóa Việt Nam trong những điều kiện cực kỳ phi tự do do chiến tranh và cách mạng tạo ra. Dương Tường cũng là một con người vô cùng dễ thương.”

 

Ông Tường đã có một cách tiếp cận dịch thuật theo phong cách riêng, truyền vào tác phẩm của ông một cá tính riêng. Ông thường nói: “Một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm mà dịch giả là đồng tác giả."

 

“Tôi đã giữ quan điểm này khi dịch gần 60 tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt,” ông nói với một nhà báo của báo Thanh Niên. “Bám lấy ngôn ngữ không phải là trung thành mà là trở thành nô lệ, có thể đi ngược lại ý chung, chủ đề chung của tác phẩm.”

 

Điều này đúng với điều mà ông coi là thách thức lớn nhất và cũng là thành tựu lớn nhất của mình, đó là bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh tác phẩm thơ tự sự kinh điển “Truyện Kiều” của nhà thơ Nguyễn Du thế kỷ 19, mà ông Tường đảm nhận khi đang ở độ tuổi trung niên trong thập niên 80, khi sức khỏe và thị lực của ông suy giảm dần.

 

“Truyện Kiều” trước đó đã được dịch nhiều lần, được coi là kiệt tác đỉnh cao của văn học Việt Nam, kể về một người phụ nữ trẻ hy sinh bản thân để cứu gia đình. Hầu hết những người Việt Nam có học thức đều có thể đọc thuộc lòng những dòng mở đầu của tác phẩm này, nói về cuộc đấu tranh giữa tài năng và số phận.

 

Khi được Nhà xuất bản Nhã Nam xuất bản vào năm 2020 với 3.354 dòng văn bản và gần 10 trang chú thích của dịch giả, nó mang tựa đề “Kiều: phiên bản Dương Tường”.

 

“Đây là đỉnh cao nhất trong hành trình của tôi cho đến nay ở tuổi gần 90,” ông nói với Thanh Niên. “Hồi còn sung sức, tôi cũng mơ làm nhưng không dám. Khi mắt tôi không còn đọc được, với nhiều bệnh tật của tuổi già, tôi quyết định bước vào cuộc phiêu lưu cuối cùng, bài kiểm tra cuối cùng.”

 

Bị bệnh zona nặng, không thể nhìn thấy gì khác ngoài hình và bóng mờ mờ, Dương Tường nói rằng ông đã liên tục tiêm thuốc vào mắt, thuê những độc giả trẻ tuổi làm trợ lý và mua một màn hình máy tính khổng lồ khiến công việc dịch của ông chỉ đạt tốc độ vài từ trong một thời điểm. “Tôi mò mẫm, tỉ mỉ gõ từng chữ,” ông nói.

 

Nhưng Dương Tường có một cách khác để khắc phục tình trạng mù lòa của mình: ông nói rằng ông đã thuộc lòng tác phẩm này đến mức ông có thể dịch được nhiều phần từ trí nhớ.

“Truyện Kiều đã ở trong đầu tôi,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi chỉ việc chuyển nó sang tiếng Anh.”

Trần Dương Tường sinh ngày 4 tháng 8 năm 1932 tại tỉnh Nam Định, miền Bắc Việt Nam. Cha của ông là Trần Phúc Gia và mẹ là Vũ Thị Thơ đều buôn bán nhỏ. Ông học phổ thông ở Hà Nội, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1949.

 

Ông là một nhà cách mạng tận tụy.

 

Ông nói với nhà báo Phạm Tường Vân: “Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ - và vẫn khẳng định - cuộc kháng chiến chống Pháp là thời kỳ vàng son của cách mạng Việt Nam. Nếu được sống lại thời đó, tôi vẫn hành động như vậy, tức là bỏ nhà đi lính”.

 

Đó là thời kỳ kết hợp điều mà ông từng nói là hai chủ đề lớn của đời ông: cách mạng và sự nghiệp văn chương.

 

Ông tự học tiếng Pháp và tiếng Anh, đồng thời bắt đầu đọc những cuốn sách tìm thấy ở các tiền đồn chiếm được từ tay quân Pháp, thứ mà ông gọi là “chiến lợi phẩm quan trọng nhất” của chiến tranh.

 

Ông kể: “Năm 1955, sau khi xuất ngũ, tôi tiếp tục tự học ở thư viện. Có thể nói thư viện là trường đại học của tôi.”

 

Trong thập kỷ tiếp theo, tuy có làm thơ, Dương Tường làm việc với tư cách là một trong những phóng viên và biên tập viên đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam, sau đó dành một thập kỷ làm biên dịch viên cho một ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của chính phủ.

 

Thu nhập từ làm thơ và làm báo không đủ nuôi sống gia đình nên ông chuyển sang làm dịch thuật, cũng như bán máu của mình để duy trì cái mà Dương Tường gọi là “cơm áo gạo tiền”.

Sự lựa chọn tác phẩm để dịch của Dương Tường phản ánh một trí óc sôi nổi và dường như đến từ mọi nơi, cả nghệ thuật cao và thấp.

 

“Được biết đến rộng rãi với việc dịch tác phẩm Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió) sang tiếng Việt, Dương Tường đã dịch rất nhiều tác phẩm văn học thế giới, từ Charlie and the Chocolate Factory (Charlie và nhà máy sôcôla) của Roald Dahl đến 'Letter from an Unknown Woman' (Thư từ một người đàn bà không quen) của Stefan Zweig, đến 'Roots' của Alex Haley và Zorba the Greek (Con người hoan lạc) của Nikos Kazantzakis,” Cam Nguyen, giảng viên khoa Nghiên cứu Nam và Đông Nam Á tại Đại học California, Berkeley, cho biết trong một email.

 

Ông tiếp tục làm thơ, đôi khi bằng những hình thức sáng tạo, và tạo ra nhiều sáng tác. Một số trong đó, như “Bài hát tình yêu 24”, một bản ballad lãng mạn phát hành năm 1998, đã được chuyển thành bài hát nổi tiếng.

 

“Mối trăn trở lớn nhất, khiến tôi mất ăn mất ngủ nhất vẫn là thơ, nỗi trăn trở muốn đổi mới, mở ra những hướng đi mới”, ông nói.

 

Dương Tường kể rằng những câu thơ không ngừng tuôn ra, ngay cả khi ông đang ngủ, đôi khi đánh thức ông vào nửa đêm với những cảm hứng mới.

 

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2020: “Tôi vẫn 'ngủ với thơ'. Tôi đã có thói quen này trong gần 60 năm. Tâm trí tôi không bao giờ nghỉ ngơi.”

 

Ông Tường có vợ là bà Nguyễn Thị Trinh; chị gái Trần Thị Liên; con gái Trần Phương Mai; một người con gái khác là Trần Thị Hương; con trai Trần Hải Âu; năm đứa cháu; bốn chắt và một chút.

 

Câu ông Tường thường trích dẫn nhất, mà ông nói có thể viết trên bia mộ của mình, là, “Tôi đứng về phe nước mắt.”

 

Dương Tường cho biết cụm từ này thể hiện niềm tin của ông rằng nhiệm vụ của tất cả mọi người là giải quyết những đau khổ, yếu đuối và áp bức trên thế giới, đồng thời “làm cho nước mắt ngừng rơi”.

 

.

Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=6235751763130118&set=a.124320747606614

 

.

9 BÌNH LUẬN    

 

·         

 

NGUỒN :

 

Duong Tuong, Who Opened Western Works to Vietnamese Readers, Dies at 90

By Seth Mydans

March 7, 2023

The New York Times

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats