Friday, 24 March 2023

CUỘC CHIẾN VĨNH CỬU CỦA PUTIN (Andrea Kendall–Taylor và Erica Frantz / Foreign Affairs)

 



Cuộc chiến vĩnh cửu của Putin   

Andrea Kendall–Taylor và Erica Frantz

Trần Giao Thủy dịch thuật

POSTED ON MARCH 24, 2023

https://dcvonline.net/2023/03/24/cuoc-chien-vinh-cuu-cua-putin/

 

C uộc xâm lăng làm Tổng thống Nga mạnh hơn nữa

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_large_2x/public/images/2023/03/22/RTSHA5VW.JPG.webp?itok=JUV2NGUu

Một đám người thân Nga ở Yalta, Crimea, tháng 3 năm 2023. Nguồn: Alexey Pavlishak / Reuters

 

Hơn một năm sau cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, thực tế nghiệt ngã là chiến tranh sẽ không sớm kết thúc. Bất chấp những cuộc giao tranh ác liệt trong và xung quanh thành phố Bakhmut ở miền đông và những khu vực khác của Donbas, không có thay đổi đáng kể ở tiền tuyến trong nhiều tháng vừa qua. Cuộc tấn công đã đoán trước của Nga dường như đang tiến hành, nhưng Moscow thiếu khả năng để đạt được bất kỳ thắng lợi đáng kể nào. Ukraine cũng đang chuẩn bị cho một cuộc phản công vào mùa xuân, nhưng tổn thất về người và vật chất của họ có thể hạn chế thành công của nó. Cả hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều không quan tâm đến những cuộc đàm phán. Với sự bế tắc rõ ràng, câu hỏi đặt ra là hai nhân vật lãnh đạo này sẽ quyết định chiến đấu trong bao lâu nữa.

 

Lý do mà Zelensky và Ukraine tiếp tục chiến đấu rất rõ ràng: nếu họ không làm như vậy, Ukraine sẽ không còn nữa. Cảm nghĩ đó đã nhiều lần được những nhà lãnh đạo phương Tây nói rõ. Vào tháng 9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tuyên bố rõ ràng rằng: “Nếu Nga ngừng chiến đấu, chiến tranh sẽ kết thúc. Nếu Ukraine ngừng chiến đấu, Ukraine sẽ kết thúc.” Ngay cả khi Zelensky theo đuổi một giải pháp ngoại giao nhượng lãnh thổ cho Nga, thì vẫn có rủi ro là Moscow có thể tấn công một lần nữa trong tương lai. Zelensky phải đối phó với điều mà giới khoa học chính trị gọi là vấn đề “cam kết đáng tin”: ông không thể tin rằng Putin sẽ đồng ý với một giải pháp hôm nay mà sau đó không tập hợp và lại tấn công vào ngày mai. Chấp nhận một nền hòa bình được giải quyết ngay bây giờ, Ukraine có thể thấy mình ở một vị trí tệ hại hơn sau này.

 

Tính toán của Putin ít đơn giản hơn. Ông vẫn giữ ý tưởng cho rằng Nga và Ukraine là một quốc gia. Trong bài diễn văn đọc trước quốc hội Nga vào tháng 2, Putin một lần nữa tuyên bố rằng Ukraine là một phần “vùng đất lịch sử” của Nga. Nâng rủi ro cao hơn nữa là quan điểm của ông ta cho rằng cuộc chiến là một phần của cuộc đối đầu lớn hơn giữa Nga và phương Tây. Và ngay cả khi quân đội Nga đấu tranh để đạt thắng lợi ở chiến trường, ông tin rằng phương Tây cuối cùng sẽ mệt mỏi vì phải viện trợ cho Ukraine hoặc những thay đổi chính trị ở Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ dẫn đến sự viện trợ quân sự ít hơn cho Kyiv.

 

Nhưng cũng có thể hiểu được rằng, đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng trong nước và trên chiến trường, Putin có thể tìm cách thoát khỏi cuộc xung đột. Thương vong của Nga đang lên tới gần 200.000. Mức sống của nhiều người Nga đang giảm và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế Nga tiên liệu chỉ tăng 0,3% trong năm nay sau khi giảm 2,2% vào năm ngoái. Những người Nga giàu có nhất đã mất tài sản ở phương Tây và nhiều người không còn được đi lại tự do. Vị thế cường quốc của Nga sẽ tiếp tục bị xói mòn, đặc biệt là khi nước này vẫn bị cô lập với kỹ thuật và đầu tư nước ngoài, buộc Nga phải phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. Putin tiếp tục chiến tranh càng lâu, nước Nga sẽ càng tệ hơn.

 

Tuy nhiên, động cơ của giới lãnh đạo và người dân của họ thường khác nhau. Putin có thể sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine – không phải vì đó là lợi ích của Nga mà đó là lợi ích cá nhân của ông ta. Tiếp tục chiến đấu có ý nghĩa đối với Putin vì một lý do căn bản: những kẻ chuyên quyền thời chiến hiếm khi mất quyền lực. Đang trong tình trạng chiến tranh, dân chúng, quân đội và lực lượng an ninh của một quốc gia khó có đường để thách thức kẻ lãnh đạo chuyên quyền. Nhưng nó không đúng với những nhân vật độc tài thua trận; họ dễ bị lật đổ hơn – một số phận mà nếu nó xảy ra với Putin, có thể gây chết người. Những người đứng đầu những chế độ độc tài theo chủ nghĩa cá nhân, trong đó quyền lực tập trung gần hết vào tay một người duy nhất, là những người rất có thể sẽ gặp phải chung cuộc tàn bạo nhất trong tất cả những người lãnh đạo.

 

Như vậy, con đường hứa hẹn nhất để ngăn chặn chiến tranh là bằng sự yểm trợ lớn hơn của Hoa Kỳ và Châu Âu đối với Kyiv. Thêm viện trợ có thể giúp Ukraine giành được một chiến thắng quân sự quyết định, khiến những động cơ cá nhân của Putin không còn thích đáng. Và ngay cả khi Ukraine xác định rằng họ không thể hoàn toàn đánh đuổi quân đội Nga khỏi lãnh thổ, thì việc định vị Kyiv để đe dọa Putin bằng một thất bại rõ ràng trên chiến trường sẽ khuyến khích ông ta ngồi vào những cuộc đàm phán với những điều khoản có lợi hơn cho Ukraine. Cho đến khi Putin phải đối phó với một mối đe dọa khả tín, ông ấy vẫn có đủ lý do để tiếp tục cuộc chiến.

 

.

TÍNH TOÁN RỦI RO

 

Nội chính không chỉ định hình động cơ khơi mào chiến tranh của những người lãnh đạo; nó cũng dẫn họ đến những quyết định để kết thúc chiến tranh. Đối với Putin, cuộc chiến ở Ukraine đã phức tạp hóa khả năng cai trị của ông một cách đáng kể, nhất là vì những thất bại ở đó đã gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa được hình ảnh của ông như một người lãnh đạo giỏi. Duy trì chiến tranh có lợi cho Putin vì nó khiến ông kiên cường hơn trước những thách thức trong nước đã chồng chất từ lúc bắt đầu cuộc xâm lăng. Dùng dữ liệu của hai chuyên gia khoa học chính trị Sarah Croco và Jessica Weeks, chúng tôi nhận thấy rằng kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, chỉ có bảy phần trăm (7%) những người theo chủ nghĩa độc tài cá nhân không bị lật đổ trong khi xung đột giữa những quốc gia bắt đầu dưới sự lãnh đạo của họ vẫn đang tiếp diễn. Những dữ liệu tương tự khác cho thấy rằng những người lãnh đạo khởi xướng chiến tranh đặc biệt khó có thể bị lật đổ giữa khi cuộc chiến đang diễn ra.

 

Dễ hiểu tại sao xung đột lại bảo vệ những kẻ chuyên quyền. Việc tiến hành những cuộc chiến tranh tạo ra động lực khiến việc dàn xếp việc loại bỏ một kẻ độc tài trở nên khó khăn hơn, chẳng hạn như hiệu ứng tập hợp xung quanh lá cờ trong đó mọi người bỏ qua những khác biệt chính trị và ủng hộ người lãnh đạo của họ. Nga cũng không ngoại lệ. Mặc dù rất khó để đánh giá thái độ thực sự của người Nga về cuộc chiến, nhưng cuộc thăm dò ý kiến của Trung tâm Levada cho thấy tỷ lệ ủng hộ Putin đã tăng 10% sau khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu – lên 80% – và vẫn ở mức cao. Những bằng chứng khác cho thấy rằng ngay cả những người chỉ trích Putin cũng có thể ủng hộ việc tiếp tục chiến tranh chống lại Kyiv. Như chuyên gia xã hội học người Nga Grigory Yudin đã lập luận, “ngay cả một số người Nga không có thiện chí với Putin cũng lo lắng về hạu quả nếu bại trận.”

 

Putin đã hết sức nỗ lực để kích động những lo lắng này. Ông ta đã định hình cuộc chiến ở Ukraine là “chính sự tồn tại của đất nước [Nga của] chúng ta” – một chiến thuật gieo rắc nỗi sợ hãi hữu ích để buộc  dân chúng phải tuân theo chế độ. Khả năng kiểm soát của ông ta đối với giới truyền thông và khả năng định hình cuộc chiến là hiện sinh cũng cho phép ông ta gạt những đối thủ ra ngoài lề bằng cách gán cho họ là những người chống Nga.

 

Tiếp tục chiến tranh bảo vệ Putin tránh khỏi những thách thức của giới tinh hoa.

 

Cuộc xâm lăng cũng khiến Putin dễ dàng đàn áp những người Nga ít có khuymh hướng im ắng hơn. Luật mới trừng phạt những kẻ gièm pha lên đến mười năm tù nếu họ lên tiếng phản đối chiến tranh, và Điện Kremlin đã tiến hành đóng cửa những cơ sở truyền thông độc lập và những tổ chức phi chính phủ còn lại ở Nga. Hai hành động này đã giảm thiểu hơn nữa nguy cơ xảy ra những cuộc biểu tình của quần chúng có thể lật đổ những người lãnh đạo. Chiến tranh cũng đã khiến hàng trăm ngàn người Nga phải bỏ nước ra đi. Cuộc di cư của họ như một van giảp áp suất cho chế độ, vì nhiều người trong số những người lưu vong này là những người có thể thách thức Putin mạnh nhất. Nếu chiến tranh kết thúc, nhiều người trong số những người Nga lưu vong đó có ý định trở về nhà hơn là tìm cách hòa nhập vào xã hội lưu vong;  đó là một thách thức trong tương lai mà Putin có thể muốn tránh.

 

Quan trọng không kém, việc tiếp tục cuộc chiến sẽ bảo vệ Putin tránh khỏi những thách thức từ giới tinh hoa. Những hệ thống theo chủ nghĩa độc tài cá nhân như Putin miễn nhiễm đối những cuộc đảo chính, vì chúng làm cho những tầng lớp tinh hoa yếu đi và buộc chặt tương lai của họ vào tương lai của người lãnh đạo. Khi đang có chiến tranh những kẻ chuyên quyền càng được bảo vệ, tránh được mối đe dọa này. Như công trình của những chuyên gia khoa học chính trị Varun Piplani và Caitlin Talmadge đã cho thấy, nguy cơ đảo chính giảm đi khi xung đột tiếp diễn. Chiến tranh cô lập những người lãnh đạo bằng cách lấy đi nhiều phương cách quan trọng mà giới tinh hoa có thể lật đổ họ. Chừng nào quân đội Nga còn bận tham gia vào một cuộc xung đột gay gắt ở Ukraine, thì họ sẽ khó có thể có tổ chức cần thiết cho một kế hoạch đảo chính. Tương tự như vậy, thương vong cao trong số những sĩ quan cao cấp và trung cấp càng ngăn cản khả năng hành động của quân đội hơn nữa. Trong khi đó, những cơ quan an ninh của Nga phần lớn đã hưởng lợi do cuộc chiến, khi Putin ngày càng dựa vào họ để đàn áp. Do đó, họ có rất ít động lực để chống lại ông ta.

 

Tất nhiên, có những thách thức đi kèm với cuộc chiến dai dẳng. Ví dụ, tình trạng trì trệ kinh tế và thương vong gia tăng có thể làm gia tăng sự phản đối đối với Putin. Tuy nhiên, những nhân vật độc tài duy trì được lòng trung thành của quân đội có thể chịu đựng được những tình trạng cực kỳ nghiêm trọng, và nếu chỉ khó khăn kinh tế thì nó hiếm khi gây bất ổn cho một nhân vật độc tài. Ví dụ, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro vẫn tại vị bất chấp kinh tế sụp đổ . Putin cũng có khả năng chịu đựng được thương vong ngày càng tăng: nghiên cứu cho thấy rằng những người độc tài cá nhân là những người lãnh đạo ít nhạy cảm nhất với những cái chết trong thời chiến vì họ chuyển chiến phí cao nhất ra khỏi những nhóm quan trọng nhất về mặt chính trị một cách hiệu quả. Đây chính xác là những gì Putin đã làm bằng cách dùng tù nhân và người dân từ những khu vực nghèo nhất của Nga để chiến đấu.

 

Trách nhiệm rất rõ ràng của Putin đối với cuộc xâm lăng có thể khiến ông đặc biệt dễ bị lật đổ.

 

Nhưng nếu Nga bị đánh bại rõ ràng – chẳng hạn như mất những phần lãnh thổ của Ukraine mà Moscow đã chiếm giữ trước cuộc xâm lăng hồi tháng Hai – thì những biện pháp bảo vệ này có thể bị mất. Nghiên cứu của hai chuyên gia khoa học chính trị Giacomo Chiozza và Hein Goemans đã tìm thấy rằng khoảng 80% tất cả những nhân vật lãnh đạo nắm quyền khi kết thúc một cuộc xung đột vẫn cầm quyền sau đó, và trong số những người lãnh đạo bị lật đổ, tất cả đều đã trải qua một thất bại quân sự. Trên thực tế, khoảng một nửa số người lãnh đạo thua trận cũng mất quyền lực.

 

Những cá nhân độc tài như Putin có xu hướng nằm trong số những người có khả năng phục hồi nhanh nhất trước những thất bại quân sự. Nhưng kỳ vọng của người lãnh đạo Nga về những gì có thể xảy ra nếu ông bị lật đổ có thể định hình  cách tính toán của ông. Những người lãnh đạo lo ngại rằng họ sẽ bị bỏ tù, bị đày ải hoặc bị hạ sát – số phận phổ biến nhất đối với những cá nhân độc tài – đặc biệt nhạy cảm với những rủi ro dù chỉ tăng lên một chút. Và trách nhiệm rất rõ ràng của Putin về cuộc xâm lăng khiến ông ta đặc biệt dễ có thể bị tấn công. Theo một nghiên cứu, những người lãnh đạo gây ra chiến tranh có động lực đặc biệt để tiếp tục chiến đấu – ngay cả khi đối phó với khó khăn – bởi vì những tác nhân trong nước sẽ muốn trừng phạt họ nếu họ thất bại.

 

Putin đã thực hiện những bước để cố giảm thiểu một số rủi ro này. Chẳng hạn, ông đã tránh trình bày rõ ràng những mục tiêu của ông ta ở Ukraine, tạo ra sự mơ hồ có thể giúp ông bán một kết quả không hoàn hảo cho khán giả trong nước. Đối với mục đích của ông, một trận hòa có thể là đủ: Chiozza và Goemans nhận thấy rằng kết quả quân sự mà cả hai bên đều có thể tuyên bố rằng họ đã đạt được điều gì đó ít ảnh hưởng đến sự ổn định của một người lãnh đạo. Nhưng trước khi Putin sẵn sàng đồng ý với một dàn xếp – và từ bỏ lợi ích tăng cường ổn định của chiến tranh – ông ấy phải đối phó với kiểu thất bại rõ ràng có thể đe dọa đến việc nắm giữ quyền lực của mình.

 

.

LÚN QUÁ SÂU

 

Hầu hết những cuộc chiến đều diễn ra nhanh chóng, chỉ kéo dài trong vài tháng. Nhưng những cuộc chiến kéo dài hơn một năm có khuynh hướng kéo dài hơn mười năm. Với cam kết về mặt ý thức hệ của Putin đối với cuộc xâm lăng và những động cơ hình thành tiến trình đi đến quyết định của ông, cuộc chiến tranh Nga–Ukraine có thể rất phù hợp với tiền lệ lịch sử này. Một cuộc xung đột kéo dài như vậy đặt ra những rủi ro nghiêm trọng cho Ukraine và phương Tây. Một cuộc chiến tranh kéo dài không chỉ làm gia tăng thương vong và sự tàn phá của Ukraine; nó cũng sẽ làm tăng xác suất sự ủng hộ của phương Tây sẽ giảm dần, dẫn đến kết quả tồi tệ nhất có thể xẩy ra cho cuộc chiến này: một cuộc chiến mà Nga có thể mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ sang Ukraine.

 

Những nguy cơ về một cuộc chiến tranh kéo dài này vẫn chưa được cân nhắc thỏa đáng trong tiến trình chọn quyết định của Washington và Châu Âu. Thay vào đó, phương Tây tập trung vào những nguy cơ leo thang, kể cả nguy cơ Putin dùng vũ khí hạch tâm. Rủi ro cụ thể đó đã khiến Hoa Kỳ và Châu Âu giảm bớt những loại vũ khí mà họ viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, cuộc chiến càng kéo dài thì sức yểm trợ của phương Tây càng giảm đi. Mặc dù sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với Ukraine vẫn mạnh mẽ trong Quốc hội Hoa Kỳ, nhưng những bình luận gần đây của Thống đốc Cộng hòa ở Florida Ron DeSantis rằng Ukraine không phải là lợi ích “sống còn” của Hoa Kỳ đã nhấn mạnh những quan điểm khác nhau trên khắp Hoa Kỳ. Theo những cuộc khảo sát của của Associated Press–Trung tâm nghiên cứu những vấn đề công NORC, sự ủng hộ của công chúng đối với việc viện trợ cho Ukraine cũng có thể đang giảm, giảm từ 60% vào tháng 5 năm 2022 xuống còn 48% hiện nay.

 

Điều đó có nghĩa là nếu Mỹ và châu Âu muốn tránh những rủi ro của một cuộc chiến kéo dài, họ phải viện trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine. Gần như ngay lập tức, Kyiv cần vũ khí quyết định và với số lượng lớn hơn. Đặc biệt, Ukraine cần nhiều đạn dược và hệ thống phòng không hơn, cũng như Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, đạn của Hệ thống hỏa tiễn phóng đa hướng và xe tăng. Hoa Kỳ và Châu Âu cũng nên tăng cường khả năng tấn công của Ukraine bằng cách viện trợ cho quân đội Ukraine những hệ thống hỏa tiễn chiến thuật: vũ khí tầm xa giúp Ukraine có khả năng tấn công ở khoảng cách xa hơn, kể cả những mục tiêu của Nga ở Crimea. Phương Tây cũng có thể tăng cường sức mạnh cho Ukraine bằng cách viện trợ những phương tiện tấn công trên không mạnh hơn, chẳng hạn như máy bay chiến đấu và máy bay không người lái tiên tiến.

 

Phương Tây đã tập trung vào những rủi  oleo thang.

 

Quan trọng là, Hoa Kỳ cần vượt qua khỏi những lời hứa khoa trương là yểm trợ Ukraine “khi nào còn cần thiết” (như Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thường nói) và đưa ra những cam kết rõ ràng về việc mãi mãi yểm trợ. Chẳng hạn, Quốc hội có thể thông qua luật đưa ra lịch trình dài hạn để viện trợ vũ khí cho Ukraine. Một kế hoạch mở rộng, rõ ràng như vậy có thể khiến Moscow trở nên bi quan hơn về tương lai của cuộc xâm lăng. Tiền và tài nguyên có nhiều khả năng hơn lời nói để định hình những tính toán của Putin về triển vọng thời chiến của ông.

 

Ukraine có thể dùng những nguồn lực này để đánh đuổi hoàn toàn lực lượng Nga ra khỏi biên giới của mình. Nhưng ngay cả khi không thể giành chiến thắng toàn diện trên chiến trường, một cuộc tấn công khả tín của Ukraine sẽ làm tăng việc Putin khả dĩ sẽ đi tìm một giải pháp với những điều khoản có lợi hơn cho Ukraine. Khả năng của Kyiv trong việc đe dọa chiếm lại lãnh thổ một cách đáng tin cậy là điều rất quan trọng trong việc định hình tính toán của Putin vì nó gởi đi một tín hiệu rõ ràng về sự kém cỏi của ông ta với tư cách là một người lãnh đạo, một điều mà Điện Kremlin không thể dễ dàng thao túng đối với khán giả trong nước. Ví dụ, nếu Kiev có thể giữ Crimea trong tình trạng nguy hiểm, Putin có thể quyết định rằng vì lợi ích tốt nhất của mình, ông nên đàm phán một giải pháp không đạt được các mục tiêu chiến tranh của mình để tránh những hậu quả nội bộ liên quan đến một thất bại nặng nề. Trong một kịch bản như vậy, Hoa Kỳ và Châu Âu phải sẵn sàng hứa đảm bảo an ninh mạnh mẽ – lý tưởng nhất là tư cách thành viên NATO cho Ukraine – điều đó sẽ bảo đảm rằng Nga sẽ không dám xâm lăng một lần nữa.

 

Chính ảo tưởng tư lợi của Putin về lịch sử và di sản của ông với tư cách là một người lãnh đạo vĩ đại của Nga đã khơi mào cuộc chiến này, và chính tư lợi của ông sẽ kết thúc nó. Hiện tại, Putin không có động lực để ngừng cuộc chiến. Điều đó có nghĩa là Ukraine hoặc phải kết thúc chiến tranh cho ông ta hoặc đe dọa Putin bằng một thất bại – một thất bại rõ ràng đến mức ông ta coi việc đàm phán là một vấn đề tự  vệ.

 

Tác giả

 

https://conference.cnas.org/wp-content/uploads/2020/05/CNAS-Andrea-thumbnail.png

Andrea Kendall-Taylor là Viện sĩ đầu ngành và Giám đốc Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới.

 

https://www.lowyinstitute.org/sites/default/files/erica-frantz.jpg

Erica Frantz là Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Tiểu bang Michigan.

 

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

 


 

Nguồn: Putin’s Forever War | Andrea Kendall–Taylor and Erica Frantz | Forign Affairs | 03/23/2023 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats